Pages

Thứ Sáu, 13 tháng 6, 2014

Tập Cận Bình: Chủ động uy hiếp, chủ động tấn công trên Biển Đông

(GDVN) - Kết hợp uy hiếp quân sự với gây sức ép ngoại giao, tranh thủ chính trị để phối hợp giải quyết, đây chính là mô hình Trung Quốc đang, sẽ áp dụng trên Biển Đông.

Đa Chiều, tờ báo của người Hoa hải ngoại ngày 13/6 bình luận, Tập Cận Bình đang điều chỉnh chiến lược quân sự quy mô lớn trên Biển Đông nên việc thị uy sức mạnh cơ bắp với máy bay, tàu chiến ở gần vị trí giàn khoan 981 (hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam - PV) không có gì là lạ.

Trên thực tế, ngay từ tháng 12/2012 Tập Cận Bình lần đầu tiên đề ra phương châm phát triển quân đội "gọi là đến, đến là đánh, đánh là thắng" ngay trong chuyến tuần du phương Nam, thị sát đại quân khu Quảng Châu và hạm đội Nam Hải. Tập Cận Bình nói câu này khi đang đứng trên chiến hạm của hạm đội Nam Hải. Đó chính là biểu hiện của của chủ động phòng ngự, chủ động uy hiếp và chủ động tấn công, Đa Chiều bình luận.

Việc Bắc Kinh điều ít nhất 6 chiến hạm hiện đại bậc nhất và ít nhất 4 máy bay quân sự ra gần giàn khoan 981 theo Đa Chiều là biểu hiện của sự chuyển ngoặt trong chủ trương của Bắc Kinh, từ chỗ chỉ "nói mồm" tới chỗ "động tay chân", kết hợp uy hiếp quân sự với gây sức ép ngoại giao, tranh thủ chính trị để phối hợp giải quyết, đây chính là mô hình Trung Quốc đang, sẽ áp dụng trên Biển Đông.

Theo Đa Chiều, giữa lúc Biển Đông đang leo thang căng thẳng (vì những hành vi gây hấn của Bắc Kinh - PV) quân đội Trung Quốc không hề do dự phô diễn sức mạnh cơ bắp ngoài dàn khoan 981 rõ ràng là đã có tính toán rất kỹ, điều đó cho thấy sự thay đổi trong mô hình xử lý vấn đề Biển Đông của Tập Cận Bình. Điều này càng nổi bật khi so sánh vụ giàn khoan 981 với những vụ căng thẳng trên Biển Đông (do Trung Quốc gây hấn) trước đó.

Tháng 5 vừa qua, Trung Quốc đã điều 5 tàu gồm 1 tàu khảo sát, 1 tàu hộ vệ, 1 tàu hậu cần và 2 tàu "chấp pháp" ra (xâm nhập trái phép) bãi Cỏ Mây để phản ứng với Philippines trong vụ kiện đường lưỡi bò và tòa án ra thời hạn để Bắc Kinh nộp bản thuyết trình quan điểm. Tháng 8 năm ngoái khi đối đầu với Philippines ở bãi Cỏ Mây, Trung Quốc cũng điều động 1 tàu hộ vệ và 1 tàu hậu cần quân sự tham gia.

Trong khi tháng 4/2012 xảy ra khủng hoảng Scarborough Bắc Kinh không sử dụng lực lượng quân sự mà chỉ dùng tàu Hải giám, Ngư chính và các thủ đoạn trừng phạt kinh tế (cấm nhập khẩu chuối, hạn chế du lịch đến Philippines). Suốt 3 tháng căng thẳng liên tục, tàu chiến Trung Quốc không hề xuất hiện ở khu vực này mà tập trận ở vùng biển phía Bắc Philippines. Nó còn được gọi là "mô hình Scarbrough", "chiến thuật cải bắp", "chiến lược cờ vây" dùng "tàu cá", tàu "chấp pháp" ở vòng trong, tàu quân sự đứng xa vòng ngoài.

Tập Cận Bình đã sẵn sàng cho 1 đến 2 cuộc chiến tranh, Đa Chiều bình luận.

Thời kỳ trước 2013, Mã Hiểu Thiên khi đó là Phó Tổng tham mưu trưởng Trung Quốc có lần đã nói với Trung tướng Võ Tiến Trung, Giám đốc Học viện Quốc phòng Việt Nam rằng Trung Quốc hy vọng Việt Nam không "làm phức tạp, lớn chuyện, đa phương hóa và quốc tế hóa vấn đề Biển Đông", "lấy đại cục duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực và giữ gìn quan hệ 2 nước làm trọng".

Nhưng lần này thì khác, sau vụ giàn khoan 981 và Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam, Phòng Phong Huy - Tổng Tham mưu trưởng Trung Quốc thăm Mỹ lớn tiếng tuyên bố cái gọi là sẽ không chấp nhận bất kỳ sự "can thiệp và phá hoại" nào từ bên ngoài với "chủ quyền" của họ trên Biển Đông, kiên quyết không rút giàn khoan. Thường Vạn Toàn, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc khi tiếp xúc với Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam cũng cao giọng cảnh báo Việt Nam "chớ phạm hết sai lầm này đến sai lầm khác, thành đại sai lầm"?!

Trong 2 năm 2011-2012, mỗi khi xảy ra căng thẳng trên Biển Đông (do những hành động gây hấn của Bắc Kinh), Trung Quốc thường công khai đề xuất đàm phán và không hề có biểu hiện dùng sức mạnh quân sự uy hiếp. Nhưng sang 2 năm 2013, 2014 thì quân đội Trung Quốc đã chủ động lên gân cùng với Bộ Ngoại giao nước này gây sức ép lên đối phương. Không những điều tàu chiến máy bay ra khu vực giàn khoan, chiến đấu cơ của Trung Quốc còn liều lĩnh áp sát máy bay quân sự Nhật Bản ở Hoa Đông 2 lần liên tục cách nhau chưa đầy 1 tháng.

Thủ đoạn Trung Quốc uy hiếp quân sự trên Biển Đông rõ ràng là một sự thay đổi căn bản trong chiến lược của Tập Cận Bình, đây là điểm khác biệt rõ nét so với người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào.

Ấy vậy mà ngày 13/6, Dịch Tiên Lương, Vụ phó Vụ Biên giới và sự vụ biển đảo thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc tổ chức họp báo nói rằng Trung Quốc không điều chiến hạm bảo vệ giàn khoan, mà tàu chiến máy bay Trung Quốc chỉ "đi ngang qua" giàn khoan, và "đứng xa chỗ tàu Việt Nam quấy rối giàn khoan"?1 Thật nực cười, trẻ con cũng không tin được.

Sự hiếu chiến, hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông ngày một gia tăng kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền. Cũng chính Đa Chiều đã bình luận, Tập Cận Bình đã sẵn sàng cho 1 đến 2 cuộc chiến tranh, hy vọng ông đừng đẩy những người dân Trung Quốc lương thiện vào nơi lửa đạn, mất xương máu vô ích chỉ để thực hiện giấc mộng bá quyền, bành trướng lãnh thổ, xưng hùng xưng bá trong một thế giới văn minh, bởi chiến tranh không phải trò đùa.

Hồng Thủy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét