Pages

Thứ Hai, 2 tháng 6, 2014

Thay đổi tư duy, lật ngược thế cờ

Đồ chơi trẻ em nhập lậu từ Trung Quốc gần như chiếm
 lĩnh thị trường trong nước. Ảnh: T.L

Hơn bao giờ hết, Việt Nam cần đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, điều chỉnh chính sách, giảm sự phụ thuộc của các doanh nghiệp Việt Nam vào các nguồn cung ứng nguyên, vật liệu từ Trung Quốc.

Việt Nam cần xúc tiến đàm phán để đi đến ký kết các hiệp định với các đối tác khác như hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - liên minh châu Âu (EU), hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) để mở ra những thị trường mới, đối tác mới.

Điều rất quan trọng là Việt Nam phải đổi mới tư duy, thực hiện đồng bộ cải cách chính trị với cải cách kinh tế, cải cách thể chế, thực hiện cạnh tranh bình đẳng, công khai minh bạch, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, lợi ích nhóm và đặc quyền đặc lợi. Đây cũng là cơ hội để phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, không phân biệt quá khứ, tôn giáo, ý kiến khác nhau trên cơ sở thống nhất vì lợi ích đất nước, vì sự phát triển phồn vinh của dân tộc, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Đây cũng là cơ hội để sử dụng người tài, khắc phục các biểu hiện lệch lạc trong chính sách cán bộ, ưu tiên “con ông, cháu cha”, “quan hệ”, đưa những người kém năng lực, phẩm chất vào bộ máy. Đây cũng là thời điểm sàng lọc cán bộ, áp dụng cơ chế bỏ phiếu tín nhiệm để tiến tới có bộ máy có hiệu quả, tinh gọn, đáp ứng yêu cầu của người dân và các cam kết hội nhập quốc tế.

Giai đoạn hiện nay đòi hỏi phải cải cách thể chế, bao gồm cả thể chế nhà nước và thể chế kinh tế thị trường, thực hiện dân chủ, công khai minh bạch, làm rõ trách nhiệm giải trình của quan chức đối với chi tiêu ngân sách nhà nước, đầu tư công, trách nhiệm đối với dân và doanh nghiệp, giảm bớt chi phí về thời gian và tiền bạc đối với người dân và doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, từng doanh nghiệp và sản phẩm, dịch vụ.

Nhà nước cần thực hiện các chương trình hình thành các ngành công nghiệp và dịch vụ trợ giúp cho dệt-may, da giày, xe máy, xe đạp, chế biến nông, lâm thuỷ sản, bao bì v.v.. Đó là những ngành có thị trường đủ lớn để hình thành công nghiệp và dịch vụ trợ giúp có hiệu quả, không như ngành ôtô có quy mô nhỏ bé trong khi có quá nhiều nhà sản xuất cạnh tranh với nhau.

Để chuẩn bị gia nhập TPP, Việt Nam phải bảo đảm hàm lượng 70% TPP cho các nguyên, vật liệu cho dệt may từ sợi trở lên nên hình thành các ngành sản xuất các phụ kiện cho dệt - may như sợi, nhuộm cúc áo, khóa kéo... là rất cần thiết và đang được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm.

Việc hợp tác nông nghiệp với Nhật Bản cũng đang có cơ hội lớn khi cả hai nước đều là thành viên TPP, Nhật Bản có thể đầu tư vào nông nghiệp, thuỷ sản ở Việt Nam sản xuất các sản phẩm có chất lượng cao, sơ chế, bao bì bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm để xuất về Nhật Bản với thuế suất bằng 0%.

Để có thể hợp tác với Nhật Bản và các nước khác, nông nghiệp Việt Nam phải tái cơ cấu, chuyển sang sản xuất quy mô công nghiệp, có lao động được đào tạo, có chuyên môn và tay nghề cao, tiếp cận được với nguồn tín dụng, khoa học-công nghệ tiên tiến. Đó là những cơ hội và thách thức to lớn đứng trước nền nông nghiệp nước ta nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Trước tình hình hiện nay, với tấm lòng yêu nước, người tiêu dùng Việt Nam nên hưởng ứng mạnh mẽ phong trào “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, không dùng những hàng nhập lậu, kém chất lượng, thậm chí độc hại từ Trung Quốc. Báo chí, truyền thông cần tích cực chỉ ra những sản phẩm độc hại, kém chất lượng để người tiêu dùng chủ động tránh. Kinh nghiệm cho thấy bia Trung Quốc, xe máy Trung Quốc kém chất lượng đã không có chỗ đứng trên thị trường Việt Nam. Đó là cơ hội để các nhà sản xuất và phân phối Việt Nam vươn lên đưa hàng về đến nông thôn với giá cạnh tranh, chiếm lĩnh thị trường trong nước. Các tỉnh biên giới cùng với các cơ quan có trách nhiệm cần đẩy mạnh cuộc chiến đấu chống buôn lậu, cải thiện đời sống đồng bào dân tộc để đồng bào không cần buôn lậu cũng đủ sống, đồng thời phải truy tìm tận gốc những chủ đầu nậu để triệt tận gốc nạn buôn lậu này. Về lâu dài, các sản phẩm Việt Nam phải cạnh tranh được với các sản phâm Trung Quốc về chất lượng, giá cả thì mới hạn chế được buôn lậu và giữ vững thị trường nội địa trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu sắc.

TS. Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cao cấp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét