∇ Nghe Bài Này
|
Nếu như trước đây, nhà buôn Trung Quốc sang Việt Nam mua lá điều non, rễ hồ tiêu, rễ sim, mật gấu, móng trâu, sầu riêng non, đỉa, rong biển cùng hàng loạt các nông sản, hải sản khác khắp ba miền đất nước thì hiện nay, họ tập trung vào miền Trung để mua hoa thanh long trước khi nở một ngày với giá cao tương đương giá trái.
Những kẻ tiếp tay cho thương lái Trung Quốc
Một nông dân tên Lương, chuyên trồng thanh long ở huyện Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận, chia sẻ: “Ở huyện HàmThuận Bắc này thì bây giờ nhu cầu xuất thanh long rất nhiều, mấy trăm ngàn hecte vì lúa không đáp ứng được nhu cầu của người dân, người dân thấy thanh long lên giá nên vừa rồi họ trồng thanh long nhưng không biết bên huyện căn cứ vào cái gì mà phạt người dân rất cao, cứ 400 trụ trở lên là phạt sáu triệu đồng. Thanh long là cây làm giàu nhanh nhất của tỉnh Bình Thuận này, mà không xuất được tức là người dân chấp nhận nghèo. Tức là khi Trung Quốc qua mua hoa như vậy thì không thấy chính quyền đả động gì, và chắc chắn chính quyền cũng chẳng biết lái họ mua làm gì.”
Theo ông Lương, chuyện thương lái Trung Quốc lừa nông dân Việt Nam vốn là chuyện như cơm bữa, chắng có gì là lạ lẫm cả, chỉ có lạ lẫm chăng là người nông dân Việt Nam thật thà đến độ bị lừa gạt nhiều lần mà vẫn cứ tin, hễ cứ nghe nhiều tiền là làm, chẳng lường trước hậu quả tai hại của nó, thậm chí có những cán bộ đầu ngành phát biểu nghe cứ như trẻ con không biết gì.
Như trường hợp ông Nguyễn Ngọc Hưng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Thuận đã khẳng định trên báo Đất Việt rằng không có thông tin về việc thương lái Trung Quốc thua mua hoa thanh long, ngày trước có người đến mua nhưng dân không bán.
Ông Hưng cho rằng: “Vào mùa này, người dân không để cho thanh long ra quả, vì người dân dưỡng cây và mùa này cây cho ra hoa nhiều mà giá lại rẻ. Nếu ai mua hoa về cho trâu, bò ăn thì có chứ chưa có hiện tượng thương lái Trung Quốc mua hoa thanh long”.
Cũng về vấn đề này, ông Trần Ngọc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Thanh long Bình Thuận cho biết, chưa nghe thông tin thương lái Trung Quốc thu mua hoa thanh long. Theo ông Hiệp, tuy không biết thương lái Trung Quốc thu mua hoa thanh long với mục đích gì nhưng theo ông đây là việc tốt, việc bán hoa thanh long giúp người dân tăng thêm thu nhập hơn.
Trong khi Trung Quốc cũng đang hướng đến việc xuất khẩu thanh long mà lại có nhiều thương lái thu mua hoa thanh long của Việt Nam, ông Hiệp cho rằng việc này không ảnh hưởng đến thanh long nước ta, viêc thu mua chỉ với mấy ngàn/kg và mua ít thì không đáng lo ngại. Nếu mà mua hoa thanh long với hàng trăm ngàn/kg thì mới đáng lo.
Với ông Lương, đây là những ví dụ điển hình mà ông lấy làm bức xúc và cho rằng đó là một phát biểu ngu xuẩn của một cán bộ chức trách, hoặc nếu không ngu xuẩn thì cũng có vấn đề mờ ám trong quan hệ với các nhà buôn Trung Quốc. Bởi không thiếu kẻ mang danh là cán bộ của nhân dân nhưng lại tiếp tay cho nhà buôn Tàu Cộng để hại người Việt Nam chỉ vì mấy đồng hoa hồng của họ.
Riêng với ông Lương, ông đã quyết tâm đoạn tuyệt với bất kỳ nhà buôn Trung Quốc nào trong gần mười năm nay nên nếu như có cắt tỉa, bỏ bớt hoa thanh long để giữ cho cây đậu trái đạt yêu cầu thì ông cũng không bao giờ bán số hoa bỏ đi này cho họ, dù số tiền có lên đến cả chục triệu đồng ông vẫn để lại ủ làm phân hoặc cho trâu giẫm. Đó cũng là cách ông làm để thể hiện lòng yêu nước trong tình hình dầu sôi lửa bỏng trên biển Đông hiện nay.
Nông dân vẫn chưa nhận ra chân tướng kẻ gian
Một nông dân khác, tên Nghĩa, ở Hàm Tân, Bình Thuận, chia sẻ: “Bây giờ là có hai vấn đề, mình mua phân rẻ của nó, nó bán phân. Mà trong phân là có vi trùng, vi rút làm cho trái thanh long bị nấm. Thứ hai nữa là giống ở Tây Nguyên, nó mua gốc tiêu thì ở đây nó đi mua hoa thanh long để triệt thị trường thanh long ở đây, thanh long ra hoa, nó mua hoa làm gì có thanh long được. Nó ghê thế mà bộ chính trị của đảng Cộng sản nó không biết gì, nó vẫn muốn hữu nghị, vẫn muốn 4 tốt 16 chữ vàng thì làm sao?”
Theo Ông Nghĩa, sở dĩ người Trung Quốc vẫn có thể ngang nhiên sang mua hoa thanh long trong mùa cây kết trái và không dừng ở đó, họ còn chọn những bông hoa đúng yêu cầu của họ, nghĩa là còn một ngày nữa mới nở và mỗi chùm ba bông phải nặng được từ 9 lạng cho đến một ký mốt là vì một phần do người nông dân quá ham lợi trước mắt, phần khác do những tay cò vốn là người có máu mặt đối với nông dân.
Mặc dù đã bị lừa gạt nhiều lần nhưng người nông dân một số nơi không bao giờ chịu suy nghĩ vì sao mình bị gạt và ai đã gạt mình, chỉ đơn giản, họ nghe có tiền là bán, không cần nghĩ đến chuyện lâu dài. Thật ra, nguyên nhân chính dẫn đến điều này cũng do người nông dân vốn đã từng quá sức nghèo khổ và hiện tại vẫn chưa thoát được nghèo, đối diện với bão giá và thất nghiệp.
Phần khác, họ không có thông tin, nếu có chăng chỉ là những chương trình của nhà nước phát thanh, phát sóng lúc nào cũng tô hồng chính sách và những luận điệu theo kiểu nhà nước luôn giám sát chặt chẽ mọi hoạt động của ngành nông nghiệp nhằm giúp người nông dân nhanh làm giàu. Chính vì nghe như thế nên nông dân luôn mơ hồ rằng một nhà buôn đã có các cán bộ dẫn dắt thì đương nhiên là nhà buôn tốt. Và người nông dân cũng ít hiểu biết, thậm chí không biết gì về hợp đồng, văn bản ký kết mua bán nên chỉ nói bằng miệng và làm, đến khi đổ vỡ, không biết kiện ai…
Trong khi đó, cây thanh long đang mùa đơm nụ, những bông hoa nặng được ba lạng trở lên là những bông đậu trái tốt và đó cũng là nơi tập trung năng lượng của cây. Ngay trong ngày gần nở hoa, mọi thứ năng lượng ở gốc sẻ tận hiếng cho những bông hoa này, nếu ngắt cuống hoa, lượng mủ sẽ chảy liên tục và không ngưng nghỉ trong vòng hai đến ba ngày bởi lúc, mủ của những bông hoa lớn rất lỏng. Đây là tố chất chỉ có ở một số cây đặc biệt, trong đó có cây thanh long.
Và một khi bị ngắt những bông hoa lớn, năng lượng của cây sẽ suy kiệt, dẫn đến tình trạng rễ cây liên đới bên dưới bị thối, chỉ cần một trận mưa biển, cây thanh long có thể gục đổ mà không rõ nguyên nhân. Một khi người Trung Quốc dám mua hoa thanh long với giá tương đương trái của nó thì đương nhiên là có chuyện chẳng lành. Rất có thể, mùa sau, cây thanh long sẽ suy kiệt và cho trái rất ít. Trong khi đó, lượng trái cây từ Trung Quốc nhập sang Việt Nam trong hai tháng trở lại đây giảm đáng kể.
Rất có thể đây là chiến lược lâu dài của người Trung Quốc nhằm củng cố thị trường đang bị hụt dần của trái cây Trung Quốc tại Việt Nam.
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam
.
.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét