∇ Nghe Bài Này
|
Cách nay tròn 25 năm, thảm sát Thiên An Môn xảy ra tại Trung quốc, chấm dứt một phong trào đòi dân chủ của quốc gia này trong biển máu. Những người Việt nam có quan tâm đến dân chủ cho đất nước nghĩ gì về sự kiện này?
25 năm sau Thiên An Môn
Ngày 4 tháng sáu năm 1989, quân đội và xe tăng của quân giải phóng nhân dân Trung hoa tràn vào quảng trường Thiên An Môn ở thủ đô Bắc Kinh, đàn áp những người sinh viên tụ tập ở đó hàng tháng trước để đòi dân chủ. Hàng trăm, và có thể là hàng ngàn người đã chết trong sự kiện này, một trong những sự kiện đẫm máu nhất lịch sử Trung quốc hiện đại. Trong những ngày này của năm 2014, 25 năm sau Thiên An Môn, các hãng thông tấn nước ngoài cho biết là an ninh thủ đô Bắc Kinh được tăng cường, nhiều vụ bắt bớ xảy ra trước đó để ngăn cản sự tụ tập tưởng niệm những nạn nhân Thiên An Môn.
25 năm vừa đủ để một thế hệ mới sinh sau Thiên An Môn trưởng thành. Đối với những người này dường như ký ức đã có phần phai lạt. Chị Lang Tinh, một cư dân Bắc Kinh lớn lên sau Thiên An Môn nói với chúng tôi rằng chuyện đó cũ rồi.
Lịch sử cũng có nói đến chuyện này. Học sinh sinh viên vẫn có thể đọc được trong sách. Không có giấu đâu, nhưng chắc cũng qua lâu năm rồi nên chỉ học qua thôi, không có nói nhiều và không có thảo luận nhiềuChị Lang Tinh
“Mỗi năm đến lúc này thì đi qua con đường Tràng An, đại lộ trước Thiên An Môn thì thấy là cảnh sát tăng cường lực lượng.
Lịch sử cũng có nói đến chuyện này. Học sinh sinh viên vẫn có thể đọc được trong sách. Không có giấu đâu, nhưng chắc cũng qua lâu năm rồi nên chỉ học qua thôi, không có nói nhiều và không có thảo luận nhiều.”
Một cựu sinh viên Việt nam tại Bắc Kinh cũng nói với chúng tôi là đối với thế hệ trẻ ở Trung quốc, họ không biết nhiều về Thiên An Môn. Nhưng dù vậy, dường như chính quyền Bắc Kinh vẫn lo ngại những người còn nhớ về biến cố này. Trước ngày 4/6/14 ông cựu thư ký của nguyên Tổng bí Thư đảng Triệu Tử Dương bị nhà cầm quyền đem đi đâu không rõ dù ông đã 81 tuổi.
Sự kiện Thiên An Môn khi xảy ra cũng không được truyền thông rộng rãi ở Việt Nam. Ông Huỳnh Ngọc Chênh, cựu phóng viên báo Thanh Niên nhớ lại
“Hồi đó thông tin còn bưng bít ở Việt nam nên cũng nghe bên Trung quốc có biểu tình, có đàn áp, nhưng không biết rằng cái qui mô đàn áp nó ghê rợn như vậy. Mình thấy nó ghê gớm lắm nhưng mà cũng không ngạc nhiên. Đối với nhà nước cộng sản như Trung cộng đã từng giết hàng triệu người qua cải cách ruộng đất, cách mạng văn hóa, đấu đá nội bộ thì chuyện đó không ngạc nhiên lắm.”
Hồi đó thông tin còn bưng bít ở Việt nam nên cũng nghe bên Trung quốc có biểu tình, có đàn áp, nhưng không biết rằng cái qui mô đàn áp nó ghê rợn như vậyÔng Huỳnh Ngọc Chênh
Và đối với thế hệ thanh niên Việt nam hiện nay, Thiên An Môn cũng không phải được nhiều người biết đến. Người cựu sinh viên Việt nam tại đại học nhân dân Bắc Kinh cho rằng sự thiếu hiểu biết đó cũng nằm trong cái chung về sự thờ ơ với chính trị của sinh viên hiện nay.
“Đại đa số sinh viên Việt nam hiện nay không quan tâm gì về chính trị của đất nước cả.”
Thanh niên VN trước tình hình của đất nước
Tuy nhiên, có một thiểu số những người trẻ Việt Nam cũng tưởng nhớ Thiên An Môn và cũng có nhiều suy nghĩ về chính tình hình dân chủ tại Việt Nam. Anh Nguyễn Anh Tuấn, cựu sinh viên học viện hành chính quốc gia, hiện đang làm việc cho tổ chức dân sự Voice nói với chúng tôi:
“Sự kiện Thiên An Môn cho em sự hy vọng lẫn nỗi thất vọng. Sự hy vọng là trong một chế độ toàn trị đến mức như ở Trung quốc những người sinh viên vẫn sẳn sàng đứng lên đòi tự do dân chủ. Còn sự thất vọng là nó bị đàn áp trong bể máu.
Còn nếu đặt trong sự so sánh tương quan giữa Việt nam và Trung quốc đều có cùng chế độ toàn trị và đàn áp giống nhau thì người Trung quốc dù sao cũng có một thế hệ sinh viên để tự hào. Hôm qua khi xem lại các bức ảnh ông Lý Bằng tiếp các lãnh tụ sinh viên thì thấy thái độ của họ rất là tự tin trước một người ở đỉnh cao quyền lực.
Nhìn lại phong trào ở Việt nam thì thấy rất có nhiều hạn chế mà cụ thể là đến thời điểm này số người tham gia rất ít ỏi.”
nếu đặt trong sự so sánh tương quan giữa Việt nam và Trung quốc đều có cùng chế độ toàn trị và đàn áp giống nhau thì người Trung quốc dù sao cũng có một thế hệ sinh viên để tự hàoAnh Nguyễn Anh Tuấn
Người thuộc thế hệ lớn tuổi như Ông Huỳnh Ngọc Chênh rút ra một suy luận từ sự kiện Thiên An Môn:
“Qua sự kiện Thiên An Môn thì thấy là các cuộc đấu tranh của sinh viên, của nhân dân theo kiểu bất bạo động đối với một nhà nước như Trung cộng thì rất khó thành.
Qua đó thì nhà nước Việt nam cũng rút kinh nghiệm nên người ta không muốn có tập trung, biểu tình dù là biểu tình rất chính đáng.”
Anh Nguyễn Anh Tuấn thì nói thêm là các tổ chức thanh niên của nhà nước như đoàn thanh niên cộng sản mà nhiều người gọi là quốc doanh kiểm soát khá thành công sinh viên và thanh niên Việt nam hiện nay.
Nói cho cùng nếu có bạo động thì một thể chế độc tài rất dễ sụp đổ nhưng mà không đơn giản như vậy, nếu chưa chín mùi mà bạo động như thế thì có thể bị dìm trong máuTiến sĩ Hà Sĩ Phu
Tiến sĩ Hà Sĩ Phu, một nhà bất đồng chính kiến tại Việt nam thì nói rằng sẽ rất là nguy hiểm khi khuynh hướng đấu tranh bất bạo động không thành công.
“Nếu hai bên đều giở vũ lực ra thì có đổ máu, mà cái điều đó thì không ai muốn cả. Tôi nghĩ rằng nếu nhà nước không có những biện pháp thích nghi thì cái việc đổ máu sẽ rất là bất lợi và không thể nói là bên nào thắng được. Nói cho cùng nếu có bạo động thì một thể chế độc tài rất dễ sụp đổ nhưng mà không đơn giản như vậy, nếu chưa chín mùi mà bạo động như thế thì có thể bị dìm trong máu, chứ không tốt chút nào cả. Tôi tiếc cái điều đó, nhưng có lẽ mọi lời khuyên với chính quyền hiện nay rất là khó.”
25 năm sau ngày xảy ra thảm sát Thiên An Môn ở một quốc gia có nhiều sự tương đồng với Việt nam, một cuộc khủng hoảng lại nổ ra, đó là đường lối đối ngoại muốn làm bạn với tất cả của Việt nam đang bị thách thức lớn lao khi Trung quốc kéo giàn khoan nước sâu của họ vào trong vùng thềm lục địa Việt nam.
Việt nam sẽ ứng xử ra sao? Một liên minh khả dĩ của Việt nam với các quốc gia theo khuynh hướng dân chủ phương tây để bảo vệ quốc gia lại đòi hỏi sự nới rộng về nhân quyền và tự do dân chủ trong nước như nhiều chính trị gia phương Tây lẫn các chuyên gia, nhà quan sát chính trị Việt nam thẳng thắn nêu lên cũng như các tiếng nói đối lập từ trong nước.
Một câu hỏi lớn về tiến trình dân chủ hóa Việt nam cùng với sự toàn vẹn lãnh thổ không chỉ dành cho chính phủ Việt nam mà còn cho cuộc đấu tranh dân chủ, nhất là khi đất nước vừa trải qua một cuộc bạo động chết người mất kiểm soát trong các khu công nghiệp ngày 13/5 vừa qua
.
.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét