Pages

Thứ Hai, 16 tháng 6, 2014

Xâm chiếm Hoàng Sa bằng vũ lực, Trung Quốc chối bay chối biến

(VnMedia) - Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Trung Quốc gần đây cho rằng Việt Nam nói Trung Quốc dùng vũ lực để chiếm Hoàng Sa là sai, ông Trần Duy Hải - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia đã thẳng thắn phát biểu, đó là những phát biển xuyên tạc và bóp méo sự thật. Việc Trung Quốc dùng vũ lực xâm chiếm Hoàng Sa là một sự thật lịch sử mà không ai có thể chối cãi.

Chiều nay (16/6), tại Hà Nội đã diễn ra cuộc họp báo quốc tế về tình hình Biển Đông. Đây là lần thứ 5 Bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức họp báo quốc tế kể từ khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Tại cuộc họp báo, trả lời đề nghị bình luận của phóng viên về việc Trung Quốc trong thời gian gần đây cho rằng Việt Nam nói Trung Quốc dùng vũ lực để chiếm Hoàng Sa là sai, ông Trần Duy Hải - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia, thẳng thắn cho biết: “Năm 1974, Trung Quốc đã lợi dụng tình hình chiến tranh để tấn công lực lượng Việt Nam Cộng hòa đồn trú trên các đảo của Hoàng Sa. Đây là một sự thật lịch sử mà ngay cả các trang mạng của Trung Quốc cũng thừa nhận. Việc sử dụng vũ lực xâm chiếm Hoàng Sa khẳng định Trung Quốc không thể có chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa”.




Hình ảnh tại cuộc họp báo chiều nay
(Ảnh: Vietnam+)

Trung Quốc luôn miệng đòi quần đảo Hoàng Sa là của họ nhưng thực chất, năm 1974, Trung Quốc đã sử dụng vũ lực để chiếm đóng toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Việt Nam Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam đều đã lên tiếng phản đối hành động đó của Trung Quốc và khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.

Từ góc độ luật pháp quốc tế, việc chiếm đóng bằng vũ lực lãnh thổ của một quốc gia có chủ quyền là hành vi phi pháp và không thể đem lại chủ quyền cho Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa. Hiến chương Liên Hợp Quốc, luật pháp quốc tế quy định cấm sử dụng vũ lực xâm phạm lãnh thổ của một quốc gia khác.

Bị vong lục ngày 12/5/1988 của Trung Quốc - một văn bản chính thức của Bộ Ngoại giao Trung Quốc - cũng khẳng định rõ mộtnguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế là “xâm lược không thể sinh ra chủ quyền” đối với một vùng lãnh thổ. Không có quốc gia nào trên thế giới công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa và việc Trung Quốc nói Trung Quốc có chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là hoàn toàn không có cơ sở pháp lý. Vì thế, lập luận của Trung Quốc cho rằng khu vực hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981, cách quần đảo Hoàng Sa 17 hải lý là “nằm trong chủ quyền” của họ là hoàn toàn sai trái.

Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa cũng như Trường Sa.

Việt Nam bác bỏ mọi yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa vì Trung Quốc hoàn toàn không có bất kỳ cơ sở nào để đòi hỏi chủ quyền ở đây. Tư liệu lịch sử mà Trung Quốc đưa ra đều không có nguồn gốc chính xác, đều là của các cá nhân, không phải của nhà nước, và đều là những suy diễn tùy tiện. Về vấn đề thực thi chủ quyền theo danh nghĩa nhà nước, các tài liệu của Trung Quốc đều không chứng tỏ được việc nhà nước phong kiến Trung Quốc từng thiết lập chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa.

Tại các cuộc họp báo quốc tế về tình hình Biển Đông, Việt Nam luôn nhất quán khẳng định quan điểm, khu vực Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Giàn khoan này được dịch chuyển nhưng vẫn nằm sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam. Trong các cuộc họp báo, đại diện các Cục Kiểm ngư và Cảnh sát biển Việt Nam cũng đã đưa ra hàng loạt hình ảnh, video… chứng minh cho hành động hung hăng và ngang ngược của các tàu bảo vệ Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Hoạt động của giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) và các tàu bảo vệ của Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng quyền, chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông năm 2002 (DOC) và các thỏa thuận có liên quan khác giữa Lãnh đạo cấp cao hai nước.

Việt Nam trước sau như một kiên quyết phản đối các hành động của Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) và các tàu bảo vệ ra khỏi vùng biển của Việt Nam.

Việt Nam đã và đang kiên trì nỗ lực và thể hiện thiện chí giải quyết căng thẳng hiện nay trên biển Đông thông qua con đường đàm phán và các biện pháp hòa bình nhưng Trung Quốc đã không đáp lại thiện chí của phía Việt Nam, ông Trần Duy Hải nhấn mạnh. Việt Nam đã tiến hành hàng chục các cuộc tiếp xúc với Trung Quốc nhưng Trung Quốc vẫn khăng khăng không chịu rút giàn khoan ra khỏi vùng biển Việt Nam. /Kiệt Linh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét