Pages

Thứ Tư, 4 tháng 6, 2014

Xung đột biển đảo ở châu Á – Phan Ba

Phan Ba dịch
Tất cả các bản đồ châu Á của Trung Quốc đều có một phần đặc biệt ở góc phía dưới bên phải mà biên giới Trung Quốc trên biển Đông được vẽ ra ở trong đó: nó gần chạm bãi biển của Malaysia và Philippines. Đối với người Trung Quốc, đường biên giới này là một ‘biên giới chiến lược’, chạy gần hòn đảo cực Nam của họ.
Tất cả các xung đột vì những hòn đảo đều có các lý do cụ thể: đó là về những xúc cảm dân tộc đã bị tổn thương, về an ninh cho những con đường hàng hải, về nhiều tiền. Ai thống trị quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thì sẽ kiểm soát đoạn đường quan trọng giữa Tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Nó quan trọng cho hạm đội Mỹ, nhưng cũng cho cả tàu thương mại, chạy qua đây với những lượng hàng hóa và nguyên liệu khổng lồ.
Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nguồn: economist.com
Thêm vào đó, ở đây giàu nguồn cá, hàng triệu người trong các quốc gia quanh đấy sống nhờ đánh bắt cá. Nhưng cái quan trọng nhất: theo số liệu Trung Quốc, được phỏng đoán có ở trong vùng này là tròn 25 tỉ mét khối khí đốt và, tùy theo tính toán, 28 tới 105 tỉ thùng dầu. Để so sánh: cho tới nay có tròn 650 tỉ thùng được được khai thác trên đất liền và dưới biển. Ngoài ra, có thể khai thác được 370.000 tấn phosphor. Các nhà địa chất học phỏng đoán có gần 88 tỉ thùng dầu ở về phía Bắc của quần đảo Trường Sa.
Cũng tương tự như thế ở quần đảo Senkaku: vào đầu những năm 60, các chuyên gia, được Hội đồng Kinh tế và Xã hội Liên Hiệp Quốc giao nhiệm vụ, đã tìm thấy trầm tích được phỏng đoán là có chứa dầu ở trên một diện tích 80.000 dặm vuông ở thềm lục địa và có thể giàu trữ lượng như trầm tích ở Vịnh Ba Tư.
Cả ở biển Hoa Đông lẫn ở biển Đông, tình trạng pháp lý là hoàn toàn không rõ ràng. Các yêu cầu chủ quyền được ghi nhận tại Liên Hiệp Quốc ở New York đều dựa trên đường bờ biển, vùng 12 dặm, vùng đặc quyền kinh tế (200 dặm), vùng đặc quyền kinh tế ‘mở rộng’ và câu hỏi, thềm lục địa bắt đầu ở đâu và chấm dứt ở đâu, cái gì là một hòn đảo và cái gì chỉ là một tảng đá.
Điều luật và những diễn giải chúng được lôi ra, bản đồ hàng hải cũ được trưng bày – cuối cùng thì hoạt động ở đấy chỉ là chính sách vì lợi ích. Trung Quốc và Đài Loan, ngoài ra thì là kẻ thù của nhau, thống nhất trong trường hợp này. Họ lý luận, rằng người Trung Quốc đã sống ở quần đảo Trường Sa trước đây hàng thế kỷ, điều bị các quốc gia khác bác bỏ: sống lâu dài ở đấy là điều hoàn toàn không thể, vì không có nước uống trên các hòn đảo này. Nhưng điều này theo luật biển quốc tế thì lại là điều kiện tiên quyết để tuyên bố chủ quyền.
Quần đảo Hoàng Sa được vẽ trên các bản đồ biển Trung Quốc từ thời nhà Nguyên (1271 – 1368), cái được Bắc Kinh đánh giá như là bằng chứng cho các chủ quyền của họ. Sau đấy, người Việt sở hữu chúng, rồi đến người Pháp, những người chiếm lấy chúng như một phần của thuộc địa Việt Nam của họ. Cả người Đức cũng đã có ở đấy năm 1883. Họ muốn đo đạc vùng đấy, từ những lý do nào đó, nhưng lại rút lui sau khi Bắc Kinh phản đối.
Hai năm sau khi chiếm lấy quyền lực năm 1949, những người Cộng sản Trung Quốc tuyên bố các hòn đảo đó thuộc lãnh thổ của họ. Trong những năm sau đó, Hải quân Trung Quốc đóng quân trên một vài hòn đảo, năm 1974, 18 thủy thủ người Việt đã thiệt mạng trong một trận hải chiến.
Nguồn hình: chuacuuthe.com
Rồi người Trung Quốc bắt đầu quan tâm đến quần đảo Trường Sa. Họ dần dần chiếm đảo đá ngầm Vành Khăn, Châu Viên. Ngay đến những bãi cát nằm dưới mực nước lúc triều lên cũng được Bắc Kinh tuyên bố là sở hữu của họ. Để củng cố chúng, để xây bến cảng, hải đăng và lối vào, người Trung Quốc chẳng ngần ngại cho nổ tung các rạn san hô.[1]
Hiện giờ, người Việt Nam kiểm soát 21, người Philippines chín, người Trung Quốc chín, người Malaysia năm đảo và người Đài Loan một.[2]
Ở phía Đông, Nhật Bản quả quyết rằng họ đã khám phá ra quần đảo Senkaku năm 1884 và không tìm thấy ở đấy dấu vết nào cho thấy rằng đã từng có người ở đó trước họ, như người Trung Quốc chẳng hạn. Tokyo kiểm soát những hòn đảo này từ 1895 cho tới khi thất trận trong Đệ nhị thế chiến năm 1945.
Người Trung Quốc và Đài Loan thì ngược lại giải thích rằng “Các hòn đảo đấy thuộc chúng tôi” – chính xác hơn là thuộc thành phố Đầu Thành trong tỉnh Nghi Lan trên Đài Loan. Lý lẽ: người Trung Quốc đã khám phá ra quần đảo này trong thế kỷ 16, điều, ngoài những việc khác, được chứng minh qua một tấm bản đồ biển cũ được tìm thấy ở chợ trời trong Nam Kinh, và quản lý cho tới 1895. Rồi chúng rơi vào tay kẻ chiến thắng là Nhật Bản trong Chiến tranh Trung-Nhật. Cả Đài Loan cũng đã đổi chủ lúc đó.
Năm 1945, các cường quốc chiến thắng đã tước quyền kiểm soát nhiều hòn đảo của người Nhật, cũng như quần đảo Senkaku. Người Mỹ quản lý chúng cho tới năm 1972 và cuối cùng giao trả chúng lại cho quận Okinawa. Để chứng minh, rằng mình chính là sở hữu chủ chính danh, Tokyo đã lôi ra tất cả các tập bản đồ và sách lịch sử chính thức của người Đài Loan và Trung Hoa lục địa. Cho tới năm 1979, chúng đều chỉ ra rằng những hòn đảo đó là lãnh thổ Nhật.[3]
Nhưng tất cả còn rắc rối nhiều hơn nữa: vào lúc bước sang thế kỷ mới, doanh nhân người Nhật Tatsushiro mua bốn hòn đảo, ông cho 200 người ra đấy định cư, để làm cá. Năm 1940, nhà máy đóng cửa, kể từ đấy không có một bóng người sống trên đảo, chỉ một vài nhà hoạt động người Nhật là dựng một đèn hiệu ở đó. Con trai của ông ấy, Yoshitsugu Koga chết năm 1978, người vợ góa bán hai hòn đảo cho một người tên là Kurihara Kunitatsu, người điều hành một doanh nghiệp hôn nhân ở Saitama gần Tokyo. Hiện giờ chính phủ Nhật đang thuê các hòn đảo đó lại từ ông ấy.[4]
Tiếp theo vụ việc quanh thuyền trưởng Zhan là một cuộc cãi lộn ngoại giao gay gắt giữa Bắc Kinh và Tokyo. Vì người Nhật muốn trừng phạt người thuyền trưởng Trung Quốc đó, người Trung Quốc về phần mình bắt giữ bốn người Nhật và có thời gian ngưng bàn đất hiếm cho Nhật. Ở Trung Quốc, những người dân tộc chủ nghĩa biểu tình. Đặc biệt, sự kiện ngư dân Zhan phải ra trước một tòa án Nhật, đã khiến cho chính phủ Trung Quốc nổi giận, vì đấy là một cuộc tấn công chủ quyền của họ. Thiệt hại cho quan hệ song phương là ‘không thể hàn gắn được’, cơ quan tiếng Anh của ĐCS China Daily giải thích.
Thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc Zhan Qixiong. Hình: saigontin.net
Cuối cùng, người Nhật trả tự do cho Zhan vào ngày 24 tháng 9 năm 2010, trước một phiên xử tại tòa. Ở làng của mình, ông ấy được chào mừng như một người anh hùng. Chính phủ Trung Quốc yêu cầu người Nhật phải xin lỗi cho lần bắt giữ được cho là trái phép đó, như là câu trả lời, họ nhận được hóa đơn tính tiền sửa chữa các con tàu.
Cả đồng nghiệp của Zhan, Su Chengfen cũng đã ở ba ngày trong trại giam của Việt Nam, cùng với 79 thủy thủ khác. Ở biển Đông, bầu không khí đã trở nên căng thẳng hơn trong thời gian vừa rồi. Bắc Kinh yêu cầu các công ty dầu BP và Exxon hãy chấm dứt tìm kiếm dầu trong những vùng biển do Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. Ngày càng có nhiều tàu chiến qua lại trong vùng, người Trung Quốc bắt hàng trăm ngư dân Việt trong năm 1009 và 2010. Năm 2011, căng thẳng tiếp tục leo thang: ba tàu Trung Quốc cắt dây cáp của một tàu nghiên cứu thuộc công ty PetroVietnam, theo chính phủ Philippines, hai chiếc máy bay MiG của Trung Quốc đã lấn ép một chiếc máy bay tuần tra của họ.
Khi Manila thông báo trong tháng 3 năm 2011, rằng một công ty Anh quốc đã kết thúc các khảo sát đáy biển trên Reed Bank, 150 kilômét về phía Đông của Trường Sa, Bắc Kinh phản ứng ngay tức khắc: nếu chính phủ Trung Quốc không cho phép thì cuộc tìm kiếm dầu hay khí đốt trong những vùng biển nẳm dưới luật pháp Trung Quốc là một “sự xâm phạm chủ quyền Trung Quốc” và qua đó “bất hợp pháp và không có giá trị”, nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Khương Du tuyên bố.[5]
Năm 2010, người Mỹ đã can thiệp. Họ ủng hộ đàm phán và chống đối việc đe dọa dùng vũ lực, nữ Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hillary Clinton tuyên bố trên ‘Diễn đàn khu vực châu Á’ tại Hà Nội trong mùa Hè. Và bà ấy thêm vào: thuộc mối ‘quan tâm quốc gia’ của người Mỹ là việc tất cả các bên thống nhất một cách hòa bình. Đó là một lời cảnh báo rõ ràng cho người Trung Quóc, cái đã không khiến cho Bắc Kinh hài lòng. Trung Quốc chống lại một sự ‘quốc tế hóa’ cuộc tranh cãi này, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Dương phản lại và có lý trong logic của ông ấy: tại sao người ta lại phải ‘quốc tế hóa’ những gì đã thuộc về mình rồi? Và ông ấy cảnh báo Clinton, hãy dè dặt ở trong vùng này: “Châu Á đã đứng dậy và đã lấy lại được danh dự của mình.”[6]
Trong khi đó thì tất cả đã có lần trông thân thiện hơn rất nhiều. Bắc Kinh biểu lộ sự thông hiểu trên một hội nghị ASEAN ở Phnom Penh năm 2002. Tất cả các bên hứa sẽ ‘dè dặt’ và tránh các hoạt động có thể gây xung đột. Nhiều chính khách Đông Nam Á đã nhẹ nhõm.[7]
Tuy vậy, đấy chỉ là một lời tuyên bố không có gì ràng buộc, hầu như không hơn một ‘quy tắc ứng xử’. Tám năm sau đó, chính phủ Trung Quốc lại tạo bất ổn. Theo thông tin của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Hillary Clinton, họ tuyên bố những hòn đảo đó là thuộc ‘lợi ích cốt lõi’ của đường lối chính trị của họ. Nếu như Clinton hiểu đúng người đối thoại với bà, thì người ta đã leo thang thêm một bậc nữa. Cả Đài Loan và Tây Tạng cũng được xem là ‘lợi ích cốt lõi’ của Trung Quốc, những cái mà trong trường hợp cấp bách Bắc Kinh cũng sẽ bảo vệ chúng bằng vũ lực.[8]
Cho tới nay, ngư dân thuộc các quốc gia khác nhau giải quyết tranh cãi này theo cách của họ, như người Trung Quốc Su tường thuật lại – qua những món quà nhỏ cho các thủy thủ đoàn của lực lượng tuần tra bờ biển, những người tùy theo tình hình chính trị là lần thì ngửa tay ra, lần thì xua đuổi tàu đánh cá, lúc thì bắt giam những người đi biển. Với những căng thẳng chính trị, giá cả cũng đã tăng lên: từ thuốc lá sang tiền giấy, từ tiền giấy sang trang sức bằng vàng. Nhưng đối với Su và đồng nghiệp của ông ấy thì tuy vậy, chuyến đi vào vùng nguy hiểm vẫn có lợi. Một chuyến duy nhất mang lại cho mỗi một thuyền đánh cá 20.000 đến 30.000 Yuan, tức tròn 2000 đến 3000 euro.[9]
Tranh cãi về những thung lũng hoang vắng ở Himalaja và về những hòn đảo cằn cỗi, bị kích động bởi những người dân tộc chủ nghĩa, những kẻ thống trị với quả bom và những người cầm quyền sẵn sàng tiến hành chiến tranh vì chủ quyền của đất nước họ – hiện châu Á có đủ những chất liệu cho các cuộc xung đột có thể gây nguy hại cho lần vươn lên về kinh tế của nó. Nhưng châu lục này còn phải mang nhiều gánh nặng hơn nữa.
[1] Monique Chemillier-Gendreau: “Sovereignty over the the Paracel and Spratly Islands”, Kluwer Law International
[2] Clive Schofield, Ian Storey: “The South China Sea dispute. Increasing stakes and rising tensions”, James town Foundation, November 2009
[3] Territorial Disputes among Japan, China and Taiwan concerning the Senkaku … Seokwoo Lee, International Boundaries Research Unit, Boundary and Territory Briefing, Volume 3, Number 7
[5] “China warns against S. China Sea oil exploration”, AFP, 24.03.2011
[7] “Bejing signs accords with ESEAN neighbors”, The Washington Post, 05/11/2002
[8] “China actions meant a test Hillary Clinton says”, The Australian, 09/09/2010,http://www.theaustralian.com.au/national-affairs/china-actions-meant-as-test-hillary-clinton-say/story-fn59niix-1225949666285
[9] Tường thuật của các ngư dân trong: Sanlian-Magazin, số 46, 15/11/2010

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét