Pages

Thứ Bảy, 5 tháng 7, 2014

5 hệ thống vũ khí Mỹ khiến Trung Quốc “dựng tóc gáy”

Trong nhiều năm qua, Mỹ vẫn là siêu cường về quân sự. Washington đã có trong tay những hệ thống vũ khí uy lực, khiến những cái đầu nóng của Bắc Kinh luôn phải dè chừng.

Tạp chí National Interest (Mỹ) đã bình chọn 5 hệ thống vũ khí của Mỹ khiến Trung Quốc phải run sợ.

Dưới đây là nội dung bài viết:

1. Tàu sân bay lớp Ford:


Tàu sân bay lớp Ford là hàng không mẫu hạm mới nhất, dùng để thay thế cho các tàu lớp Nimitz và có vai trò tiếp nối sức mạnh quân sự Mỹ trong thế kỷ XXI. Chiếc đầu tiên thuộc lớp này USS Gerald R. Ford(CVN-78) dự kiến sẽ được đưa vào biên chế năm 2016. Trung Quốc thừa nhận, tàu sân bay lớp Ford chính là mối đe dọa lớn nhất tới anh ninh tổng thể của nước họ.



Siêu tàu sân bay mới có kích thước: dài 337m, rộng 78m, lượng giãn nước trên 110.000 tấn. Đây là hàng không mẫu hạm lớn nhất, được trang bị động cơ hạt nhân có tuổi thọ tới 50 năm, tàu sân bay Ford có khả năng mang theo hơn 90 máy bay các loại.

Siêu tàu sân bay này có thể tạo ra một chiến dịch oanh tạc kinh hoàng bằng cách duy trì mật độ mỗi ngày đêm xuất kích 160 lần tiêm kích hạm. Trong trường hợp cường độ tác chiến được yêu cầu gia tăng, mỗi ngày tàu có thể huy động 220 lượt xuất kích. Tàu có khả năng này nhờ được trang bị máy phóng điện từ hiện đại. Ngoài ra, trên tàu luôn duy trì 18 trạm dừng tái tiếp nhiên liệu và tái vũ trang, nhờ đó có thể duy trì khả năng hoạt động cho máy bay trong những chiến dịch không kích lâu dài.

Tàu sân bay lớp Ford chính là lời nhắc nhở của cho Trung Quốc về trình độ công nghệ hàng đầu của Mỹ, một khoảng cách lớn mà Bắc Kinh còn dài mới có thể mơ đến được.

Không chỉ là trên lý thuyết, thực tế các tàu sân bay Mỹ là đã từng có màn “dằn mặt” Trung Quốc. Năm 1996, để phản ứng lại việc Trung Quốc hung hăng triển khai tên lửa gần Đài Loan, Lầu Năm Góc đã gửi hai cụm tàu sân bay USS Nimitz và USS Independence đến eo biển Đài Loan. Bắc Kinh đã không thể làm gì để ngăn những con tàu của Mỹ tiến vào eo biển này. Trung Quốc luôn khắc cốt ghi tâm mối “nhục” ấy, đó cũng là động lực để họ phát triển tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D.

2. Máy bay chiến đấu F-22 Raptor


F-22 là loại máy bay thế hệ thứ năm đầu tiên và duy nhất cho đến thời điểm này của Thế giới có khả năng sẵn sàng chiến đấu. Đây là hệ thống vũ khí “quốc bảo” cấm xuất khẩu của Lầu Năm Góc.

Chiến đấu cơ tàng hình một chỗ ngồi F-22 có khả năng bay hành trình ở tốc độ 1,82 Mach mà không cần bật tăng lực. Máy bay thường mang theo 2 tên lửa đối không tầm ngắn AIM-9X và 6 tên lửa đối không tầm trung AIM-120, nó cũng có thể tấn công mặt đất bằng các vũ khí dẫn đường có độ chính xác cực cao. “Chim ăn thịt” sẽ thống trị bầu trời bất cứ nơi chúng được gửi tới.

Trung Quốc thực sự không có máy bay thế hệ thứ 5 nào có thể đối đầu với F-22, J-20 là chương trình phát triển khá phập phù. Ít ai dám tin “con rồng” này sẵn sàng cho một trận không chiến. Shenyang J-31 thậm chí còn có một tương lai mờ mịt hơn. Nếu khả quan, cũng phải mất một thập niên nữa cho sự thành công của một trong hai loại máy bay này.

Nếu xảy ra chiến tranh, những phi đội F-22 Raptor có thể làm tê liệt sức phản kháng của Không quân Trung Quốc. Khả năng tàng hình của F-22 là vô cùng ưu việt, diện tích phản xạ radar (RCS) khoảng 0,1 m2, bên cạnh đó hệ thống tác chiến điện tử tối tân với radar AESA AN/APG-77 hàng đầu Thế giới thiết kế dùng cho máy bay thế hệ 5.

Các bộ cảm biến cho phép thu thập dữ liệu về lực lượng của đối phương, chẳng hạn như các “vết” âm thanh, sóng radar. F-22 có thể lẩn tránh hệ thống radar phòng không của Trung Quốc và tìm cách tiếp cận tiêu diệt các mục tiêu “ngon lành” nhưng rất quan trọng như máy bay cảnh báo sớm KJ-2000, máy bay tiếp nhiên liệu trên không, thậm chí là những máy bay ném bom Xian H-6.

3. Tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia


Hiện tại, trong các hạm đội Mỹ đang có 10 tàu ngầm Virginia hoạt động, tương lai số lượng dự kiến sẽ lên tới 30 chiếc. Điều đó chứng tỏ rằng, Hải quân Mỹ tin tưởng tuyệt đối vào loại tàu ngầm tấn công hạt nhân này và danh hiệu “tàu ngầm hiện đại nhất thế giới” của Virginia không phải chỉ là “quảng cáo” của người Mỹ.

SSN Virginia dài 115m, lượng giãn nước 7.800 tấn, nguồn động lực chính là một lò phản ứng nước áp lực S9G cung cấp khả năng hành trình không giới hạn. Virginia là “sát thủ” nhà nghề với 4 ống phóng ngư lôi MK48 533mm, mìn chống ngầm hạng nặng MK-60, các tên lửa đối hạm Sub-Harpoon. Ngoài ra, tàu còn được trang bị các tên lửa hành trình Tomahawk chứa trong 12 ống phóng thẳng đứng. Độ yên lặng của Virginia cũng là hàng đầu trong các tàu ngầm hạt nhân, đặc biệt, Virginia có khả năng “né” mìn và ngư lôi cực tốt.

Sự bí hiểm của Virginia khiến Trung Quốc đặc biệt lo ngại bởi nước này chưa có kinh nghiệm trong tác chiến chống tàu ngầm cũng như lực lượng chống tàu ngầm còn có nhiều hạn chế. Hiện tại Trung Quốc chỉ có khoảng 3 máy tầm xa Y-8 có vai trò như P-3C Orion của phương Tây. Mặc dù Trung Quốc sở hữu một số lượng đáng nể các tàu chiến có khả chống ngầm, bao gồm cả tàu sân bay Liêu Ninhnhưng chất lượng của các loại vũ khí chống ngầm thì vẫn không thể kiểm chứng. Điển hình như ngư lôi Trung Quốc chủ yếu sao chép từ các thiết kế cũ của Liên Xô cũng như phương Tây.

Nếu có một trận solo dưới đáy biển, không có bất cứ một tàu ngầm kể cả hạt nhân cũng như thông thường nào của Hải quân Trung Quốc có thể so sánh được với Virgina về độ tối tân, khả năng im lặng cũng như hệ thống vũ khí.

4. Máy bay ném bom tàng hình B-2 Spirit


B-2 có lẽ là máy bay ném bom tên tuổi và dễ nhận ra nhất thế giới. Máy bay ném bom cánh dơi B-2 ban đầu được thiết kế chỉ để mang bom hạt nhân. Tuy nhiên, sau chiến tranh Lạnh, nó trải qua một số sửa đổi trong đó có khả năng phục vụ như một máy bay ném bom thông thường. B-2 có sải cánh trên 52m nhưng có RCS chỉ vào khoảng 0,75m2. B-2 có thể xâm nhập qua hệ thống phòng không đối phương, bay hơn 10.000 km mà không cần tiếp nhiên liệu và thả 40 tấn bom đạn dẫn đường chính xác bởi vệ tinh.

B-2 đáng sợ vì nó có thể tấn công vào bất cứ nơi đâu trên lãnh thổ Trung Quốc. Máy bay cất cánh từ căn cứ Andersen trên đảo Guam dư sức vươn đến các mục tiêu từ Tân Cương cho tới Thượng Hải. Điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng, không có bất cứ khu vực nào thuộc lãnh thổ Trung Quốc thoát khỏi tầm oanh tạc của B-2, đồng nghĩa với việc nước này phải xé nhỏ lực lượng đánh chặn ra nhiều khu vực để duy trì khả năng kịp thời phản ứng. Khoảng 296 tiêm kích, chủ yếu thuộc họ Flanker, trong đó sẽ có cả Su-35 là một lực lượng hùng hậu nhưng không đủ dày khi phải trải ra khắp lãnh thổ.

Có một điều cần lưu ý, không giống như đa số các vũ khí mới, B-2 đã từng “thử lửa” tại nhiều chiến trường, đặc biệt trên lý thuyết nó đã từng tấn công Trung Quốc. Năm 1999, trong cuộc tấn công Nam Tư của NATO, B-2 đã tham gia oanh tạc thủ đô Belgrade, Đại sứ quán Trung Quốc tại đây đã bị đánh bom “nhầm”, làm 3 người chết, 20 người bị thương. Chính phủ Bắc Kinh đã gọi đây là “hành động man rợ”. Vụ việc này cũng góp phần cho quá trình căng thẳng hóa quan hệ hai bên và kích thích tâm lý chống Mỹ trong người dân Trung Quốc.

5. Tiêm kích F-35 Lightning II


F-35 là dòng máy bay chiến đấu thế hệ 5 thứ hai được Mỹ phát triển với mục đích như một phiên bản giản lược của F-22 vốn quá đắt đỏ để trang bị rộng rãi cũng như phục vụ cho xuất khẩu.

Tuy nhiên, F-35 thường bị nhắc đến như một “biểu tượng” của sự hoang phí và khủng hoảng về thiết kế. Nguyên nhân xuất phát từ tham vọng quá lớn muốn vượt qua giới hạn công nghệ của các nhà sản xuất khi dự định gom tất cả các tính năng vào một máy bay duy nhất.

F-35 được trang bị hệ thống quang điện AN/AAQ-37 DAS với khẩu độ phân tán (6 camera hồng ngoại/truyền hình trên vỏ máy bay) bảo đảm định vị thụ động ở mọi hướng. Bằng hệ thống này, F-35 đã phát hiện được các vụ phóng tên lửa đường đạn ở cự ly trên 1.250 km. AN/AAQ-37 DAS sẽ phối hợp hoạt động với radar APG-81 có khả năng xây dựng bản đồ địa hình cũng như mô phỏng các lực lượng mặt đất của đối phương. Đây là những hệ thống thiết bị điện tử mà chưa có máy bay hiện đại nào có được.

Trung Quốc sẽ phải đối đầu với một lực lượng đông đảo tiêm kích F-35. Mỹ chấp nhận bỏ ra một khoản đầu tư vô cùng tốn kém để hiện đại hóa lực lượng không quân đang vị chỉ trích là “nhỏ bé và già cỗi nhất kể từ khi thành lập” của mình. Cuộc “lột xác” này hoàn thành cũng là lúc nước Mỹ có một lực lượng gồm các phi đội tiêm kích thế hệ 5 hùng hậu nhất, sẵn sàng thách thức bất cứ kẻ thù nào.

Ngoài ra, so với F-35 có mặt rộng rãi hơn tại các căn cứ không quân đồng minh Mỹ bao vây quanh Trung Quốc. Vì vậy, nếu như với F-22, lực lượng chống máy bay tàng hình Trung Quốc sẽ chỉ phải tập trung theo dõi hướng căn cứ không quân Kadena trên đảo Okinawa thì với F-35, chúng có thể xuất hiện từ hướng Okinawa, từ Misawa, từ Úc hoặc nhiều nơi khác.

Muốn duy trì được sứ mệnh của mình, phòng không Trung Quốc sẽ phải hiện đại hóa trang thiết bị để chống lại các máy bay tàng hình. Đây cũng là một quá trình cực kỳ tốn kém.

Người Sưu Tầm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét