Pages

Thứ Bảy, 30 tháng 8, 2014

An-nam thời mạt giáo

H11. Đề án “Thí điểm mô hình đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục tiểu học từ lớp 1 đến lớp 3 tại TP.HCM năm học 2014-2015” với kinh phí thực hiện là khoảng 4.000 tỉ đồng và áp dụng cho 327.127 học sinh đang gây nhiều tranh cãi lẫn bức xúc trong dư luận.
Tranh cãi không phải vì đổi mới hay đổi cũ, cải tiến hay cải lùi, cũng như cần-lao An-nam đã quá quen với những chính sách trên trời hay sặc mùi lợi ích nhóm trong ngành giáo dục. Mà là vì không hiểu tại sao Tp.HCM lại chọn và quyết liệt áp dụng cho toàn bộ các cháu học sinh từ lớp 1 đến lớp 3. Trong khi vấn đề này còn chưa rõ ràng về tính hiệu quả lẫn tác hại của nó, kể cả ở các quốc gia có nền giáo dục tiên tiến như Hoa Kỳ.

Mạng xã hội và báo chí gần như vỡ tung khi một Facebooker đưa tin về một loại máy tính bảng có thương hiệu AIC Group – Smart Education được nhập về từ Đài Loan với giá 900.000 đồng bởi Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc Tế (AIC) – một đơn vị tư vấn cho Đề án trên. Dư luận nghi ngờ rằng, đây chính là loại máy tính bảng được đề xuất trong Đề án “sặc mùi tiền, thiếu tình người” nêu trên với giá đề xuất tận… 3 triệu đồng.
Lãnh đạo Tp.HCM và quan chức Sở GD&ĐT chống chế rằng đây mới là đề án, và chưa được phê duyệt nên chưa thể thực hiện. Bà chủ tịch HĐQT của AIC cho rằng công ty họ bị oan, máy tính họ nhập có kích thước 7,85 inch chứ không phải 7 inch sau khi không thể phủ nhận là họ có nhập 3.500 chiếc ở cảng Hải Phòng và 1.400 chiếc ở Nội Bài. Bà này nói rằng họ nhập về để tặng nhân viên và phục vụ công việc nội bộ(?).
Điều rất lạ là ngay sau đó, trang web của công ty này (aicvn.com) đã bị gỡ xuống. Năm ngoái, công ty này cũng bị báo chí phanh phui vụ nhập 150 lò đốt rác thải sinh hoạt cũ của Nhật về bán cho các bệnh viện làm lò đốt rác thải y tế với trị giá khoảng 300 tỷ đồng, trong khi một nguồn tin trên báo chí cho biết giá nhập khẩu của mỗi lò đốt này chỉ có 45.000 USD (khoảng 900 triệu đồng).
Không biết máy tính bảng của công ty AIC nhập về có phải là loại sử dụng làm SGK điện tử đề xuất trong Đề án không? Và có thể sẽ không bao giờ được làm rõ bởi với sự phản đối quyết liệt của dư luận thì Sở GD&ĐT Tp.HCM khó mà triển khai đại trà Đề án này như ý định ban đầu. Tuy nhiên, đây là điều đáng mừng vì nếu Đề án này mà đã đi vào hoạt động thì người dân chỉ còn biết ngậm quả đắng. Bởi lẽ, dù phải tự tử để trở thành trở hộ nghèo để có thể vay tiền mua máy tính bảng cho con đi học như chị Nhân ở Cà Mau thì họ cũng phải làm. Vì con trẻ chính là cuộc sống của họ, việc học hành của con trẻ chính là tương lai của họ.
Kinh doanh thì ai cũng muốn có lợi nhuận cao. Nhưng nếu kiếm tiền một cách bất chính bằng cách móc ngoặc giữa quan chức và doanh nghiệp thì đó là sự cạnh tranh bẩn thỉu của doanh nghiệp sự tham nhũng nghiêm trọng của quan chức.
Thêm nữa, nếu kiếm tiền trên sức khỏe, sự hình thành nhân cách và tri thức của con trẻ – thế hệ xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong tương lai thì đó là kiểu kiếm tiền khốn nạn và thất đức nhất, có thể quy kết như tội phản bội tổ quốc. Bởi lẽ, những kẻ này đang làm cho đất nước trở nên nghèo đói, yếu hèn và bạc nhược.
Bi kịch của xứ An-nam, là vì tiền, rất nhiều kẻ sẵn sàng bán rẻ lương tâm lẫn lòng yêu nước!
2. Dự thảo Đề án đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông do Bộ GD&ĐT chủ trì xây dựng đã được đưa ra thảo luận tại Ủy ban đổi mới giáo dục, Chính phủ đến Quốc hội.
Nhiều vấn đề trong Đề án dược đưa ra tranh luận sôi nổi bởi các nhà lãnh đạo cao cấp, các nhà quản lý giáo dục, các chuyên gia giáo dục đầu ngành. Trong đó vấn đề được dư luận quan tâm là Ban soạn thảo Đề án đề xuất chương trình THCS tăng lên thành 5 năm và chương trình THPT rút xuống còn 2 năm. Một số chuyên gia giáo dục còn đề xuất phương án mới là chương tiểu học là 6 năm, chương trình THCS 4 năm và THPT là 2 năm.
Có điều, vẫn như thường lệ khi đưa ra một vấn đề mới, từ quan chức cao cấp đến lìu tìu, từ nhà quản lý chuyên môn đến chuyên gia đua nhau chém gió những thứ ở trên giời. Cũng có vài ý kiến tâm huyết của những người tâm huyết. Nhưng khốn nỗi, tiếng nói của họ thường không có trọng lượng nên chẳng giải quyết được gì ngoài để báo chí xáo xào tung hỏa mù dư luận.
Điều có lẽ những người có tri thức và lương thiện đều nhìn thấy là để đổi mới, cải cách thì cần phải thực hiện từ cái gốc. Ấy nhưng các vị áo cao mũ dài lại toàn chém phần ngọn. Một nền giáo dục suy đồi, nát và thối như hũ tương có dòi thì chỉ còn cách ủ mẻ tương mới, chứ không thể vớt dòi ra để tương thơm ngon lên được.
Và cái gốc trong đổi mới giáo dục là con người và cơ chế chứ không phải là đổi chương trình 4 năm thành 5 năm, hay biến sách giáo khoa giấy thành sách giáo khoa điện tử.
Một người thầy giỏi về chuyên môn, có lương tâm và có tự trọng nghề nghiệp thì chắc chắn sẽ không bán điểm lấy tiền, đổi điểm lấy tình; không dạy thêm vì tiền; không dạy cho xong trách nhiệm. Đồng thời người thầy này sẽ luôn có tinh thần cầu thị học hỏi và đủ tri thức để học hỏi cái mới, cái tiên tiến trong giảng dạy. Nên cho dù có dạy bằng phương pháp truyền thống hay hiện đại thì chất lượng vẫn không thay đổi.
Ngược lại, một người thầy kém về chuyên môn, thiếu cả lương tâm lẫn tự trọng nghề nghiệp thì sẵn sàng bán điểm lấy tiền, đổi điểm lấy tình; sẵn sàng bắt học sinh học thêm vì tiền; sẵn sàng đứng nhầm lớp. Những người thầy này sẽ không đủ tri thức và luôn giấu dốt nên không thể tiếp cận được cái mới, cái tiên tiến trong giảng dạy. Nên cho dù có dạy bằng SGK giấy hay SGK điện tử thì cũng chỉ biết đọc chép mà thôi.
Một cơ chế tốt (bao gồm cả cơ chế về tiền lương, cơ chế về quản lý, cơ chế về trao đổi học thuật,…) sẽ đảm bảo cho người thầy đứng đúng lớp, làm đúng chuyên môn, tâm huyết và tận tụy với nghề nghiệp. Một cơ chế tốt sẽ đào thải những người thầy yếu kém cả về nhân cách lẫn chuyên môn, không để cho đám cơ hội chủ nghĩa leo sâu, leo cao vào các vị trí quản lý để lũng đoạn và làm suy thoái giáo dục. Một cơ chế tốt giúp người thầy độc lập về tư duy để có thể phát huy được năng lực chuyên môn, phát kiến được sáng tạo,… và tạo ra các sản phẩm có ích cho xã hội. Và cao hơn thế, một cơ chế tốt sẽ thay đổi được một nền giáo dục phục vụ đang suy thoái nghiêm trọng sang một nền giáo dục cống hiến với tương lai phát triển tươi sáng.
Những người đang xây dựng đề án, những người đang quản lý giáo dục, những chuyên gia giáo dục và các nhà giáo có biết điều này không? Họ biết, và biết rất rõ. Thế nhưng họ không thể làm, họ không dám làm. Bởi lẽ họ đã quen với những nghịch lý trong xã hội, họ không muốn mất nồi cơm đang có, họ không muốn mất cái mũ ô sa đang đội. Và họ chấp nhận khom mình, uốn lưỡi, bẻ cong câu chữ để chấp nhận cái nghịch lý đang tồn tại đó.
Cũng có nhiều người muốn làm, muốn dấn thân vào những điều khó, điều khổ để mong muốn có một nền giáo dục tươi sáng cho nước nhà. Nhưng những người có đủ tâm, đủ tầm thì quá già để làm. Những người trẻ thì luôn thấy trước mặt một cái thòng lọng liên quan đến hệ tư tưởng, đến cơm áo gạo tiền và những mối quan hệ trong gia đình lẫn xã hội.
Khi một người thầy đứng lên chống lại sự tiêu cực của lãnh đạo, sự dốt kém chuyên môn của đồng nghiệp, sự phi lý của cơ chế giáo dục,… mà bị quy chụp, gán ghép cho các tội như phá hoại, chống đối chủ trương đường lối, gây mâu thuẫn và mất đoàn kết nội bộ, suy thoái tư tưởng, đạo đức,… dẫn đến bị học trò và đồng nghiệp quay lưng, bị xã hội lên án, bị lãnh đạo trù dập, bị liên lụy đến người thân thì chắc chắn rằng, sẽ không ai muốn dấn thân cả, mặc dù họ hiểu, họ biết, và họ đau với nền giáo dục nước nhà.
Thế nên, nếu không thay đổi được cái gốc mà chỉ loanh quanh cái ngọn thì cũng chỉ là bình mới rượu cũ mà thôi. Cho dù có các đề án hàng chục nghìn tỷ đồng, cho dù có học cái hay, cái tốt của Tây, của Tàu thì cuối cùng vẫn quay lại cái nền cũ. Giáo dục An-nam hiện tại cần người làm, làm thật, làm bằng cả sự hy sinh, tâm huyết và cống hiến, chứ không cần những hô hào, những quyết tâm và những tranh luận hàn lâm sáo rỗng.
Không thể mong chờ một sự thay đổi kỳ diệu từ những “cây đũa thần” như kiểu Nghị quyết 29/NQ-TW mà ông bộ trưởng Luận coi như “triết lý giáo dục”. Đó là sự hoang tưởng về nhận thức, về tư duy. Bởi lẽ cho dù chủ trương, chính sách có hay đến mấy, có đúng đắn đến mấy,… nhưng vẫn cơ chế cũ, vẫn con người cũ thì không thể thay đổi theo chiều hướng tích cực được. Vụ việc Đề án sách giáo khoa điện tử cho học sinh lớp 1 đến lớp 3 ở Tp.HCM nêu trên là một ví dụ minh chứng rõ rệt nhất.
Khốn nỗi, An-nam là một dân tộc ưa mê tín dị đoan, thậm chí là cuồng tín. Họ hy vọng vào sự may rủi, sự ban ơn của thần thánh nhiều hơn sự nỗ lực của bản thân, và họ vẫn mong chờ vào một cây đũa thần nào đó để có thể thay đổi nền giáo dục mà họ thấy đã mục nát.
Mặc dù, họ vẫn hiểu là chẳng bao giờ có thần, có thánh.
3. Giáo dục là cái gốc của văn hoá, là nền tảng cho sự phát triển kinh tế – xã hội quốc gia, là tiêu chí quan trọng nhất để đánh giá sự phát triển và văn minh của quốc gia đó. Chỉ có một nền giáo dục phát triển mới hình thành nên những thế hệ công dân có đầy đủ tri thức, lành mạnh tâm hồn để có thể đưa đất nước tiến lên sánh vai với các cường quốc năm châu.
Vậy mà sau 69 năm độc lập, 39 năm thống nhất đất nước, nền giáo dục An-nam vẫn trì trệ, suy thoái và yếu kém. Thế nên phần lớn cần-lao An-nam khiếm khuyết về tri thức, què quặt về tâm hồn, bạc nhược về nhận thức và hèn nhát về suy nghĩ cũng không có gì là lạ cả.
Dốt và hèn, không bao giờ trở thành thượng đẳng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét