Pages

Thứ Ba, 26 tháng 8, 2014

Bước đường cùng – Huy Phương

Một cô gái quảng cáo bia Anchor của Singapore tại Hà Nội. (Hình minh họa: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images)
Một cô gái quảng cáo bia Anchor của Singapore tại Hà Nội. (Hình minh họa: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images)
“Bạn ơi, nguồn thảm sầu kia bởi
Số phận hay do chế độ này!”
(Vú Em-Tố Hữu)
Ngày 15 Tháng Tám, Bộ Thông Tin và Truyền Thông Việt Nam ra quyết định đình bản 3 tháng báo điện tử Trí Thức Trẻ và phạt 207 triệu đồng vì ngày 12 Tháng Tám báo này đã đăng một bài có tựa đề là “Gái miền Tây và 3 chữ ‘N’ nổi danh thiên hạ” của tác giả Trai Toàn Cầu.

Ba chữ N đó là Ngoan, Ngon và Ngu. Bài này xem như đã vi phạm luật báo chí và chính ban biên tập đã ngỏ lời xin lỗi độc giả vì đã “gây nên sự tổn thương sâu sắc cũng như tạo cảm giác xúc phạm tới nhiều phụ nữ Việt Nam.”
Thật ra chuyện Ngoan, Ngon và Ngu không lạ gì với lời nói ngày xưa dùng để khuyên những người đi chọn vợ.
Ngoan nói về tính tình, ai lại không thích có một người vợ ngoan.
Ngon nói về thể chất và hình dáng bên ngoài, trắng da dài tóc, có nhan sắc, vì không ai muốn chọn vợ xấu.
Ngu nói về kiến thức. Phải ngu hơn chồng mới phục chồng, và không lấn lướt muốn dạy chồng. Không gì chán bằng cảnh ông chồng mới mở miệng phát biểu một câu thì vợ đã nói, “Chuyện này em biết rồi!” Vậy thì nên chọn một người vợ “ngu” hơn mình.
Nhưng ở đây bài báo lại dùng chữ “ngu” để vơ đũa cả nắm, cho con gái miền Tây ngây ngô và ngu muội, “não ngắn,” thiếu văn hóa. Tác giả cho rằng, “Về độ ‘ngon,’ độ ‘ngoan’ thì tôi dám quả quyết không gái miền nào địch được gái miền Tây. Nhưng còn về độ ‘ngu’ thì phần lớn gái miền Tây cũng là những cô gái ‘ngu dốt’ vô đỗi!”
Không phải bây giờ, mà trước đây báo chí Việt Nam đã có những bài báo chỉ trích cay nghiệt con gái “Bắc Kỳ,” và rồi nay, những người “phụ nữ miền Tây” bị tổn thương vì sỉ nhục là ngu đần!
Cộng sản coi là đã thống nhất được đất nước nhưng lòng người thì ly tán, nhất là sau cuộc đổi đời 30 Tháng Tư, 1975, dân miền Bắc ồ ạt vào Nam lập nghiệp, được ưu tiên nâng đỡ trong việc lập nghiệp, chiếm đất, phá rừng, bây giờ ở Việt Nam đi đâu mà không nghe tiếng nói Bắc Kỳ 75. Người miền Nam chẳng ưa gì dân Bắc vào Nam trong tư thế kẻ thắng trận chiếm đóng, người miền Bắc tuy coi miền Nam là vùng tạm chiếm, bị bóc lột, nhưng gần như ganh tỵ vì choáng ngợp trước cảnh đời sống an nhàn, sung túc của dân Nam.
Người miền Trung và miền Bắc thường có quan điểm cho rằng người miền Nam là hời hợt, nông nổi, thiếu sâu sắc, không có căn bản văn hóa, mối giềng ràng buộc với họ hàng, làng nước. Ðiều này dư luận thường dùng để làm câu giải đáp cho việc “lấy chồng Ðài Loan” của con gái Việt Nam mà các thiếu nữ miền Tây đã dẫn đầu trong vài chục năm qua.
Những nhận xét về “gái miền Tây” lâu nay khá nặng tay. Một cán bộ của Ðại Học Tôn Ðức Thắng nhận định… “nhiều người dân ở vùng này chây lười nên không nhận thấy tầm quan trọng của tri thức!” Một bài khác trong Vnexpress cho rằng, “… đàn bà con gái chỉ biết đi làm gái tiếp thị bia, massage!” Và chỉ nội cái nhan đề trong Vitalk.vn, “Gái miền Tây lười, ít học và muốn một bước lên bà chủ!” cũng đủ là một điều xúc phạm chung cho cả một tập thể.
Vì đâu nên nỗi?
Người đổ lỗi tại văn hóa, hoàn cảnh thiên nhiên ưu đãi mà không hề ai dám nói đến cơ chế xã hội và những gì là trách nhiệm của kẻ cầm quyền trong bao nhiêu năm nay. Một ông trưởng khoa trưởng một đại học lớn như Ðại Học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn đã xác định … “nền giáo dục ở Ðồng Bằng Sông Cửu Long còn quá yếu, đặc biệt với phụ nữ, đã đưa đến những hệ lụy trên!” Vậy thì thưa ông, chủ trương này từ đâu đến và sao không nghe ông than trách việc khách sạn, sân golf, nhà hàng đặc sản hay cho ngoại nhân cho thuê đất để đẩy dân vào chỗ khốn cùng để con gái họ phải thoát ra cảnh nghèo, vươn qua biên giới để mong mỏi có một đời sống tươm tất hơn.
Cũng không nghe ai nói, trước Tháng Tư, 1975, con gái miền Tây toàn là dân đi bán bar, làm sở Mỹ hay làm điếm hay đi lấy chồng Ðài Loan. Ðiều gì đã biến đổi đất nước nói chung và con gái miền Tây lâm thảm cảnh này.
Có quý vị trí thức nào bỏ ra chút thời giờ để nghiên cứu xem xứ nào đàn ông Việt Nam đầu quân đi bán sức lao động xứ người, và vì sao Nghệ Tĩnh và Quảng Bình lại lắm người bỏ ruộng bỏ vườn “đăng ký” đi làm thuê để thoát khỏi cảnh nghèo đói. Không lẽ quý vị lại đổ tội cho chây lười, ít học hay chối bỏ quê hương nghèo khổ, truyền thống của mảnh đất này là thích đi làm “bồi,” hay sợ phạm đến mảnh đất “thiêng” mà không dám nói.
Một sự thật đau lòng là nhạc sĩ Tuấn Khanh, ở trong nước, trong blog của ông đã nói lên một điều, đáng lý phải làm cho chính quyền trong nước đỏ mặt. Các hội gọi là phụ nữ, các tổ chức nhân quyền vẫn thường có thói quen báo cáo tốt, đề cao thành tích, vẽ vời hình tượng người phụ nữ Việt Nam, nhưng có đất nước nào đã ở trong thời kỳ hòa bình, độc lập mà thân phận phụ nữ bọt bèo, trôi giạt khổ đau như người con gái Việt Nam?
Sự thật là trong xã hội này, người phụ nữ bị đánh giá thấp, không hề được bảo vệ, che chở bởi công lý.
Những vụ án có liên quan về phụ nữ từ trước đến nay, phần đông phụ nữ đều bị thiệt thòi vì các loại đàn ông bên nguyên hay bên bị đều là loại nô bộc trung thành với đảng và nhà nước, và phụ nữ Việt Nam được xem không hơn một món đồ chơi.
Khi nói chuyện về đời sống của các cô gái miền Tây đi lấy chồng xứ người, blogger Tuấn Khanh được biết một sự thật rất là chua chát, nếu còn chút lương tri, hẳn các hội phụ nữ ở Việt Nam và cả cái cơ chế công an, cảnh sát xã ấp phải hổ thẹn. Khi hỏi về chuyện chồng Ðài Loan đánh đập, một cô gái đã cười hồn nhiên nói, “Không phải ai cũng bị như vậy, báo chí nói quá. Nhưng nếu như có bị đánh ở Ðài Loan, tụi em còn được báo chí xứ đó lên tiếng giùm, chứ ở Việt Nam, lấy một ông chồng say xỉn rồi bị đánh chết cũng không ai lo cho mình.”
Ở đây chúng tôi không nhắc đến một loại kỷ luật chỉ có trong xã hội Việt Nam là cấp lãnh đạo thông tin, một loại “Ông Kẹ” mang hơi hướng “đảng,” có thể làm tình, làm tội bất cứ cơ quan truyền thông nào khi họ cảm thấy bất như ý. Bài báo “ba N” có thể gây phẫn nộ cho quần chúng, thậm chí có thể ký giả bị bao vây hay tòa soạn bị đốt nhưng không thể vì lý do gì mà chính quyền phạt tiền hay đình bản. Phải chăng đây chỉ là một thái độ khúm núm, sợ mất lòng, vì trong Bộ Chính Trị hiện nay có bao nhiêu vị có mẹ, có em, có con là “gái miền Tây!”
Lên án ai đó là một công việc dễ dàng, nhưng đi tìm nguyên nhân mà và sự thật là một việc khó! Không dễ dàng như một vị tiến sĩ xã hội học, đảng viên CSVN, đã nhận định rằng do ít ý thức về đức hạnh mà phụ nữ Nam Bộ thường hay lấy chồng ngoại (TK). Vậy thì ở Hà Nội, hoa hậu, sinh viên đại học có tên trong đường dây “gái gọi,” tan trường là lên giường, chắc không phải lý do là đức hạnh!
Ba chữ Ngoan, Ngon và Ngu chưa đủ yếu tố để đưa người con gái miền Tây vào hoàn cảnh mà các “đạo đức gia” hay “đạo đức…giả” tha hồ bới móc, nói xấu. Quý vị cũng không nên quên một chữ N nữa, là chữ Nghèo khiến cho phụ nữ miền Tây phải lâm vào cảnh đi lấy chồng xa, hay chỉ biết đi làm gái tiếp thị bia, massage. Dân nghèo mạt, nhặt rác mỗi ngày không kiếm nổi tới $2, trong khi cán bộ công quyền giàu bạc triệu đô la, ăn xài huy hoắc bạc tỉ là ưu điểm của một chế độ XHCN chăng?
Miền Tây “gạo trắng nước trong” ngày nay như thế nào? Báo Hậu Giang đưa tin: “Dân khổ vì ‘ba không.’ Người dân tại các tuyến dân cư trên những con kênh mới hình thành ở xã Vĩnh Tường, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang, đang sống trong tình trạng 3 không: không nước sạch, không điện, không đường bộ. Trẻ em đến trường rất khó khăn, vậy thì sao cho là dân kém học vấn. Dân Hậu Giang còn nghèo, chỉ mỗi ấp 8 xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, đã có 87 hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn, trong đó có 28 hộ nghèo không có đất sản xuất.” Vậy thì động lực nào đã xô đẩy hàng vạn cô gái miền Tây đi lấy chồng ngoại, nên câu nói “không có tiền thì ‘cạp đất’ mà ăn,” đâu có gì là quá đáng?
Ở đâu có câu chuyện bà Phạm Thị Lài, 52 tuổi, cùng con gái là Hồ Nguyên Thủy, 33 tuổi, với thân thể trần truồng không một mảnh vải che thân, phản đối chính quyền đã cướp đất để bán cho một công ty ngoại quốc trong dự án “Khu dân cư Hưng Phú,” sau khi chồng và cha của họ đã vì quá phẫn uất uống thuốc rầy tự tử! Hai mẹ con bà Lài “đã bị đám vệ sĩ lôi trên cát, bãi cỏ và các đống vật liệu trong tình trạng khỏa thân dưới cái nắng gay gắt.” Ðó chính là câu chuyện “hổ thẹn” nhất của đất nước trong năm 2012 xảy ra tại miền Tây, nơi mà một tờ báo “vô đạo” ngày nay đã lên án là cái xứ lười, ngu và con gái chỉ muốn đi bán bia, hay hành nghề massage.
Hổ thẹn không phải nơi hai mẹ con đã phơi bày cái chỗ đáng giấu của đàn bà, vũ khí yếu đuối cuối cùng phải đem ra để tấn công vào khuôn mặt quá dày, trâng tráo của chế độ, mà xấu hổ rơi về phía cường quyền, đã toa rập với xã hội đen, các thế lực đồng tiền, với sự trợ thủ của ngành công an đẩy người dân vào bước đường cùng.
Xin các nhà nghiên cứu văn hóa, các khoa bảng, trí thức hiện đang giữ các vai trò quan trọng trong các trường đại học hay trung tâm nghiên cứu, thích chuyên bố, rao giảng thứ kiến thức cổ lỗ, xin đừng ôm mãi cái não trạng mà danh từ hiện nay, người Việt trong nước đang dùng là “não ngắn,” đi tìm và đổ lỗi cho văn hóa, địa dư và những nguyên nhân xa cho cái “nghèo,” cái “ngu” của gái miền Tây, hầu hết là để biện minh cho tình trạng hư đốn của chế độ.
Thân “vú em” năm xưa làm sao nhục nhã, khốn khổ bằng chuyện con gái Việt Nam đi làm gái mại dâm mười phương bây giờ, nên chưa lúc nào tôi thấy hai câu thơ của Tố Hữu thấm thía như hôm nay:
“Bạn ơi nguồn thảm sầu kia bởi
Số phận hay do chế độ này!”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét