Pages

Chủ Nhật, 24 tháng 8, 2014

Hiện đại hóa giáo dục là hiện đại hóa cái gì?

Dương Trọng Tấn/ Đa diện

Ảnh bên: Nhóm Cánh Buồm đã có thời gian dài nghiên cứu, thực nghiệm, tổng kết các lí luận tâm lí học giáo dục và sư phạm hiện đại để hiểu trẻ em, đặc biệt là hiểu cách học của trẻ em, rồi từ đó đề ra cách thức phù hợp để dạy trẻ em cho hiệu quả.

Những ngày gần đây, dân tình đang xôn xao bàn tán chuyện Tp. HCM chuẩn bị thí điểm một dự án lên đến gần 4000 tỷ VND để “hiện đại hóa” giáo dục tiểu học của Thành phố thông qua các phương tiện công nghệ thông tin hiện đại như hệ thống quản lí học tập, sách giáo khoa – giáo án điện tử, và những chiếc máy tính bảng. Chuyện lùm xùm chủ yếu xoay quanh cái máy tính bảng và số tiền khủng, báo chí đã bàn nhiều, tôi lại muốn thảo luận đôi chút về một chủ đề khác: hiện đại hóa giáo dục là hiện đại hóa cái gì?

Phải nói ngay rằng, hiện đại hóa giáo dục không phải là đi sắm những thứ đắt tiền rồi mang vào lớp học. Việc thay bảng đen phấn trắng bằng chiếc bảng trắng bút dạ, rồi chuyển sang dùng máy chiếu cùng với Powerpoint, và ngày nay là chiếc bảng tương tác hoặc/và chiếc máy tính bảng không hề thay đổi bản chất và hiệu quả giảng dạy nếu như người thầy vẫn duy trì cách dạy của thế kỉ 19: thầy giảng giải thật kĩ, học trò cố nhớ thật nhiều. “Thầy đọc – trò chép”, “thầy giảng – trò ghi nhớ” hay “thầy chiếu – trò xem” về cơ bản là một cách dạy học lạc hậu, ngay cả khi nó được hỗ trợ bởi các thiết bị công nghệ của thế kỉ 21.

 Hiện đại hóa giáo dục bao gồm rất nhiều nội dung, nhưng chỉ cần nhìn một nội dung căn bản nhất là “học thế nào” (hay “dạy thế nào”) là có thể thấy được có cái gì được đổi mới hay vẫn dùng một cách làm cũ kĩ, lạc hậu. Chúng ta có thể dẫn ra đây cách làm của nhóm Cánh Buồm để tham khảo về một lối tư duy về hiện đại hóa giáo dục.

Ảnh bên: Bộ sách giáo khoa tiểu học của nhóm Cánh Buồm

Trước khi bắt tay vào soạn những bài đầu tiên của của cuốn sách giáo khoa cho lớp Một theo chương trình mới (mang tên Chương trình Giáo dục Hiện đại Cánh Buồm), nhóm đã có thời gian dài nghiên cứu, thực nghiệm, tổng kết các lí luận tâm lí học giáo dục và sư phạm hiện đại, từ W.M. Wundt, E.L. Thorndike, J.Piaget, đến H.Gardner… để hiểu trẻ em, đặc biệt là hiểu cách học của trẻ em, rồi từ đó đề ra cách thức phù hợp để dạy trẻ em cho hiệu quả. Trước khi có lễ ra mắt một bộ sách lớp Một, Cánh Buồm tổ chức hội thảo khoa học “Hiểu trẻ em – Dạy trẻ em”, rồi “Tự học – tự giáo dục” và “Em biết cách học” để thuyết trình trước công chúng cũng như nhận lại những phản biện về lựa chọn lí thuyết của nhóm. Sách Cánh Buồm với tinh thần “tự học – tự giáo dục”“học bằng việc làm” (learning-by-doing), và “tự làm ra kiến thức – tự làm ra chính mình” đã mang trong mình những hiểu biết hiện đại nhất về tâm lí học giáo dục và sư phạm. Những nguyên lí này sẽ dẫn đến những cái cụ thể nhìn thấy được trong sách giáo khoa, trong cách dạy của giáo viên (không giảng giải mà “tổ chức việc tự học của học sinh”), và cách học của trẻ em (học qua việc làm chứ không ghi nhớ).  Một bộ sách giáo khoa tiểu học mới ra đời (cho tới nay đã đầy đủ từ lớp 1 đến lớp 5 hai môn Văn và Tiếng Việt, Lối sống từ lớp 1 đến lớp 3, và chuẩn bị có thêm sách Lịch Sử) mang trong mình tinh thần hiện đại, cách làm hiện đại mà không cần phải số hóa, không cần phải dùng tới màn hình đa chạm, cũng không cần phải lòe loẹt xanh đỏ tím vàng. Vẫn là những quyển sách giấy, vẫn là bảng đen phấn trắng, nhưng chúng ta có được một cách làm giáo dục rất hiện đại.

Ảnh bên: Hội thảo khoa học “Tự học – tự giáo dục”

Nếu có một dự án đổi mới “kiểu Cánh Buồm” như thế cho Tp. HCM, hẳn là xã hội sẽ không tốn quá nhiều giấy mực để phản đối. Một kế hoạch đổi mới giáo dục mà không tính đến những chuyện cốt lõi như chương trình học, cách dạy cách học thì chẳng khác nào một kế hoạch có xác mà không có hồn. Sẽ thật là lãng phí và nguy hiểm khi bỏ ra cả nghìn tỉ đồng cho đống thiết bị đắt tiền sẽ được đắp chiếu hoặc vứt xó chỉ trong một tương lai gần vì chúng không giải quyết được vấn đề nào của giáo dục hiện nay.

Nhìn từ ví dụ Cánh Buồm, hiện đại hóa giáo dục không thể là một quá trình đơn giản hóa tới mức gần như lệ thuộc hoàn toàn vào các công cụ. Quá trình đó cũng chưa chắc cứ phải tốn kém hay cứ phải ngoại nhập.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét