Pages

Thứ Bảy, 30 tháng 8, 2014

Lê Mai - “Hai ông anh” và Việt Nam: Từ lịch sử đến hiện thực

Xtalin và Mao Trạch Đông

Sau chiến tranh thế giới lần thứ II, một loạt các nước XHCN ra đời và cũng từ đó thế giới căn bản chia thành hai phe: phe XHCN và phe TBCN. Phải thừa nhận một điều, mặc dù mới xuất hiện, nhưng phe XHCN tỏ ra có sức sống mạnh mẽ, giàu tư tưởng và khát vọng. Lý tưởng xóa bỏ chế độ người bóc lột người, cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, ai mà không ham ? Hơn thế nữa, phe XHCN có “hai ông anh” Liên Xô và Trung Quốc – đất rộng, người đông đứng đầu, là niềm cỗ vũ rất lớn cho các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới.

Ngày 2.9.1945, nước VNDCCH ra đời trong cái chớp mắt của lịch sử, sau “ông anh Cả” Liên Xô 28 năm, nhưng lại trước “ông anh Hai” Trung Quốc 5 năm. Người Pháp không dễ gì từ bỏ Đông Dương, vì thế chỉ hơn một năm sau, họ đã tung ra cuộc tái xâm lược VN với sức mạnh ghê gớm. Năm năm chiến đấu trong vòng vây, cho dù không có sự trợ giúp của “hai ông anh”, nước VN vẫn đứng vững và tiến lên. Trước đó, trong hai năm 1945-1946, Hồ Chí Minh đã gửi 8 lá thứ cho Tổng thống Mỹ Harry Truman, nhưng đáng tiếc là lúc bấy giờ, VN “chưa bị ra-đa của Hoa Kỳ” phát hiện. Nếu có, biết đâu đã tránh được cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ II và hẳn là vai trò của “hai ông anh” cũng khác với những gì lịch sử đã diễn ra ?

“Ông anh Cả” Liên Xô đứng đầu phe XHCN một cách vững vàng, kiên định, chặt chẽ, “khó tính”, không một nước nào, một vấn đề quan trọng nào có thể thoát khỏi sự chú ý của “ông anh”.

Nam Tư là nước hứng chịu cơn thịnh nộ đầu tiên của “ông anh Cả”. Khi biết tin Nam Tư và Bungari tiến hành ký kết Hiệp ước hợp tác, hữu nghị, lại còn tuyên bố văn kiện có hiệu lực ngay, lập tức Xtalin gửi một bức điện cho Titô:

“Chính phủ Xô viết cho rằng cả hai Chính phủ đã sai lầm khi ký Hiệp ước mà không tham khảo ý kiến trước của Chính phủ Liên Xô. Chính phủ Liên Xô cho rằng sự vội vàng này đã tạo cớ cho Anh và Mỹ tăng cường can thiệp quân sự vào Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ, chống lại Nam Tư và Bungari”.

Theo chỉ thị của Xtalin, Ngoại trưởng Liên Xô Môlôtốp gửi điện mời Titô và Đimitrốp đến Mátxcơva, song chỉ có Đimitrốp đến còn Titô thì không. Đimitrốp – nhân vật nổi tiếng thế giới trong phiên tòa Laixich, cố gắng giải thích cho Xtalin rằng văn kiện mà hai nước ký chỉ là một bản ghi nhớ về việc cần phải có một Hiệp ước.

Xtalin không chịu, mỉa mai “lên lớp” Đimitrốp:

- Anh hành động như một “Bí thư đoàn thanh niên”, anh muốn chứng minh rằng anh vẫn còn là Bí thư Quốc tế cộng sản phải không ? Các anh đặt chúng tôi trước những việc đã rồi.

Karden – đại diện của Nam Tư ủng hộ Đimitrốp:

- Có thể việc ký Hiệp ước là vội vàng, nhưng bản dự thảo đã được gửi cho Chính phủ Liên Xô mà không có phản ứng gì…Theo tôi, tôi không thấy có gì khác biệt trong chính sách của Nam Tư và Liên Xô.

Xtalin nói:

- Cái gì ? Khác biệt là có đấy mà còn sâu sắc, thế anh nói thế nào về Anbania ? Các anh không hề tham khảo ý kiến chúng tôi khi đưa quân vào Anbania.

Titô, sau khi nghe báo cáo về chuyến đi, tỏ vẻ không hài lòng. Tại cuộc họp Bộ chính trị sau đó, Titô nói:

- Nam Tư không có gì khác biệt so với Liên Xô trong chính sách đối ngoại. Người Nga có cách nhìn về vai trò của họ, nhưng chúng ta cần nhìn nhận vấn đề trên cơ sở hệ tư tưởng của chúng ta là đúng đắn. Sẽ là sai lầm khi giữ vững nguyên tắc cộng sản mà gây phương hại cho một khuynh hướng nào đó…Chúng ta không phải là con tốt trên bàn cờ…Chúng ta chỉ có thể trông đợi ở chính lực lượng của mình.

Một Ủy viên Bộ chính trị, Bộ trưởng tài chính Nam Tư X.Juicovitch không nhất trí với quan điểm này, bí mật báo cho Liên Xô qua đại sứ Nga ở Nam Tư. Thế là, Xtalin vội vã rút tất cả chuyên gia từ Nam Tư về nước.

Bộ chính trị Nam Tư quyết định khai trừ khỏi đảng và bắt giữ Bộ trưởng Tài chính X.Juicovitch và Bộ trưởng Công nghiệp nhẹ A.Khebrang. Sự khác biệt quan điểm giữa hai đảng đã biến thành “scandal chính trị”.

Chính phủ Liên Xô phản ứng ngay. Xtalin yêu cầu Môlôtốp chuyển một bức điện đầy căng thẳng cho Titô:

“Ban chấp hành Trung ương ĐCS Bônsêvich Nga được biết rằng Chính phủ Nam Tư đã tuyên bố X.Juicovitch và A.Khebrang là kẻ phản bội đất nước. Chúng tôi hiểu điều này có nghĩa là Bộ chính trị ĐCS Nam Tư muốn tiêu diệt họ. Trung ương ĐCS Bônsêvich Nga tuyên bố rằng, nếu Bộ chính trị ĐCS Nam Tư thực hiện hành vi này thì chúng tôi coi Bộ chính trị ĐCS Nam Tư là kẻ phạm tội giết người. Ban chấp hành Trung ương ĐCS Bônsêvich Nga yêu cầu được có đại diện tham gia khi tiến hành điều tra vụ án đối với X.Juicovitch và A.Khebrang về cái gọi là cung cấp thông tin không chính xác cho Ban chấp hành Trung ương ĐCS Bônsêvich Nga. Chúng tôi chờ điện trả lời ngay”.

Và đây là trả lời của Trung ương ĐCS Nam Tư:

“Trung ương ĐCS Nam Tư không bao giờ có ý định thủ tiêu ai cả, trong đó bao gồm cả X.Juicovitch và A.Khebrang. Họ đang được chúng tôi theo dõi. Trung ương ĐCS Nam Tư cho rằng Trung ương ĐCS Nga đã đưa ra vấn đề rất sai lầm và chúng tôi rất phẫn nộ phản đối ý đồ coi lãnh đạo đảng của chúng tôi là “kẻ phạm tội giết người”. Vì vậy, Trung ương ĐCS Nam Tư cho rằng không chấp nhận sự có mặt của đại diện của Trung ương ĐCS Nga trong vụ án X.Juicovitch và A.Khebrang”.

Kết cục, Hội nghị Quốc tế Cộng sản tại Bukharest tháng 6.1948 “về tình hình của ĐCS Nam Tư” đã khai trừ Nam Tư ra khỏi phe XHCN.

Đó là màn dạo đầu của “ông anh Cả” Liên Xô. Sự kiện đó báo trước một điều, bất cứ nước nào trong phe XHCN cũng đừng hòng mong chống lại sự lãnh đạo của “ông anh Cả”.

Ngày 1.10.1949, nước CHND Trung Hoa được thành lập. “Tuần trăng mật” giữa “ông anh Hai” Trung Quốc với “anh anh Cả” Liên Xô diễn ra vô cùng tốt đẹp. Mao Trạch Đông tiến hành thăm Liên Xô lần đầu tiên, được Xtalin rất khen ngợi. Hai nước đã ký một loạt Hiệp ước hỗ trợ, hữu nghị và hợp tác, Liên Xô giúp Trung Quốc rất nhiều lĩnh vực. Còn nữa, Xtalin phân công Trung Quốc có trách nhiệm giúp đỡ Việt Nam đánh Pháp. Trong bối cảnh đó, dĩ nhiên Việt Nam đặt nhiều hy vọng vào Trung Quốc, vì nếu không có sự trợ giúp vũ khí và các phương tiện khác, tất nhiên phần nào cuộc kháng chiến sẽ khó khăn hơn.

Những năm đó, quan hệ giữa Việt Nam và “hai ông anh” nói chung là tốt đẹp. Với sự thúc đẩy của “hai ông anh”, nhiều nước trong phe XHCN đã công nhận và đặt quan hệ ngoại giao với VNDCCH.

Cuộc kháng chiến thần thánh của nhân dân VN đã kết thúc thắng lợi với trận Điện Biên Phủ vang dội, 9 năm sau kể từ ngày độc lập.

(còn tiếp)

   Lê Mai

(Blog Lê Mai)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét