Pages

Chủ Nhật, 10 tháng 8, 2014

Một cơ hội cho Đảng Cộng Sản Việt Nam


change_sign1
Nguyễn Sơn Bá
“..Những gì ký kết với một tập đoàn không có tính cách chính đáng vì không được dân bầu, có thể xem như không có giá trị. Bằng chứng là những thỏa thuận ký ở Hội Nghị Thành Đô cũng như công văn của Phạm văn Đồng không thể đem ra áp dụng đối với toàn dân Việt Nam, và chính bản thân những người ký kết cũng không dám trưng ra…”
Những ai có theo dõi những bài bình luận về quan hệ Việt Trung của các chuyên gia và các nhà quan sát nước ngoài trong khoảng thời gian gần đây, phải công nhận là tập đoàn lãnh đạo cộng sản Việt Nam có biệt tài trong đường lối ngoại giao. Họ là những chuyên viên về hỏa mù.
Hành động và thái độ bên ngoài của họ lúc nào cũng làm cho người khác thấy có mâu thuẫn. Giới truyền thông chẳng hiểu gì cả. Các nhà bình luận, người nói Đông người nói Tây, mỗi người diễn giải một cách.

Giữa những gì các thành phần Bộ Chính trị cho người khác thấy và những gì họ nghĩ thật và trao đổi với các đối tác, lúc nào cũng có vẻ kỳ quặc, trái ngược và làm cho thiên hạ chú ý.
Ví dụ: sau lưng thái độ bề ngoài có vẻ bất lịch sự, ông Phạm Quang Nghị đã nói gì với ông Mac Cain để làm cho ông Thượng Nghị Sĩ Hoa Kỳ phải chạy sang Hà Nội để gặp lãnh đạo Việt Nam? Tại sao, chính quyền Hoa Kỳ thấy Bộ Ngoại giao Việt Nam chấp nhận thi hành một chỉ thị từ Uỷ Ban Nhân Dân tỉnh Quảng Đông sau chuyến đi của ông Dương Khiết Trì, lại chấp nhận đề nghị lên Quốc Hội Mỹ cung cấp khí giới và hợp tác về nguyên tử lực với Việt Nam?
Với kịch bản «coi chừng thấy vậy mà không phải vậy » và tuồng hát « Em chả (muốn)», có lẽ họ đang làm cho các giới quan sát, bình luận và phân tích chính trị điên đầu? Đồng thời họ đang gây nhiều việc làm cho các giới tình báo của các quốc gia liên hệ.
Dĩ nhiên ai cũng biết là tập đoàn lãnh đạo cộng sản đang thương lượng để đi đến một quyết định. Và ai cũng biết là trong những cuộc đàm thảo với các đối tác, mục đích trọng yếu của họ là cố cầm giữ quyền lực của họ trên đất nước Việt Nam.
Trong bối cảnh này, họ có gì trong tay để thương lượng? Chúng ta thử tóm lược tình hình hiện nay.
Vào trung tuần tháng 5/2014, Trung Quốc đưa giản khoan HD 981 vào vùng lãnh hải thuộc đặc quyền kinh tế của Việt Nam, gây sự chú ý của cộng đồng thế giới. Nhân dân trong nước phản đối và phong trào chống cuộc xâm lấn của Trung Quốc trỗi dậy. Chính quyền Hà Nội không những tỏ ra nhát sợ trước hành vi thô bạo của Trung Quốc mà còn đàn áp dã man tất cả các thành phần yêu nước tỏ thái độ chống Trung Quốc. Song song với việc lấn chiếm lãnh hải, Trung Quốc còn tung tin và đưa ra một số tư liệu chứng minh sự thần phục của nhà cầm quyền Hà Nội đối với chính quyền Bắc Kinh. Không những tập đoàn lãnh đạo cộng sản Việt Nam không có đính chính mà còn công khai tiếp nhận và thi hành các yêu cầu từ Uỷ Ban Nhân Dân Tỉnh Quảng Đông.
Đứng trên cương vị của một đảng cầm quyền và chính quyền của một quốc gia độc lập, Đảng cộng sản Việt Nam đã lộ bộ mặt thật của một tổ chức lệ thuộc ngoại bang.
Trong khi đó tình hình kinh tế trong nước tiếp tục suy sụp, đời sống nhân dân ngày càng khổ hơn. Nhân dân Việt Nam phẫn uất. Phong trào đối lập trỗi dậy. Thành phần chống đối đứng dậy từ mọi nơi. Tình hình xã hội bắt đầu giao động mạnh.
Vừa tham nhũng không giới hạn, vừa tỏ ra yếu kém trong vai trò quản lý kinh tế, vừa dã man thô bạo đối với dân và bán nước. Tập đoàn lãnh đạo Hà Nội hiện ra dưới con mắt của dư luận trong nước và quốc tế như cái gì xấu xa nhất, tệ hại nhất trong giới chính trị hiện nay.
Như vậy tại sao các quốc gia dân chủ tiên tiến như Hoa Kỳ, Nhật Bản, v.v… lại muốn giúp một chính quyền cộng sản bất nhân và tồi bại như vậy? Trong khi bề ngoài họ tỏ vẻ chẳng cần sự trợ giúp nào hết vì họ tiếp tục liên hệ mật thiết với kẻ đang đánh họ.
Chính quyền này có gì đáng giúp? Họ có gì mà phải cần đến?
Ai cũng biết là Việt Nam có nhiều đặc điểm thuận lợi cho Trung Quốc cũng như cho các quốc gia dân chủ trong cuộc chạy đua giành ảnh hưởng ở các vùng Đông Nam Á và Biển Đông.
Như mọi người đã chứng kiến, từ khi Trung Quốc dựng lại được nền kinh tế và đạt một mức phát triển khá cao so với thời kỳ bưng bít khép cửa, chính quyền Bắc Kinh ngày càng tỏ ra phách lối và xấc xược. Thay vì trỗi dậy trong hòa bình, Bắc Kinh đi vào con đường gây bất ổn cho cộng đồng thế giới và tỏ ý đồ xâm lược bằng sức mạnh đối với các quốc gia trong vùng. Họ đặc biệt nhắm vào Việt Nam và vùng Đông Nam Á biển Thái Bình Dương.
Việt Nam có nhiều điểm thuận lợi cho Trung Quốc trong chiến lược bành trướng của họ, đồng thời là mục tiêu lý tưởng.
Địa thế nước ta thuận lợi cho việc kiểm soát các vùng đất Đông Dương thuộc Pháp (Indochine Française/ French Indochina) ngày xưa và các vùng biển mục tiêu của Bắc Kinh. Chính quyền Hà Nội đã bị Bắc Kinh kiềm chế từ khi các chế độ cộng sản Liên xô và Châu Âu bị sụp đổ vào những năm 1990 đến nay vì đảng cộng sản Trung Quốc là chỗ dựa duy nhất của đảng cộng sản Việt Nam. Các nhân vật lãnh đạo Việt Nam bị chinh quyền Bắc Kinh cầm nắm trong tay do những liên hệ kinh tế cá nhân, và trong đảng cộng sản Việt Nam các thành phần thân Trung Quốc khá đông có thể tiếp tay cho việc áp đặt ách thống trị.
Đó là chưa kể những gì, về mặt kinh tế, đất nước Việt Nam có thể đóng góp cho Bắc Kinh. Việt Nam là một nước đông dân với mức lao động rẻ tiền và tay nghề cao so với các nước khác ở Đông Dương và cả trong vùng. Lãnh thổ và lãnh hải rộng lớn của Việt Nam chứa đựng nhiều tài nguyên chỉ cần được khai thác để phục vụ cho mục tiêu giữ mức phát triển kinh tế ở độ cao của Trung Quốc.
Đối với các nước dân chủ, việc Bắc Kinh muốn thôn tính những quốc gia độc lập và kiểm soát các lãnh thổ, các vùng biển giáp ranh, và cả các không phận hiện nay là những trục giao thông tự do của quốc tế không thuộc quyền kiểm soát phòng không của Bắc Kinh, bất chấp luật lệ quốc tế, là một điều không có thể chấp nhận được. Do vậy họ hiệp lực để ngăn chặn ý đồ ngang ngược của Bắc Kinh nhưng đến nay họ không có lý do chính đáng để can thiệp trực tiếp vì họ không phải là nạn nhân.
Lý do chính đáng đó chỉ có Việt Nam, nạn nhân chính và trực tiếp, mới có thể cung cấp được nếu Hà Nội quốc tế hoá sự việc, đưa vụ xâm chiếm lãnh hải ra Liên Hiệp Quốc để kiện Trung Quốc.
Đó là nguyên nhân, tại sao Trung Quốc làm áp lực để chính quyền Hà Nội không kiện ra Liên Hiệp Quốc và ngược lại các quốc gia dân chủ không ngưng đôn đốc Hà Nội đưa hồ sơ lên để khởi kiện.
Tình thế đảo ngược, từ thế tứ bề thọ địch, bị cô lập hoàn toàn, từ dưới hố sâu vực thẳm, Cộng sản Việt Nam tự dưng được bốc lên để đóng vai trò quan trọng trong tiến trình giải quyết tình hình tranh chấp hiện nay ở biển Đông và vùng Đông Nam Á. Cục diện có thể thay đổi tùy theo quyết định của chính quyền Hà Nội.
Khi thương lượng để đi đến một quyết định, chắc chắn tập đoàn lãnh đạo cộng sản sẽ tìm một giải pháp để duy trì ách thống trị của họ trên đất nước Việt Nam, đặt quyền lợi Đảng lên trên quyền lợi của đất nước, như từ trước đến nay.
Nhưng xin họ đừng nên quên là họ chẳng có gì cả để thương lượng. Họ bị Trung Quốc cưỡng bức, bị nhân dân muốn đuổi đi, đất nước không phải của họ mà của nhân dân, và ngay cả trong Đảng của họ một số lớn đảng viên cũng không chấp nhận những gì họ làm trước đây. Và họ cũng nên nhớ là trong những cuộc thương lượng họ không phải là những đại diện có đủ tính cách chính đáng để thay mặt cho nhân dân Việt Nam.
Tiếc cho nhân dân Việt Nam hiện nay bị cướp mất quyền quản lý, làm chủ đất nước. Trong những lúc quan trọng ảnh hưởng đến vận mạng của đất nước như hiện nay, người dân Việt Nam không được tham khảo góp ý.
Đến bây giờ họ vẫn giữ im lặng. Nhưng sự thầm lặng của hơn 90 triệu dân không có nghĩa là sự nín thinh hay sự đồng tình. Sau những gì nhân dân đã hiểu ở Đảng Cộng Sản Việt Nam, ở vai trò của chính quyền Hà Nôi trong việc đưa đất nước vào sự lệ thuộc đối với Bắc Kinh, họ không còn tin tưởng ở sự lãnh đạo của tập thể này nữa.
Đã đến lúc toàn dân Việt Nam phải đứng lên để có tiếng nói. Không phải chỉ để chống đối những gì không thể chấp nhận được, mà để đấu tranh giành lại những quyền con người và công dân mà chính quyền cộng sản đã cướp mất.
Đồng thời nhân dân Việt Nam cũng cần nhắc nhở cộng đồng thế giới là trong tất cả các cuộc thương lượng trao đổi với đất nước Việt Nam, các đối tác cần nhìn rõ ai là người làm chủ và có đủ tính cách chính đáng để ký kết hay không.
Những gì ký kết với một tập đoàn không có tính cách chính đáng vì không được dân bầu, có thể xem như không có giá trị. Bằng chứng là những thỏa thuận ký ở Hội Nghị Thành Đô cũng như công văn của Phạm văn Đồng không thể đem ra áp dụng đối với toàn dân Việt Nam, và chính bản thân những người ký kết cũng không dám trưng ra.
Thời kỳ của các chế độ độc tài toàn trị lừa dân đã chấm dứt theo sự sụp đổ của cộng đồng cộng sản quốc tế. Bây giở những giá trị nhân bản và tự do đã được thế giới công nhận và bảo vệ. Ở những quốc gia cộng sản còn lại, chế độ cộng sản đã vào thời kỳ hấp hối chờ chết. Không có lý gì mà nhân dân Viêt Nam phải tiếp tục chấp nhận những hành động đàn áp và chà đạp quyền con người dưới ách thống trị của một tập đoàn độc tài, dã man và bán nước như hiện nay.
Đã đến lúc chúng ta phải tự giải thoát để kịp thời hội nhập vào một cộng đồng tự do và nhân bản, trả lại quyền con người cho mỗi công dân để cùng nhau đóng góp vào việc xây dựng một xã hội trên căn bản đạo đức và một đất nước phồn vinh.
Và đây là cơ hội cho Đảng Cộng Sản để thoát khỏi nạn diệt vong và trở lại với dân tộc, nếu muốn. Bằng không sẽ là nguyên nhân của một sự bùng nổ. Toàn dân sẽ đứng lên để bảo vệ độc lập và vẹn toàn lãnh thổ của đất nước Việt Nam, và quyền làm con người của họ.
Nguyễn Sơn Bá (08/08/2014)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét