Pages

Chủ Nhật, 31 tháng 8, 2014

Tháng Chín TPP: Lá tử vi cuối cho Việt Nam?


“Việt Nam sắp tiến ra biển lớn”
(VietNamThoiBao) – Chỉ còn ít ngày nữa sẽ diễn ra một trong vài kỳ họp TPP cuối cùng của năm 2014, cũng mang ý nghĩa như một sự “chung quyết” đối với số phận của Nhà nước Việt Nam có được tham dự vào hiệp định cứu cánh này hay không.
Về thực chất, Việt Nam sẽ chẳng còn mấy cơ hội để tham gia TPP, nếu tiến trình đàm phán vẫn giậm chân tại chỗ như thời gian qua. Sau thời gian đầu ồn ào với nỗi phấn khích tưởng như không có gì kềm giữ nổi, nhiều tờ báo nhà nước bất chợt xẹp nguội nhanh chóng nhiệt huyết tuyên truyền cho việc “Việt Nam sắp tiến ra biển lớn”.

Lời hứa hẹn” hoàn tất sớm nhất vào cuối năm 2013” của Tổng thống Hoa Kỳ Barak Obama hóa ra lại chỉ là “bánh vẽ” – theo đúng cái cách mà giới lãnh đạo Việt Nam thường phủ dụ dân chúng của mình.
Gần đây, Tổng thống Mỹ lại “mong muốn 12 nước sẽ hoàn tất được đàm phán và đúc kết được một văn kiện vào đúng chuyến đi Châu Á vào tháng 11 tới đây của ông”. Ông Obama cũng muốn gấp rút bảo đảm một kết quả trước cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ tổng thống tại Mỹ, cũng diễn ra vào tháng 11.
Thế nhưng ở Việt Nam vào lúc này, báo chí thậm chí không buồn nhắc tới sự kiện trọng đại TPP. Có chăng, người ta chỉ nói về “hiện tượng” nhiều doanh nghiệp Trung Quốc “đổ xô” vào Việt Nam để đón lõng thị trường dệt may một khi TPP được ban phép lành cho Hà Nội.
Bởi liên tục các vòng đàm phán từ đầu quý 2 năm 2014 đã gần như trở lại điểm xuất phát ban đầu với “bất đồng Mỹ – Nhật”.
Nhưng có thật như thế không?
Lá tử vi cuối cùng
Những chuyên gia phân tích lão luyện vẫn cho rằng cho dù giữa Nhật và Mỹ luôn tồn tại mối quan hệ cạnh tranh tiềm ẩn, nhưng chẳng có lý do gì để Việt Nam không được tham dự vào bàn tiệc TPP nếu nhà nước này chịu đưa ra “những cải thiện có thể chứng minh được về nhân quyền”. Tuy thế, chuyến công du 11 ngày của Báo cáo viên đặc biệt về tự do tôn giáo của Liên hiệp quốc vào đầu tháng 8/2014 tại Việt Nam lại là một bằng chứng không thể thuyết phục hơn về “những vi phạm trầm trọng” của thể chế này đối với những nhân chứng mà Báo cáo viên đặc biệt muốn gặp.
Điều đáng quan ngại hơn là bản tường trình của Báo cáo viên đặc biệt trên lại đến sau báo cáo của Bộ ngoại giao Mỹ về nhân quyền Việt Nam có 3 ngày. Vì thế, sẽ khó khăn cho giới chức ngoại giao Hoa Kỳ trong trường hợp họ muốn “bảo vệ” những nhà cầm quyền Hà Nội vi phạm như cơm bữa đối với Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị.
Các thành viên Hội phụ nữ nhân quyền VN đi tham dự phiên tòa Bùi Hằng bị nhốt trong KS không thể đi ra ngoài
Mới vào cuối tháng 8/2014, Việt Nam lại xảy ra một phiên tòa không thể chấp nhận được về đạo lý. Tự tạo cớ, tự bắt bớ rồi tự đem ra xét xử ba người dân vô tội với lý cớ “gây rối trật tự công cộng”, nhà nước và ngành công an Việt Nam đã lại một lần nữa mang lá số tử vi của họ ra đánh đố vận mạng trước cái không thể còn là “Thiên thời, Địa lợi” của họ nữa.
Tháng Chín tới có lẽ là một trong vài lá tử vi TPP cuối cùng trong năm 2014 cho Việt Nam. Bởi đến tháng Mười Một, không khí cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Quốc hội Hoa Kỳ sẽ bừng nở và sẽ chẳng còn mấy chính khách Mỹ còn đủ tâm trí và thời gian để “vận động” cho Việt Nam. Trong khi đó, chuyến đi mới đây của Thượng nghị sĩ John MaCain đến Hà Nội lại được ông xác quyết một điểm nhấn không thể thiếu: Nhân quyền trước, an ninh Biển Đông và TPP sau.

đi tham dự phiên tòa Bùi Hằng, cô Nguyễn Ngọc Lụa bị Công an đánh ngất xỉu phải nhập viện
 
Vì thế, hãy chờ xem dịp lễ quốc khánh 2/9 tới đây liệu có diễn ra một không khí đặc xá “đặc cách” dành cho các tù nhân lương tâm hay không. Nghe nói một danh sách trên hai chục tù chính trị đã được phía Mỹ chuyển cho Hà Nội.
Thế nhưng danh sách trên chỉ mới là điều kiện tối thiểu cho một lộ trình dài hạn trong tương lai…
Viết Lê Quân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét