Pages

Thứ Bảy, 20 tháng 9, 2014

Alan Phan - Săn Lùng Tỷ Phú Đô La

billionaies club


 20 Sep 2014

Nói chuyện về người nghèo mãi cũng nhàm chán. Mà Việt Nam đâu còn người nghèo hay thất nghiệp để mà bàn. Nhất là khi ngài Bộ Trưởng dõng dạc tuyên bố là “bán vé số, thu nhập cao” (chắc ngài sắp từ chức về hành nghề bán vé số?) hay bà Bộ Trưởng khoe là cả nước chỉ có 1.48% thất nghiệp (tổng số đám phản động đang ở trong tù). Đúng là ông già Alan cũng phải …câm miệng luôn.

Trong khi đó, ông già nhận được khoảng 6 cú phone hỏi về danh tánh 2 tỷ phú Việt Nam vừa được Wealth-X và UBS xác nhận. Cứ làm như ông già này giao du nhiều với đám siêu giàu lắm (thực ra Alan cũng muốn la cà quanh họ nhưng các vị không thèm “chơi” với người “hết thời”). Tuy nhiên, ông già hay nhận được nhiều tin đồn thổi từ hậu trường nên cũng muốn chia sẻ. Ít nhất là sẽ giúp được nhóm…chân dài tìm ra khách hàng (hay nạn nhân) tiềm năng.

Trước hết hãy vẽ ra một hình tượng về tỷ phú đô la cho mọi công dân vé số biết mà so sánh. Một tỷ đô tương đương 21 ngàn tỷ đồng Việt. Ở đây, lương CEO của một ngân hàng khoảng 200 triệu đồng mỗi tháng  hay 2.5 tỷ một năm , cao chất ngất để vài làng mổ bò ăn mừng. Nhưng nếu ngài CEO này để dành tất cả lương bổng (trong khi vợ đi buôn thúng bán bưng để cả nhà sống), thì ngài phải mất 8 ngàn 400 trăm năm để thành tỷ phú đô la (cần khá nhiều đông trùng hạ thảo). Thu nhập cao nhất của chuyên gia vé số là 100 ngàn một ngày 15 tiếng hay 3 triệu một tháng (30 ngày không nghỉ và trời không mưa). Chuyên gia vé số này của ngài Bộ Trưởng phải để dành mất 583 ngàn năm mới thành tỷ phú đô (cũng may, vừa kịp khi Việt Nam hoàn tất xây dựng XHCN).

Quay lại con số 2 tỷ phú mà Wealth-X đã nêu ra. Ngoài ông Phạm Nhật Vượng mà báo Forbes đã “certify” là tỷ phú đô rõ nhất của Việt Nam, các báo nhắc đến ông Hoàng Kiều, cũng được kiểm nhận bởi Forbes là có 2.8 tỷ đô. Tuy nhiên, tôi không biết trong thời gian Bộ Ngoại Giao ra ân gia hạn, ông Kiều có đăng ký xin giữ quốc tịch Việt Nam? Nếu không, ông chỉ là “thằng Mỹ ngụy”, không được cho vào danh sách cao quý này. Vậy thì người thứ hai là ai?

Thực ra, về số lượng, theo nghiên cứu dựa trên số liệu vỉa hè của Alan, có ít nhất là 4 đến 6 tỷ phú đô la trong giới “doanh nhân” Việt Nam. Nếu cộng thêm vào các gia đình quan chức, con số này có thể là gấp đôi. Tuy nhiên, trừ khi Việt Nam có một tranh chấp quyền lực kiểu Trung Quốc, thì con số này sẽ được giữ “tuyệt mật” đến khoảng 1000 năm nữa.

Xin nhắc các bạn BCA là khi ông Ôn Gia Bảo làm thủ tướng Trung Quốc, ông là người được dân Tàu thương mến nhất trong giới quan chức, theo các báo lề đảng và cả các blogs lề trái trên mạng. Ông liêm khiết, hay mau nước mắt xin lỗi dân, có quá khứ “cải cách” trong thời Thiên An Môn…Chỉ khi ông về hưu, báo nước ngoài mới dám nói về tài sản 15 tỷ đô la mà gia đình ông sở hữu. Và ông không là ngoại lệ. Nếu không có Tập Cận Bình, ai mà biết gia đình Chu Vĩnh Khang có hơn 20 tỷ đô la hay Bạc Hy Lai có hơn 3 tỷ đô la?

Nãy giờ lam man đủ rồi. Tôi xin tiết lộ danh tánh tỷ phú đô thứ hai của Việt Nam….. Nhưng nghĩ lại, thôi để các vị đoán mò vậy nhé. Theo vài “tips” sau đây:

Theo nhiều phân tích gia, hiện nay, giới nắm nhiều tiền và nhiều thế lực nhất tại Việt Nam là nhóm Việt kiều từ Nga và Đông Âu. Điều này cũng dễ hiểu vì thời chiến tranh, giới sinh viên được đi du học đều là COCC và được qua Đông Âu phần lớn. Khi Liên Xô sụp đổ, nhiều thái tử tìm cách ở lại và phải ra đường phố để tranh sống. Họ học được hai điều quý giá: street smarts và cách làm giàu mau chóng của đại gia Nga trong những biến động cải cách của kinh tế chính trị. Mang chút tiền về Việt Nam thời mới mở cửa, họ dựa vào gia đình, rồi ứng dụng 2 bài học trên vào tình thế địa phương. Kết quả là một sự thành công ngoài sức tưởng tượng.

Cùng đi lên là những quan chức đã chống lưng cho nhóm tư bản mới. Đây là một đề tài nhậy cảm nên ông già xin tự “delete” và nói rõ hơn…khoảng 1000 năm nữa.

Điểm tương đồng thứ hai của các tỷ phú đô la Việt là xuất xứ của nguồn tiền. Xin thưa rõ với quan Bộ Trưởng là chắc chắn không phải từ bán vé số. Ngoài tiền lại quả từ các công trình…(delete again); sự giàu có đến từ bất động sản, chuyển qua chứng khoán ngân hàng…rồi khai thác khoáng sản. Vài doanh nghiệp tư nhân tạo tài sản từ khâu sản xuất hay thương mại, bán lẻ, dịch vụ FDI…nhưng phần lớn đều chỉ là …tiểu tư sản, không đáng kể.

Điểm tương đồng thứ ba là sự kín tiếng rất khôn ngoan giống như những tay chơi poker mặt lạnh của Vegas. Chính tôi cũng phải tròn mắt hỏi lại khi có người thì thầm tên tuổi họ. Nếu bạn thấy tên họ trên báo thì chắc chắn là “đồ dỏm” rồi. Đây là loại hàng xịn dấu kỹ trong kho. Dĩ nhiên, ông già Alan cũng là tỷ phú…nhưng tỷ phú tiền Việt.

Hy vọng các điểm trên sẽ giúp các bạn phóng viên tìm ra những tỷ phú đô la khác của Việt Nam.

Sáng nay cuối tuần. Ông già Alan định ra tắm biển nhưng trời lại đổ mưa lớn. Đành ngồi làm ly cà phê.  chém gió qua bàn phím để mọi người thư giãn. Bên Mỹ, vì sự minh bạch và cách kiểm kê mọi số liệu tài chánh ngang dọc (để tìm kẻ trốn thuế và rửa tiền), nên mọi tài sản phải công khai trừ các ngài buôn ma túy. Việt Nam thì tôn trọng “vẻ đẹp tiềm ẩn”, nên bày ra trò chơi “săn lùng tỷ phú” này (không biết VNG-Vinagame đã mua bản quyền từ Trung Quốc chưa?).

Vả lại, vì tính sĩ diện cao, người Việt mình rất tò mò tìm bảng “xếp hạng” của đủ mọi thứ, mà tỷ phú là miếng mồi ngon nhất của xã hội bây giờ. Dù nghĩ cho cùng, sự xếp hạng hay có tên trên bảng phong thần phong thánh nào đó của vài anh chị tây ba lô chẳng ảnh hưởng gì đến đời sống của tôi hay của bạn hay của các chuyên gia bán vé số (độc quyền của bộ tuyên truyền).

Thực ra, bài viết này cũng là để trả lời cho một siêu mẫu (theo các bạn BCA, cũng có danh hiệu trên “thương trường”). Cô ta hỏi về cách tiếp cận và gặp gỡ các tỷ phú đất Việt; vì có lần nghe tôi nói là nghệ thuật đi tìm vốn cho doanh nghiệp cũng tương tự như chuyện các chân dài đi tìm “đối tác”.  Vậy tôi xin báo là nếu vị tỷ phú đô la thứ hai của dân Việt muốn gặp người nổi tiếng này, thì lo mà mời tôi đi ăn tối trong dịp tôi ra Hà Nội vào ngày 25/9 này.

Beauty luôn luôn đi tìm the beast, hay ngược lại.
 
  Alan Phan

(Blog Alan Phan)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét