Pages

Thứ Ba, 23 tháng 9, 2014

Đảng của Rồng và Con của Sói

Ilham Tohti bị cáo buộc đã phân biệt 'loài sói Uighur' và 'loài rồng Hán tộc'
Toà án Tân Cương vừa xử tù chung thân học giả Ilham Tohti người dân tộc thiểu số Uighur hôm 23/09/2014.
Luật sư Lý Phương Bình bào chữa cho ông Tohti nói với BBC qua điện thoại rằng thân chủ của ông đã nói to trước toà 'Tôi không đồng ý' khi bản án được đọc.
Chính quyền Trung Quốc cho rằng các bài giảng của ông Tohti 'kích động chủ nghĩa ly khai'.

Bản án dài 66 trang, tập trung vào cáo trạng ‘chủ nghĩa ly khai’ còn thu lượm cả lời khai của một số sinh viên.
“Bước vào toà, ông chào cả bằng tiếng Uighur và Hán sau đó ngồi xuống, yên lặng vì không được phép bình luận gì,” luật sư họ Lý kể với BBC Tiếng Trung từ Hong Kong qua điện thoại.
“Ông ấy ngồi yên với nụ cười nhưng đã hô to ‘Không đồng ý’ khi toà tuyên án,”
“Chúng tôi đã nói ông không có tội vì họ dùng nhiều các từ ngữ như ‘sách động, thêm màu sắc, kích động” và nói ông ‘có ý định đưa cả các thế lực bên ngoài tập trung vào chủ đề Tân Cương nhằm thực hiện mục tiêu phân liệt quốc gia.”
Tòa án ở Urumqi đã xử chung thân học giả người Uighur
Vẫn theo luật sư Lý Phương Bình, ông Tohti “chưa bao giờ có ý định như thế” và toà đã dùng các bài nói chuyện trên giảng đường, bài trả lời phỏng vấn với truyền thông của ông...làm bằng chứng.
Theo luật sư Lý, ông Tohti chỉ muốn dân tộc Uighur “đối thoại hoà bình với người Hán”.

Không phải do Đảng đẻ ra

Một trong những điều được chính quyền ở Trung Quốc nêu ra nhằm buộc tội Ilham Tohti, một cựu giảng viên đại học ở Bắc Kinh, là phát biểu của ông cho rằng dân tộc Uighur ‘là con của sói, không phải loài rồng như người Hán’.
Theo một bản tin của AP hồi năm 2010, ông Tohti đã dùng sói và rồng “để phân biệt rõ hai biểu tượng huyền thoại của hai dân tộc “.
Vẫn theo AP, ông cũng nói hồi 2010:
“Chúng tôi không phải do Đảng Cộng sản Trung Quốc đẻ ra. Lịch sử của chúng tôi đã có từ rất lâu hơn 60 năm.”
Ý ông Tohti nói rằng tuổi của nền văn minh Uighur lớn hơn nhiều so với tuổi của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Ở Trung Quốc, việc đặt lại lịch sử và so sánh các huyền thoại luôn được coi là có sức mạnh không kém gì các hoạt động cụ thể, thậm chí có lúc còn có tác động lan toả mạnh hơn hành động.
Vì ngày cả các tuyên bố chủ quyền biển đảo của Trung Quốc cũng chủ yếu dựa vào những điều mang tính “lịch sử” theo quan điểm của nước này, chứ không phải dựa vào luật phát quốc tế.
Trung Quốc lập luận rằng lịch sử của họ dài lâu hơn cả khi trật tự thế giới hiện này hình thành với các công ước về luật biển...
Nhưng chuyện Sói và Rồng còn là vấn đề động đến tâm can của dân tộc Trung Hoa.
Cuốn sách ‘Totem Sói’ của Khương Nhung (2004) đặt lại vấn đề mà Lỗ Tấn đã nêu về sự hèn yếu của người nông dân Hán, và kêu gọi họ hãy nhìn vào ‘tính sói’ của các bộ tộc du mục ở thảo nguyên Mông Cổ để đặt lại quan hệ người với người và với thiên nhiên.
Trong cuốn sách được in hàng triệu bản tại Trung Quốc, tác giả đã phê phán tâm lý người nông dân Trung Hoa là tâm lý của đàn cừu, bị khuất phục bởi các giống hung dữ từ châu Âu sang, từ phía Tây đến.
Thần thoại Trung Hoa tin rằng Thần Nông, là con của rồng và dân tộc này như thế, có nguồn gốc nông nghiệp, trồng cấy.
Trong khi đó, sói là biểu tượng của các sắc dân du mục, săn bắn.
Nhân vật chính họ Trần trong Totem Sói đã đi săn cùng người Mông Cổ, giết chết một con sói con nhưng lại cảm thấy có sự kết nối với nó.
Theo bình luận của Mã Ba Thuấn, "Ngày nay, giữa lúc xã hội Trung Quốc đang chuyển đổi mô hình, tính cách quốc dân hình thành từ nền văn minh nông canh đang níu chân mọi người tiến tới, học giả Khương Nhung đã đánh dấu son lên tác phẩm đồ sộ mà ông tâm huyết cả nửa cuộc đời, để rồi hoàn thành sứ mạng tái hiện tôtem sói, trở thành người đúc kết chân lý về sói."

Văn hóa hay chính trị?

So sánh totem không phải là chuyện mới và đáng ra chỉ nên là vấn đề mang tính văn hóa chung chung.
Ở châu Âu, thành phố Rome của Ý cũng thờ cặp anh em Romulus và Remus mà họ tin là do mẹ chó sói sinh ra.
Cả Đức, Hoa Kỳ, Ba Lan và Albania đều dùng biểu tượng đại bàng trong khi Hoàng gia Anh dùng hình sư tử.
Nhưng nếu như Ilham Tohti nhấn mạnh lại rằng người Hồi giáo miền Tây của Trung Quốc mới đúng là gốc Sói, và người Hán là con cháu của Rồng, tức là đặt họ vào gốc nông dân hèn yếu, không phải du mục, hàm ý không chung sống được với nhau, hẳn ông ta đã động vào một chủ đề rất nhạy cảm, theo quan điểm của giới chức Trung Quốc.
Tại châu Á ngày nay, như trang The Economist ở Anh viết hồi tháng 7 năm nay, các nước ‘đang tham gia cuộc chiến về lịch sử’, từ chuyện in ra sách giáo khoa có nội dung khác nhau đến các tranh cãi về nhân vật, sự kiện, về lãnh thổ, biển đảo, tất cả đều dính tới quá khứ.
Người Trung Hoa thờ rồng, con vật thần thoại giúp nghề nông
Trong cuộc chiến đó, các chính thể ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc hay Việt Nam, Campuchia hẳn đều muốn giành quyền diễn giải tối hậu.
Nhưng trong vụ án Tohti, học giả này có vẻ như đã thách thức quyền đó của nhà nước Trung Quốc, không để cho chính quyền diễn dịch lịch sử dân tộc Uighur của ông.
Rất có thể đây là lằn ranh cuối cùng khiến cơ quan công tố Trung Quốc, qua cách nhìn quá nặng về huyền thoại của họ, quy kết ông Tohti vào tội ly khai, dù ông chưa hề có hoạt động khủng bố nào cả.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét