Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18, ngày 08/11/2012, Bắc Kinh. Reuters |
Về nợ nần của chính quyền địa phương, một chủ đề nhạy cảm, Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc tuyên bố tình hình « nằm trong vòng kiểm soát ». Thủ tướng Lý Khắc Cường thì tuyên bố « tin tưởng » vào triển vọng tăng trưởng. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng tỏ rõ một thái độ bình thản qua phong thái lãnh đạo đất nước. Trên thực tế, theo Les Echos, dưới vẻ bề ngoài lạc quan này là tình trạng bê bối nhiều mặt của kinh tế Trung Quốc.
Nhà ở hạ giá, ngày càng có thêm nhiều thành phố phải đưa ra các biện pháp kích thích thị trường bất động sản, khu vực chiếm đến 15% GDP, một động lực chính của tăng trưởng. Tình trạng này ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của các ngân hàng và ngân sách của các chính quyền địa phương. Theo đánh giá của Les Echos, khả năng hành động hiện nay của Bắc Kinh bị thu hẹp hơn nhiều so với năm 2008. « Cho dù kịch bản đen tối về một sự sụp đổ toàn diện chưa phải là điều có thể xảy ra trước mắt… chính quyền hiểu rằng các biện pháp mà họ thường dùng để chống lại tình trạng kinh tế trì trệ đều đã được khai thác. Trong tương lai, việc đưa ra các chương trình chấn hưng sẽ chỉ giới hạn ở một số mục tiêu, và ở quy mô vừa phải, nếu không sẽ chỉ khiến nợ nần thêm trầm trọng ».
Để củng cố quyền lực trong bối cảnh kinh tế trì trệ, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tiến hành cuộc chiến chống tham nhũng quy mô lớn, với đỉnh cao là cuộc điều tra chính thức nhằm vào Chu Vĩnh Khang, cựu ủy viên thường vụ Bộ chính trị, nguyên cầm đầu ngành an ninh Trung Quốc, vốn được coi là nhân vật bất khả xâm phạm. Chiến dịch tuyên truyền đề cao Đặng Tiểu Bình vừa diễn ra cũng được coi là phương tiện mà Tập Cận Bình sử dụng để « gia tăng đoàn kết nội bộ của một đảng chính trị, mà dưới thời Mao, đã từng là nơi sinh ra nhiều thảm kịch ».
Con đường thứ hai mà chính quyền Trung Quốc sử dụng để chuẩn bị đương đầu với các thách thức lớn sắp tới là vuốt ve « giấc mộng Trung Hoa » của người Trung Quốc, muốn tìm lại vị thế quốc tế của một đại cường quốc, « chấm dứt những nỗi nhục hàng thế kỷ » mà Trung Quốc cho rằng mình phải chịu đựng. Chiến dịch tư pháp nhắm vào các doanh nghiệp nước ngoài có mục tiêu như vậy, nhưng đặc biệt được chú ý là các hành động nhằm khẳng định vị thế của Trung Quốc trong lĩnh vực quân sự - ngoại giao. Sau sự cố chiến đấu cơ Trung Quốc chạm trán với phi cơ Mỹ ở Biển Đông, tờ báo dân tộc chủ nghĩa Hoàn Cầu thời báo tuyên bố tàu Trung Quốc sẽ tuần tiễu ở sát bờ biển Hoa Kỳ. Theo Les Echos, dù ở nông thôn, hay thành thị, giàu hay nghèo, già hay trẻ, đây là chủ đề mà người Trung Quốc thường dễ tìm được tiếng nói chung.
Điều cuối cùng mà chính quyền Trung Quốc chuẩn bị trước các thách thức lớn bất ngờ là tiêu diệt các khát vọng dân chủ và đa đảng.
Thông tín viên Les Echos bình luận : « Trước thời tiết xấu, Tập Cận Bình ổn định tình hình trên con thuyền của ông ta, khép thủy thủ đoàn vào kỷ luật, siết chặt hàng ngũ xung quanh lãnh đạo, giết từ trong trứng các mưu toan nổi dậy. Ông ta chỉ còn chờ đợi và hy vọng cơn bão sẽ không quá khủng khiếp ».
Sách mới của cựu tình nhân Tổng thống Pháp : Một đòn trả thù ác độc ?
Cho dù nhiều vấn đề thời sự nóng bỏng với các xung đột đang chực chờ leo thang, chủ đề hàng đầu của báo Pháp hôm nay dường vẫn là cuốn sách sắp ra mắt với 200.000 ấn bản, của cựu đệ nhất tình nhân của Tổng thống Pháp, bà Valérie Trierweiller, với nhan đề « Merci pour ce moment » (tạm dịch là « Cảm ơn cái thời ấy »). Tờ báo thiên hữu Le Figaro chạy tựa lớn trên trang nhất : « Valérie Trierweiller : một cuốn sách tàn khốc đối với François Hollande ». Cuốn sách hơn 320 trang, mà người tình nhân cũ của Tổng thống Pháp viết trong bí mật, vén màn quan hệ 10 năm với ông Hollande, trong đó hiện lên chân dung của « một tổng thống lạnh lùng và thờ ơ, diễu cợt người nghèo ».
Nhân cuốn sách này, xã luận Le Figaro, với tựa đề « Bi kịch và hài kịch », đả kích chính quyền của Tổng thống Hollande với những lời lẽ nghiêm trọng : « Nhà cháy, nhưng những con mắt lại quay sang một hướng khác. Bi kịch – là sự phá sản của nền kinh tế Pháp – là điều lẽ ra phải được chú ý trước hết, nhưng hài kịch lại nổi lên ». Hài kịch mà tờ báo nói đến chính là cuốn sách của bà Valérie Trierweiller. Le Figaro chế giễu sự tương phản giữa những tuyên bố mẫu mực của ông Hollande và thực tế, « đời sống cá nhân, đời sống công cộng, dối trá ở khắp nơi… ».
Rất nhiều ý kiến của các chính trị gia, nhà báo phản đối thái độ của tác giả cuốn sách. Bài « Sans-dent et sans décence » trong mục « sự kiện chính trị trong ngày », nhà báo Les Echos chỉ trích trực diện cựu phụ nhân của Tổng thống. Sau cuộc chia tay đầy đau khổ và hổ nhục với ông Hollande, bà Valérie Trierweiller đã hứa hẹn sẽ tham gia các hoạt động nhân đạo để tự chữa lành các vết thương lòng. Tuy nhiên, cuốn sách bất ngờ của bà được xuất bản hôm nay cho thấy bà đã trả đũa ông Tổng thống bằng một đòn rất hiểm. Les Echos nhận xét : « trong bối cảnh, ông François Hollande được tỷ lệ ủng hộ thấp nhất trong công luận, bị khinh thường ngay chính trong phe mình, về uy quyền cũng như về chính sách, quan hệ của ông với người Pháp chỉ còn được duy trì qua một sợi dây duy nhất, đó là sự cảm thông, tính cách giản dị mà nhiều người Pháp vẫn còn nhìn nhận ở ông Hollande,… Với việc vẽ nên chân dung về một con người giả trá, khinh bỉ người nghèo, sự chê trách tồi tệ nhất đối với một người thuộc hàng ngũ cánh tả, bạn tình cũ của ông Hollande đã đánh vào chính sợi dây cuối cùng này. Người ta gọi đó là một đòn hạ gục ».
Lẫn lộn công tư : Hồi kết cho định chế đệ nhất phu nhân tại Pháp ?
Theo Le Figaro, nhiều chính trị gia tuyên bố sẽ không đọc cuốn sách của cựu tình nhân Tổng thống. Theo Chủ tịch Quốc hội Claude Bartolone, « ai mà chẳng có khổ đau và những chuyện riêng tư, nhưng không phải tất cả mọi người đều có khả năng viết thành sách. Đối với những chuyện tình lớn, đôi khi cần phải tìm thấy một kết thúc đẹp. Đây là một chuyện riêng tư ». Phát biểu trên Le Figaro, chuyên gia về giao tiếp chính trị Christian Delport cho rằng cuốn sách sẽ có một hệ quả tồi tệ với ông Hollande, điều mà Tổng thống Pháp có thể làm hiện nay là cho thấy ông không quan tâm đến những điều vặt vãnh và điều quan trọng duy nhất với ông là cuộc chiến vì nước Pháp.
Cũng về xuất bản gây chấn động của cựu tình nhân Tổng thống, có một bài viết đáng chú ý khác trên Le Monde : « Một cuốn sách, nơi tất cả hòa trộn, cái công và cái tư, tình ái và chính trị », nhấn mạnh nhiều hơn đến phương diện « văn học » của cuốn sách. Khẳng định « không phải là một cú xì căng đan, cũng không phải là một trái bom », cuốn « Cảm ơn cái thời ấy » có thể coi là « giấy chứng tử » cho một quan hệ. Bài viết của Le Monde nhắc lại hai lần Tổng thống Hollande khẳng định « việc riêng tư phải được giải quyết riêng », nhưng niềm tin sâu sắc của ông Hollande đã không trụ được. Le Monde kết luận « cuốn ‘‘Cảm ơn cái thời ấy’’ là câu trả lời 330 trang cho ‘‘18 từ giá lạnh’’ mà Tổng thống Pháp đã đọc cho AFP để thông báo về việc ông chấm dứt quan hệ với bạn gái. Hai nhân vật nói trên cùng diễn trong một vở kịch, cùng bị xâu xé bởi giới truyền thông. Người đàn bà là bị cáo, bà ta lấy công chúng làm chứng nhân cho quyền được bào chữa của mình. Bà ấy tự phơi bày, khiến người tình cũ rơi vào thế bất lợi. Đáp lại sự hạ nhục và sự đoạn tuyệt đơn phương từ phía tình nhân, được cả thế giới biết đến, là hành động báo thù công khai ».
Trong khi đó, trong bài báo mang tựa đề « Tất các các đệ nhất phu nhân đều bất hạnh », đăng cuộc phỏng vấn của Libération, nhà văn Robert Schneider (tác giả một cuốn sách về các đệ nhất phu nhân của nền đệ ngũ Cộng hòa) nhấn mạnh đến tính chất độc nhất vô nhị của cuốn sách của bà Valérie Trierweiler, một điều chưa từng xảy ra dưới thời Cộng hòa V của Pháp. Theo nhà văn viết sử, thì cuốn « Merci pour ce moment » của cựu phu nhân ông Hollande cho thấy ranh giới giữa cái công và cái tư trở nên lẫn lộn, nhưng trường hợp cá nhân bà Valérie Trierweiler chỉ càng cho thấy thêm sự khủng hoảng của mô hình phu nhân Tổng thống của nền Cộng hòa Pháp. Thực chất, theo đông đảo người Pháp, nước Pháp không cần một đệ nhất phu nhân, phủ Tổng thống không cần một văn phòng cho đệ nhất phu nhân. Sự vắng mặt của nhân vật này không hề để lại một hệ quả chính trị gì. Cái riêng tư và cái công cộng cần được tách bạch như thế.
Những bí ẩn trong thất bại quân sự của Ukraina tại miền Đông
Xung đột Ukraina trước thềm hội nghị Nato tại Anh Quốc tiếp tục tâm điểm của phần thời sự quốc tế của các nhật báo Pháp. « Ukraina buộc phải ngừng bắn sau thất bại của quân đội » là hàng tựa chính của trang nhất Le Monde. Trong hồ sơ này, Le Monde có bài phóng sự từ thị xã Ilovaisk, Donbass, sát biên giới Nga, nơi diễn ra nhiều trận chiến đẫm máu trong những tuần qua. Chỉ trong vòng một tuần lễ, cục diện đã thay đổi, những chiến thắng trong mùa hè chỉ còn là « một ký ức xa xôi » đối với quân đội Ukraina. Quân chính phủ và các lực lượng tình nguyện Ukraina đã bị bao vây và bị thiệt hại rất nặng tại thị xã miền Đông Nam.
Theo các thông tin lần lượt được đưa lên mạng Facebook, do một cựu chỉ huy trung đoàn tình nguyện Donbass (ông Semen Sementchenko), một người Nga miền Đông Nam Ukraina nhưng không chấp nhận đi theo phe nổi dậy, công chúng có thể chứng kiến chiến sự diễn ra từng ngày, các tổn thất rất lớn, các hứa hẹn tiếp cứu của quân đội, nhưng không được thực hiện. Bên dưới các thông tin là hàng ngàn bình luận, trong đó rất nhiều chỉ trích nhắm vào bộ chỉ huy quân đội và giới chính trị Kiev. Theo Le Monde, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraina sẽ phải giải trình trước quốc hội về cuộc thảm bại tại Ilovaisk. Về đề tài này, Le Figaro có bài « Những điều bí ẩn của trận chiến Ilovaisk », nói đến sự hiện diện của các binh sĩ Nga thuộc quân đội chính quy, hỏa lực mạnh nhắm thẳng vào cái gọi là « hành lang nhân đạo » (được thỏa thuận để cho phép binh sĩ Ukraina hạ vũ khí) khiến cả trăm quân nhân thiệt mạng, nhưng đồng thời cả một cuộc chiến tranh của dân chúng địa phương, chống lại quân đội Ukraina...
Tiểu quốc thân Nga trong lòng Ukraina, cửa Nato để ngỏ với Kiev
« Putin chơi lá bài ngừng bắn tại miền Đông Ukraina » là hàng tít chính trên trang quốc tế của Le Figaro, với nhận định « Kế hoạch mà điện Kremlin đưa ra để bảo lãnh các thắng lợi quân sự của phe thân Nga, đã được đón nhận một cách đầy hoài nghi tại Washington và Bruxelles ». Le Figaro nhấn mạnh đến hy vọng của Matxcơva chuyển các thắng lợi quân sự mới đây của phe nổi dậy thành cơ hội thành lập « một quốc gia lệ thuộc (vào Nga) » (Etat croupion) tại khu vực Donbass, trong khi đó, chính quyền Kiev đang ngày càng yếu thế, không còn nhiều lựa chọn và sẽ buộc phải chấp nhận các yêu sách bất lợi. Theo một điều tra dư luận, có tới 57% người Ukraina muốn chấm dứt chiến tranh.
Liên quan đến hội nghị của Nato, Le Figaro có bài « Một thượng đỉnh của Liên minh Đại Tây Dương để đáp trả các thách thức của Nga ». Theo giới chuyên gia, nội dung chủ yếu của thượng đỉnh này là nhằm để Nato tăng cường một trong các nền tảng căn bản của tổ chức này, trước hết là điều 5 của Hiệp ước quân sự Bắc Đại Tây Dương về phòng vệ tập thể, mà đối thủ không ai khác là Nga. Khả năng Ukraina gia nhập Nato là điều sẽ không được bàn tới tại hội nghị lần này. Tuy nhiên, theo Le Figaro « Đối với Obama, cánh cửa vào Nato vẫn mở » cho Kiev. Tờ báo dẫn lại phát biểu của Tổng thống Hoa Kỳ tại Tallinn, tại Estonia, chặng dừng chân duy nhất của Barack Obama trước khi tới thượng đỉnh Nato : « Chúng ta cần tái khẳng định nguyên tắc luôn luôn dẫn dắt liên minh của chúng ta : đối với các quốc gia bảo đảm đủ các điều kiện của chúng ta và có thể tham gia vào bảo đảm an ninh của Liên minh, cánh cửa sẽ để ngỏ ».
Chuyến công du kín đáo của Chủ tịch Hạ viện Nga tại Pháp
Cũng liên quan đến khủng hoảng Ukraina, Le Monde có bài thông tin và bình luận về « Chuyến công du rất kín đáo tại Paris của Chủ tịch Hạ viện Nga ». Chủ tịch Hạ viện Nga Serguei Narychkine là một trong số 12 người Nga nằm trong danh sách trừng phạt của Hội đồng Châu Âu, sau biến cố Nga sáp nhập bán đảo Crimée. Chủ tịch Hạ viện Nga bị cấm vào Liên Hiệp Châu Âu và các tài khoản tại đây của ông ta bị phong tỏa. Tuy nhiên, giới chức Nga nói trên lại là khách mời của Nghị viện Hội đồng Châu Âu đầu tháng này. Đây là lần thứ hai, người bị Châu Âu trừng phạt được đặc cách vào Châu Âu. Lần trước là vào dịp kỷ niệm 60 năm Liên Xô gia nhập Unesco tại Paris, hồi giữa tháng 4. Về mâu thuẫn này, Chủ tịch Nghị viện Hội đồng Châu Âu giải thích ông đưa ra lời mời nói trên nhằm duy trì đối thoại với các nghị sĩ Nga, hiện quyền bầu cử của họ đang bị đình hoãn, theo quyết định của Nghị viện Hội đồng Châu Âu ngày 14/04.
Tuyên bố « tiêu diệt Nhà nước Hồi giáo » của Obama và chiến lược hiện tại của MỹLiên quan đến khu vực Trung Cận Đông, sau biến cố nhà báo Mỹ thứ hai bị khủng bố hành quyết Le Figaro ghi nhận « Obama hứa sẽ tiêu diệt Nhà nước Hồi giáo ». Chỉ ít ngày trước dịp kỷ niệm thảm kịch 11/9/2001, vụ hành quyết man rợ này khiến nước Mỹ chấn động. Hôm qua, từ Estonia, Tổng thống Mỹ đã đưa ra một tuyên bố cứng rắn, khẳng định mục tiêu của Hoa Kỳ là « tiêu diệt Nhà nước Hồi giáo ».
Trước đó, trong dư luận Mỹ, có nhiều ý kiến phê phán thái độ lưỡng lự của Tổng thống, thậm chí cả « thái độ thờ ơ » của ông trước sự man rợ của Nhà nước Hồi giáo, với hình ảnh ông Obama tươi cười chơi golf, chỉ vài giờ sau thông tin về nhà báo Mỹ James Foley bị sát hại.
Tiếp theo tuyên bố cứng rắn nói trên, phải chăng Hoa Kỳ sẽ thay đổi chiến lược ? Theo Le Figaro, trong giới thân cận với Tổng thống Obama, người ta không trông đợi vào các thay đổi lớn. Hiện tại, Hoa Kỳ vẫn chưa có quyết định tấn công các cơ sở trung tâm của Nhà nước tại Syria. Le Figaro nhận xét, nếu tiêu diệt Nhà nước Hồi giáo là mục tiêu tối hậu của Mỹ, thì chiến lược hiện nay của Obama đang là ngăn chặn lực lượng này, trong khi chờ đợi xây dựng được một liên minh quốc tế. Một cố vấn của Ngoại trưởng Mỹ về Iran và Irak cho biết đang phát triển một liên minh khu vực, đồng thời nỗ lực giúp thành lập chính phủ Irak mới./Trọng Thành (RFI)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét