Pages

Thứ Sáu, 26 tháng 9, 2014

Bài học gì từ cựu Bộ trưởng Giao thông?


Việc cựu Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Hồ Nghĩa Dũng sau khi nghỉ hưu 8 tháng đã tham gia Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần đầu tư Đèo Cả, một công ty do ông chỉ định làm nhà đầu tư của dự án xây hầm đường bộ Đèo Cả (một dự án cũng do chính ông ký phê chuẩn khi tại nhiệm), đã gây xôn xao dư luận tại Việt Nam.
Được biết, theo Nghị định 102/2007 của chính phủ Việt Nam đặt ra thì trong vòng 12 tháng sau khi thôi giữ chức vụ, các quan chức từng có trách nhiệm thẩm định, ký hay ban hành quyết định phê duyệt, quản lý v.v. không được phép tham gia kinh doanh, điều hành doanh nghiệp và với các dự án trên 5 năm thì thời gian là sau 36 tháng.

Việc ông Dũng về làm tại công ty này bị dư luận cho là xung đột lợi ích và trước phản ứng của dư luận, ông Hồ Nghĩa Dũng đã xin thôi làm thành viên HĐQT công ty Đèo Cả.
Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, cho biết cựu Phó trưởng ban tổ chức trung ương, ông Nguyễn Đình Hương, coi việc ông Hồ Nghĩa Dũng nhận trách nhiệm tại công ty Đèo Cả không phải là chuyện tình cờ mà là có chuẩn bị trước và gọi đây là "hành động lót ổ", đồng thời là "một tiền lệ xấu".
Ông Lê Đăng Doanh nói: "Đây là một bài học về quy định pháp luật như thế nào để tránh việc khi còn đương chức thì đưa ra những quyết định để chuẩn bị khi về hưu thì có thể được lợi từ các quyết định đó."
Việc Việt Nam có Nghị định 102/2007 nói trên không phải là điều đặc biệt so với nhiều nước khác trên thế giới.
Những quy định tương tự cũng được áp dụng ở nhiều nước để tránh trường hợp quan chức sau khi rời nhiệm sở có thể lạm dụng các mối quan hệ, kiến thức và thông tin đã tích lũy được trong thời gian tại nhiệm để hưởng lợi cá nhân.

Thực thi luật pháp

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh
Tuy nhiên theo một doanh gia đang làm ăn tại Việt Nam, Tiến sĩ Alan Phan, thì việc có luật định là một chuyện còn việc thực hiện luật định lại là chuyện khác.
Ông cho rằng tuy luật lệ ở Việt Nam là rất nhiều và cũng tiến bộ, theo đúng các chuẩn mực thế giới, nhưng đó là trên giấy tờ trong khi việc thực thi luật phát thì lại không hẳn như vậy.
"Rất nhiều sai phạm nhưng ai bị tố giác ra thì lại rút lui. Còn nếu báo chí và mọi người im lặng hoặc có cách làm cho im lặng thì người ta vẫn tiếp tục làm. Đó là thực tế ở Việt Nam này.
"Thực thi đúng luật thì phải xử lý đến nơi đến chốn nhưng ở Việt Nam thì xử lý có vẻ như nửa vời thôi, thành ra không đi đến đâu," ông Alan Phan nói.
Ông Alan Phan khá bi quan khi được hỏi liệu có cách nào để có thể thực thi luật phát tốt hơn, tuy nhiên ông hy vọng trong tương lai sẽ có những quy định chặt chẽ hơn để tránh xảy ra những trường hợp như thế này.
Cũng có chung quan điểm, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh gợi ý cần bổ sung một số điểm để có thể thực thi luật lệ đã đề ra, đó là:
  • Quy định rõ thời hạn tối thiểu và những việc không được làm, chẳng hạn như nhận làm ở một dự án mà mình thành lập là rất không nên và dễ gây ra hiểu lầm;
  • Phải quy định rõ có thể làm những việc gì để không thể tận dụng các mối quan hệ, hiểu biết và thông tin đã tích lũy được trong thời gian tại nhiệm
  • Cần phải bổ sung các quy định về công khai minh bạch đối với những quan chức về hưu sau một thời gian nhất định

Minh bạch

Ông Lê Đăng Doanh nhấn mạnh về vấn đề minh bạch nó không chỉ cần được áp dụng với các quan chức về hưu mà càng cần hơn với các quan chức đang đương nhiệm.
Một vài ví dụ về tính minh bạch mà ông Lê Đăng Doanh nêu ra là từ chính phủ Thụy Điển và Hàn Quốc, như lịch làm việc của Thủ tướng Thụy Điển và Tổng thống Hàn Quốc được đưa ra công khai, với các chi tiết như Thủ tướng Thụy Điển đi họp ở Liên Hiệp Quốc thì đi bằng máy bay gì, giá vé bao nhiêu, ở khách sạn và chiêu đãi khách nào đó hết bao nhiêu tiền.
“Bởi vì đó là tiền của dân cho nên người dân cần phải biết. Tôi nghĩ rằng về việc này thì sự công khai minh bạch của Việt Nam cần phải bổ sung rất nhiều và phải được thực hiện nghiêm túc hơn,” ông Lê Đăng Doanh nói.
Hồi đầu năm nay, vấn đề giám sát tài sản của quan chức chính phủ cũng thu hút sự chú ý của công luận trước câu hỏi làm sao một cựu quan chức như ông Trần Văn Truyền, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Việt Nam, có thể có nhiều tài sản như vậy, theo báo chí phản ánh.
Theo luật gia, PGS. TS. Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách Pháp luật và Phát triển, thì "cần lập một 'Ủy ban Kiểm soát Tài sản Quan chức' độc lập và 'cải cách thể chế' mới mong xử lý triệt để tận gốc nạn tham nhũng nhà nước".
Việc giám sát này đặc biệt cần áp dụng đối với các quan chức hành pháp, là những người có quyền lực trong tay và thực thi pháp luật, theo PGS. TS. Hoàng Ngọc Giao.
Trao đổi với BBC hồi tháng Tư về biện pháp ưu tiên giám sát tham nhũng nhà nước, nhân báo chí Việt Nam đăng trả lời công khai của cơ quan Thanh tra Chính phủ về tổng thu nhập chính thức của một số quan chức chính phủ như Thủ tướng, Tổng và Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, ông Giao nói:
"Phải có một cơ quan tương đối độc lập mà không nằm trong hệ thống hành pháp để giám sát việc đăng ký tài sản của các quan chức, đặc biệt đối với các quan chức hành pháp.
"Bởi vì họ có quyền lực trong tay, họ thực thi pháp luật và họ thực hiện quản lý nhà nước ở trên các lĩnh vực kinh tế xã hội, và vì thế để các cơ quan hành pháp tự mình kiểm soát thì rất khó," ông Giao nói.

Vai trò truyền thông

Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, vai trò của truyền thống và báo chí cũng được đánh giá cao trong việc phát hiện và lên tiếng trong những vụ việc như thế này.
“Từ trước đến nay các cơ quan trong nội bộ ít phát hiện ra các việc tiêu cực. Bản thân các bộ máy thanh tra cũng ít phát hiện được các trường hợp tham nhũng. Cho nên đây là một việc rất cần sự vào cuộc của một hệ thống báo chí xây dựng, có trách nhiệm, có được quyền tự do báo chí,” ông Lê Đăng Doanh nói.
Trong phần Kết luận và Khuyến nghị của Khảo sát xã hội học về Phòng chống tham nhũng mang tên "Tham nhũng từ góc nhìn của người dân, doanh nghiệp và cán bộ, công chức, viên chức", được Thanh tra chính phủ và Ngân hàng thế giới đồng thực hiện và phát hành năm 2012, cũng đưa ra khuyến nghị về Trao quyền cho các cơ quan truyền thống.
Khuyến nghị viết: "Nâng cao chất lượng và số lượng thông tin để các cơ quan truyền thông khai thác cho các phóng sự của mình sẽ làm tăng tính khách quan trong cách viết, giúp họ thu thập bằng chứng nhanh hơn và hiệu quả hơn, đồng thời giúp họ sử dụng dễ dàng hơn các kỹ năng điều tra để phát hiện những trường hợp tham nhũng."
Ông Lê Đăng Doanh nói thêm sự giám sát của công luận là điều rất tích cực và có tính xây dựng để tránh việc lạm dụng chức quyền.
“Việc lạm dụng trong thời gian đương chức còn nghiêm trọng hơn rất nhiều là sau khi đã về hưu và về việc nay tôi hy vọng Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng và các Ban khác sẽ bổ sung trong thời gian tới.”

Đây cũng là một khía cạnh được ông Alan Phan nhắc tới, rằng đây là "tình trạng xấu chung về chuyện lạm quyền - một vấn đề rất lớn - chứ không phải chuyện lẻ tẻ như chuyện ông Bộ Trưởng Dũng".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét