Pages

Thứ Sáu, 12 tháng 9, 2014

Bảo tàng mất điện là 'không bình thường'

Triển lãm Cải cách ruộng đất
Triển lãm Cải cách ruộng đất ở Hà Nội bị hoãn vô thời hạn vì 'sự cố điện'.
Việc triển lãm chuyên đề của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam về cuộc Cải cách ruộng đất (từ 1946-1957) bị 'tạm đóng cửa' sau khi khai trương với lý do 'sự cố điện' là một điều 'không bình thường', theo một sử gia từ Hà Nội.
Trao đổi với BBC hôm 12/9/2014, Giáo sư Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam nói:

"Thế nhưng tôi thấy hiện tượng đó cũng hơi không được bình thường cho lắm, bởi vì nếu như nó diễn ra ở một phòng trưng bày mà nó bình thường, thì ít người người ta để ý đến khía cạnh không bình thường,
"Điều kiện hạ tầng cũng không thể nói trước được điều gì, ở Việt Nam, chuyện điện đóm hỏng hóc thì cũng không phải là đã giải quyết được triệt để.

"Nhưng lại là cái phòng sau khi mở ra khen chê rất nhiều, lại ra cái sự cố thiết bị điện như thế, thì việc người ta đặt vấn đề là có cái gì hay không, thì tôi nghĩ nó cũng là điều bình thường thôi trong cái gọi là tư duy lô-gíc. Thực hư thế nào, chắc cũng phải tìm hiểu thêm..."

'Đủ tư cách, thẩm quyền'

"Tôi thấy hiện tượng đó cũng hơi không được bình thường cho lắm, bởi vì nếu như nó diễn ra ở một phòng trưng bày mà nó bình thường, thì ít người người ta để ý đến khía cạnh không bình thường"
Giáo sư Vũ Minh Giang
Vẫn theo sử gia này về mặt chuyên môn, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia hoàn toàn có đủ thẩm quyền và tư cách chuyên môn để trưng bày, triển lãm một chuyên đề như mới khai trương hôm 8/9/2014.
Giáo sư Giang nói: "Nếu nói về tư cách để trưng bày một triển lãm chuyên đề, thì Bảo tàng Quốc gia là cơ quan có thẩm quyền cao nhất, vì ở đó là nơi hợp lại của hai bảo tàng lớn có tính chất quốc gia của Việt Nam, một là Bảo tàng Lịch sử và hai là Bảo tàng Cách mạng, nhập lại thành Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam.
"Vì vậy ở đấy lưu trữ các tài liệu, các văn kiện có tính chất tư liệu lịch sử, hiện vật, thì về vấn đề này theo tôi là đầy đủ nhất của Việt Nam. Cho nên về mặt thẩm quyền để có thể tổ chức một triển lãm chuyên đề như thế, thì hoàn toàn là tương xứng, là đủ tư cách, đủ điều kiện. Đấy là một vấn đề về tư cách cơ quan bảo tàng.
"Thế nhưng mà đây lại là một vấn đề lich sử, thì nó lại có một nghĩa khác, tức là nó cần có một sự nghiên cứu mà theo tôi nó phải huy động chuyên gia của nhiều cơ quan nghiên cứu khác nữa, chứ không phải chỉ riêng cán bộ nghiên cứu của Bảo tàng.
Triển lãm Cải cách ruộng đất
150 hiện vật, tài liệu, ảnh, tư liệu lịch sử được trưng bày tại gian triển lãm rộng 320 mét vuông.
"Trước đó tôi cũng chưa thấy một nghiên cứu theo tôi nghĩ là sâu sắc, hay được chuẩn bị một cách kỹ lưỡng về mặt chuyên môn về triển lãm, như là tôi được biết... Hình như chưa có được một sự nghiên cứu mà trong với sự phối hợp với các cơ quan nghiên cứu khác có nhiều chuyên gia về giai đoạn lịch sử này, hay là sự kiện lịch sử này."
"Theo tôi nghĩ, những người tổ chức chắc là muốn nhân sự kiện đó, giới thiệu đây là một sự kiện lịch sử rất đáng để cho nhân dân được biết, hoặc là giới thiệu để nhân dân hiểu thêm về sự kiện lịch sử này."

'Có lý do khác?'

Hôm 12/9, sau chưa đầy năm ngày mở triển lãm, ban tổ chức triển lãm bất ngờ đưa ra thông báo nói: "Hiện nay, Phòng trưng bày chuyên đề "Cải cách ruộng đất 1946-1957" đang gặp sự cố điện, Bảo tàng Lịch sử quốc gia tạm thời đóng cửa để sửa chữa, khắc phục.
"Hệ thống trưng bày thường trực của Bảo tàng vẫn mở cửa phục vụ bình thường," thông báo này nói.
Bình luận về 'sự cố điện' khiến dừng triển lãm này của Bảo tàng, Phó Giáo sư Vũ Quang Hiển, sử gia từ Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng có thể có hai lý do đằng sau sự việc.
"Xét trong điều kiện người ta lợi dụng một cuộc trưng bày về một sự kiện, một vấn đề lịch sử để mọi người có thể am hiểu được, xuất phát ra, từ đó làm sản sinh ra những động cơ mang tính cá nhân, thì điều đó thì lại cũng không nên để cho nó tiếp tục diễn ra"
PGS. TS. Vũ Quang Hiển
Ông nói: "Tôi không biết nguyên nhân thực sự là cái gì, nhưng nếu phỏng đoán có thể có hai khả năng, một cũng có thể lý do về điện thực sự, ở Việt Nam cái này dễ có lắm, chứ không phải không có cái chuyện điện đóm bị mất nơi này, nơi kia, rồi phải có cái sửa chữa, bổ sung,
"Đặc biệt hệ thống điện ở trong Bảo tàng không chỉ là điện thắp sáng, mà nó còn liên quan điện ở trong từng hiện vật, từng chỗ người ta cần phải chiếu màu sắc... Đấy có thể là một khả năng mà người ta đã công bố.
"Hai là cũng có thể là lý do khác, thí dụ như có một số người nào đó đến xem cái này nhưng từ chuyện nọ xọ sang chuyện kia, lợi dụng việc này để đi làm việc khác, theo động cơ, mục đích cá nhân của mình,
"Và xét trong điều kiện người ta lợi dụng một cuộc trưng bày về một sự kiện, một vấn đề lịch sử để mọi người có thể am hiểu được, xuất phát ra, từ đó làm sản sinh ra những động cơ mang tính cá nhân, thì điều đó thì lại cũng không nên để cho nó tiếp tục diễn ra, và cũng có thể vì lý do như vậy mà ngưoi ta tạm dừng, người ta chưa, không tiếp tục mở cửa nữa."

'Không lường trước phản ứng'

Triển lãm Cải cách ruộng đất
Cuộc triển lãm ngay lập tức thu hút sự chú ý của dư luận với nhiều khen chê khác nhau.
Trước câu hỏi, liệu việc triển lãm bị ngưng giữa chừng có thể do Ban Tổ chức chưa lường trước được phản ứng của người dân và các giới với chủ đề 'một thời nhạy cảm, cấm kỵ' này, mà do đó, triển lãm có thể gây tác dụng phụ làm ảnh hưởng tới chính uy tín của Đảng và chính quyền hiện nay, PGS. TS Vũ Quang Hiển nói:
"Nếu mọi người nghĩ theo hướng ấy, thì tôi nghĩ nó không hoàn toàn ổn, vì những chuyện đó có gì còn nhạy cảm nữa đâu.
"Nó không nhạy cảm gì cả vì biết bao công trình khoa học chúng ta đã công bố rồi, rất nhiều công trình nghiên cứu của Việt Nam đã công bố rồi,
"Và bản thân Đảng cũng đã kiểm điểm sai lầm của Đảng trong 'Cải cách ruộng đất', đã đánh giá sai lầm và ra nghị quyết sửa sai.
"Thì tôi nghĩ rằng vấn đề này sòng phẳng lắm rồi, còn gì nữa!"
"Có lẽ phải chuẩn bị kỹ hơn, còn sự kiện này, theo tôi nghĩ là cũng 60 năm cũng là đủ rồi, chứ không phải là sớm sủa gì đâu"
Giáo sư Vũ Minh Giang
Cũng bình luận về ý này, Giáo sư Vũ Minh Giang nói:
"Tôi cho rằng 'Cải cách ruộng đất' không phải là không có những nghiên cứu, không có những trao đi đổi lại ở trong giới học thuật đâu, thế nhưng mà đưa ra để giới thiệu với công chúng, mà ở đó, tôi qua đọc báo, thì nhiều người trẻ còn không biết sự kiện này.
"Việc đó theo tôi cần phải có một sự chuẩn bị, tôi không biết sự chuẩn bị đến đâu, nhưng hoàn toàn thông qua sự phản ánh của các phương tiện thông tin đại chúng, thì sự chuẩn bị có lẽ là chưa lường hết được việc giới thiệu ra công chúng thì nó sẽ đem lại hiệu ứng thế nào.
"Nếu theo nghĩa đó, có lẽ phải chuẩn bị kỹ hơn, còn sự kiện này, theo tôi nghĩ là cũng 60 năm cũng là đủ rồi, chứ không phải là sớm sủa gì đâu...
"Tôi nghĩ rằng nhân năm chẵn, thì việc tổ chức triển lãm này theo tôi cũng là một ý tưởng có thể chấp nhận được, thế nhưng vấn đề là chuẩn bị như thế nào," nguyên thành viên Hội đồng Lý luận Trung ương của Đảng Cộng sản VN nói với BBC.

Không có nhận xét nào: