Pages

Thứ Hai, 8 tháng 9, 2014

Cần quen dần với luật chơi của nền dân chủ


democracy
Lê Hồng Hạnh – Ai cũng biết rằng, dân chủ là động lực phát triển của xã hội. Một đất nước dù nghèo tài nguyên đến đâu nhưng nếu dựa vào nền dân chủ để phát triển thì vẫn trở thành cường quốc.
Đất nước qua nhiều thập kỷ đổi mới đang dần sử dụng những luật chơi của nền dân chủ để phát triển kinh tế xã hội. Một trong những luật chơi của nền dân chủ mà chúng ta đã khởi động từ hơn 20 năm nay chính là phương thức giải quyết tranh chấp kinh tế, thương mại bằng trọng tài.

Sở dĩ gọi nó là luật chơi của nền dân chủ là vì Nhà nước thừa nhận và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, thương nhân tự lựa chọn cho mình cách thức xử lý các tranh chấp: hoặc là ra tòa hoặc sử dụng trọng tài thương mại hay các thiết chế lựa chọn khác như hòa giải, thương lượng.
Đặc biệt, khi chọn phương thức trọng tài, các doanh nghiệp, thương nhân được quyền lựa chọn cho mình những chuyên gia giỏi, trung thực, vô tư và khách quan để giải quyết tranh chấp. Các bên được tự lựa chọn địa điểm, thủ tục tố tụng, được quyền thay đổi trọng tài viên nếu có bằng chứng cho thấy họ không vô tư, không khách quan. Các bên được lựa chọn cả ngôn ngữ tố tụng và luật áp dụng trong trường hợp một bên tranh chấp là doanh nghiệp, thương nhân nước ngoài.
Gọi đó là luật chơi dân chủ vì trong quá trình tố tụng, các bên có đầy đủ quyền lực để thay đổi thành phần hội đồng trọng tài, có đầy đủ cơ hội để chứng minh cho yêu cầu của mình. Luật chơi dân chủ này đã được các doanh nghiệp, thương nhân trên thế giới sử dụng phổ biến và được coi là thiết chế hữu hiệu trong giải quyết tranh chấp.
Ở Việt Nam, với việc thành lập Trung tâm trọng tài quốc tế (VIAC) từ năm 1993, luật chơi của nền dân chủ đã được hình thành và được sử dụng phổ biến hơn 20 năm qua. Doanh nghiệp, thương nhân đánh giá đây là thiết chế chưa vướng tham nhũng (corruption free) mặc dù chất lượng của một số trọng tài viên có thể chưa được như kỳ vọng.
Với việc ban hành Luật Trọng tài thương mại năm 2010, luật chơi dân chủ trong giải quyết tranh chấp thương mại, kinh tế càng có nền tảng pháp lý vững chắc hơn, toàn diện hơn. Thực tế, VIAC đã xét xử hàng ngàn vụ việc và mang lại nhiều giá trị cho doanh nghiệp vượt lên cao hơn những tổn thất từ tranh chấp.
Tuy nhiên, có một thực tế đáng buồn là không ít doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước, một số cơ quan nhà nước có thẩm quyền vẫn chưa chịu làm quen với luật chơi dân chủ. Họ lựa chọn trọng tài, tham gia tranh tụng và nếu không thỏa mãn được yêu cầu của mình, vẫn tìm kiếm sự can thiệp từ lãnh đạo, từ các cơ quan nhà nước có quyền lực.
Nhiều doanh nghiệp nhà nước trong tranh tụng đã không làm hết sức của mình để bảo vệ yêu cầu của mình và cố tìm sự can thiệp của chính quyền khi yêu cầu không được thỏa mãn. Chẳng hiểu các doanh nghiệp vận động thế nào mà lãnh đạo các cấp chỉ đạo tòa án phải xử lại, phải hủy phán quyết trọng tài.
Thậm chí, có sở công an buộc doanh nghiệp đã thắng kiện trong vụ kiện với doanh nghiệp Trung Quốc phải làm yêu cầu hủy phán quyết trọng tài để phục vụ cho việc có thêm căn cứ truy tố giám đốc của doanh nghiệp. Thêm vào đó, nhiều bài viết của một số tờ báo cũng đang làm thay việc của tòa án, của cơ quan điều tra nay chuyển sang làm thay công việc của trọng tài thương mại. Những bài báo dựa trên thông tin một chiều, thiếu sự tiếp cận hồ sơ vụ kiện có khi dài đến hàng ngàn trang giấy liệu có phản ánh đúng bản chất của sự việc và liệu có đúng với qui định của pháp luật về trọng tài thương mại.
Luật Trọng tài thương mại, Nghị quyết của Đảng đều nhấn mạnh phải tôn trọng các thiết chế giải quyết tranh chấp trọng tài. Các doanh nghiệp, thương nhân cũng cần biết rẳng khi đã chọn luật chơi của nền dân chủ thì họ phải biết chấp nhận kết quả của nó.
Tại sao FIFA đầy quyền lực không hủy kết quả của một trận chung kết do lỗi bắt sai của trọng tài. Đó là vì FIFA tôn trọng luật chơi mà các đội bóng đã tham gia và sai sót của trọng tài là rủi ro, là một phần của cuộc chơi.
Chưa bao giờ có chuyện một đội bóng yêu cầu chính phủ của mình gây áp lực để FIFA cho đá lại trận đấu vì đội tuyển quốc gia mình bị thua oan, thua oan trong mắt của hàng tỷ người xem bóng đá.
Khi đọc những bài báo bình luận về phán quyết trọng tài, tiếp cận những công văn của chính quyền các cấp yêu cầu tòa án hủy phán quyết trọng tài, một câu hỏi tự nhiên nảy sinh. Những lãnh đạo chính quyền các cấp, những phóng viên chẳng lẽ không muốn đất nước phát triển dân chủ, không chấp nhận ngay cả luật chơi dân chủ giản đơn nhất – trọng tài thương mại.
“Trái đắng” hay “trái ngọt” đều cần phải chấp nhận nếu như chúng ta đã lựa chọn cho chính mình cơ chế giải quyết tranh chấp và lựa chọn những người vận hành cơ chế đó. Nếu cơ chế đó được vận hành sai với trình tự, thủ tục tố tụng được lựa chọn, bất cứ bên nào cũng có thể yêu cầu tòa án hủy phán quyết nhưng tuyệt nhiên không thể vì lý do “trái” mình nhận đắng hơn “trái” bên kia nhận. Liệu các doanh nghiệp có thể làm được những gì nếu vụ kiện được giải quyết không phải tại VIAC hay các trung tâm trọng tài thương mại khác ở Việt Nam mà tại Trung tâm Trọng tài quốc tế Singapore (SIAC), Tòa án trọng tài quốc tế (ICC) hay Trung tâm trọng tài quốc tế Hồng Kông, Kuala Lumpur vv…
Chẳng lẽ các doanh nghiệp trong các tranh chấp nhận “trái đắng” đề nghị các cơ quan quyền lực như Chính phủ, Ủy ban Tư pháp, Bộ Tư pháp, Tòa án Nhân dân Tối cao can thiệp để xử lại các vụ kiện mà các Trung tâm trọng tài này đã giải quyết hay sao? Có làm được điều đó không và nó có phù hợp với pháp luật quốc tế, với ngay cả pháp luật Việt Nam không?
Điều nên làm là các doanh nghiệp khi có tranh chấp, nếu đã chọn cho mình luật chơi dân chủ thì hãy cố gắng hết sức trong việc chọn trọng tài viên phù hợp, trong việc chuẩn bị hồ sơ tranh tụng và trước đó phải cẩn trọng khi đặt bút ký các hợp đồng.
Một vấn đề nữa cần nhận thức đúng trong việc vận hành luật chơi dân chủ. Các bên trong tranh chấp khi chọn thiết chế trọng tài cũng muốn vụ tranh chấp được giữ trong bí mật vì uy tín, vì thương hiệu. Theo pháp luật hiện hành thì thông tin về vụ kiện trọng tài không được công khai trừ phi tòa án chính thức thụ lý yêu cầu hủy phán quyết trọng tài. Vì vậy, trước thời điểm đó, không ai được đặt mình trên pháp luật để yêu cầu hay chỉ đạo tòa án, gây sức ép bằng báo chí đối với tòa án nhằm hủy phán quyết trọng tài.
Việc Tòa án Nhân dân tối cao ban hành Nghị quyết 01/2014 ngày 20/3/2014 thể hiện một tư duy rất mới và một cố gắng rất lớn của cơ quan thực thi công lý của đất nước trong việc thúc đẩy luật chơi dân chủ trong lĩnh vực kinh tế, thương mại. Bộ luật Dân sự đang được sửa đổi cũng hướng vào việc đảm bảo tôn trọng tối đa thỏa thuận của các bên trong giao dịch dân sự thương mại nhằm làm cho quan hệ này được phát triển một cách dân chủ.
Trong bối cảnh Hiến pháp, nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XII đều nhấn mạnh vai trò của nền dân chủ trong phát triển kinh tế xã hội thì việc sử dụng và chấp nhận kết quả từ những luật chơi dân chủ, đặc biệt là trong lĩnh vực dân sự, kinh tế, thương mại là rất cần thiết. Đó chính là những bước đi quan trọng tiến tới một nền kinh tế phát triển dân chủ – dân chủ trong thiết lập các quan hệ đối tác, dân chủ trong việc giải quyết tranh chấp phát sinh.
Các doanh nghiệp, doanh nhân cần quen dần với những luật chơi như vậy mới có thể phát triển.Nếu cứ mãi tìm sự chống lưng từ phía Nhà nước thì mãi mãi khó có thể thoát khỏi tư duy và hành xử kiểu thời kỳ bao cấp và điều này không thể phù hợp với nền kinh tế thị trường. Các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần tôn trọng pháp luật do chính mình ban hành và đừng làm chỗ dựa cho những hành xử không phù hợp hoặc trái pháp luật. Có như vậy mới xây dựng và thực thi được nhà nước pháp quyền.

Không có nhận xét nào: