Pages

Thứ Tư, 17 tháng 9, 2014

Gạc Ma trong "chiến lược biển xanh" của Trung Quốc

BienDong.Net: Gần đây Bắc Kinh đã biến đá thành đảo tại Gạc Ma (chiếm đóng trái phép của Việt Nam năm 1988) và đang đẩy nhanh việc xây dựng căn cứ quân sự tại đây để phục vụ mục đích bành trướng trên Biển Đông. BDN xin giới thiệu bài phân tích về vấn đề này do báo quốc nội PetroTimes thực hiện.
Giới quân sự nhận định, việc biến Gạc Ma thành căn cứ quân sự sẽ giúp Trung Quốc nối dài cánh tay vươn ra Trường Sa bởi tại đảo Phú Lâm ở Hoàng Sa của Việt Nam, Bắc Kinh đã xây xong đường băng và sau khi đắp đất phong nền tại một số bãi đá khác sẽ tạo nên nhịp cầu để khống chế Biển Đông.
Giới chuyên môn cảnh báo, sau khi xây dựng căn cứ nổi tại một số bãi đá chiếm đóng trái phép ở Biển Đông, Trung Quốc sẽ mở rộng tầm hoạt động của không quân tại khu vực này, cơ sở để thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) như đã thực hiện ở biển Hoa Đông. Và khi đó, tình hình tại khu vực này sẽ trở nên vô cùng phức tạp và nguy hiểm bởi Trung Quốc kiểm soát cả vùng trời và vùng biển với lực lượng áp đảo. Bởi sau khi thiết lập ADIZ cùng căn cứ không quân, hải quân ở Gạc Ma, Trung Quốc sẽ khắc phục được những điểm yếu khi thực hiện âm mưu độc chiếm Biển Đông.
 
Hình ảnh Philippines cung cấp cho thấy Trung Quốc đang xây dựng trên bãi Gạc Ma thuộc chủ quyền Việt Nam.

Giới phân tích nhận định, Bắc Kinh đang thực hiện các bước đi sau khi đã hoạch định rõ mục tiêu cần đạt được tại Biển Đông - thiết lập lộ trình chiếm đoạt Biển Đông theo yêu sách “đường lưỡi bò” và thực hiện chiến lược này từng bước một cách chắc chắn, quyết đoán. Dư luận cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến Trung Quốc thực hiện khá thuận lợi việc đắp đất phong nền, biến đá thành đảo tại Gạc Ma, Gaven, Chữ Thập, Tư Nghĩa, Su Bi và Châu Viên (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) là tận dụng triệt để kẽ hở của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS). Và Bắc Kinh đang muốn dư luận trong và ngoài khu vực coi Trung Quốc là cường quốc - phải tuân theo những nguyên tắc và luật pháp của họ.
Nhiều nước trên thế giới đã chỉ rõ, bằng việc đắp đất phong nền, biến đá thành đảo tại Gạc Ma, Gaven, Chữ Thập, Tư Nghĩa, Su Bi và Châu Viên (nằm trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam), thủ phạm đang vẽ lại bản đồ Biển Đông từng giờ chính là Trung Quốc. Bởi chỉ trong vòng chưa đầy 10 tháng, Bắc Kinh đã thay đổi hiện trạng xung quanh các bãi đá ngầm kể trên. Nhưng ngày 12/9, đài Phượng Hoàng (Hongkong) dẫn lời 2 học giả Trung Quốc Thạch Tề Bình và Lâm Vĩ Tiệp lại cố tình xuyên tạc hành động biến đá thành đảo (bất hợp pháp) ở Trường Sa của Bắc Kinh.
Ông Thạch Tề Bình còn xác nhận, việc biến đá thành đảo ở Trường Sa đã được Trung Quốc hoàn thành trong tháng 7. Thạch Tề Bình cho rằng, một khi xây được căn cứ quân sự (phi pháp) ở Gạc Ma, Chữ Thập và đưa radar ra khu vực này thì bán kính tác chiến của quân đội Trung Quốc ở khu vực Biển Đông sẽ được mở rộng. Trước đó (11/9), tờ Thời báo Hoàn cầu còn trắng trợn tuyên bố, việc Bắc Kinh xây dựng (bất hợp pháp) căn cứ quân sự ở Gạc Ma là do bị Việt Nam và Philippines ép buộc?! Cũng trong ngày 11/9, Tân Hoa xã đăng bài “Trung Quốc xây dựng mở rộng đảo Gạc Ma nhằm thay đổi thế yếu của quân đội Trung Quốc - máy bay tiêm kích J-11 có thể đến Trường Sa tác chiến”.
Ngày 9/9, hãng BBC từng đăng phóng sự về hoạt động xây dựng phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông của tác giả Rupert Wingfield Hayes. Tạp chí quốc phòng Canada Kanwa Defense Review từng khuyến cáo, cơ sở quân sự của Trung Quốc tại Gạc Ma (dài 5.000 m, rộng 400 m) sẽ có chức năng theo dõi hoạt động của hải quân Mỹ và các nước trong khu vực. Chuyên gia Bonnie Glaser, cố vấn cấp cao các vấn đề Châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) cho rằng, mục tiêu đầu tiên của Trung Quốc là “tạo thực tế mới trên Biển Đông”.
Còn học giả Ian Storey thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Singapore) nhận định, động thái này chứng tỏ Bắc Kinh muốn hiện thực hóa giấc mơ “đường lưỡi bò” và mở rộng sự hiện diện quân sự tại quần đảo Trường Sa. Trong khi đó, Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Australia cho rằng, hành động của Trung Quốc chắc chắn sẽ khiến căng thẳng trên Biển Đông tiếp tục leo thang. Nhiều học giả cảnh báo, Bắc Kinh đang muốn xây Vạn lý trường thành ở Biển Đông bằng cách đắp đất phong nền, biến đá thành đảo.
Theo chiến lược biển xanh, Trung Quốc đặt nhiệm vụ cho lực lượng hải quân: Thứ nhất, bảo đảm các con đường tiếp cận trên biển tới Đài Loan; Thứ hai, tiến hành các chiến dịch ở phía Tây Thái Bình Dương để không cho các lực lượng bên ngoài tự do hành động; Thứ ba, bảo vệ các tuyến giao thông đường biển của Trung Quốc; Thứ tư, chặn các tuyến giao thông đường trên biển của đối phương; Thứ năm, duy trì sức mạnh trên thế giới, sẵn sàng tấn công đối phương. Bắc Kinh cho rằng, Biển Đông không chỉ dồi dào về nguồn lợi hải sản, năng lượng, mà đó còn là con đường duy nhất mà lực lượng tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc có thể đi ra đại dương một cách an toàn.
Gần 1 năm trước (28/11/2013), Tân Hoa xã từng cho rằng, sau khi hạ thủy thành công tàu hộ vệ hạng nhẹ Project 056 mang số hiệu 586 (phiên bản cải tiến đầu tiên), giới chuyên môn đã nhận định, với căn cứ hải quân có thể đón nhận tàu ngầm tấn công hạt nhân tại Guam, Mỹ, nếu Washington phong tỏa các tuyến vận tải hàng hải tới Trung Quốc tại Biển Đông, các tàu thuyền tới Trung Quốc từ Ấn Độ Dương sẽ buộc phải đi qua biển Arafura giữa Indonesia và Australia hoặc phải đi đường vòng qua Australia.
Giới quân sự nhận định, một trong những nguyên nhân khiến tàu ngầm Trung Quốc chỉ loanh quanh gần căn cứ bởi công nghệ chế tạo lạc hậu (độ ồn cao khi vận hành nên dễ bị theo dõi, tiêu diệt) và đặc điểm của các vùng biển bao quanh. Biển Hoa Đông là biển nông - sâu trung bình 54 - 108 m, trong khi bờ đối diện là đồng minh của Mỹ (Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan). Đó là chưa kể tới hàng trăm máy bay săn ngầm P-3C, P-1 của Nhật Bản và Mỹ ngày đêm giám sát biển Hoa Đông. Trong khi đó, Biển Đông là biển sâu (có nơi tới hàng km), các nước trong khu vực đều có năng lực quân sự và chống ngầm yếu, do đó khu vực này là con đường an toàn để ra đại dương của lực lượng tàu ngầm Trung Quốc.
Trong khi đó, Nga cho rằng tàu ngầm lớp Nguyên của Trung Quốc là bản phục chế của tàu ngầm Kilo-636 do Nga chế tạo. Trong quá trình xuất khẩu tàu ngầm Kilo-636, Trung Quốc mua một lượng lớn vượt quá nhu cầu thông thường của việc duy tu tàu ngầm Kilo-636. Do đó, theo tạp chí Kanwa Defense Review, việc Trung Quốc nhập khẩu tàu ngầm lớp Lada còn xuất phát từ nhu cầu có thêm nhiều công nghệ tàu ngầm của Nga.
Gần 1 năm trước (31/3/2013), VOA từng dẫn lời ông Igor Vilnit, Cục trưởng Cục thiết kế Rubin (cơ quan thiết kế tàu ngầm chủ yếu của Nga) cho biết, Trung Quốc mua nhiều tàu ngầm diesel lớp Kilo của Nga, và trong tương lai sẽ còn mua tàu ngầm tiên tiến hơn của nước này. Tuy nhiên, Nga cần đưa ra quyết định chính trị “có nên bán tàu ngầm diesel lớp Amur (phiên bản xuất khẩu của tàu ngầm lớp Lada) cho Trung Quốc hay không bởi Bắc Kinh có khả năng sao chép loại tàu ngầm tiên tiến này.
Được biết, tàu ngầm năng lượng hạt nhân thế hệ mới của Nga Vladimir Monomakh (lớp Borey) đã thành công trong đợt chạy thử đầu tiên tại Biển Trắng. Tàu ngầm lớp Borey sẽ là trụ cột trong lực lượng răn đe hạt nhân chiến lược của Nga, thay thế tàu ngầm lớp Typhoon thuộc Dự án 941 và tàu ngầm lớp Delta - 3 và Delta - 4 thuộc Dự án 667 đã cũ.
Giới quân sự khuyến cáo, các nước Châu Á - Thái Bình Dương không những tăng cường các loại tàu ngầm, mà còn phát triển công nghệ dò tìm tàu ngầm. Theo tạp chí Asian Military Review, những lớp tàu ngầm như Kilo của Nga, Archer của Thụy Điển hay Scorpène do Pháp sản xuất đều nằm trong đơn đặt hàng của các nước trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Tập đoàn Ultra Electronics (nhà cung cấp hàng đầu thế giới về các thiết bị sonar sử dụng sóng âm để dò tìm tàu ngầm) cho biết, Mỹ đang đẩy nhanh tiến độ phát triển các công nghệ chống tàu ngầm.
Tạp chí Defense Review Asia (DRA) từng dẫn lời Giám đốc bộ phận dịch vụ tư vấn của Công ty phân tích hải quân AMI International (Mỹ) Bob Nugent dự đoán, trong 20 năm tới các nước Châu Á - Thái Bình Dương sẽ chi 200 tỉ USD để mua hơn 1.000 tàu chiến, tàu hộ vệ, khu trục hạm, tàu có khả năng chở trực thăng, tàu tuần tra… Điều này đồng nghĩa với một cuộc đua vũ trang trên biển khiến khu vực Châu Á - Thái Bình Dương “nóng” lên từng ngày.
Theo giới quân sự, lâu nay Lực lượng Phòng vệ trên biển Nhật Bản (JMSDF) vẫn được đánh giá là mạnh nhất trong khu vực, nhưng vị trí này đang bị Trung Quốc đe doạ. Theo giới truyền thông, Nhật Bản lo ngại trước khả năng tăng nhanh sức mạnh của hải quân Trung Quốc sau khi Bắc Kinh thay đổi từ chính sách phòng thủ bị động sang linh hoạt và tấn công.
Cựu Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng của Hạ viện Mỹ Duncan Hunter nhận định, chiến lược “tái cân bằng” của Mỹ ở Châu Á - Thái Bình Dương đang ở trong trạng thái “thiếu sinh khí”, trừ phi áp dụng những biện pháp thiết thực và có hiệu quả, nếu không đến năm 2025, Trung Quốc sẽ trở thành “ông trùm Châu Á - Thái Bình Dương”. Washington cũng cho rằng, sự trỗi dậy của Trung Quốc ở khu vực Tây Thái Bình Dương là một thách thức đối với hải quân Mỹ.
Theo tạp chí quốc phòng IHS Jane’s, tương quan lực lượng trên biển giữa Trung Quốc và các nước trong khu vực hiện đã thay đổi sau khi Bắc Kinh chi hàng chục tỷ USD để hiện đại hoá lực lượng hải quân. Trung Quốc hiện có hơn 60 tàu chiến các loại hoạt động trên Biển Đông.
Theo tờ Want Daily, tàu sân bay trực thăng 22DDH (là tàu chỉ huy của hạm đội tàu chiến) của Nhật Bản có khả năng săn ngầm rất mạnh, có thể áp chế lực lượng tàu ngầm Trung Quốc. Tờ Kanwa Defense Review (Canada) cho rằng, nếu tàu 22DDH được trang bị máy bay chiến đấu F-35 sẽ có khả năng tác chiến rất mạnh. Theo tờ Yomiuri Shimbun (Nhật Bản), để tăng cường phòng thủ các hòn đảo ở tây nam, trong đó có quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản có kế hoạch tăng số lượng tàu ngầm từ 16 chiếc hiện nay lên 22 chiếc vào năm 2021.
Tuy số lượng tàu ngầm của Nhật Bản không nhiều, nhưng so với hải quân các nước trên thế giới, tỷ lệ đổi mới tàu ngầm hiện nay của Nhật Bản là cao nhất, tỷ lệ tự chế tạo cao nhất, trình độ tự động hóa khoa học kỹ thuật cũng cao nhất, khả năng chạy êm cao nhất, tỷ lệ hoàn hảo cao nhất.
BDN

Không có nhận xét nào: