Pages

Thứ Ba, 23 tháng 9, 2014

Lê Diễn Ðức – Không có tự do thì không có sáng tạo

1Người ta hay nói dân tộc Việt Nam cần cù, sáng tạo, nhưng tôi e rằng chỉ đúng cho vế đầu. Lĩnh vực sáng tạo cần xem xét lại, bởi vì nói như thế là không đầy đủ. Sự sáng tạo phụ thuộc vào môi trường sống.
Không có tự do, con người không thể có sáng tạo.
Tư chất của người Việt thông minh, điều này đúng, và nếu được sống trong một xã hội lành mạnh thì họ rất sáng tạo. Rất nhiều người Việt ở Mỹ và các nước phương Tây đạt được những thành tựu cao trong khoa học, thương mại, chính trị – nói lên điều đó.

Từ 40 năm nay đất nước Việt Nam bị cai quản bởi chế độ Cộng Sản, một hệ thống chính trị với giáo lý khuôn mẫu lỗi thời, với nền kinh tế bị định hướng “xã hội chủ nghĩa” lạc điệu không giống ai, và một nền giáo dục nhồi sọ, dối trá, thủ tiêu quyền tự do tư tưởng và tự do cá nhân. Tất cả những điều này đã làm triệt tiêu đầu óc sáng tạo của con người. Ðó là tất yếu.
Ngày 13 tháng 9 năm 2014, Ngân Hàng Phát Triển Châu Á (ADB) và tổ chức nghiên cứu Economist Intelligence Unit (EIU) công bố báo cáo Chỉ Số Năng Suất Sáng Tạo (CPI) của 22 nền kinh tế Châu Á, bổ sung thêm Mỹ và Phần Lan (nhằm mục đích so sánh).
Khả năng sáng tạo của các nước được xác định bằng chỉ số CPI dựa trên “Ðầu vào” và “Ðầu ra.” “Ðầu vào” được tính theo 3 nhóm lớn: mức độ sáng tạo, động cơ sáng tạo và độ thuận lợi của môi trường cho sáng tạo. “Ðầu ra” được cân nhắc trên các tiêu chí truyền thống, như số bằng sáng chế, và các tiêu chí nhằm tạo ra tri thức.
Trong bảng xếp hạng này, Việt Nam đứng thứ 16 trên 24 nước. Khả năng sáng tạo được đánh giá chỉ ở mức trung bình, với cả “Ðầu vào” và “Ðầu ra” đứng ở nửa cuối danh sách. Tính riêng khu vực Ðông Nam Á, Việt Nam xếp thứ 6, sau Lào, Singapore, Indonesia, Malaysia và Thái Lan. [1]
ADB nhận xét Việt Nam dù hơn 90% dân số biết chữ, hệ thống trường lớp và chương trình học của Việt Nam được đánh giá đã lỗi thời.
Trong bảng Top 500 trường Ðại học trên thế giới, không có trường nào của Việt Nam lọt vào mặc dù trong những năm gần đây, hàng trăm trường đại học được mở ra áo ạt, bất chấp cơ sở hạ tầng và đội ngũ giáo viên.Tuy nhiên hệ thống này đã cho ra lò hàng ngàn tiến sĩ mỗi năm. Chưa có nước nào trên thế giới mà học vị tiến sĩ đi kèm với tên họ nhiều như quan chức Việt Nam trên mặt báo chí. Thói sĩ hão, háo danh – căn bệnh của sự dốt nát và tự ti, đã dẫn đến hiện tượng bất thường ấy.
Chỉ số CPI tập trung vào “hiệu suất,” đo cách thức các nền kinh tế chuyển yếu tố “Ðầu vào” (kỹ năng, cơ sở vật chất) thành “Ðầu ra” (số bằng sáng chế, ấn bản khoa học).
Theo số liệu nghiên cứu hàng năm trên thế giới có khoảng 80 vạn bài báo khoa học được ghi nhận, và 100 nghìn phát minh sáng chế được cấp bằng. Về dân số Việt Nam xếp hàng thứ 13, nhưng số lượng công bố khoa học của nước ta khoảng 700 bài (khoảng 1/1000 ) và số lượng bằng phát minh sáng chế chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Bằng sáng chế ở đây được hiểu là bằng sáng chế Mỹ (US patent) bởi uy tín của nó. Thống kê cho thấy, trong 5 năm gần đây nhất 2006-2010, Việt Nam chỉ có 5 bằng sáng chế, đứng chót bảng trong các nước thuộc khu vực Ðông Nam Á. [2]
Theo ADB, Việt Nam còn gặp nhiều thách thức trong việc cung cấp nhân lực, các kỹ năng của lao động trong ngành dịch vụ, IT và tài chính – ngân hàng cũng còn thiếu.
Trong hai thập niên qua, Việt Nam đã thu hút được đầu tư nước ngoài FDI đáng kể nhờ thị trường mới mở và nhân công lao động rẻ. Công nhân Việt Nam cần mẫn, khéo tay, chỉ cần được đào tạo, huấn luyện một thời gian ngắn họ có thể đảm đương các khâu của dây chuyền sản xuất công nghiệp, như một thứ robot sống. Tiền lương chỉ hơn 100 USD/tháng, làm việc cật lực, ăn ở trong điều kiện khổ cực và không được đình công, bãi công, là những ưu thế của Việt Nam mà các ông chủ tư bản mặc sức khai thác.
Tuy nhiên,nhìn chung, lao động thiếu chuyên môn, chưa được đào tạo, các kỹ năng được trang bị không phù hợp với đòi hỏi của thị trường và nhiều lao động phải đào tạo lại& Ðây là một trong những lý do khiến năng suất lao động của người Việt Nam ở mức thấp nhất Châu Á, chỉ bằng 1/5 lao động Malaysia và 1/15 lao động Singapore. [3]
Về lĩnh vực xuất khẩu, Việt Nam chẳng có gì đáng nói về công nghệ, hầu như chỉ xuất khẩu tài nguyên thô. Gạo và cà phê là những mặt hàng đứng nhất nhì thế giới, nhưng cũng chỉ về số lượng, chủ yếu xuất qua Trung Quốc và theo các chương trình nhân đạo của Liên Hiệp Quốc.
Hầu hết nông dân Việt Nam vẫn thu hoạch bằng tay hoặc các máy móc thô sơ, phơi phóng cũng thường “phó mặc cho trời” nên phẩm chất sản phẩm sau cùng bị ảnh hưởng khá nhiều. Gạo cấp thấp của Việt Nam thì không thể cạnh tranh với gạo cấp thấp của Ấn Ðộ về giá, còn gạo cấp cao của Việt Nam khó vượt qua gạo cấp cao của Thái Lan về chất lượng.
Tương tự như vậy với cà phê. Cà phê hạt Robusta của Việt Nam chỉ được xem như một thứ vật liệu để các tập đoan cà phê thế giới pha trộn, không thể nào nhảy được vào các thị trường lớn như Mỹ hay Châu Âu, Úc với thương hiệu của mình. Cà phê Trung Nguyên đang khó khăn tìm cách thâm nhập trường Mỹ nhưng cũng bị cạnh tranh gay gắt ngay trên mảnh đất của mình bởi Starbuck Coffee của Mỹ hay Caffe Bene của Hàn Quốc.
Trong năm nay, 10 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu điện thoại và linh kiện đạt 5,12 tỷ USD, chỉ sau các nhóm ngành hàng là dệt may (hơn 11,6 tỷ USD), dầu thô (6 tỷ USD) và ngang ngửa với nhóm hàng giày dép các loại (5,19 tỷ USD). Nói Việt Nam đã xuất khẩu sản phẩm công nghệ điện tử là lấy của người làm của ta. Thực tế đó là sản phẩm của Samsung Electronics Việt Nam. Còn các doanh nghiệp Việt Nam chưa sản xuất được cái sạc pin hay ốc vít.
Dưới đầu đề “Việt Nam tiến chậm, các đối thủ bay nhanh” tờ VietNamNet, ngày 07 tháng 9 cho biết, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) vừa công bố Báo cáo Năng lực cạnh tranh Toàn cầu (GCI) 2014-2015.
Năng lực cạnh tranh của các nước Ðông Nam Á tăng khá ấn tượng. Philippines tăng 07 bậc lên vị trí 52; Thái Lan tăng 06 bậc lên vị trí thứ 31; Malaysia tăng 04 bậc lên vị trí 20; Indonesia tăng 04 bậc lên vị trí thứ 34. Trong khi đó, Việt Nam chỉ tăng 02 bậc, lên vị trí 68 (năm ngoái, vị trí 70). Singapore tiếp tục duy trì vị trí á quân trong bảng xếp hạng tổng 144 nước trên toàn thế giới.
Trong khi Campuchia sản xuất được ô tô điều khiển bằng Smartphone, tại Việt Nam nhiều dự án đầu tư của các tập đoàn sản xuất ô tô hàng đầu thế giới phải rời bỏ Việt Nam với lý do họ không thể tìm mua các linh kiện đơn giản như ốc vít, dây điện hay đồ nhựa.
Trên tờ “Ðất Việt” ngày 17 tháng 2 năm 2014, một số độc giả đã thẳng thắn nói:
“Không biết giáo sư ,tiến sĩ của ta nhiều như vậy để đi đâu hết rồi mà chịu thua kém họ vậy? Có ai tự ái vì điều đó không hay thấy họ phát triển mặc họ,còn ta cứ táng tàng.”
“Việt Nam có cả viện hàn lâm, viện hoa học này nọ… Tiến sĩ, kỹ sư của Việt Nam nhiều như nấm, thế mà xe đạp điện vẫn nhập khẩu, nồi cơm điện, bàn ủi vẫn phải lắp ráp từ linh kiện của nước ngoài.”
“Thì là bởi Việt Nam có quá nhiều giáo sư, tiến sĩ, kỹ sư giấy, ăn tục nói phét giỏi, đụng một tí mở miệng ra là cơ sở khoa học này, luận cứ khoa học nọ, ai làm thì gièm pha đố kỵ người ta, còn mình thì chẳng có một cái sản phẩm nào. Bản chất tự ti nhưng thừa đố kỵ. Năng lực thì đừng nói thực tiễn mà ngay cả lý thuyết cũng ú ớ nhưng chém gió thét lác thì thành thần.” [4]
Sức “sáng tạo” của Việt Nam thực chất chỉ nhìn thấy rõ nhất ở sự đua đòi, ăn chơi, sử dụng các sản phẩm của phương Tây. Một giai cấp nhỏ trong xã hội giàu lên nhanh chóng nhờ tham nhũng, đầu cơ bất động sản, buôn lậu, đã tỏ ra rất “sáng tạo” trong việc xài tiền hoang phí, lập dị. Thói huênh hoang, kiêu ngạo cũng cùng lúc phát triển.
Với toàn bộ cấu trúc của một nền kinh tế và hệ thống chính trị giết chết sáng tạo như thế mà ông Nguyễn Tấn Dũng huênh hoang rằng, “Ðến năm 2030, Việt Nam trở thành một nước sản xuất lớn về thiết bị điện tử với công nghệ mới, thông minh và thân thiện với môi trường.”
Cứ nhìn sau 40 năm hòa bình Việt Nam vẫn đang đứng áp chót trong bảng xếp hạng “Good Country Index” của Liên Hiệp Quốc (2014) về sự đóng góp cho nhân loại, thì đủ thấy. Cho nên nhân gian mới mỉa mai:
“Bốn ngàn năm ta vẫn là ta
Từ trong hang đá chui ra
Vươn vai một cái rồi ta chui vào!”
Ghi chú:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét