Pages

Thứ Tư, 24 tháng 9, 2014

Luật Di Trú trong việc thuê mướn công nhân viên tại Hoa Kỳ

Theo luật hiện hành, chủ doanh nghiệp có thuê người làm công bắt buộc phải tuân hành các quy định của Đạo Luật Cải Cách và Kiểm Soát Di Trú - Immigration Reform and Control Act of 1986 (IRCA). Luật IRCA được ban hành năm 1986 nhằm kiểm soát và ngăn chận người nhập cư bất hợp pháp vào Hoa Kỳ. Luật IRCA có khoản cấm chủ nhân thuê mướn người không có phép làm việc ở Mỹ.
những vụ kiểm tra việc thi hành luật lệ lao động khiến nhiều chủ doanh nghiệp nhỏ như tiệm Nail và nhà hàng đã bị phạt vạ nặng nề. Photo courtesy: deltabohemian.com
Tom Huỳnh, J. D.     
Cali Today News - Tại Hoa Kỳ có rất nhiều người Việt làm chủ các doanh nghiệp nhỏ có thuê mướn công nhân viên. Trong suốt mấy thập niên qua, mặc dầu bị chi phối bởi nhiều luật lệ rất phức tạp của Hoa Kỳ, hầu hết đều làm ăn suông sẻ và ít gặp rắc rối vì các thứ luật lệ này.  Nhưng trong thời gian gần đây, ngoài sự kiện các cơ quan lao động  gia tăng những vụ kiểm tra việc thi hành luật lệ lao động khiến nhiều chủ doanh nghiệp nhỏ như tiệm Nail và nhà hàng đã bị phạt vạ nặng nề, cơ quan di trú Hoa Kỳ cũng đang nổ lực trong việc tìm kiếm và truy tố những chủ nhân thuê mướn người không có phép làm việc tại Hoa Kỳ. Vì vậy, ngoài những quy định liên quan đến vấn đề thuế vụ và luật lệ lao động áp dụng trong việc thuê mướn công nhân viên, chủ nhân các doanh nghiệp cũng nên tìm hiểu và chấp hành những quy định của luật di trú để tránh rắc rối với luật pháp.  
Theo luật hiện hành, chủ doanh nghiệp có thuê người làm công bắt buộc phải tuân hành các quy định của Đạo Luật Cải Cách và Kiểm Soát Di Trú - Immigration Reform and Control Act of 1986 (IRCA).  Luật IRCA được ban hành năm 1986 nhằm kiểm soát và ngăn chận người nhập cư bất hợp pháp vào Hoa Kỳ.  Luật IRCA có khoản cấm chủ nhân thuê mướn người không có phép làm việc ở Mỹ.  Điểm quan trọng là luật này đòi hỏi tất cả chủ nhân phải làm và lưu trữ mẫu I-9 cho mỗi công nhân viên tuyển dụng sau ngày 6 tháng 11 năm 1986 để xác định đương sự là người được quyền làm việc hợp pháp tại Hoa Kỳ. Ngoài ra, luật IRCA cũng cấm chủ nhân không được kỳ thị trong việc tuyển dụng người có quyền đi làm dựa trên tình trạng di trú. Chủ nhân vi phạm luật IRCA sẽ bị phạt tiền hay phạt tù, hoặc cả hai.
 
Bên cạnh đạo luật IRCA, bộ luật liên bang Hoa Kỳ cũng có điều khoản ấn định mức phạt tù đến 5 năm cho ai cố tình chứa chấp hay che dấu người đã nhập cư bất hợp pháp vào nuớc Mỹ (8 USC 1324a. et seq.). Vài năm trước đây, cơ quan ICE (US Immigration and Customs Enforcement) đã từng bắt giữ và truy tố hai vợ chồng người gốc Việt là chủ nhà hàng trong vùng Fairfax, Virginia vì tội thuê mướn và che dấu người không có phép làm việc tại Mỹ. 
 
Chủ doanh nghiệp cũng cần lưu ý điểm khá lý thú là người không có giấy tờ hợp pháp đi làm chui vẫn được bảo vệ bởi luật lao động. Vì vậy, trong khi chủ thuê người không có giấy tờ làm việc hợp pháp thì sẽ bị chế tài bởi luật IRCA, nhưng nếu chủ vi phạm luật lao động thì người đi làm chui vẫn có quyền khiếu nại với cơ quan lao động, và cơ quan này sẽ điều tra và áp dụng các biện pháp theo luật định để bảo đảm tất cả mọi người làm việc ở Mỹ phải được hưởng tiêu chuẩn lao động công bằng, mà chủ yếu là quyền được hưởng lương giờ căn bản và giờ phụ trội theo đúng quy định của luật lao động. Cơ quan lao động không quan tâm đến tình trạng di trú của công nhân viên, vì đó là phần việc của cơ quan di trú.
 
Ngoài ra, công nhân viên dầu không có phép làm việc ở Mỹ nếu được chủ thuê mướn nhưng không trả lương hoặc cung cấp phúc lợi theo đúng luật lệ lao động, cũng có quyền tự mình tìm luật sư kiện chủ nhân ra tòa, và có thể được tòa án cho hưởng những khoản tiền bồi thường nếu xét thấy chủ nhân đã phạm luật lao động. Tòa án liên bang Hoa Kỳ đã nhiều lần minh định rằng luật lao động Hoa Kỳ bảo vệ cho mọi công nhân viên phải được hưởng tiêu chuẩn lao động công bằng khi làm việc ở Mỹ, bất luật tình trạng di trú. 
 
Theo phúc trình từ văn phòng GAO của chánh phủ liên bang (U.S. Government Accountability Office) vừa phổ biến hôm 23 Bảy 2014 (GAO-14-629T), con số các vụ kiện liên quan đến luật FLSA tại các tòa án liên bang khắp Hoa Kỳ đã tăng hơn 500% trong vòng mười năm qua.  Bản phúc trình cũng cho biết trong số các doanh nghiệp bị kiện có rất nhiều nhà hàng, tiệm Nail và tiệm giặt ủi. Hiện nay, hai người gốc Việt là chủ nhân của nhiều tiệm Nail trong vùng trung tâm New York đang phải đối diện với một vụ kiện tập thể của thợ Nail liên quan đến luật lao động, và trong số thợ Nail tham gia vụ kiện có những người làm chui lãnh tiền mặt. Vụ kiện này mang số 13-cv-01009 do tòa án liên bang New York (Southern District) thụ lý từ tháng 4 năm 2013 đến nay vẫn còn chưa kết thúc, và có thể sẽ trở thành một vụ kiện liên quan đến vấn đề lương bổng của thợ Nail lớn nhất từ trước đến nay tại Hoa Kỳ.
 
Tóm lại, luật di trú Hoa Kỳ cấm chủ không được thuê mướn người di dân hay ngoại kiều không có phép làm việc ở Mỹ. Để tránh rắc rối với luật di trú, chủ nhân các doanh nghiệp dầu lớn hay nhỏ ngay sau khi đồng ý thuê mướn nhân viên, cần phải làm ngay và lưu trữ mẫu I-9 để xác định người đó có quyền làm việc ở Mỹ.  Đây là một đòi hỏi rất quan trọng của đạo luật IRCA áp dụng cho mọi công nhân viên được tuyển dụng, nghĩa là kể cả những người mang quốc tịch Hoa Kỳ và các thường trú nhân cũng phải làm mẫu I-9. Trong tiến trình làm mẫu I-9, các doanh nghiệp cũng có thể ghi danh dùng chương trình “E-Verify” để biết tình trạng di trú và lao động của công nhân viên nhờ vào số an sinh xã hội. Chương trình này do chánh phủ liên bang thiết lập và hoàn toàn miễn phí.  Cũng cần lưu ý rằng các doanh nghiệp nhỏ mà đặc biệt là nhà hàng và tiệm Nail hiện nay đã trở thành đối tượng mà cơ quan di trú Hoa Kỳ thường lưu ý, bởi việc thuê người không có giấy tờ làm việc hợp pháp ngày càng xảy ra nhiều hơn trong những doanh nghiệp này.
 
Cần thêm thông tin, có thể liên lạc với Tiến Sĩ Luật Khoa Tom Huỳnh, điện thoại (949) 943-4396.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét