Pages

Thứ Năm, 25 tháng 9, 2014

Mạn đàm Thày - Trò: Nền giáo dục XHCN đã tàn phá con người và xã hội Việt Nam!



Nhóm Nhà Giáo Miền Nam (Danlambao) - "...Nền GD dối trá tạo ra một XH bệnh hoạn: bệnh gian dối, ai cũng nói dối, cả trong nhà trường, cả thày cô giáo là những kẻ “trồng người”, đó là nguyên nhân chính của sự tha hóa, tụt hậu của con người và xã hội VN! Nền GD XHCN bây giờ có những nét nổi bật: DỐI TRÁ, TƯ LỢI, VÔ ĐẠO, MẤT NHÂN TÍNH, nó dạy con người thay vì nhân hậu, phụng sự, thì ích kỷ, nghĩ đến quyền lợi riêng tư, nhưng không phải bằng sự cố gắng, mà bằng đấu tranh giành giật của người khác, ăn cắp của người khác, tiêu giệt người khác để chiếm đoạt tài sản hay nguồn lợi của họ, đó gọi là “đấu tranh giai cấp”! Không chấp nhận người hơn mình, không cho người khác tồn tại, dù đó là người sinh thành, người thân thích, ân nhân của mình..."

*

Vài ngày trước đây, trên đài VTV1 trong mục tin tức, có đề cập đến một vấn đề thời sự nóng, đó là về năng suất lao động Việt quá kém, thấp nhất so với các nước! Những con số cụ thể được đài nêu ra là:

- Nếu điều khiển một cái máy, thì ở Thái Lan chỉ cần 1 người, trong khi VN phải cần tới 3 người!

- Tỷ lệ năng suất LĐ VN so với Singapore là: 1 người Sing làm việc bằng 15 người Việt!

Thật là những con số làm nảy đom đóm mắt và chọc thủng lỗ tai người xem, nghe!

Hôm ấy, cùng ngồi bàn coi tin tức với nhóm bạn dạy học chúng tôi, có cả mấy em sinh viên đã tốt nghiệp đại học. Khi nghe đài đưa ra những sự so sánh như vậy, thì một em phát biểu với tất cả sự thành thật, về quan điểm của em: “Đúng rồi! Lương thấp thì làm ít, tiền nào của nấy mà!”.

Trong khi mọi người còn đang chưa kịp nói gì, thì người bạn tôi với nét mặt bừng bừng nổi giận, nói gần như la, có lẽ vì bạn ấy hết kềm chế nổi trước thông tin của đài, và cả lời phát biểu của em SV: “Em nói vậy mà nghe được à? Thôi! Hỏng! Hết thuốc chữa!”. Như bị dồn nén uất ức gì từ lâu, người bạn của tôi tiếp tục nói với đám SV đang có mặt:

- Tôi xin lỗi mọi người, cho tôi được nói với các bạn trẻ này đôi điều. Tôi thấy rất đau lòng và bất an trước thông tin vừa rồi! Thật quá tệ hại! Đất nước ta đến nước này, người trí thức trẻ của ta đến nước này thì chết thật, phá sản hết rồi! Tôi sợ hãi khi nhìn thấy những rường cột của đất nước là các bạn đây, mà có một lời phát biểu thật đáng sửng sốt! Nếu tôi không nói, hẳn các bạn sẽ nghĩ rằng lời phát biểu vừa rồi của một bạn là rất bình thường, thậm chí là rất chính xác nữa! Tôi không trách các bạn, vì “ở bầu thì tròn, ở bí thì dài”, các bạn đã thấm nhập một nền giáo dục… phản giáo dục, từ hàng chục năm rồi, và một môi trường sống đầy ô nhiễm, tha hóa, hỏi sao các bạn không hình thành nên những con người như vậy, con người đặt đồng tiền, lợi nhuận làm tiêu chuẩn cho công việc, và bỏ qua lương tâm, trách nhiệm, nhất là thiếu ý thức đóng góp phần xây dựng xã hội, đem lợi ích cho mọi người! Các bạn đã bỏ qua hết những điều đạo đức, nhân nghĩa, mà chỉ tập trung vào chính mình, lấy mình là chuẩn, là trọng tâm của mọi hành động! Như thế thì Ai Sẽ Là Người Xây Dựng Xã Hội? Ai Sẽ Là Người Lo Việc Chung? Đất Nước Sẽ Ra Sao, Dân Tộc Mình Sẽ Đi Về Đâu Nếu Không Có Những Người Chủ Xứng Đáng, Nhiệt Tình Và Có Trách Nhiệm?

Bạn tôi đặt cho các SV một lô những câu hỏi, khiến các em ngồi im với nét mặt đăm chiêu suy nghĩ. Một vài tiếng thở dài của những người lớn, và cả một vài bạn trẻ. Rất tiếc hôm nay là một bữa cơm chung họp mặt, nhân dịp vui của một người trong gia đình tôi, vì thế tôi không biết phải lèo lái chương trình này như thế nào cho phải! Bỗng một bạn trẻ đề nghị:

- Thày ơi! Chúng em thường bị các thày cô than phiền rằng không hiểu tại sao giới trẻ chúng em bây giờ ăn ở cư xử không giống xưa, và có ý trách móc chúng em vô trách nhiệm, sống ích kỷ, nhiều người trẻ sa đà vào các tội phạm mất nhân tính như trộm đạo, giết chóc, hung bạo, dâm đãng… Nghe ra thì cũng đúng, nhưng cũng thấy buồn! Hôm nay nhân được gặp mấy cô thày, chúng em muốn được nghe các vị giải thích thêm, tại sao người lớn thường đổ lỗi cho giới trẻ chúng em là “sống khác xưa”, vậy khác thế nào, và có phải tại chúng em không?

Thời gian còn sớm, tất cả chúng tôi đồng ý lưu lại trò chuyện trao đổi về đề tài quan trọng này. Người bạn vừa rồi sẽ là “thuyết trình viên chính”, và những người còn lại sẽ phụ họa bổ sung khi cần. Một em mở màn bằng câu hỏi liên quan đến câu phát biểu ban nãy: Tại sao câu cổ nhân nói “tiền nào của nấy” trong trường hợp này là sai? 

Tuy không phải là một, nhưng tất cả nhóm bạn chúng tôi cùng có mẫu số chung, là những người sống ở miền Nam, từng được thấm nhuần chung một nền giáo dục đầy nhân bản và đạo đức như nhau, nên ai cũng có thể giải đáp cùng một ý tưởng tương tự. Tôi là người lên tiếng trước:

- “Tiền nào của nấy”, đúng là câu thành ngữ có từ ngàn xưa, và nó có giá trị xác thực không sai. Nhưng các em cần phân biệt đây là một câu áp dụng cho “vật chất”, cho những món hàng, chứ không phải áp dụng cho “con người”, nhất là khi có dính líu đến lương tâm. Ví dụ, tôi có thể đưa cho một khách hàng cao tuổi, có dáng vẻ của một người gặp khó khăn, hay đau bệnh, một món hàng giá trị hơn nhiều so với số tiền bác đưa cho tôi, thậm chí có thể biếu không, mà không đòi hỏi phải “tiền nào của nấy”. Còn câu trên, tôi nói nó áp dụng cho vật chất thì đúng, ví dụ có hàng chục cái áo trong một gian hàng, nhưng nếu khách chỉ muốn mua với số tiền ít, vì chỉ cần dùng vài lần rồi thay, thì sẽ có loại áo đó cho khách. Ngược lại khách không quan tâm đến giá cả, mà cần mua một cái thật tốt, thật đẹp, để dùng mãi, đương nhiên sẽ có loại đó theo yêu cầu. Như vậy rõ ràng là tiền sao áo vậy, tiền ít thì vải nội, kiểu đơn giản… trong khi tiền cao thì vải ngoại, may cầu kỳ sắc sảo, sài bền lâu, chứ không thể chi ít mà đòi hàng cao cấp. Nhưng đối với con người, thì không thể nói: trả ít lương thì làm ít giờ, làm cẩu thả, hay kéo dài thời gian mà việc không kết quả. 

TẠI SAO VẬY? Người bạn tôi phân tích tiếp:

- Ngày xưa, ở miền Nam này, chúng tôi trước khi học về văn chương chữ nghĩa, thì đã được học ĐỨC DỤC, nhân bản, tức là học về đạo đức, học LÀM NGƯỜI! Mà làm người thì cần phải có chữ TÍNTRUNG, có LƯƠNG TÂM, có LÒNG QUẢNG ĐẠINHÂN ÁI, và trên hết PHẢI CÓ TRÁCH NHIỆM với việc mình làm, nếu thiếu sót những điều căn bản đó, ta chưa phải là người! Cho nên thời trước, khi ta nhận làm một việc gì, ta không thể làm cẩu thả, làm ăn bớt giờ, làm bừa bãi cho xong để lấy lương, còn hậu quả ra sao mặc kệ chủ! Trước nhất sự “làm bớt giờ”, là phạm tội gian lận, vì người ta nhận mình vào làm theo sự thỏa thuận có quy định minh nhiên: 6 tiếng, 8 tiếng, 10 tiếng đồng hồ, tùy theo nhu cầu công việc của họ, với một mức lương ấn định rõ, nếu ta làm ít đi, vừa làm vừa chơi hay làm việc của mình, rồi nhận đủ số lương, là ta phạm tội gian lận với chủ. Thứ hai, ta làm việc cẩu thả, bừa bãi, cho ra những sản phẩm không đúng tiêu chuẩn, không tốt, thì người tiêu dùng sẽ bị ảnh hưởng, ta lại lỗi thêm một lần nữa với người bỏ tiền mua món hàng! Và cuối cùng, ta là kẻ phá hoại xã hội, với những sản phẩm ta làm, vì gây cho người đầu tư bị mất uy tín với khách hàng, do chậm tiến độ, do hàng kém chất lượng! Chúng ta đã thấy có những tai nạn vô cùng nguy hiểm gây chết người, vì đi chiếc xe đạp mới mua mà bị gãy cỗ xe, khiến người dùng bị té và bị cỗ xe đâm trúng ngực tử vong! Tất cả những điều đó, là do THIẾU TINH THẦN TRÁCH NHIỆM của người làm ra sản phẩm!

Một bạn trẻ tiếp tục hỏi: - Vậy trường hợp chủ trả lương rẻ, không tương xứng thì phải làm sao?

Người bạn khác của tôi giải thích:

- Trường hợp này, bạn có thể không nhận làm, và đi tìm việc nơi khác. Hai là bạn nhận làm, thì phải làm với hết tâm lực. Bạn đừng ngại thua thiệt. Trước hết, bạn phải chứng tỏ tài năng, nhiệt tình của mình trước. Khi người chủ thấy bạn làm hết mình với công việc, và hiệu quả việc làm của bạn rất cao, năng suất gấp đôi ba lần người đồng nghiệp, thì ắt hẳn bạn đã lọt được vào đôi mắt nhận xét của chủ. Không một người chủ nào muốn mất một người công nhân hay nhân viên như vậy. Họ phải tìm cách giữ bạn lại làm việc lâu dài cho họ, vì đây chính là mối lợi của họ. Sản phẩm của họ nhờ đó sẽ có chất lượng hơn, ví dụ bạn là thợ xây nhà, hoặc bạn là thợ sản xuất hay nhân viên bán hàng, thì sẽ đem đến cho họ nhiều lợi nhuận hơn người khác, uy tín của họ được nâng cao hơn khi bạn sản xuất ra những sản phẩm mà họ bán trên thị trường. Tại sao họ lại không tăng lương, tăng thưởng cho bạn, đặt bạn vào những chức vụ quan trọng, vị trí chính yếu, với mức thù lao tương xứng? Nếu gặp người chủ hẹp hòi, hay không đủ khả năng trả lương cao cho bạn, thì bạn cũng đã có được một thời gian trau dồi nghề nghiệp, bạn tạo được uy tín để có thể đến một nơi khác với chức vụ và đồng lương tương xứng, nhất là bạn được an tâm hài lòng về chính mình. Cái lợi đó bạn sẽ không có được, nếu bạn không làm việc với hết tâm lực của mình. Thà bạn không nhận nhiệm vụ, hay là bạn sẽ làm hết mình khi đã nhận, đó là NỀN GIÁO DỤC CHÂN CHÍNH, mà miền Nam này đã dạy cho chúng tôi.

- Vậy nền giáo dục XHCN khác với nền GD của miền Nam như thế nào, và hậu quả là gì? 

Đó là một câu hỏi của một bạn trẻ khác trong nhóm. Câu trả lời từ người bạn khác của tôi:

- Thưa các bạn, nền GD hiện tại như thế nào, và hậu quả là gì, thì chính các bạn là người trực tiếp đón nhận, nên hiểu rõ hơn chúng tôi. Tuy nhiên, chúng ta đang đàm luận, nên chúng ta sẽ tiếp tục giải đáp chung cho nhau: đó là một nền GD lệch lạc, khiếm khuyết, từ trong trường học đến trường đời. Ngày xưa trong miền Nam, tất cả trẻ em chúng tôi đều bắt buộc phải đi học, và học ở trường công hầu hết, chỉ gia đình giàu có mới cho con học trường tư, thường là những trường của tôn giáo, để được hưởng một nền giáo dục đầy đủ và kỹ càng về cả kiến thức lẫn đạo đức. Cũng có vài trường tư thục chưa đạt chuẩn lắm, nên rất ít học sinh. Học sinh không đóng tiền học, không có những loại tiền như cơ sở vật chất, tài trợ máy móc, đèn quạt, tiền đóng dã ngoại, ngoại khóa, tiền học thêm, tiền tổ chức nọ kia, thậm chí tiền bồi dưỡng giáo viên, nhân viên nhà trường v.v... và v.v… như bây giờ, tiền đóng nhiều đến nỗi phụ huynh è cổ lè lưỡi, mà con vẫn không nên người! Tôi không nói thêm nhiều vì thực trạng xã hội đã cung cấp quá dư. Ngày xưa cha mẹ chúng tôi không phải lo lắng nhiều như phụ huynh bây giờ, gửi con đến trường thì yên tâm rằng con được giáo dục nên người, cả về trí dục và đức dục, vì đó làTRÁCH NHIỆM CỦA XÃ HỘI, CỦA CHÍNH PHỦ PHẢI CHU TOÀN VỚI CÔNG DÂN, VỚI THẾ HỆ TƯƠNG LAI CỦA ĐẤT NƯỚC. Phụ huynh đương nhiên cũng quan tâm lo cho con mọi mặt, nhưng không phải quá lắng lo, sợ con hư hỏng. Ở trường học và trường đời bây giờ đầy dẫy những gương mù gương xấu, những cạm bẫy của bọn tham tàn hung ác, có chủ ý hủy diệt tuổi trẻ cho mục tiêu bất nhân của chúng, trong khi xã hội ngày xưa có nề nếp, trật tự, không một gương mù gương xấu nào được dung túng, bao che hay lơ là, mà mọi người từ dân đến chính quyền, đều quan tâm chặt chẽ để sẵn sàng quét sạch nó đi, hầu tránh ảnh hưởng đến trẻ thơ. Chúng tôi, giới trẻ, được thọ ơn gia đình và xã hôi để nên hình nên vóc, và nhất thiết phải nên một nhân cách cao, để không phụ lòng gia đình và xã hội. Khi lớn lên, chúng tôi đều ý thức phải trả ơn cho xã hội và gia đình, bằng sự nhiệt tâm trong nhiệm vụ của mỗi người, hầu góp phần xây dựng tương lai cho mình và cho xã hội, chứ không tính toán thiệt hơn, mưu cầu tư lợi như bây giờ, nếu ai đi sai thì có lỗi! Ngày xưa ai trong chúng tôi chưa góp phần xây dựng cho xã hội, thì tự thấy mình là người thừa, người ăn hại xã hội, người mang nợ xã hội và tự lấy làm xấu hổ vì bất xứng! Còn các bạn bây giờ có khi nào thấy mình có lỗi với xã hội, với đồng bào chưa? Các bạn có tự thấy hay nhận rằng mỗi người ngoài việc lo cuộc sống cho cá nhân, cho gia đình, còn có bổn phận với tha nhân, với xã hội không? Chắc là không! Cái khác biệt giữa nền giáo dục xưa và nay là đó, và con người ngày nay khác với xưa là vậy! Cách sống, cách suy nghĩ của các bạn bây giờ cũng khác xa chúng tôi, ra đường nhiều bạn ngang ngược, quậy phá, khiếm lễ với người trên, không quan tâm giúp đỡ ai trên đường như người già, trẻ em, người tàn tật, thiếu phụ mang thai; mạnh ai nấy đi, còn tranh dành cả với người già yếu, khuyết. Nhưng chúng tôi thì không, tuyệt đối không, nếu không muốn bị xã hội khinh chê là “thiếu giáo dục, sống không ra người”! Sẽ có hậu quả ngay cho những người khiếm khuyết nhân cách và đạo đức, là bị mọi người xung quanh xa lánh, khó kiếm công ăn việc làm, và cả khó khăn trong việc lập gia đình nếu là người trẻ!

- Xã hội ngày nay còn khác xưa cái gì nữa? Ngày xưa không hề có cảnh cha mẹ hành hung bạo lực với con, hay con cháu giết cha mẹ, ông bà, hay giết người yêu! Anh chị em, bạn bè xô xát cũng là điều cấm kỵ rồi! Gian manh giả trá thường hy hữu, và bị xã hội lên án, mang nhục cả đời, phải tìm nơi xa mà mai danh ẩn tích, không dám nhìn ai. Nhưng bây giờ thì lừa đảo, xảo trá là bình thường, vẫn vảnh mặt trước mọi người, miễn là có tiền! Người ta còn dùng thế lực và đồng tiền bất chính để hành ác, làm điều phi luân bại lý, như thày mua dâm trò, giám đốc hại nhân viên, mà ngày xưa không hề có! Ngày xưa ra chợ, ra đường mà gặp một em bé phải đi bán dạo, thì mọi người rất xót xa và sẵn lòng giúp đỡ, nhưng ngày nay các em bé đi bán buôn, lao động cực nhọc là bình thường, không những thế, các em còn gian ma không kém người lớn! Tôi có mua hàng của một em bé bán chuối, em cân thiếu và bị phát hiện, em liền nói rất tự nhiên: cháu cân thiếu một vài lạng, có ăn thua gì, mấy ông bà lớn còn gian manh bằng vạn, có sao đâu? Ngày xưa không thể kiếm ra những trường hợp ấy! Cũng không hề có cảnh học sinh chụp hình, tung ảnh khỏa thân, khêu gợi, càng không có cảnh bạo hành của giới trẻ!

- Cái khác xưa của các bạn, có nguyên nhân rõ là từ cái “khác xưa” của nền GD mà các bạn thọ nhận. Đó là kết quả của sự “trồng người”. Ở bầu thì tròn, ở bí thì dài, các bạn đã hình thành nhân cách qua cái “khuôn” của xã hội, một xã hội quá nhiễu nhương, tha hóa, mất nhân tính, mất tình người và dối trá! 

Nền GD dối trá tạo ra một XH bệnh hoạn: bệnh gian dối, ai cũng nói dối, cả trong nhà trường, cả thày cô giáo là những kẻ “trồng người”, đó là nguyên nhân chính của sự tha hóa, tụt hậu của con người và xã hội VN! Nền GD XHCN bây giờ có những nét nổi bật: DỐI TRÁ, TƯ LỢI, VÔ ĐẠO, MẤT NHÂN TÍNH, nó dạy con người thay vì nhân hậu, phụng sự, thì ích kỷ, nghĩ đến quyền lợi riêng tư, nhưng không phải bằng sự cố gắng, mà bằng đấu tranh giành giật của người khác, ăn cắp của người khác, tiêu giệt người khác để chiếm đoạt tài sản hay nguồn lợi của họ, đó gọi là “đấu tranh giai cấp”! Không chấp nhận người hơn mình, không cho người khác tồn tại, dù đó là người sinh thành, người thân thích, ân nhân của mình. Trong cuộc CCRĐ vào những năm 45- 50, khi CS bắt đầu hiện diện ở nước ta, nói lên đặc tính cốt cán đó: con giết cha, vợ đấu chồng, anh em tố nhau, người thọ ân là các bần nông đấu tố chủ điền…, còn bây giờ, nông dân bị mất đất, tư sản chân chính bị mất của bởi thành phần thống trị đất nước; anh em, bạn bè, cha con, vợ chồng giết nhau vì quyền lợi, công an giết dân vì bản chất hung tàn! Ông bà, cha mẹ, người yêu… là những gì thân thiết nhất của mình, nhưng trái ý mình, cản trở ý thích hay nguồn lợi của mình thì giết! Con xin mẹ tiền đi nhậu, đi bài bạc mà mẹ không cho liền giết! Thấy người yêu có xe, có điện thoại đắt giá, liền rủ vào phòng ngủ để giết và chiếm đoạt. Đi làm công thì trốn việc, ăn bớt giờ, làm cẩu thả, và sẵn sàng chôm chĩa khi có cơ hội, vì mang trong lòng “mối thù giai cấp”, tại sao nó giàu mà mình lại nghèo? Không hiểu rằng cái giàu của người kia và cái nghèo của mình đều có lý do: giàu vì cố gắng làm việc, vì có kiến thức, biết nặn óc tìm tòi suy nghĩ; còn vốn liếng của họ có thể là tiền đi vay, hay do công sức mồ hôi nước mắt mà có, nhưng vốn chính của họ là bộ óc. Đừng nghĩ chỉ có người công nhân, nông dân, người vô sản mới lao động, mà chính những người chủ, người đầu tư còn đòi hỏi năng suất lao động gấp mười, gấp trăm, từ lao động trí óc cho đến chân tay, đôn đáo điều hành, xử lý mọi công việc của xí nghiệp, công ty, làm việc cả ngày đêm, chứ không chỉ 8 tiếng, 10 tiếng với một việc nhất định, hỏi sao họ không thu lợi nhận nhiều hơn công nhân? Nếu họ dùng số vốn đầu tư mà bỏ vào nhà băng để hưởng lợi cố định, chắc chắn và không phải lo toan, thì người công nhân có việc làm không? Nhiều khi đầu tư như thế mà họ còn lỗ lã, nhưng công nhân thì không suy suyển đồng lương. Ngoài ra họ còn phải đóng thuế, nghĩa vụ nọ kia để góp phần xây dựng đường xá, cầu cống, các công trình công cộng, trả lương cho nhân viên nhà nước…, lại còn bị sách nhiễu bởi từ nhà nước đến công nhân, làm ơn mà bị mắc oán! Vậy giữa ta với họ ai góp công sức hơn ai? Ai cản trở bước tiến của xã hội, của đất nước trong đó có ta? Ai là ân nhân, ai là người thọ ân? Tại sao ta không biết ơn, hay liên kết với họ một cách chân tình để cùng lo cuộc sống, họ sống thì nhiều người cũng sống theo, lại thù hằn và tiêu giệt họ? Không kể những kẻ buôn gian bán lận hay làm ăn vô đạo, trước khi người chủ được hưởng đồng lời, họ phải bỏ hàng tỷ tiền vốn, phải chịu trầy da tróc vẩy cả hàng năm hay nhiều năm để gây dựng cơ đồ, thì tại sao ta đi xin việc, lại đòi hỏi phải có thù lao xứng đáng tức thời, khi ta chưa hề chứng tỏ tài năng và sự đóng góp của ta? Như vậy bất công là ở đâu? Ta ăn bớt giờ, động chút là tranh đấu đòi hỏi quyền lợi, được “nhà nước” tiếp tay, trong khi người chủ vừa đóng góp nhiều vừa nhận nhiều thiệt thòi, có khi thất lỗ! Ai là người bóc lột ai đây? Vì thế, ngày xưa người chấp nhận đi làm thì trước hết phải nhiệt tâm, cố gắng, có trách nhiệm trong công việc, trước khi đòi hỏi quyền lợi, ngày nay thì ngược lại, KHÁC XƯA là ở đó! Xã hội nay còn khác xưa từ trong suy nghĩ lệch lạc và bất nhân! Ta hãy nghĩ: nếu không có tư sản (chủ đầu tư) sao ta có việc làm? Nếu không có người bỏ vốn làm ăn sao dân có sản phẩm tiêu dùng, nếu không có người kinh doanh thì ai đóng thuế, làm sao điều hành và xây dựng đất nước? Nếu không có người trí thức có đầu óc khôn sáng, ai sẽ đưa kế hoạch kinh tế, giáo dục, công kỹ nghệ, cả nông nghiệp, y tế…, người nông dân, công nhân, người thiếu kiến thức tự làm nổi không? Thế tại sao người CS lại chủ trương đấu tranh giai cấp, tại sao tiêu giệt TRÍ, PHÚ, ĐỊA, HÀO? Trong khi đó thì người quốc gia dân chủ lại kêu gọi đoàn kết dân tộc, cùng chung tay xây dựng xã hội, đất nước, luật pháp chỉ áp dụng cho người sai, người có tội, mà bất luận là sĩ, nông, công, thương hay là cái loại gì khác. CÁI NGHÈO, CÁI LẠC HẬU CỦA ĐA SỐ NGƯỜI DÂN VÀ CỦA ĐẤT NƯỚC VN HIỆN TẠI, NGUYÊN NHÂN TỪ CÁI “KHÁC” ĐÓ MÀ RA! 

Mới đây tại Diễn Đàn Phát Triển Châu Á vừa tổ chức tại Hà Nội vào ngày 19/9/2014, vị đại diện tổ chức Hợp Tác và Phát Triển Kinh Tế (OECD) đã có câu phát biểu làm “nảy đom đóm mắt” cho mọi người VN: “VN phải mất 40 năm nữa (2058) mới vượt ngưỡng thu nhập trung bình”! Nhưng vị Phó GS Tiến Sĩ Ngô Trí Long tại Hà Nội thì nói: “40 năm nữa (quá ghê), nhưng có thể VN sẽ không vượt mà còn tụt hậu xa hơn so với các ngước láng giềng” (chưa nói thế giới), vì lúc đó họ đã chạy xa vượt cao hơn chúng ta!

Người bạn tôi vừa ngưng lại sau một bài “thuyết trình” say mê nồng nhiệt, thì còn một em SV đưa tay muốn phát biểu, em hỏi: 

- Thưa các thày cô, em có một nỗi buồn ray rứt, là khi nghe trên báo chí nói rằng người Nhật bây giờ rất khinh ghét và tẩy chay người VN, vì tội gian manh, ăn cắp! Họ không muốn cho chúng ta đến đất nước họ nữa! Trong khi trước kia em nghe nói Sài Gòn từng là “hòn ngọc viễn Đông”, được rất nhiều nước trên thế giới mến nể, và những nước Á Đông còn kém thua xa VN, sao bây giờ lại thế này? Em cũng thấy trên TV nói ở Nhật người buôn bán tạp phẩm có khi không cần người coi hàng, cứ ghi giá món hàng, và người mua sẽ lấy rồi bỏ tiền vào thùng để sẵn. Em nghĩ ở VN mà như vậy thì mất hết cả hàng lẫn tiền! Còn tinh thần tôn trọng kỷ luật, luật pháp của người Nhật thì tuyệt vời, như kỳ Nhật bị động đất đó! Ôi! VN bao giờ mới theo kịp họ?

Câu trả lời của bạn tôi là:

- Em hỏi thì ở trên đã trả lời hầu hết thắc mắc của em rồi đó. Một nền GD ích kỷ, gian dối, vô đạo, đó là câu trả lời! Tại sao Sài Gòn từng là hòn ngọc viễn Đông, miền Nam từng văn minh, tiến bộ hơn các nước Đông Nam Á, hay cả Á Châu, người Việt ở miền Nam được cả thế giới mến nể, còn bây giờ… người Việt đi đến đâu bị cả thế giới e ngại khinh khi chứ không chỉ ở Nhật. Miền Nam VN trước 1975 đã có một nền kinh tế phồn thịnh, sản xuất được cả xe hơi (LA DALAT), nhưng bây giờ gần 40 năm sau, được “thống nhất”, được “thái bình”, thì… chưa tự sản xuất được một con ốc vít (tin trên TV)! Đến VN đầu tư thì phải thuê 15 người mới có năng suất bằng 1 người Singapore, 1 người Thái điều khiển được 1 cái máy, trong khi người VN phải 3 người, mà sản phẩm chưa chắc bằng! Như vậy đầu tư ở VN, nhà đầu tư phải:

- Xây cơ xưởng gấp… 15 lần ở Sing, để có chỗ chứa nhân công; phải tốn tiền công nhiều, cứ nhẹ nhàng cho là gấp… 10 lần, phải tốn chi phí điện, nước, gấp nhiều lần, phải có một đội ngũ điều hành cũng gấp nhiều lần, chưa kể còn bị công nhân kém năng suất (như có em phát biểu: “tiền ít làm ít”!, và ra một sản phẩm không mấy bảo đảm chất lượng do máu gian, máu lười của công nhân VN! Còn nói nhân công rẻ, có rẻ được gấp năm bảy lần so với nước khác không? Thử hỏi các em nếu chọn thị trường kinh doanh, các em có chọn VN không? 

Một tiếng “KHÔNG” đồng loạt nổi lên!

- Về tính ngay thẳng, ở miền Nam trước 1975, nhà cửa không cần khóa lớn khóa bé, chạy ra chợ, sang thăm hàng xóm cửa không cần đóng. Ở nông thôn ngày cũng như đêm thường mở của nhà cho mát, ai ra vô cũng được, đồ dùng để đâu còn nguyên đó, có đi xa thì hàng xóm giữ nhà dùm. Người buôn bán có việc vẫn bỏ hàng quán trống, nếu ai cần mua chờ không được thì về, khách quen mà cần gấp thì cứ lấy hàng, sau gặp sẽ trả. Vậy người VN có thua kém người Nhật không? Người nông dân, và cả thành thị, có khách đến chơi nhà ở lại lâu càng tốt, sẵn con gà, con cá mang ra đãi; trong vườn có cây trái, người đi ngang cần một ít để ăn cứ tự nhiên khỏi trả tiền, miễn đừng tham hái mang về. Không trộm cắp, không gian manh, không đánh đấm, chứ đừng nói giết chóc; cả làng, cả tỉnh không nghe nói ai bị bắt bớ tù đầy, hỏi ngày nay khắp VN còn đâu có như vậy? Xã hội miền Nam sau khi bị CS khuấy lộn, sách động biểu tình, đảo chánh, có sa sút suy đồi, nhưng không có bạo lực, bất nhân, xáo trộn như “thiên đường CS” hiện tại, dù chỉ là 1%! Một điều mọi người cần ghi nhớ, là trước khi chủ nghĩa CS bất đặt chân vào VN, thì miền Bắc, dù chưa được văn minh tiến bộ sau thời gian dài bị đô hộ, nhưng đã thấm nhuần một nền đạo đức cổ truyền, thì cũng từng có một tình trạng xã hội trật tự và lành mạnh như vậy! Cái “thành quả” của CS là đã đảo lộn, phá vỡ mọi thứ, mọi di sản tinh thần và vật chất của dân tộc ta!

Thôi thời gian đã trễ, chúng ta ngừng lại. Để kết thúc buổi trao đổi hôm nay, các em có ước muốn gì cho đất nước, cho xã hội VN, và cho chính mình không?

Tất cả ý kiến đều như một: Muốn VN Thay Đổi Sớm, Muốn Không Còn Cs, Muốn Có Độc Lập Tự Do, Để Có Một Nền GD Khác, Đầy Nhân Bản Và Đạo Đức, Để Người Trẻ Không Bị Lừa Dối Và Bị Nặn Ép Thành Những Con Người… Thiếu Chất Người!

Chính phủ VN ơi! Đừng gian dối, đừng lừa đảo người khác và lừa cả chính mình nữa, hãy chui ra khởi cái bộ óc đui mù của mình đi, thì đất nước mới tiến, người dân mới bớt lầm than và lạc hậu, và mới có được những thế hệ trẻ đủ tài đức và nhân cách! Xã hội công bằng và văn minh phải là một XH có đạo đức, nhân bản, có tôn ti trật tự và đầy tình người, mỗi người dân đều có vai trò, vị trí trong đất nước của mình, chứ không phải một xã hội đầy hận thù, kình chống và bất công, bóc lột và bạo lực, nhất là 90 triệu người bị đặt dưới sự cai trị độc tài sắt máu của đảng CS, như xã hội VN bây giờ!

Xin Trời giúp dân con! Xin Anh Linh của Tổ Tiên giúp dân tộc Việt!


Nhóm Nhà Giáo Miền Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét