Pages

Thứ Sáu, 26 tháng 9, 2014

Ông Phạm Bình Minh thăm Mỹ 1-2/10

Ông Phạm Bình Minh đã nói về 'Vị trí của Việt Nam trong trật tự thế giới'
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh sẽ thăm chính thức Hoa Kỳ trong hai ngày 1/10 và 2/10.
Bộ Ngoại giao Việt Nam cho hay chuyến thăm được thực hiện theo lời mời của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry.
Thông cáo của bộ này nói tại Washington DC, "Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ John Kerry sẽ trao đổi các biện pháp nhằm triển khai các thỏa thuận giữa các lãnh đạo hai nước về việc phát triển đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ".

Hai ông cũng sẽ trao đổi "về các hoạt động kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ (1995 - 2015) cũng như các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm".
Trước khi thăm Hoa Kỳ, ông Phạm Bình Minh sẽ thăm Canada trong hai ngày 29-30/9 theo lời mời của Ngoại trưởng John Baird nhằm thúc đẩy quan hệ song phương.
Thông cáo của Bộ Ngoại giao Việt Nam không cho biết thêm chi tiết về lịch trình ở Mỹ của ông Phạm Bình Minh.

'Biết Trung Quốc'

Chiều 24/9, ông Phạm Bình Minh đã có buổi nói chuyện tại Hội châu Á (Asia Society) ở New York, nhân dịp ông tham gia kỳ họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở đây.
Bài nói chuyện của ông với chủ đề 'Ví trí của Việt Nam trong trật tự thế giới' giải thích về chính sách đối ngoại của Việt Nam cũng như nhu cầu cân bằng quan hệ với Hoa Kỳ và Trung Quốc, đồng thời cho biết Việt Nam có thể đóng góp được gì cho một châu Á-Thái Bình Dương vững mạnh hơn.
Trong khi bài diễn văn của ông phó thủ tướng kiêm ngoại trưởng chưa đưa được ra vấn đề gì mới, phần hỏi và trả lời của ông đã thu hút sự chú ý và hưởng ứng của cử tọa.
Ông Phạm Bình Minh trực tiếp trả lời câu hỏi bằng tiếng Anh.
Khi được hỏi về quan hệ với Trung Quốc, ông phó thủ tướng nói quan hệ của Việt Nam với nước láng giềng là quan hệ đối tác chiến lược.
"Ngoài quan hệ chính trị rất tốt đẹp, từ khía cạnh kinh tế, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam", chiếm 1/3 tổng thượng mại với thế giới của Việt Nam.
Theo ông, cả hai đều là nước xã hội chủ nghĩa và quan hệ trên mọi kênh, giữa hai Đảng, hai nhà nước, và nhân dân hai bên.
Ông Phạm Bình Minh thừa nhận rằng Việt Nam và Trung Quốc có tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.
"Có thể, đối với Philippines (quốc gia cũng có tranh chấp chủ quyền biển với Trung Quốc), họ không đoán trước được [về quan hệ với Trung Quốc], nhưng chúng tôi thì biết rõ về quan hệ hai bên."
Khi cử tọa đề cập tới vụ Trung Quốc chuyển giàn khoan nước sâu 981 vào vùng kinh tế đặc quyền của Việt Nam, ông Phạm Bình Minh nói Việt Nam đã "kiên quyết bảo vệ quyền lợi của mình trong khi yêu cầu đối thoại" với Trung Quốc.
Ông cho hay đã có đã có hơn 40 cuộc trao đổi ở mọi cấp lãnh đạo giữa hai bên trong quá trình giải quyết bất đồng giàn khoan.
Việt Nam và Trung Quốc đã có hơn 40 cuộc gặp các cấp trong vụ giàn khoan 981

Kiện Trung Quốc?

Khi được hỏi về khả năng sử dụng các cơ chế luật pháp quốc tế trong phân định tranh chấp chủ quyền biển với nước láng giềng Trung Quốc, Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Phạm Bình Minh nói Việt Nam muốn giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, bằng mọi phương thức phù hợp Hiến chương LHQ, thông qua đàm phán.
"Nếu đàm phán song phương mà đạt kết quả thì là điều tốt."
Ông đưa ra dẫn chứng rằng Việt Nam đã thành công trong đàm phán biên giới trên bộ với Trung Quốc, cũng như đàm phán phân định Vịnh Bắc Bộ. "Đó là cách thức hòa bình và Việt Nam muốn giải quyết vấn đề bằng mọi cách thức có thể, kể cả bằng luật pháp".
Ông Phạm Bình Minh nói về tranh chấp Hoàng Sa, Trung Quốc đã chiếm quần đảo này bằng vũ lực năm 1956 và 1974 và vẫn đang kiểm soát toàn bộ đảo.
"Chúng tôi muốn giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình và nhiều lần đã đề nghị Trung Quốc đàm phán thế nhưng Trung Quốc không chịu với lý do đây là đảo của Trung Quốc."
Đối với câu hỏi liệu Việt Nam có đồng ý với đề xuất đàm phán song phương trong các vấn đề lãnh thổ hay không, ông Phạm Bình Minh giải thích: "Quần đảo Hoàng Sa là vấn đề giữa chỉ Việt Nam và Trung Quốc, nên có thể giải quyết song phương".
Tuy nhiên ông nhấn mạnh, "quần đảo Trường Sa có 5 nước và một vùng lãnh thổ (Đài Loan) cùng tranh chấp, thì là vấn đề đa phương và cần có cách tiếp cận đa phương".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét