Pages

Thứ Ba, 30 tháng 9, 2014

Thu nhập thực của người Việt là bao nhiêu?

Vũ Hoàng, phóng viên RFA

thu-nhap-622c.jpg

Theo báo cáo môi trường kinh doanh “Doing Business 2014” của Ngân hàng Thế giới công bố cuối tháng 7 năm nay, Việt Nam nằm ở bậc 99 về năng lực cạnh tranh toàn cầu.
Screen capture

Nghe Bài Này

Theo báo cáo môi trường kinh doanh “Doing Business 2014” của Ngân hàng Thế giới công bố cuối tháng 7 năm nay, Việt Nam nằm ở bậc 99 về năng lực cạnh tranh toàn cầu, và với vị thế này lẽ ra thu nhập bình quân đầu người của VN phải đạt trên 7.000 đô la/năm. Thế nhưng, hiện tại, thu nhập trung bình của người Việt chỉ trên dưới 1.400 đô la/ năm. Vì sao có sự chênh lệch lớn như vậy?

“Điều hành không hiệu quả”

Trong một cuộc hội thảo diễn ra hồi cuối tháng 7 vừa qua bàn về các chỉ số xếp hạng môi trường kinh doanh tại Việt Nam, ông Olin McGill, chuyên gia của Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID) nhận xét rằng với thứ hạng nằm trong nhóm từ 91 đến 120, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam lẽ ra phải đạt 7.545 đô la/ năm, nhưng thực tế không phải vậy, bởi nguyên nhân chủ chốt là do “điều hành không hiệu quả”.
Minh họa về “điều hành không hiệu quả” được ông McGill dẫn chứng thông qua thời gian các doanh nghiệp tại Việt Nam nộp thuế, ông cho biết, mỗi doanh nghiệp phải tiêu tốn đến 872 giờ một năm để nộp thuế, cao gấp hơn 5 lần so với mặt bằng chung của các nước ASEAN; hay hiện tại, thời gian làm thủ tục xuất nhập khẩu trung bình ở Việt Nam lên tới 21 ngày, sự ách tắc này khiến Việt Nam thất thoát khoảng 15% tổng kim ngạch thương mại.
Việc kê khai thuế chúng tôi phải chi phí đóng 1-2 triệu mỗi năm cho nhà mạng chứng nhận chữ ký số, điện tử. Hạn chế thứ hai là phần mềm phiên bản cập nhật khai thuế lại hay thay đổi.
-Ông Lê Cường
Theo T.S Nguyễn Đình Cung, viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, nếu số ngày thông quan hàng hóa được cải thiện, GDP Việt Nam có thể tăng lên tới 30%, không những vậy, Việt Nam còn có khả năng tạo thêm 3,5 triệu việc làm cho người lao động.
Tuy vậy, trên thực tế, tình hình lại khác xa khá nhiều, chỉ đơn cử về một động thái mới là kê khai thuế doanh nghiệp trên mạng, được xem là một bước tiến cải cách thủ tục hành chính, nhưng xem ra “bước tiến” ấy lại gây ra những hệ lụy đi kèm.  Chia sẻ với chúng tôi về thay đổi trong việc kê khai thuế trên mạng, ông Lê Cường chủ một doanh nghiệp nhỏ trên địa bàn Hà Nội cho chúng tôi biết:
“Doanh nghiệp của chúng tôi là doanh nghiệp nhỏ, việc khai thuế qua mạng đã được Tổng cục Thuế đồng ý, để tránh thời gian đi lại và thời gian chờ đợi. Nhưng đổi lại, việc kê khai thuế chúng tôi phải chi phí đóng 1-2 triệu mỗi năm cho nhà mạng chứng nhận chữ ký số, điện tử. Hạn chế thứ hai là phần mềm phiên bản cập nhật khai thuế lại hay thay đổi, làm cho các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khi khai thuế qua mạng, không theo đuổi kịp những phần mềm do phòng thuế yêu cầu.
thue-400B.jpg
Trang web kê khai thuế doanh nghiệp trên mạng. Screen capture.
Những khó khăn trong việc kê khai thuế như của doanh nghiệp ông Cường không phải là ngoại lệ, bởi hiện tại các thủ tục hành chính nhiêu khê, vòi vĩnh hay chung chi vẫn xảy ra phổ biến đối với các doanh nghiệp, trong một buổi đối thoại với sinh viên gần đây, phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã thẳng thắn nhìn nhận “thủ tục hành chính rườm rà đang là yếu tố cản trở sự phát trển của đất nước.”
Mới đây Bộ Kế hoạch - Đầu tư vừa công bố rằng việc bãi bỏ, sửa đổi các điều kiện kinh doanh không cần thiết, không hợp lý, không rõ ràng có thể cải thiện môi trường kinh doanh, từ đó GDP của Việt Nam sẽ tăng từ 15 đến 25 tỷ đô la. Con số biết nói trên đã phần nào lý giải vì sao thu nhập của người Việt thấp hơn nhiều so với thực tế nếu công tác quản lý, điều hành hiệu quả hơn.

Cần công khai, minh bạch

Hiện tại, thu nhập bình quân của người Việt Nam đang được đánh giá là tăng, nhưng tốc độ đó lại kém xa so với mặt bằng chung trên thế giới và vẫn nằm ở nhóm có thu nhập trung bình thấp: nếu năm 2004 chênh lệch thu nhập của Việt Nam và trung bình thế giới là 6.000 đô la thì khoảng cách này bị nới rộng lên hơn 8.500 đô la, thấp hơn tới 80% vào năm 2013. Và theo lời ông McGill, chuyên gia của USAID “cách tốt nhất để thu hẹp khoảng cách thu nhập với các nước là nâng cao hiệu quả điều hành thông qua cải thiện môi trường kinh doanh, bởi quốc gia càng hiệu quả thì càng thịnh vượng.
Một trong những yếu tố “hiệu quả” như ông McGill trình bày được giới chuyên gia khẳng định là phải công khai, minh bạch vai trò của các tổ chức điều hành, cũng như trách nhiệm giải trình của các cấp quản lý, để từ đó giúp các doanh nghiệp thoát khỏi “ma trận” các thủ tục và giấy tờ không cần thiết:
Việt Nam hoàn toàn có khả năng làm công khai minh bạch theo cách là thiết chế lại, xem lại, rà soát lại tất cả luật pháp, hệ thống chính sách.
-Ông McGill
“Việt Nam hoàn toàn có khả năng làm công khai minh bạch theo cách là thiết chế lại, xem lại, rà soát lại tất cả luật pháp, hệ thống chính sách. Những chỗ nào không hợp lý, chỗ nào chưa đảm bảo được độ minh bạch thì phải sửa lại cho nó minh bạch hơn. Thành ra có những điều cần phải minh bạch ngay từ đầu, từ trong Hiến pháp trở đi. Trên cơ sở đó thì các Luật cũng phải qui định theo cách đó. Chúng tôi mong muốn không phải chỉ minh bạch mà còn phải nhấn mạnh trách nhiệm giải trình nữa, bởi vì ở Việt Nam với cơ chế lãnh đạo tập thể thì trong vô vàn trường hợp, rốt cục không biết ai là người chịu trách nhiệm trước việc này việc khác xảy ra cho xã hội.”
Vừa rồi là lời nhận xét của bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế từ Hà Nội về tính minh bạch, giải trình của các cấp giám sát, quản lý cũng như hệ thống quy phạm pháp luật tại Việt Nam.
Được biết, thời gian gần đây, giới chuyên gia cả trong nước và quốc tế đều lên tiếng cảnh báo về “bẫy thu nhập trung bình” mà Việt Nam đang mắc phải, Ngân hàng Thế giới cảnh báo Việt Nam sẽ khó thoát bẫy này nếu chỉ duy trì mức tăng trưởng từ 5 đến 6%, thách thức với Việt Nam thời gian tới là phải duy trì tăng trưởng kinh tế 9% mỗi năm trong 20 năm sắp tới nếu muốn bắt kịp một số nền kinh tế trong khu vực.
Riêng về lĩnh vực “bẫy thu nhập trung bình” và mối quan hệ của bẫy này với năng suất lao động tại VN, trong một lần phỏng vấn gần đây với phóng viên Nam Nguyên, P.G.S, T.S Ngô Trí Long, một nhà kinh tế độc lập phân tích:
“Hoàn toàn có thể xảy ra nếu không thực hiện cải cách thể chế, cải cách quyết liệt tạo sự bình đẳng sân chơi giữa các thành phần kinh tế; coi con người là nhân tố quyết định, cốt lõi là phải tạo ra năng suất cao. Hiện nay năng suất lao động so với thế giới và khu vực thì Việt Nam đứng vào loại thấp nhất. Đây là mối nguy hiểm tạo một rào cản rất lớn cho động lực phát triển kinh tế.”
Diễn đàn kinh tế Thế giới WEF hồi tháng 8 công bố Năng Lực Cạnh Tranh Toàn Cầu 2014, theo đó, Việt Nam đứng thứ 68 trên 144 quốc gia thấp hơn nhiều so với hầu hết các quốc gia trong khu vực như Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia và Philippines.
Để nâng cao các chỉ số cạnh tranh ngang bằng mức trung bình của các nước trong khu vực ASEAN, Chính phủ VN đã ban hành nghị quyết 19 để cải cách sâu rộng môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh nội địa, đồng thời, cũng tăng thu những khoản thất thoát nghiêm trọng như đất đai, tài nguyên, trốn thuế và lậu thuế. Hi vọng, với những biện pháp được xem là đồng bộ trên sẽ phần nào khắc phục tính hiệu quả trong điều hành, từ đó từng bước nâng cao thu nhập thực của người dân Việt Nam
.

1 nhận xét:

  1. người Việt già đau khổlúc 03:49 2 tháng 10, 2014

    Thu nhập hay chỉ số hạnh phúc của người dân luôn tỷ lệ Thuận với đạo đức của đảng cầm quyền .Nhưng Công Bằng Xã Hội thì luôn tỷ lệ Nghịch với nhà tù và tệ nạn xã hội mà chế độ ấy sản sinh .

    Trả lờiXóa