Pages

Thứ Bảy, 27 tháng 9, 2014

Trần Nhật Kim – Triển Lãm “Cải Cách Ruộng Đất” Tại Hà Nội Đã Phơi Bầy Tội Ác Của Ông Hồ Và Đảng CSVN

1Thật là “ngàn năm một thuở”, người dân Hà Nội nói riêng và người Việt cả nước nói chung đã được “Sáng mắt” trước chiến thắng lẫy lừng “long trời, lở đất” của ông Hồ Chí Minh và đảng CSVN về cải cách ruộng đất trong thời gian từ 1946-1957 qua cuộc triển lãm “Cải cách Ruộng Đất”, tổ chức ngày 8-9-2014 tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Hà Nội, số 25 Tôn Đản, Hoàn Kiếm Hà Nội.

Vào ngày khai mạc, ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia nhấn mạnh tới mục đích của cuộc triển lãm, nhằm ghi lại thành tích chiến thắng vĩ đại của đảng CSVN đã giúp “Người cầy có ruộng, xóa bỏ giai cấp bóc lột”.  Trọng tâm của cuộc triển lãm cũng nói lên tài “lãnh đạo tài tình” của ông Hồ và đảng CS Hà Nội với vật chứng gồm 150 hiện vật ghi lại nếp sống xa hoa phong kiến của “giai cấp địa chủ bóc lột”, thành phần ôm chân Thực dân đế quốc.
Trong 150 vật chứng của giai cấp địa chủ và dân nghèo thời cải cách ruộng đất được trưng bầy trong cuộc triển lãm, theo Blogger Lê Dũng, đã không diễn tả đúng thực chất của đời sống xã hội lúc bấy giờ, hầu hết là ngụy tạo.  Một thí dụ đơn cử, từ cách in ấn “ảnh bác” đến sập gụ tủ chè, hoành phi câu đối, đôi chim… đều là hàng chợ của thời hiện tại, đã thể hiện quan niệm của chính quyền Hà Nội coi thường sự hiểu biết của người dân, nhất là tuổi trẻ, khi mà hệ thống truy cập trên mạng đã cho phép tìm hiểu tất cả mọi sự kiện trên thế giới.
Sự thiếu sót sai lạc thông tin khiến cuộc triển lãm trở thành vô giá trị, một việc làm lấy có cuả đảng CS và chính quyền Hà Nội.  Trong cuốn sổ ghi cảm nghĩ của Bảo tàng lịch sử, ông Phạm Trung viết: “Tôi chưa thỏa mãn với những thông tin, hình ảnh, ánh sáng và cách trình bầy.  Rất tiếc khi có cơ hội lại không được cung cấp thêm những hiểu biết chân thực về lịch sử.” (Nguồn: Hoài Phương)
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, Phó giám đốc Thư viện Hán Nôm Việt Nam đã nhận định tương tự, với 150 hiện vật được trưng bầy không đúng như những gì ông đã đọc hoặc được nghe trực tiếp từ những nạn nhân của cải cách ruộng đất.  Ông đã ghi trong sổ ghi cảm tưởng của Bảo tàng Lịch sử là “hiện vật được trưng bầy không toát lên sự trung thực về cải cách ruộng đất”.
Tất cả hiện vật trong trong cuộc triển lãm đa phần là giả dối.  Phần sai lầm và sửa chữa sai lầm lại càng thiếu sót.  Thiếu cả phần nhân chứng hay người liên hệ, như cha mẹ vợ của nhà thơ Hữu Loan bị chết thảm trong cải cách ruộng đất.  Không có một văn bản nào về vụ bà Nguyễn Thị Năm (Cát Hanh Long), người đã từng che dấu, giúp đỡ một số quý vị cao cấp như Trường Chinh, Lê Đức Thọ, Phạm Văn Đồng…trước thời cách mạng thành công.  Bà Năm đã từng góp vàng trong “tuần lễ vàng” và có con trai đi bộ đội làm Trung đoàn trưởng, mà vẫn bị tử hình vì bị liệt vào danh sách thành phần địa chủ.  Ông Hồ và các vị lãnh đạo cao cấp của đảng, đã một thời thọ ơn nhưng vẫn lãnh đạm, nhìn bà Năm nhận lãnh những “viên đạn ân tình”.  Ông Hồ và tập đoàn lãnh đảng CSVN làm ngơ trước cái chết của bà Nguyễn Thị Năm, dù là một ân nhân, vì không muốn làm trái ý quan thầy Trung cộng khi họ quan niệm “cọp đực hay cọp cái đền ăn thịt người.”
Trước phản ứng của người dân cũng như quý vị thức giả về sự sai lầm của đảng và nhà nước CSVN về CCRĐ, ông Nguyễn Văn Cường đã xác nhận với báo Tuổi trẻ, cuộc triển lãm từng được quảng bá là “nhằm cung cấp thông tin đa chiều về một giai đoạn lịch sử đặc biệt”, thật ra “chỉ giới thiệu một phần” tài liệu, hiện vật.  Phần lớn còn lại “không thể nào đưa ra hết” và không thể nào “cho phép dân chúng tiếp cận”.
Tài liệu về ông Hồ và cải cách ruộng đất đã được bạch hóa từ lâu.  Con đường “Ra đi cứu nước” của ông Hồ đã để lại nhiều câu hỏi.  Năm 1917, ông trở lại Paris (Pháp) và được các nhà cách mạng Nguyễn Thế Truyền, Phan Văn Trường, Phan Chu Trinh cho ở cùng nhà.  Hai cụ Phan thường nhờ Nguyễn Tất Thành mang các bài viết ký tên chung là Nguyễn Ái Quốc đến tòa báo và các nhà đấu tranh khác.  Nhờ vậy, Nguyễn Tất Thành đã quen biết một số nhà xã hội Pháp như Leon Blum, Marcel Cachin…giới thiệu và được chấp nhận vào đảng Xã hội Pháp.
Năm 1920 Nguyễn Tất Thành dự Hôi nghị Tours và quen với Manuilsky, một đại biểu của đảng cộng sản Nga.  Cuối năm 1923, Manuilsky vận động cho ông Hồ sang Nga và ông được huấn luyện để trở thành cán bộ chuyên nghiệp được trả lương của Quốc Tế cộng sản.  Năm 1924, ông được QTCS phái sang Trung Hoa với nhiệm vụ thành lập các chi bộ CS tại Việt Nam và một số các quốc gia khác.  Năm 1930 ông Hồ bị bắt ở Hương Cảng vì hoạt động cộng sản.  Sau khi được thả, ông Hồ bị gọi về Moscow để được tái huấn luyện trong ba năm tại trường đại học Lenin.
Năm 1938 ông Hồ được QTCS phái sang hoạt động tại Hoa Nam, Trung Hoa.  Thời gian này ông đã xâm nhập và chiếm danh tổ chức “Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội” của cụ Hồ Học Lãm.  Ngày 19-5-1941 ông thành lập Mặt Trận Việt Minh tại hang Pắc Bó tỉnh Cao Bằng, Việt Nam.  Năm 1942 ông đổi tên là Hồ Chí Minh.
Ngày 2-9-1945, ông Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên Ngôn Độc lập tại Hà Nội, lập lại những điểm căn bản của Bản Tuyên Ngôn Độc lập năm 1776 của Hoa Kỳ, trong đó có các nhận thức về dân chủ, về quyền tự do và quyền sống của con người.  Tất cả các yếu tố căn bản trên được ghi lại trong Hiến Pháp năm 1946 của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, nhằm đem lại cho người dân một đời sống Độc Lập Tự Do và Hạnh Phúc. (*)
Ngay khi vừa đọc bản Tuyện Ngôn Độc Lập, đảng CSVN đã tung ra chiến dịch khủng bố, bắt giam và thủ tiêu các lãnh tụ đảng phái không cùng đường lối với cộng sản.  Ông Hồ đã lợi dụng chiêu bài “chống Pháp” đẩy nhân dân vào cuộc nội chiến, một cơ hội để cộng sản nắm giữ quyền lực và tiêu diệt các thành phần quốc gia dân tộc.
Đảng CSVN đã phát động chiến dịch “phóng tay phát động quần chúng” trong cải cách ruộng đất, chứng tỏ ông Hồ đã theo lệnh Nga Tầu khi tới Moscow vào năm 1951.  Tháng 12-1953 Quốc hội VNDCCH nhóm họp và thông qua luật CCRĐ số 197/HL và Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành bộ luật này vào ngày 19-12-1953 để kỷ niệm ngày Toàn quốc kháng chiến.  Để thực hiện chính sách cải cách ruộng đất, một ban lãnh đạo được thành lập gồm:
-  Trưởng ban chỉ đạo: Ông Trường Chinh, Tổng Bí thư đảng.
-  Trưởng ban chỉ đạo thí đểm Thái nguyên:  Ông Hoàng Quốc Việt, Ủy viên Bộ Chính        trị Ban Chấp hành Trung ương đảng.
-  Trưởng ban chỉ đạo thí điểm Thanh hóa, Nghệ an, Hà tĩnh:  Ông Lê Văn Lương, Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương đảng.
-  Giám đốc trực tiếp điều hành chiến dịch:  Ông Hồ Viết Thắng, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương đảng.
Để hướng dẫn và giám sát các giai đoạn thi hành chiến dịch CCRĐ, ông Hồ đã mời các đoàn cố vấn Trung cộng tới miền Bắc Việt Nam.
Cán bộ tham gia CCRĐ được học một khóa huấn luyện vào năm 1953 và một số khác được đưa sang thụ huấn tại Trung Hoa.  Khẩu hiệu “trí, phú, địa, hào đào tận gốc trốc tận rễ” đã trở thành phương châm của các cán bộ thi hành chính sách CCRĐ.  Các Đoàn công tác đã áp dụng chính sách tam cùng, “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” để xâm nhập vào từng gia đình như một thứ nằm vùng.
Đội cải cách nhắm vào thành phần “bần cố nông”, nhất là đám “du thủ du thực”, trộm cướp, cặn bã của xã hội thời bấy giờ, để biến họ thành một loại chỉ điểm chuyên bới móc đặt để, hầu thổi phồng tội ác của thành phần địa chủ.  Các gia đình tại nông thôn được phân loại thành: địa chủ, phú nông, trung nông, bần nông và cố nông.  Chỉ tiêu của đội CCRĐ đối với thành phần địa chủ cần phải thanh toán là 5%, nếu số địa chủ tại địa phương không đủ thì lấy thành phần phú nông đôn lên cho đủ số.
Đội cải cách cũng hướng dẫn thành phần bần cố nông và đám đầu trộm đuôi cướp học tập phương cách tố khổ.  Tòa án nhân dân sẽ xét xử các địa chủ.  Sau khi kết án, các địa chủ bị xử bắn trước công chúng và gia đình.  Thân nhân của các nạn nhân bị cô lập và chịu nhiều bạc đãi, xỉ nhục của người trong thôn xóm.
Như trường hợp bố mẹ vợ của nhà thơ Hữu Loan được ghi lại: “Vào thời gian CCRĐ, nhà thơ Hữu Loan đang là Trưởng Ban Tuyên huấn của Đoàn 304, dưới quyền chỉ huy của Tướng nguyễn Sơn.  Bộ đội rất đói, chỉ ăn khoai sắn.  Hàng tháng, ông địa chủ thường mang gạo tới giúp.  Năm 1953, chiến dịch CCRĐ lan tới Thanh Hóa, ông bà địa chủ bị thảm sát.  Ông bà chỉ có một cô con gái bị đuổi ra khỏi nhà, ra đồng nhặt mót đầu khoai mẩu sắn để sống qua ngày, đêm ngủ ở đình ở chợ, quần áo rách rưới dơ bẩn.  Vào lúc này, trai gái trong làng bị cấm không được kết hôn với con cái địa chủ.  Thấy hoàn cảnh đáng thương của cô gái, ông mang về nuôi dưỡng và sau này là vợ của nhà thơ.
Với khẩu hiệu “Nhất đội Nhì trời” khiến các đội, các đoàn cải ách ruộng đất được đưa về nông thôn đã trở thành một thứ kiêu binh.  Từ đó các đợt đấu tố lan tràn khắp miền Bắc.  Theo thống kê chính thức của nhà nước Việt Nam đăng trong cuốn Lịch sử kinh tế Việt Nam ghi nhận, con số nạn nhân bị thảm sát lên tới 172.008 người, chia ra các thành phần như sau:
-  Địa chủ cường hào gian ác:  26.453 người, trong số đó có 20.493 người bị oan.
-  Địa chủ thường:  82.777 người, trong đó có 51.480 người bị oan.
-  Địa chủ kháng chiến:  586 người, trong đó có 290 người bị oan.
Tổng số nạn nhân trong CCRĐ là 172.008 người, trong đó có 123.266 người bị oan.  Do đó, số nạn nhân bị oan đã lên tới tỉ số 71,66%.  Ngoài số nạn nhân bị thảm sát, số thân nhân liên hệ trực tiếp với nạn nhân cũng lên tới 500.000 người, đã bị khủng bố tinh thần, bị bạc đãi, sống ngoài lề xã hội.  Chính sách cải cách ruộng đất đã phá tan hạ tầng cơ sở tại nông thôn và gây khiếp đảm cho nhân dân miền Bắc.
Sau thời gian các đội, các đoàn CCRĐ giết hại quá nhiều người dân vô tội, gieo kinh hoàng cho người dân nông thôn miền Bắc, sự bất mãn ngày càng gia tăng trong dân chúng, khiến đảng phải nhận sai lầm.
Tháng 2 năm 1956, Hội nghị Trung ương đảng lần thứ 9, đã tuyên bố các sai lầm trong CCRĐ.  Tháng 3-1956, Quốc hội họp lần thứ 4, tường trình báo cáo sai lầm và biện pháp sửa sai.  Ngày 18-8-1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào và cán bộ nhìn nhận sai lầm.
Tháng 9-1956, sau Hội nghị lần thứ 10, ông Trường Chinh mất chức Tổng Bí thư, ông Hoàng Quốc Việt ra khỏi Bộ Chính trị, ông Lê Văn Lương mất chức ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị và ông Hồ Viết Thắng ra khỏi Ban chấp hành Trung ương đảng.  Ông Hồ kiêm nhiệm Tổng Bí thư.
Ngày 29-10-1956, tại nhà hát nhân dân Hà Nội, Đại tướng Võ nguyên Giáp, ủy viện Bộ Chính trị, thay mặt chủ tịch Hồ Chí Minh và trung ương đảng chính thức công nhận những sai lầm trong chính sách CCRĐ.  Sự việc Đại tướng Võ nguyên Giáp nhận lãnh sai lầm trong chính sách CCRĐ, mặc dù ông đứng ngoài chiến dịch này, đã chứng tỏ sự thiếu tư cách, đạo đức và đởm lược của ông Hồ.  Đúng ra, ông Hồ là người phải chịu trách nhiệm vì đã ký ban hành đạo luật thất nhân tâm này.
Giáo sư Nguyễn Mạnh Tường trả lời Báo Quê Mẹ khi ông tới Pháp vào năm 1975:
“Trong lịch sử Việt Nam từ hồi lập quốc đến nay chưa có một cuộc thanh trừng nào khủng khiếp tàn bạo như cuộc CCRĐ.  Hầu như mọi cuộc đấu tố đều có sự nhúng tay của Trung cộng…”
Hậu quả của chính sách CCRĐ đã làm nông thôn chia rẽ trầm trọng, phá hủy hoàn toàn tình cảm đùm bọc xóm làng đã có từ lâu đời.  Chính sách đấu tố đã phá hoại đạo lý gia đình, thân thuộc, nhân phẩm bị chà đạp sỉ nhục.  Nhưng chính sách CCRĐ đã mang lại thành quả như ước muốn của ông Hồ và đảng CSVN, là thanh toán được thành phần dân chúng có chiều hướng không chấp nhận chế độ cộng sản.
Mục tiêu trên của chính sách CCRĐ đã được ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Bảo tàng lịch sử nhấn mạnh vào buổi đầu khai mạc, ca tụng thành tích chiến thắng, tài lãnh đạo tuyệt vời của ông Hồ và đảng CSVN.
Theo dự kiến cuộc triển lãm CCRĐ khai mạc ngày 8-9-2014 sẽ kéo dài đến cuối tháng 12-2014.  Số người đến xem triển lãm ngày một đông.  Nhưng đến sáng ngày 11-9-2014, hàng trăm bà con dân oan Dương Nội, những người bị cướp nhà cướp đất tới xem triển lãm, đã bị lực lượng bảo vệ khu triển lãm ngăn cấm, với lý do mọi người tới xem trên áo mặc ngoài có ghi nhiều khẩu hiệu mang nội dung đòi công lý, đòi quyền sống như:
“Bảo vệ quyền con người – Bắt người vô tội để cướp đất là một tội ác…”
Mặc dù những dân oan đã cởi bỏ áo mặc ngoài để chờ vào xem, nhưng tới 2 giờ chiều Bảo tàng Lịch sử Quốc gia vẫn đóng cửa, không bán vé và được giải thích là vì có “sự cố ánh sáng”.  Cuộc triển lãm CCRĐ tại Hà Nội chấm dứt.
1
Trong chiều hướng đòi công lý và quyền sống của người dân, ngày 14-9-2014 một cuộc biểu tình trước Dinh Độc Lập, Saigon (Dinh Thống Nhất) , với các biểu ngữ:
Trả lại quyền Tư Hữu ruộng đất cho nông dân miền Nam.  Quyền đó được chính phủ Việt Nam Cộng Hòa sáng lập thập niên 60-70 Thế kỷ 20
-“Ngày 12/3/1945 Vua Bảo Đại tuyên bố nước Việt Nam Độc Lập.                                                   -Ngày 16/8/1945 Nhật đầu hàng Đồng  Minh.                                                                     -Không có ông Hồ Chí Minh, không có cuộc chiến 30 năm.                                      – Chủ Nghĩa Cộng Sản viển vông.
Mục đích của cuộc triển lãm Cải cách Ruộng đất để đánh bóng  “thần tượng Hồ Chí Minh” và đảng CSVN trong lúc uy tín ngày càng xuống thấp, hầu kéo dài thời gian cầm quyền.  Nhưng sau hơn nửa thế kỷ dấu diếm lừa gạt, chính quyền Hà Nội đã phơi bầy tội ác của ông Hồ và đảng CSVN qua cuộc triển lãm “Cải cách Ruộng Đất”, đã thúc đẩy sự chống đối của người dân ngày một lan rộng từ Nam ra Bắc.
Nhìn sang Trung Hoa, nước anh em “môi hở răng lạnh”, chỗ dựa của tập đoàn lãnh đạo Hà Nội, đang ở trong tình trạng chia rẽ, thanh toán trong nội bộ đảng vì quyền lợi sống còn.  Sau 20 năm quyền uy bao trùm thiên hạ, Giang Trạch Dân đã nhúng tay vào máu người Tây Tạng, dung túng đám tay chân tham nhũng, giết hại hàng triệu người Pháp Luân Công, muốn bắt ai thì bắt, gây căm phẫn tột cùng trong lòng người dân Trung hoa và thế giới. Hành động gây tội ác đã liệt Giang Trạch Dân vào tội Diệt Chủng tại toà án Quốc Tế, khiến Giang không thể thoát chạy tới bất cứ quốc gia nào.  Tập đoàn tham nhũng của Giang Trạch Dân đang bị Tập Cận Bình thanh toán.  Giang đang ngồi trên đống lửa, ngày đền tội gần kề.  Tiền bạc, của cải cướp của dân sẽ đổ sông đổ biển, của nhân dân phải trả lại cho nhân dân.
Về phần ông Hồ, trong suốt 24 năm cầm quyền (1945-1969), ông Hồ đã gây ra cái chết cho 1.700.000 người Việt trong cuộc chiến đẫm máu.  Tờ Thời Báo Ba Lan, Polska Times, đã xếp ông Hồ vào danh sách “13 nhà độc tài khiến nhiều người chết nhất của Thế kỷ 20”.
Đối với tập đoàn lãnh đạo đảng CSVN, sau nhiều thập kỷ đàn áp, nhúng tay vào máu của người dân Việt từ Bắc vào Nam, hẳn biết rõ:  Chỉ có gia đình nạn nhân trong “Cải Cách Ruộng Đất” tại miền Bắc, của gia đình nạn nhân chính sách vô nhân đạo “Tù Cải Tạo” tại miền Nam sau ngày 30-4-1975, của những dân oan từ Nam ra Bắc bị nhà nước cướp đất cướp nhà, của những người đấu tranh vì quyền sống người dân, vì nền tự do dân chủ của dân tộc bị bắt tù đầy, mới hiểu được nỗi cay đắng tủi nhục bị ruồng bắt, là đối tượng trả thù tàn nhẫn của chế độ CS độc tài.    Chỉ những nạn nhân này mới thấu hiểu được những mất mát nhà tan cửa nát, con mất cha vợ xa chồng, con cái không có tương lai.  Lòng căm hờn không dễ gì lãng quên khi mà hành động đàn áp, đánh đập người dân còn đang xẩy ra trước mắt.
Tập đoàn lãnh đạo Hà Nội đừng mơ tưởng ôm chân Trung cộng để muôn đời vinh thân phì gia.  Kẻ cướp chỉ lợi dụng, “vắt chanh bỏ vỏ” những tên phản bội mà không bao giờ tin dùng.  Tiền của Trung cộng ban cho tập đoàn tay sai CS Hà Nội sẽ bị lấy lại cả vốn lẫn lời sau khi họ thỏa mãn mộng bá quyền.
Chỉ còn con đường duy nhất để sống còn là đảng CSVN phải quay về với dân tộc.  Hãy cùng với dân tộc chống lại ý đồ xâm lăng của kẻ thù phương Bắc, để dân tộc thoát khỏi vòng nô lệ.  Toàn dân sẽ sát cánh đấu tranh cho một nước Việt Nam Tự do, Hạnh phúc và Trường tồn.
*
_________
Chú thích:
(*) (Nguồn: “Việt Nam Trong Chiến Tranh Tư Hữu”, trang 325, Tác giả:                                                 Nguyễn Cao Quyền.  NXB: Tiếng Quê Hương, Virginia-USA)
“Hình ảnh Biểu tình”:  Nguồn Google

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét