Pages

Thứ Ba, 2 tháng 9, 2014

Trung Quốc có thể cấm bay trên một phần Biển Đông

BẮC KINH (NV) .- Nhằm đối phó với các hành động thám sát của Mỹ, rất có thể Bắc Kinh sẽ tuyên bố một vùng cấm bay giới hạn trên Biển Đông khu vực gần đảo Hải Nam.

Từ bãi đá ngầm trên đó có một pháo đài nhỏ, Gạc Ma nay đang trở thành một đảo nhân tạo rất lớn của Trung Quốc có cả cầu cảng và phi trường dự trù được xây dựng. (Hình: Philstar)

Nếu sự việc này xảy tới sẽ làm gia tăng sự đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc mà giới bình luận thời sự chính trị quốc tế sợ rằng sẽ ảnh hưởng đến hải lộ quan trọng nhất thế giới khi đường vận chuyển hàng hóa trên biển bị sức ép quân sự.

“Tuy đó là điều có vẻ quá sớm để thiết lập vùng nhận diện phòng không trên toàn thể Biển Đông vào thời điểm này,  nhưng có lý khi thiết lập một phần bao trùm vùng biển gần Hải Nam, nơi Trung Quốc có căn cứ tàu ngầm nguyên tử lớn nhất.” Yue Gang (Nhạc Cương), một đại tá Trung Quốc đã nghỉ hưu được thuật lời trên báo tài chánh Bloomberg hôm Thứ Bảy.

Bay qua vùng biển này, Hoa Kỳ coi như không phận quốc tế nhưng Bắc Kinh lại coi là xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của họ nên đã cho máy bay chiến đấu lên khiêu khích máy bay tuần thám Poseidon P-8 thời gian gần đây.

Trước đây, sau khi Bắc Kinh tuyên bố lập vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở khu vực biển Hoa Nam, có nhiều lời đồn đoán Trung Quốc sẽ tiến hành lập khu vực ADIZ trên Biển Đông, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc tuyên bố đó chỉ là “tin đồn” dù họ “có quyền tiến hành bất cứ biện pháp an ninh nào, kể cả ADIZ”.

Nếu có cái ADIZ ở quanh Hải Nam xảy đến, nó tiếp theo cái lệnh từ hồi Tháng Giêng vừa qua đòi tàu đánh cá “nước ngoài” phải xin phép mới được tới hành nghề gần khu vực Hải Nam. Điều này chỉ là gây thêm căng thẳng giữa lực lượng không quân Trung Quốc và lực lượng không quân Hoa Kỳ như đã xảy ra ngày 19/8/2014 vừa qua.

Một chiến đấu cơ Trung Quốc bay sát chiếc máy bay săn tàu ngầm Poseidon P-8 khoảng 6 mét ở khu vực gần đảo Hải Nam nhưng trong vùng biển quốc tế. Chiến đấu cơ Trung quốc còn bay ngữa để phi công Mỹ nhìn thấy các loại võ khí của nó. Phát ngôn viên Ngũ Giá Đài, Đề đốc John Kirby nói phi cơ Mỹ bay trong không phận quốc tế và cách biểu diễn của máy bay Trung Quốc rất nguy hiểm.

Nếu Bắc Kinh thiết lập ADIZ ở khu vực Hải Nam, máy bay quốc tế qua khu vực này phải thông báo trước cho nhà cầm quyền Trung Quốc, mà nếu xảy ra, sẽ trực tiếp thách đố lực lượng Mỹ lâu nay vẫn mở các cuộc tuần thám ở khu vực. Gần đây, trước tình hình căng thẳng hơn trên Biển Đông, Hoa Kỳ loan báo gia tăng các chuyến bay tuần thám để theo dõi các hoạt động của Trung Quốc.

“Điểm chính yếu là thời điểm và cách loan báo thiết lập ADIZ của Trung Quốc”. Andrew Scobell, một phân tích gia chính trị tại tổ chức nghiên cứu nổi tiếng RAND nói với Bloomberg về nguy cơ trên Biển Đông. “Sự loan báo đó nhiều phần sẽ làm tăng thêm mức báo động giữa các nước ở khu vực Đông Nam Á và cả Hoa Kỳ”.

Theo nhận định của ông “Hiện vẫn chưa rõ Bắc Kinh đã học cái bài học hồi năm ngoái khi học tuyên bố ADIZ ở khu vực biển Hoa Đông”. Thêm nữa, ông tin rằng Trung Quốc sẽ lập một thứ ADIZ giới hạn trên một vài khu vực Biển Đông trong tương lai gần.

Hiện Trung Quốc vẫn tiếp tục hiện đại hóa và mở rộng căn cứ hải quân trên vịnh Á Long (Yalong) , đảo Hải Nam. Căn cứ này có hai cầu cảng, mỗi cái dài tới 1 km để tiếp nhận tàu mặt nước. Bốn cầu cảng mỗi cái dài 230 mét để tiếp nhận tàu ngầm bên cạnh một đường ngầm dưới nước, theo lời Felix Chang, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên Cứu Chính Sách Ngoại Giao ở Philadelphia.

Trung Quốc đã lập ADIZ ở Hoa Đông vì Nhật Bản quốc hữu hóa quần đảo Điếu Ngư (Senkaku) tranh chấp với Trung Quốc, theo ý kiến của tướng Trung Quốc hồi hưu Từ Quang Dụ (Xu Guangyu) hiện là một cố vấn cho Hội Kiểm Soát Võ Khí và Giải trừ Quân bị Trung Quốc.

Theo nhận định của ông này, khi lập ADIZ cho toàn Biển Đông sẽ rất phức tạp vì trực tiếp liên quan đến các nước trong vùng. Các nước khác như Việt Nam, Phi Luật Tân, Malaysia, Brunei đều tuyên bố chủ quyền một phần của khu vực.

“Trung Quốc sẽ thận trọng khi lập ADIZ trên Biển Đông”, Từ Quang Dụ nói. “Nhưng cái này chỉ còn là vấn đề thời gian thôi. Trung Quốc lập vùng phòng không không chỉ giới hạn ở vùng biển Hoa Đông.”

Trung Quốc hiện đã gia tăng tần suất các chuyến tàu kiểm soát những vùng rộng lớn trên Biển Đông, theo báo chí Bắc Kinh và lực lượng hải quân ở phía nam của họ mỗi ngày một thêm lớn mạnh.

“Quân đội sẽ cung cấp sự hậu thuẫn chính yếu để bảo vệ các hoạt động bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông.” Nhạc Cương nói. “Chúng tôi sẽ có thêm tàu chiến, tàu ngầm và phi cơ ở khu vực trong tương lai”.

Theo ý kiến của ông Peter Dutton của Học viện Hải quân Hoa Kỳ, căng thẳng trên Biển Đông nếu tiếp tục leo thang sẽ đe dọa an ninh kinh tế cho toàn thế giới. Con số do Bộ Thương Mại Hoa Kỳ ước lượng khoảng 79 tỉ đô la hàng hóa được xuất cảng từ các nước Đông Nam Á trong năm 2013 trong khi nhập cảng khoảng 127 tỉ đô la.

Trong khi đó hàng hóa vận chuyển đi qua Biển Đông được ước lượng 5.3 ngàn tỉ đô la trong năm 2011 trong đó có khoảng 1.2 ngàn tỉ đô la mậu dịch với Hoa Kỳ.

Từ việc tuyên bố chủ quyền gần trọn Biển Đông qua cái “Lưỡi Bò” đến các nỗ lực canh tân và gia tăng số lượng tàu chiến, tàu ngầm, khiêu khích Mỹ, chèn ép các nước nhỏ phía nam, Trung Quốc ngày càng làm cho thế giới thấy nguy cơ bất ổn lớn dẫn lên mãi.

Khi đảo nhân tạo Gạc Ma (Trung Quốc gọi là Xích Qua Tiêu) trở thành một căn cứ quân sự lớn có cả phi trường và cảng biển ở Trường Sa bên cạnh các đảo nhân tạo khác mà Bắc Kinh đang ráo riết xây dựng, một cái ADIZ toàn bộ Biển Đông hiện ra theo. (TN)

(Người Việt)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét