Pages

Thứ Bảy, 6 tháng 9, 2014

TƯỜNG TRÌNH VỀ VỤ CƯỠNG CHẾ – BẮT NGƯỜI TRÁI PHÉP


rsz_1hthieu


Sáng ngày 5/9/14, vào lúc 7 h 20, cô Huỳnh Phương Ngọc vừa mở cửa đi làm thì bị 2 công an mặc sắc phục chặn lại trước nhà tại địa chỉ 305/16 Trường Chinh, phường 14, quận Tân Bình. Ngay sau đó, lập tức các nhân viên an ninh và dân phòng xô cửa xông vào và không cho đóng cửa lại.
Lúc đó, chỉ có cô Ngọc và cô Nguyệt đang đứng trước cửa, đã yêu cầu các viên công an này xuất trình lệnh khám nhà nhưng họ đã từ chối. Họ đòi khám xét nhà và kiểm tra nhân khẩu.
Trước yêu cầu phi lý của cơ quan công an, hai phụ nữ đã phản đối gay gắt hành động kiểm tra trái pháp luật và coi thường quyền tự do của công dân. Tuy nhiên, mọi sự phản kháng của hai phụ nữ đều vô hiệu.
Cùng thời điểm đó, bên ngoài căn nhà, lực lượng dân phòng, an ninh mặc thường phục, và công an mặc sắc phục đứng vây kín các lối vào nhà.

Khoảng 15 phút sau, công an yêu cầu làm việc trực tiếp với tôi – Huỳnh Trọng Hiếu – về việc điều tra nhân khẩu đang tạm trú. Tôi từ chối làm việc và yêu cầu nhân viên công an đi ra khỏi nhà. Hai bên tranh cãi to tiếng, họ yêu cầu tôi xuất trình giấy tờ tùy thân nhưng tôi từ chối.
Cũng xin nói thêm, tôi đã nhiều lần làm bản khai nhân khẩu và mang trực tiếp đến trụ sở công an phường 14, nhưng tại đây, họ nhiều lần không giải quyết và viện đủ mọi lý do để không xác nhận vào bản khai của tôi. Theo đó, là các đợt kiểm tra diễn ra liên tục vào ban đêm. Tôi cũng đã thông báo sự vụ này với nhiều cơ quan truyền thông để mọi người nhận thấy những hành vi không chính đáng của cơ quan công an phường 14 quận Tân Bình.
Khoảng 20 phút sau, bảy, tám viên công an mặc sắc xông vào yêu cầu tất cả chúng tôi đến trụ sở công an để làm việc nhưng chúng tôi không chấp hành vì cách hành xử phi pháp của họ. Chúng tôi khẳng định mình là một công dân tự do nên muốn bắt thì phải có lệnh của Viện Kiểm sát.
Ngay lúc đó, một viên công an hét lên: “Nếu không về thì sẽ bị cưỡng chế về đồn”. Vừa dứt lời, viên công an này tóm lấy vai tôi rồi lên gối thúc mạnh vào lưng khiến tôi nằm dài xuống đất. Vừa ngã xuống thì bốn công an sắc phục khác xông vào đè tôi xuống đất, kẹp cả chân tay và ghì chặt cổ khiến tôi không thở được.
Có một người mặc thường phục mà tôi biết đó là nhân viên an ninh ra lệnh: “đưa nó đi”. Vậy là bốn viên công an tóm lấy hai tay, hai chân tôi kéo trệt đi trên con hẻm và ném tôi lên xe đã đợi sẵn, trước sự chứng kiến của rất đông người đi đường.
Hai trong số bốn nhân viên công an nhanh chóng nhảy lên xe khống chế tôi một cách thô bạo, một tên an ninh thường phục xông vào đòi đánh tôi, miệng chửi rủa và liên tục đe dọa sẽ giết tôi. Tên an ninh này tôi đã gặp ở đồn công an quận 1 khi bị bắt vào đây vì tham gia biều tình chống Tầu cộng và chính hắn đã dọa giết tôi trước mặt rất nhiều công an khác. Cho đến bây giờ, tôi vẫn còn nhớ rất rõ khuôn mặtt đằng đằng sát khí của tên này.
Đầu tôi bị đè chặt vào thành xe được một lúc thì tôi nghe tiếng ú ớ, ngoái nhìn ra thì thấy cô Phương Ngọc đang bị một tên công an khác bịt mồm, bóp cổ, bẻ ngoặt đầu sang một bên rồi tống vào thùng xe.
Hai người chúng tôi bị đưa đi, tôi nghe Ngọc kể lại rằng vợ và con trai nhỏ của tôi đang giằng co với công an, một nữ công an dùng áo khoác siết cổ vợ tôi là Nguyễn Thị Ánh Ngân lôi đi và khiến con trai tôi là bé Côn Bằng bị rơi ra ngoài. Phương Ngọc khóc trong tức tưởi.
Hai chúng tôi bị đưa đến đồn công an phường 14, họ bắt chúng tôi ngồi trên ghế và không được đi lại, xung quanh có rất nhiều công an đứng canh giữ. Khoảng 15 phút sau, công an áp tải vợ tôi vào đồn, còn bé Côn Bằng – con trai tôi, tám tháng tuổi, được một phụ nữ lạ mặt bồng vào. Cùng vào với vợ tôi là cô Nguyệt – một dân oan kỳ cựu – người cùng ở chung một căn nhà với chúng tôi, một người mà theo tôi biết, đã có nhiều hoạt động để bảo vệ nhân quyền. Sau khi về đến nhà, tôi mới biết rằng, cô cũng bị kẹp cổ lôi lên xe khi còn đang mặc bộ váy ngủ.
Vợ tôi yêu cầu trả con lại để cô ây cho thằng bé bú sữa vì từ sáng đến giờ thằng bé chưa ăn gì nhưng họ không cho, họ tách vợ chồng tôi ra khỏi thằng bé.
Chúng tôi la hét phản đối, vợ tôi thực sự mất bình tĩnh, cô ấy đạp mọi thứ xung quanh, vồ vập để giành lại con nhưng họ khống chế chúng tôi, họ đưa tôi vào một phòng riêng, họ nói khi tôi vào đó thì họ sẽ trả thằng bé lại cho mẹ nó.
Họ không trao thằng bé cho mẹ nó và đã mua sữa cho thằng bé bú. Tôi không biết họ đã cho bé uống loại sữa gì. Trong lúc cãi nhau, một nữ công an đòi tát vào mặt thằng bé trước mặt tất cả mọi người đang bị câu lưu trong đồn và nhiều công an khác.
Tôi bị cô lập trong một căn phòng trên lầu 1, chờ đợi gần 20 phút, tôi được lệnh chuyển đến đồn công an quận Tân Bình, nhân viên công an gọi tôi ra và họ cầm tay tôi lôi vào xe chở đi. Tất cả những người bị cưỡng chế về phường 14 đều bị tập kết về đồn công an quận Tân Bình.
Vào trong đồn, tôi gặp Bùi Thị Nhung, cũng là một thành viên đang tạm trú chung tại ngôi nhà số 305/16 Trường Chinh, cô Nhung cũng bị công an cưỡng chế về đây khi trên người còn đang mặc đồ ngủ.
Chúng tôi bị giữ tại đồn công an quận Tân Bình, mỗi người bị tách ra để làm việc tại một phòng riêng và không ai được rời khỏi phòng mà không được sự đồng ý của nhân viên công an canh giữ. Mỗi lần đi vệ sinh, có một người theo dõi sát chúng tôi.
Điều đặc biệt lưu ý khi chúng tôi bị tạm giữ ở đây là khi làm việc với một tên công an với thái độ rất lưu manh tên là Võ Thanh Sơn. Tên công an này luôn miệng chửi thề và thóa mạ chúng tôi khiến cho buổi làm việc trở nên căng thẳng.
Xin nói thêm, sáng ngày 05/09, diễn ra buổi họp mặt các tổ chức Xã hội Dân sự để thảo luận về vấn đề nhân quyền tại nhà thờ Kỳ Đồng, Dòng Chúa Cứu Thế – Sài Gòn.
Đã bốn ngày liên tiếp, an ninh liên tục theo dõi mọi hoạt động của chúng tôi và tôi khẳng định rằng hành động theo dõi là việc làm vi phạm pháp luật nghiêm trọng, phải được chấm dứt ngay lập tức.
Chúng tôi, những người đang là nạn nhân trực tiếp từ các vụ vi phạm nhân quyền trắng trợn, lên tiếng phản đối cách hành xử thô bạo của chính quyền Việt Nam đối với công dân, cũng là lời kêu gọi các cơ quan nhân quyền quốc tế lên án những hành động dã man, đi ngược lại xu hướng của nhân loại văn minh.
Huỳnh Trọng Hiếu
Sài Gòn ngày 06 tháng 9 năm 2014 

Không có nhận xét nào: