Pages

Thứ Bảy, 20 tháng 9, 2014

Vì đâu phim nhà nước sản xuất không có người xem?

Anh Vũ, thông tín viên RFA

 
dam_me_passion__8-305.jpg
Poster quảng cáo Phim Đam Mê.
Courtesy photo

Gần đây, nhiều bộ phim Việt được Nhà nước đầu tư kinh phí hàng chục tỉ đồng nhưng đến khi đưa ra rạp chiếu thì đều ế ẩm, vắng khách, thậm chí có phim không bán được vé nào. Vậy nguyên nhân do đâu?

Tiêu chuẩn mâu thuẫn nhau

Điện ảnh cách mạng Việt nam đã có chiều dày lịch sử gần 60 năm, một thời gian đủ để khẳng định vị thế của mình.
Trước đây nền điện ảnh cách mạng cũng đã đạt được một số thành tích trong làng điện ảnh thế giới, một số bộ phim Việt Nam đã được khán giả nước ngoài biết tới. Có một thời phim VN đã từng là lựa chọn đầu tiên của khán giả trong nước.

Tuy vậy đến cuối thập niên 1980, khi Việt Nam bước sang giai đoạn Đổi mới, Nhà nước bắt đầu xóa bỏ bao cấp dành cho điện ảnh thì điện ảnh VN (ĐAVN) đã rơi vào thời kỳ khủng hoảng.
Gần đây tờ báo VNN loan tin: “Tại Rạp Kim Đồng (Hà Nội), hai phim Đam mê và Sống cùng lịch sử được ưu ái chiếu trong vòng hai tuần. Đây là những bộ phim nhà nước đầu tư từ 10 tỉ đến 20 tỉ đồng. Nhưng trong hai tuần nằm trên lịch chiếu của rạp Kim Đồng, điều đáng buồn là Sống cùng lịch sử và Đam mê không bán nổi một vé cho khán giả.”
Trả lời câu hỏi đâu là nguyên nhân chính khiến ngành Điện ảnh VN sa sút như hiện nay?
Cái nguyên nhân chính ở đây là tiêu chuẩn kép, vừa là kinh tế thị trường lại vừa là định hướng XHCN, mà hai cái đó là mâu thuẫn nhau.
-Đạo diễn Đỗ Minh Tuấn
Đạo diễn Đỗ Minh Tuấn thấy rằng trong khi phim tư nhân hiện nay chủ yếu làm phim thương mại, thì phim nhà nước vẫn trung thành với mục tiêu làm phim truyền thống. Theo ông nguyên nhân chính là thiếu một cơ chế thích hợp cho ngành Điện ảnh khi đã chuyển sang kinh tế thị trường, trong lúc vẫn phải đảm bảo nhiệm vụ chính trị là định hướng tư tưởng của người xem. Đạo diễn Đỗ Minh Tuấn nói:
“Cái nguyên nhân chính ở đây là tiêu chuẩn kép, vừa là kinh tế thị trường lại vừa là định hướng XHCN, mà hai cái đó là mâu thuẫn nhau. Một khi anh duyệt kịch bản hay duyệt tài trợ thì anh duyệt theo định hướng, theo cái nhiệm vụ tư tưởng tuyên truyền. Nhưng khi anh đo sản phẩm thì anh không lấy cái hiệu quả tuyên truyền, hiệu quả tư tưởng mà anh lại lấy hiệu quả kinh tế của hàng hóa, thu nhập thế nào để anh đánh giá thành bại và anh lại mặc cảm với sự ít tiền của cái sản phẩm tư tưởng đó.”
Nhà biên kịch Đoàn Tuấn tiếp lời:
“Cách kể trong phim của chúng ta không giống như cách kể của Đông Nam Á và thế giới. Tức là chúng ta có một câu chuyện lắt léo, nhưng con người trong phim của chúng ta hết sức đơn giản, cứ chia ra địch với ta, chính với tà… Định hình rồi thì người ta xem phim làm gì nữa? Thứ hai ngay cách dàn dựng của đạo diễn, chẳng hạn phim chiến tranh của chúng ta giả hơn rất nhiều và không thuyết phục như những phim cũ nữa. Thứ ba là về quay phim, người nước ngoài ở VN họ quay những cảnh đẹp hết rồi, vì chúng ta không có người quay phim giỏi. Vấn đề nữa là về diễn xuất, chúng ta không có những diễn viên đích thực, toàn những là người mẫu, ca sĩ nhảy sang, truyền hình nhảy tới.”

Thiếu đầu tư công nghệ

songcunglichsu1-400.jpg
Poster quảng cáo Phim Sống cùng lịch sử. Courtesy photo.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng Ngát – Phó CT Hội ĐAVN vấn đề phát hành phim là một trong những nguyên nhân, song theo bà nguyên nhân cơ bản là tư duy làm phim theo lối cũ nên số phận của các bộ phim nhà nước làm ra là để… cất kho là chuyện dễ hiểu.
Bà Nguyễn thị Hồng Ngát cho hay:
“Đầu tư công nghệ rất quan trọng đối với ngành Điện ảnh. Nếu chúng tôi có một ý tưởng gì rất hay, có một câu chuyện rất hay, thế mà công nghệ nó không ra làm sao để mình thể hiện ý tưởng ấy thì thành ra cũng phải đầu hàng. Không thể ngày hôm nay cứ mang cái nhiệt tình, cái ý nghĩ độc đáo của mình ra mà nó thành phim được, mà nó phải có những công cụ rất đắc lực mà chúng ta lạc hậu rất là nhiều. Chứ mình cứ đi một đường một kiểu cả về tư tưởng lại còn kỹ thuật nữa, thế là lại đóng cửa trong nhà xem với nhau ”.
Nhà biên kịch Lê Phương cho rằng phim nhà nước không hề đầu tư phần quảng bá, nên khó có thể cạnh tranh với phim thương mại trong nước chứ chưa nói đến phim nước ngoài. Nhưng theo ông nguyên nhân chủ yếu vẫn là ĐAVN thiếu người tài. Nhà biên kịch Lê Phương cho biết:
“Cái thiếu nhất là không có tài, cái này ông Nguyễn Trãi đã dạy chúng ta rồi, đất không có nơi nào hiểm hay có nơi nào không hiểm, mà hiểm hay không là do người làm tướng. Phim không hay là do người làm phim, chứ không phải vì do thiếu ông tượng, cái cổng hay thiếu con ngựa.”
Nếu chúng tôi có một ý tưởng gì rất hay, có một câu chuyện rất hay, thế mà công nghệ nó không ra làm sao để mình thể hiện ý tưởng ấy thì thành ra cũng phải đầu hàng.
-Bà Nguyễn thị Hồng Ngát
Không đồng ý với ý kiến cho rằng dòng phim mang tính tuyên truyền định hướng tư tưởng như hiện nay không còn thích hợp trong cơ chế thị trường nữa, đạo diễn Đỗ Minh Tuấn cho rằng các nhà quản lý cần thay đổi lối suy nghĩ mà theo ông phải coi phim tuyên truyền là những sản phẩm quảng cáo cho chế độ. Có như thế mới có thể xóa được làn ranh giữa việc định hướng tư tưởng của phim với kinh tế thị trường. Đạo diễn Đỗ Minh Tuấn nói:
“Cái sản phẩm tuyên truyền tư tưởng về chính trị, văn hóa của xã hội cũng là một cái sản phẩm cũng là một thứ quảng cáo, nhưng mà ở đây thay vì quảng cáo cho sản phẩm vật chất thì nó quảng cáo cho thể chế, cho chế độ, cho con người, cho định hướng. Thì cái đó nhà nước phải bỏ tiền ra coi như để quảng cáo cho những cái đó, nhưng mà phải để cho nghệ sĩ thực hiện cái quảng cáo đó, cái tuyên truyền đó ở trong cái điều kiện, trong cái đòi hỏi, trong cái ngôn ngữ của Kinh tế thị trường. Nếu hiểu được như thế thì sẽ giải tỏa được ván đề tiền hay không tiền.”
Nói về các giải pháp cơ bản và nhanh nhất để có thể đưa ngành ĐAVN trở về với những gì đã đạt được như trước đây. Đạo diễn Đỗ Minh Tuấn nói:
“Bây giờ phải tạo cho người làm phim có vốn của xã hội để họ ăn ở đầu ra. Theo tôi hãy tạo điều kiện cổ phần hóa nhanh chóng, triệt để các Hãng phim của nhà nước để mà tạo cho họ một cái khả năng, một cái cơ chế có thể thu hút vốn của xã hội một cách sòng phẳng, một cách quyết liệt. Chứ còn như hiện nay người ta không có quyền gì mà người ta có nhiệm vụ mặc định là văn hóa tư tưởng, rất vô hình kiểu bèo dạt mây trôi. Kiểu nó làm được đấy nhưng chả có ai dong đếm, chả có ai ghi nhận”.
Cách làm điện ảnh theo lề lối định hướng và kiểm duyệt chặt chẽ như bấy lâu nay dẫn đến hệ quả là những bộ phim xuất xưởng không thể thu hút và lôi cuốn được khán giả.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét