Pages

Thứ Sáu, 5 tháng 9, 2014

VN nên ra lệnh cài dây thay cho đu dây

Tin về mấy vụ tai nạn giao thông thảm khốc dịp nghỉ lễ 30/8-02/9 vừa qua ở Việt Nam tưởng như chỉ lại trở thành những con số thống kê để đăng báo mà rồi đây sẽ lại hoàn đấy.
Nhưng sự có mặt của một số nhân vật cao cấp lại khiến dư luận chú ý hơn đến hai vụ tai nạn mà theo tôi không đáng phải gây ra con số người chết lớn như vậy.
Đó là tin Bộ trưởng Giao thông Vận tải, ông Đinh La Thăng đã phải xuống tận nơi thị sát chiếc xe khách tai nạn ở Lào Cai hôm 2/9, làm chết ngay lập tức 12 người và ít nhất 41 người khác bị thương.

Cùng ngày, Trung tướng Công an Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Tư, cũng tử nạn trong một vụ tai nạn trên Quốc lộ 5, đoạn qua Hưng Yên.
Các báo Việt Nam đưa tin khác nhau về nguyên nhân của vụ này.
Trang Người Lao Động ngay hôm 02/09 đưa tin dẫn lời nhân chứng lại lý giải vụ tai nạn là do xe chở Trung tướng Tư đâm qua dải phân cách và lao sang làn đối diện.
Trang web của Bộ Công an Việt Nam thì mô tả tai nạn là do xe ô tô khách đã lao qua dải phân cách cứng sang chiều ngược lại và đâm vào xe ô tô bảy chỗ đang đi chiều Hà Nội - Hải Dương.
Báo chí cũng nói các túi khí nổ tung ra nhưng vẫn không ngăn được các hành khách chiếc xe này bị chết thảm.
Chưa bàn về chi tiết vụ việc còn đang được điều tra, tôi chỉ xin giới thiệu một số chi tiết tương tự ở Anh về tai nạn xe cộ và biện pháp an toàn mà cụ thể nhất là dây an toàn (seat belt) trong xe hơi.

Va đập trong xe

"Trung tướng Công an Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Tư tử nạn trong một đâm xe trên Quốc lộ 5"
Trong vụ như thế này, ở Anh người ta gọi là ‘tai nạn tử vong xảy ra trong phương tiện’, hay ‘in-vehicle fatality’.
Câu hỏi khi ấy luôn được phía điều tra, có thể là cảnh sát hay công ty bảo hiểm xe, đặt ra là xem những người ngồi trong xe có cài dây an toàn vào thời điểm tai nạn hay không.
Vì dây an toàn trong các loại xe sản xuất thời nay đều có ba điểm thắt chặt ở vai, bụng và cạnh hông nhằm không cho người bị bay về phía trước hay văng sang một bên khi xe bị đâm hoặc tự đâm vào vật cứng.
Chính dây an toàn giữ chặt người ở vị thế đúng chỗ túi khí (airbag) bung ra, hạn chế được rất nhiều sức va đập có thể lên tới cả tấn, tính theo gia tốc của hai chiếc xe đâm thẳng đầu vào nhau.
Nếu không cài dây an toàn, túi khí có bung ra cũng trở nên vô nghĩa vì không đỡ được cho nạn nhân thường bị văng đập khủng khiếp trong xe.
Trong rất nhiều trường hợp họ đập đầu vào ghế trước, hoặc văng đập vào nhau.
Có khi người ngồi ghế sau bị đẩy bay thẳng lên, giết chết người ngồi ghế trước.
Có trường hợp người trong xe bị đẩy xuyên qua kính trước, lao ra ngoài và tử nạn khi đập vào xe đối diện hoặc vật cứng nào đó.
Còn nếu có cài dây và túi khí nổ đúng vị trí, trong cả những trường hợp xe bị lật mà khung xe còn nguyên - hình chiếc Toyota bảy chỗ trong vụ ở Hưng Yên không thấy bị nát vỏ – thì khả năng sống sót vẫn còn.
Trong vụ ở Lào Cai cũng vậy, nếu các hành khách đều cài dây an toàn thì kể cả khi xe lao xuống vực, người ta có thể chỉ bị treo và ‘khóa chặt’ trong ghế dây an toàn nhưng vẫn có nhiều cơ hội sống sót nếu được cứu kịp thời.
Diễn viên Rita Royce quảng cáo cho chiến dịch khuyến khích cài dây an toàn năm 1957
Cài dây an toàn trong xe khách là điều bắt buộc cho các tuyến xe đường dài tại châu Âu chạy tốc độ cao trên xa lộ, khác với xe bus không có 'seat belt' vì chạy tốc độ thấp trong đô thị.
Tất nhiên mỗi vụ tai nạn xảy ra một kiểu và nếu không tử vong, nạn nhân có thể bị gẫy xương tay chân, hoặc chấn thương gây tổn hại về chạy chữa lâu dài và điều này khiến các công ty bảo hiểm Anh luôn quan tâm ai có lỗi.
Ở Anh, người lái xe chỉ có lỗi khi không bắt buộc trẻ em cài dây an toàn trong xe, còn hành khách là người lớn phải tự chịu trách nhiệm cho mình có cài dây hay không.

Văn hóa ‘thoải mái’

Có một sự thật là ở Việt Nam, thói quen cài dây an toàn khi đi xe hơn nhỏ cũng như xe khách gần như là không có.
Người Việt Nam thường cho rằng cài dây là “không thoải mái” nhất là khi đi xe cùng bè bạn, thân nhân, người ta thích quay sang nói chuyện.
Đi xe ở Việt Nam, tôi thường thấy người lái xe lại càng hiếm khi cài dây, điều gây ra nguy hiểm cho chính bản thân người này và hành khách.
Vì một va chạm quá mức bình thường có thể khiến người lái đập mặt vào vô-lăng, chỉ cần ngất đi thì xe cũng mất người điều khiển trong giây phút quan trọng, có thể khiến những hành khách khác gặp nạn theo.
Ở Anh, thống kê của Bộ Giao thông (Department for Transport) cho thấy từ khi bắt buộc ai đi xe hơi cũng phải cài dây an toàn số ‘tử vong trong xe’ vì tai nạn đường bộ giảm đi 60%.
Con số tử vong giảm từ 2245 người (1983) xuống 888 người năm 2012, chưa kể con số người bị thương cũng giảm 67% cùng thời gian, và những khoản tiết kiệm cho xã hội hàng triệu bảng Anh tiền bảo hiểm, chi phi y tế...
Nhưng lệnh bắt buộc đeo dây an toàn khi đi xe cộ không tự nhiên mà đến.
Sang thập niên 1980, Anh bắt buộc cài dây an toàn và cảnh báo khá 'rùng rợn' về tai nạn
Nó là kết quả của một quá trình vận động lâu dài, từ thập niên 1950 khi xe hơi cá nhân được phổ biến tại Anh, cộng với các tiến bộ trong ngành xe hơi.
Tổ chức Royal Automobile Club (RAC) thành lập từ cuối thế kỷ 19, hiện có 7 triệu thành viên cũng đóng vai trò thúc đẩy, quảng bá cho việc dùng dây an toàn, và vận động chính quyền ra lệnh bắt cài dây.
Nhưng vào thập niên 1950 và 60 người ta chỉ khuyến khích mà chưa bắt buộc cài dây an toàn cho tới khi nhiều yếu tố hội tụ lại khiến chính phủ ra tay.
Nhà nước Anh biết rằng phát triển công nghệ xe hơi – một động lực của nền kinh tế hiện đại - cần đi kèm với văn hóa dùng xe an toàn và hệ thống pháp luật bảo vệ người sử dụng phương tiện.
Các công ty bảo hiểm Anh cũng ngày càng thấy có quyền lợi trong việc vận động cho một văn hóa dùng xe an toàn.
Cài dây an toàn không chỉ làm giảm các vụ tử vong và giúp giảm đi cả các vụ chấn thương cột sống phần cổ (whiplash), vốn gây tốn kém nhiều năm cho các công ty bảo hiểm và ngành y tế vì khó chữa khỏi hẳn.
"Nhưng sẽ tốt hơn nếu Bộ trưởng Thăng ký ngay được một quyết định buộc mọi công dân phải cài dây an toàn trong xe hơi"
Như thế, yếu tố xã hội dân sự (các hội, câu lạc bộ chơi xe), nhà nước, và kinh tế (ngành bảo hiểm) đã kết hợp với nhau, đưa đến chỗ lệnh bắt buộc cài dân an toàn có hiệu lực từ 1983.
Trở lại hai vụ tai nạn ở Việt Nam hôm 2/9 vừa qua.
Báo chí Việt Nam ca ngợi Bộ trưởng Đinh La Thăng đến tận nơi để thị sát và chỉ đạo việc cứu nạn cho vụ ở Lào Cai.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thì chỉ đạo điều tra các vụ tai nạn nghiêm trọng này.
Nhưng sẽ tốt hơn nếu Bộ trưởng Giao thông Vận tải Việt Nam thay vì phải đu dây xuống vực rất nguy hiểm cho bản thân, ký ngay được một quyết định buộc mọi công dân phải cài dây an toàn trong xe hơi.
Như thế các vụ tai nạn đáng tiếc chắc chắn sẽ giảm trong chốc lát.
Vì tôi tin là Việt Nam thực hiện được lệnh bắt cài dây an toàn, như lệnh bắt đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy vốn được báo chí nước ngoài khen là rất hợp thời, áp dụng nhanh chóng và đồng bộ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét