Pages

Thứ Năm, 30 tháng 10, 2014

Câu chuyện Điếu Cày và “xuất khẩu dân chủ”

Điếu Cày và Nhạc sĩ Trúc Hồ (ảnh Danlambao)
Hành trình bí mật

Mấy hôm nay, cộng đồng mạng và đặc biệt các facebooker cổ vũ cho phong trào dân chủ Việt Nam quay cuồng trong tin tức liên quan bloger Điếu Cày (Nguyễn Văn Hải) bất ngờ qua Mỹ.

Vượt lên tất cả là niềm vui chia sẻ với một tù nhân khá nổi tiếng, một người thuộc lớp tiên phong cất tiếng nói và dấn thân qua các hoạt động phản đối Trung Quốc xâm lược, các chính sách bất công của chế độ, nhà nước Việt Nam.

Sau các hoạt động tổ chức, tham gia xuống đường là cuộc đối đầu trên mặt trện truyền thông một thời của Câu lạc bộ Nhà báo tự do. Một tổ chức từng được Tổ chức phóng viên không biên giới ghi nhận và lên tiếng khi bị đàn áp. Trong số những đồng đội của anh, vẫn còn Tạ Phong Tần đang chịu án tù 10 năm. Một số khác đang chịu sự giám sát chặt chẽ bởi chính quyền thông qua lực lượng an ninh.

Việc bloger Điếu Cày được tha tù trước thời hạn vốn đã được thông tin đồn đoán từ lâu, khi khá nhiều chính phủ các nước Mỹ, Úc, Đức, Đan Mạch… lên tiếng. Nhưng vào những ngày cuối năm âm lịch 2013, thông tin chính quyền gửi giấy yêu cầu đóng án phí để được tha bị tung ra ngoài thì vấn đề thả Điếu Cày vấp phải hạt sạn không hề nhỏ, khiến cho chính quyền vướng thêm một “tế nhị” khó nói: Thả Điếu Cày thì đành phớt lờ sự phản đối không đóng án phí, kiên quyết không nhận tội. Không thả thì vòng chót của TPP và vũ khí sát thương với Mỹ gặp trở ngại.

Việc chính quyền chọn cách bất ngờ đưa Điếu Cày lên thẳng máy bay, không cho cả gia đình biết có thể chính là giải pháp bất đắc dĩ phải làm chứ cũng không vui vẻ gì.

Bản thân Bloger Điếu Cày, việc phóng thích trước thời hạn dù được ngụy trang dưới bất cứ hình thức nào, áp lực nào thì ít nhất nó cũng chỉ ra rằng: Bản án dành cho Điều Cày là không minh bạch, vi phạm các chuẩn mực pháp lý.
Hành trang bí mật

Chính những sắp xếp một hành trình bí mật cho chuyến đi Mỹ của Điếu Cày và diễn biến sau đó cho thấy nhiều điều mà có lẽ ngay cả chính quyền Việt Nam cũng bất ngờ. Nếu việc Điếu Cày liên lạc với gia đình khi nhân cơ hội máy bay dừng quá cảnh tại Hồng Kông, tiết lộ hành trình là việc có thể dự đoán trước thì việc Điếu Cày bất ngờ quay lại, xuất hiện trước đám đông người Việt tại Mỹ đang đón đợi anh tại sân bay Los Angeles khi anh đã được nhân viên ngoại giao Mỹ và cảnh sát đặc biệt hộ tống ra cửa khác chắc chắn không nằm trong kịch bản đã vạch ra trước.

Không có ngón tay chữ V giơ cao, biểu thị chiến thắng (Victory) như vợ chồng Cù Huy Hà Vũ trước đây. Nụ cười tươi nhưng điềm đạm, chừng mực và nhất là câu khẳng định “sẽ đấu tranh cho ngày trở về” của Điếu Cày mang đậm nét riêng biệt của Điếu Cày và những gì anh mang theo tiết lộ nhiều vấn đề. Cách ứng xử và những hành động liên quan cuộc ra mắt ngắn ngủi cũng không ít chuyện thú vị.

Nếu hành trang trên người Điếu Cày chỉ là bộ sơ mi cũ nhàu và đôi dép tổ ong – loại dép được cấp cho hầu hết tù nhân ở Việt Nam – thể hiện việc giờ giấc được giữ bí mật gần như tuyệt đối, thì những bức thư mà bạn tù gửi theo được cất giấu trong áo lót cho thấy là anh đã biết rõ một cách chắc chắn sẽ được thả trong khoảng thời gian ít nhất là vài ngày trước đó. Có thể chỉ là dự đoán, không có thông báo chính thức nhưng cũng có thể là có nhưng anh không có điều kiện báo tin ra ngoài. Các bức thư được an toàn, nguyên vẹn.. cho thấy các quản giáo và an ninh thực thi lệnh thả chỉ nhận được biết trong khoảng thời gian rất ngắn, không có đủ thời gian khám xét kỹ hoặc là vì lý do nào đó – một tình cảm riêng tư chẳng hạn – đã giúp anh hoàn thành tâm nguyện của các bạn tù gửi gắm. Thông thường, ngay với những tù bình thường khác, khi ra khỏi trại giam không dễ làm được việc mang bất kỳ thứ gì ra ngoài. Hành trang mà anh Điếu Cày mang theo đến Mỹ quả là một kỳ tích.
“Xuất khẩu dân chủ”

Dù được chính quyền ra thông báo là thả “vì lý do nhân đạo”, cũng như với trường hợp Cù Huy Hà Vũ, bất cứ ai quan tâm tới thời cuộc, tới chính trị đều thừa biết là việc thả Điếu Cày lần này liên quan áp lực đàm phán TPP và dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương của Mỹ mới là lý do thực sự.

Đàm phán xây dựng quan hệ chính trị hay thương mại với Mỹ hoặc nhiều nước dân chủ khác thường có các điều kiện đi kèm liên quan vấn đề thể chế, tiến trình, mức độ thực thi dân chủ, các quyền cơ bản của đối tác đàm phán.

Việt Nam vốn đã gặp khá nhiều khó khăn, nhất là đàm phán với Mỹ bởi hình thức tổ chức chế độ. Việc thực thi chính sách ở Việt Nam vốn đã “trái khoáy” về mặt logic xây dựng cơ sở luật pháp. Không phù hợp với các nền tảng xã hội dân chủ. Một yếu tố khác là vấn đề văn hóa nên với ngay cả các cơ sở có sẵn cũng không được giải thích thỏa đáng. Việc phóng thích các tù nhân chính trị là cách mà chính quyền Việt Nam muốn lấy đó làm cơ sở chứng minh rằng họ “đang cải tổ chế độ; đang hướng tới dân chủ..”. Có điều việc thả tù chính trị nhưng lại để họ ra nước ngoài lại là một sai lầm vô cùng nghiêm trọng.

Xét trên khía cạnh nhận thức kiểu bình dân, đại chúng thì đây là kiểu “tống khứ cho khuất mắt”. Xét trên khía cạnh chính trị thì nó thể hiện chính quyền Việt Nam không chấp nhận dung nạp các thành phần đấu tranh ôn hòa, đòi hỏi sự minh bạch và việc thực thi dân chủ thực tế.

Xét trên khía cạnh chiến lược an ninh, bảo vệ chế độ thì hành động này càng chỉ ra các sai lầm khi vô tình đưa những tiếng nói bất đồng chính kiến đến với các lực lượng đối lập, bao gồm cả các tổ chức đối lập cực đoan ở hải ngoại. Ở trong nước thì một số người thuộc thành phần cơ hội, muốn lợi dụng danh nghĩa đấu tranh dân chủ để nổi tiếng, để cũng được “xuất ngoại miễn phí” mà gần đây đã có người lên tiếng, có người bày tỏ một cách công khai trên mạng xã hội là minh chứng có thật. Chính thành phần cơ hội này sẽ gây ra nhiều rắc rối không chỉ cho chính quyền mà cho cả những người đấu tranh ôn hòa, những người thuần túy hoạt động xã hội dân sự nghiêm túc.

Có thể nói việc thả tù chính trị, đưa các tù nhân ra nước ngoài tương tự Cù Huy Hà Vũ, Điếu Cày… là một kiểu “xuất khẩu dân chủ” vừa lố bịch, bất nhân, vừa gây ra những hậu quả khó lường.

Chính quyền Việt Nam cần chấm dứt ngay phương cách thể hiện cải thiện dân chủ bằng các chiêu trò đem tù nhân ra mặc cả. Chấm dứt ngay các hành vi trấn áp, bỏ tù những người bất đồng chính kiến. Nhanh chóng đưa ra các giải pháp được luật hóa để chính thức xác quyết các quyền cơ bản của công dân, quyền con người… mà Hiến pháp Việt Nam, các Công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết. Đó mới thực sự là những minh chứng đáng tin cậy.
Manh nha những ẩn ý “hậu Điếu Cày”

Sau cuộc đón tiếp nồng nhiệt, dù bất ngờ nhưng khá rầm rộ của cộng đồng người Việt hải ngoại, đâu đó bắt đầu có các ý kiến xung quanh một vài chi tiết như: đôi dép tổ ong, Điếu Cày không nhận lá cờ vàng ba sọc của một người đàn ông đưa cho khi ở phi trường Los Angeles...

Theo quan điểm cá nhân tôi: Việc anh Điếu Cày qua Mỹ, dù phía sau có mang theo ẩn ý hay thông điệp nào đi nữa thì trước tiên anh cần có thời gian nghỉ ngơi và có những cọ xát để hiểu rõ hơn về cộng đồng mới. Dù có chung mục tiêu nhưng chắc chắn không phải ai cũng có chung cách nhìn, cách nghĩ.

Cứ cho là anh Điếu Cày thật sự cố ý không nhận lá cờ thì điều đó cũng hoàn toàn bình thường. Việc đó sẽ gây khó khăn cho anh khi đối diện với các tuyên truyền mà nhà nước Việt Nam chắc chắn không bỏ qua. Mặt khác, ở ngay tại Mỹ, nó sẽ khiến cho các nhóm, các tổ chức khác quan điểm với lực lượng Việt Nam cộng hòa có những đánh giá, nhìn nhận về anh.

Rõ ràng, nếu nhân việc bị trục xuất hoặc kể cả là do anh tự yêu cầu xuất cảnh qua Mỹ, anh Điếu Cày có thể trở thành một một “đại sứ” để tìm hiểu, gắn kết các tổ chức ở hải ngoại đến một tiếng nói chung, từ đó tìm ra những cách thức phối hợp hợp lý, đúng đắn đối với phong trào trong nước, đối với chính quyền Việt Nam, thì đó thật sự là một điều vô cùng cần thiết. Một thành công rất lớn, điều mà nhiều người từng kỳ vọng ở Cù Huy Hà Vũ nhưng Cù Huy Hà Vũ đã chưa làm được.

Thiên Điểu

(Việt Nam Thời Báo)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét