Pages

Thứ Tư, 29 tháng 10, 2014

'Kẻ thắng, người thua' sau Đổi Mới

Thế hệ trẻ xuất thân từ các gia đình nghèo ít có cơ hội tiến thân hơn
Nỗ lực cải cách kinh tế của Việt Nam trong những năm 80 mặc dù đã tạo những cú đột phá đáng kể nhưng lại gây nên sự thiếu đồng đều trong xã hội, theo đánh giá của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
Báo cáo được công bố ngày 28/10 ghi nhận Việt Nam đã duy trì được một mức tăng trưởng kinh tế ổn định trong hơn 10 năm qua, đạt những thành tựu đáng kể trong xóa đói giảm nghèo và chứng kiến sự trỗi dậy của tầng lớp trung lưu.

"Những thành tựu này phần lớn là nhờ chương trình cải cách kinh tế với tên gọi Đổi Mới - bao gồm hàng loạt những thay đổi về cơ cấu giúp biến nước này thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới", báo cáo có đoạn.
Tuy nhiên, theo tổ chức này, Việt Nam đang đứng trước những thách thức to lớn trong việc tạo tính liên kết trong xã hội.
"Những người nghèo được hưởng lợi ít hơn từ tăng trưởng kinh tế, trong khi đó, sự chênh lệch về trình độ trên thị trường lao động đã tăng gấp đôi chỉ trong vòng 10 năm, đạt tỷ lệ 51% trong năm 2012", OECD cho biết.

'Kẻ thắng, người thua'

Bản báo cáo chỉ ra điều mà OECD gọi là "kẻ thắng và người thua" trong quá trình chuyển hóa của Việt Nam:
"Thu nhập tại Việt Nam có độ di động rất cao: 59% các hộ gia đình có thu nhập tăng hơn 20% trong những năm qua. Tuy nhiên, thu nhập của 18% các hộ gia đình lại đang giảm dần".
OECD cho rằng những chính sách can thiệp có mục tiêu cụ thể có thể giúp giảm những yếu tố làm giảm thu nhập, ví dụ như nông nghiệp tự hành, gia đình đông con hoặc nhiều người khuyết tật.
Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh tính di động của xã hội cũng là một trong những vấn đề cần giải quyết để đảm bảo tính di động giữa các thế hệ (khi thế hệ sau trong một gia đình có địa vị cao hơn thế hệ trước).
Hiện nay, tính di động giữa các thế hệ trong xã hội Việt Nam đang bị hạn chế, nhất là đối với thế hệ trẻ từ những gia đình nghèo, ít được tiếp cận với giáo dục, hoặc từ những cộng đồng thiểu số, báo cáo cho biết.
Bảo trợ xã hội tại Việt Nam thấp hơn nhiều nước trong khu vực

Thuế cá nhân

Theo OECD, chính sách bảo trợ xã hội của Việt Nam trong những năm qua đã giúp cải thiện sự bất bình đẳng giữa các cộng đồng.
"Các chương trình cụ thể nhằm phục vụ cho những nhóm dễ tổn thương nhất đã tiếp cận thành công những đối tượng cần thiết, ví dụ như chương trình chăm sóc y tế cho cộng đồng người thiểu số," báo cáo viết.
"Tuy nhiên, [chính quyền] cần đẩy mạnh nỗ lực nhằm xây dựng một hệ thống bảo trợ xã hội toàn diện hơn".
OECD chỉ ra rằng 67% trong số những người có thu nhập thuộc tầng lớp "trung lưu" không có bất cứ hình thức xã hội nào.
Bên cạnh đó, mức lương hưu ít ỏi hiện nay cũng là một vấn đề gây quan ngại trong lúc tuổi thọ trung bình của Việt Nam ngày càng cao.
Báo cáo chỉ ra rằng Việt Nam có thể cải thiện tình trạng bất bình đẳng hiện nay bằng hệ thống thuế cá nhân, nếu như điều này được thực hiện chặt chẽ.
OECD cho biết báo cáo này sẽ hỗ trợ cho nghiên cứu hiện nay của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội của Việt Nam về chính sách Kinh tế - Xã hội từ đây cho đến năm 2020.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét