Pages

Thứ Năm, 2 tháng 10, 2014

Ngô Nhân Dụng – Thiên An Môn tại Hồng Kông?

1Cuộc biểu tình phản kháng ở Hồng Kông bắt đầu hôm Thứ Hai tuần trước, sẽ quyết định tương lai cuộc sống tự do của thành phố bảy triệu dân này. Và có thể quyết định tương lai chính trị Trung Quốc, do đó sẽ ảnh hưởng tới cả Việt Nam.
Sinh viên Hồng Kông xuống đường sau khi chính quyền Cộng Sản Bắc Kinh để lộ bộ mặt phi dân chủ của họ. Năm 1997 Hồng Kông được Anh quốc trả lại cho chính quyền Trung Cộng qua một thỏa hiệp công nhận dân Hồng Kông được sống trong một chế độ khác với dân Trung Quốc. Mười năm sau, Bắc Kinh đã công bố lời hứa hẹn đến năm 2017 dân Hồng Kông sẽ được bầu cử trực tiếp các người lãnh đạo, thay vì để cho Bắc Kinh bổ nhiệm. Tháng Tám năm nay, Trung Cộng đưa ra một Bạch Thư về cuộc bầu cử vào ba năm tới. Họ ấn định một hội đồng gồm 1,200 người do Bắc Kinh chỉ định sẽ chọn danh sách các ứng cử viên, tối đa là ba danh sách; nghĩa là người dân Hồng Kông sẽ không được tự do ứng cử. Người dân Hồng Kông đa số là những dân tị nạn đã chạy trốn chế độ Cộng Sản từ năm 1950, nhiều người đã chết trên đường vượt biển. Họ không chấp nhận một thể thức bầu cử thiếu tự do.

Các Hội Sinh viên bắt đầu bãi khóa từ Thứ Hai tuần trước, kéo dài cho tới hôm nay, đòi cho Hồng Kông được tự do bầu cử thật sự. Dân chúng biểu tình bị cảnh sát can thiệp mạnh tay vào ngày Thứ Sáu khiến nhiều nhóm thanh niên khác phẫn nộ kéo đến đông hơn. Nhiều người không thể dự biểu tình vì phải làm việc thì ghé qua khuyến khích, ủng hộ thức ăn, nước uống, có quán mì tặng sinh viên biểu tình ăn miễn phí.
Cuộc biểu tình lan rộng sang khu Cửu Long, hoàn toàn tự phát, không có ai là ban tổ chức, cũng không có ai chỉ huy, lãnh đạo. Một sinh viên được nhiều nhà báo phỏng vấn nhất là Hoàng Chi Phong (Joshua Wong), mới 17 tuổi. Hai năm trước, Joshua Hoàng đã phát động một nhóm học sinh tranh đấu lấy tên là Scholarism (Học Dân Tư Triều) cùng nhau phản đối chính sách Bắc Kinh buộc Hồng Kông phải thay đổi nội dung nhiều môn học, theo lối giáo dục nhồi sọ của Cộng Sản trong lục địa. Sau khi bị học sinh và sinh viên phản đối, Bắc Kinh đã phải rút lại chỉ thị trên; chính quyền Hồng Kông không dám áp dụng nữa.
Những sinh viên, học sinh thành công trong năm 2012 lại xuất hiện trong cuộc tranh đấu đòi tự do bầu cử năm nay. Joshua Hoàng bị bắt trong đêm Thứ Sáu, nhưng được trả tự do ngày Chủ Nhật theo lệnh tòa án sau 40 giờ tạm giam.
Ngày Chủ Nhật cảnh sát dùng lựu đạn cay và vòi rồng phun nước đàn áp, nhưng chỉ gây thêm phẫn nộ trong dân chúng vì lối đàn áp này không được sử dụng từ năm 2003 đến nay. Sau đó cảnh sát đã phải rút lui, ngày Thứ Hai các sinh viên tổ chức lượm rác làm sạch các con đường; nhặt các chai nhựa bỏ vô thùng rác tái dụng (recycling); số người kéo đến biểu tình ngày càng đông hơn. Dân chúng Hồng Kông đã bày tỏ ý nguyện trong một cuộc trưng cầu ý kiến không chín thức, với 800,000 người tham dự. Có 90% muốn người dân tự chọn các ứng cử viên, chống lại việc để cho một hội đồng tuyển chọn, theo kiểu Mặt Trận Tổ Quốc chọn người tranh cử ở Việt Nam. Buổi tối Thứ Ba cuộc biểu tình giống như một đại hội, số người tham dự lên tới nửa triệu, vì ngày hôm sau họ được nghỉ, nhân ngày quốc khánh Trung Cộng. Trong bóng đêm, mấy ngàn sinh viên mở điện thoại di động cùng chiếu ánh sáng lên trời như những ngọn nến tạo thành một tấm thảm xanh. Các sinh viên đã đặt tên phong trào của họ là Cuộc Cách Mạng Mang Dù, (Umbrella Revolution) vì họ đều mang theo dù để chống lại lựu đạn cay. Nhiều người dân đã đem dù tới tặng các sinh viên. Joshua Hoàng nói với nhà báo: Sinh viên chỉ có một con đường tranh đấu là phản đối bất bạo động, bất phục tùng.
Trước đây khi người dân Hồng Kông cương quyết, chính quyền đã nhượng bộ. Năm 2003 chính quyền Hồng Kông đưa ra một dự luật gọi là Luật An Ninh Quốc Gia, với mục đích hạn chế các quyền tự do dân chủ. Số dân đã biểu tình phản đối đã lên tới hơn nửa triệu người. Dự luật trên không bao giờ được đưa ra thảo luận nữa và sau đó Hành Chánh Trưởng Quan đã phải từ chức. Nhưng cả hai lần trên dân Hồng Kông đều chỉ nhắm vào chính quyền địa phương mà không đụng tới Bắc Kinh. “Chiến thắng” của họ cũng diễn ra vào lúc những người lãnh đạo Trung Nam Hải đang yếu thế. Năm 2003 là lúc Hồ Cẩm Ðào và Ôn Gia Bảo mới lên cầm quyền, cho nên không muốn gây rắc rối. Năm 2012 là lúc cả tập đoàn đang bối rối với những tranh chấp nội bộ, như vụ Bạc Hy Lai, vào lúc Tập Cận Bình, Lý Khắc Trường còn chưa tại vị. Năm nay, nhóm lãnh đạo mới của Trung Cộng đang mạnh thế, họ đã tiêu diệt được các nhóm tranh quyền với chiến dịch trừ tham nhũng. Tập Cận Bình hiện đang tập trung quyền bính mạnh không kém gì thời Ðặng Tiểu Bình. Hơn nữa, cuộc tranh đấu năm nay nhắm thẳng vào chính sách hạn chế quyền tự do dân chủ do Ðảng Cộng Sản Trung Quốc đưa ra. Cho nên sinh viên Hồng Kông sẽ phải tranh đấu cam go hơn. Nhiều người lo ngại rằng sẽ xảy ra một vụ Thiên An Môn ở Hồng Kông.
Tập Cận Bình chứng tỏ là một người không ngần ngại đối phó tàn bạo với những người chống đối. Hơn một trăm người Tây Tạng đã tự thiêu, dân Uyghur ở Tân Cương biểu tình và tấn công bằng dao ở các thành phố, nhưng Tập Cận Bình không bao giờ nhượng bộ. Ông ta cũng bắt giam nhiều nhân vật đứng lên đòi dân chủ, gồm các nhà báo, luật sư, các nghệ sĩ, và cả những bloggers triệu phú. Chính sách cứng rắn đó cũng áp dụng trong lãnh vực ngoại giao, đối với các nước như Việt Nam và Philippines.
Mối lo lớn nhất của Trung Cộng là nếu nhượng bộ cho dân Hồng Kông được hưởng tự do bầu cử như họ mong muốn thì sẽ biến cố đó sẽ khuyến khích người dân trong lục địa cũng đứng lên đòi dân chủ tự do.
Nếu cuộc biểu tình kéo dài thì Trung Cộng có thể sẽ không còn dùng cảnh sát với dùi cui, lựu đạn cay nữa, mà sẽ cho quân đội can thiệp. Hiện Trung Cộng đã đóng quân trong trại lính ở Hồng Kông.
Trong cuộc biểu tình ngày Thứ Hai, các sinh viên đã đưa ra đòi hỏi các viên chức đứng đầu thành phố phải từ chức. Ông Lương Chấn Nam (Leung Chun-Ying) là hành chánh trưởng quan thứ ba của Hồng Kông bị coi là người đã đưa ý kiến cho Bắc Kinh lập hội đồng tuyển lựa các ứng cử viên, và ông đã ra lệnh cảnh sát dùng lựu đạn cay. Một người bị sinh viên đòi từ chức nữa là bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam Cheng Yuet-ngor), tổng thư ký thành phố, vì trong ngày Chủ Nhật bà đã tuyên bố chính quyền sẽ tiến hành ngay thủ tục thành lập hội đồng tuyển chọn ứng cử viên theo dự án của Bắc Kinh. Nhưng trong ngày Thứ Ba, bà rút lời, nói rằng việc chuẩn bị được trì hoãn. Và sau đó giới chức cai trị đồng ý gặp đại diện của sinh viên biểu tình, mà trước đó họ vẫn từ chối.
Một giải pháp cho Tập Cận Bình là tỏ ra nhượng bộ các sinh viên, bằng cách cho Lương Chấn Nam từ chức. Một số nghị viên thành phố đã đưa ra đề nghị đàn hạch (impeachment) ông ta, sau việc đàn áp sinh viên bằng bạo lực.
Những biện pháp đó có thể làm dịu làn sóng giận dữ của người dân Hồng Kông, và phong trào chống đối có thể nguội đi trong một thời gian. Nhưng sau cùng, trước năm 2017 Cộng Sản Trung Quốc vẫn phải quyết định có cho dân Hồng Kông được tự do tranh cử hay không. Và các sinh viên cũng có thể đưa ra các mục tiêu tranh đấu hợp lòng dân khác. Một nỗi oán hận của người dân là cảnh chênh lệch giữa đời sống người lao động và các nhà đại tư bản, mà các tỷ phú đại gia này đều chiều theo ý muốn của các ông chúa đỏ trong Trung Nam Hải.
Joshua Hoàng còn nêu lên một vấn đề quan trọng khác là cảnh bất công trong xã hội và chính quyền bất lực không đáp ứng nhu cầu sống của người dân. Chàng sinh viên 17 tuổi này nói với nhà báo: “Tại sao một hộp cơm với đậu hũ và thịt heo lại đắt tới 50 đồng (đô la Hồng Kông, tương đương hơn 6 đô la Mỹ)? Tại sao đường xe lửa Phía Ðông tuần nào cũng bị hư, mà giá vé đi xe lửa cứ tăng mãi không ngừng?” Joshua Hoàng nói sẵn sàng hy sinh tiếp tục tranh đấu, anh dùng câu tiếng Anh nói, “Không khó khăn, không thắng lợi” (No pain, no gain). Các sinh viên còn nêu ra ý kiến sẽ mở rộng cuộc tranh đấu, tiến chiếm các tòa nhà chính phủ và vận động các cuộc đình công của công nhân. Nếu sinh viên Hồng Kông thành công một phần nào trong cuộc tranh đấu của họ thì không những người dân trong lục địa Trung Quốc phấn khởi trên con đường đấu tranh đòi dân chủ, tự do, mà người Việt Nam ở trong nước cũng thấy sẽ có những cơ hội có thể đứng lên đòi thực hiện các quyền công dân của mình, trong đó có quyền tự do bầu cử và ứng cử.
Một lý do khiến Bắc Kinh không dám dùng biện pháp Thiên An Môn ở Hồng Kông, là vai trò của thành phố này trong nền kinh tế Trung Quốc. Hồng Kông vẫn là một cửa ngõ của Trung Quốc ra thế giới bên ngoài, mà cũng là một trung tâm tài chánh Bắc Kinh có thể dùng để thực hiện hai điều, cải tổ hệ thống ngân hàng trong nước, và đưa đồng Nguyên lên địa vị một thứ tiền quốc tế, như đô la Mỹ hay đồng euro. Chỉ số Hằng Thịnh (Hang Seng) trên Thị trường Hồng Kông tụt giảm hai ngày liên tiếp, tổng cộng mất 7.3% giá trị trong tháng Chín; không phải chỉ vì thành phố bị tê liệt trong hơn một tuần lễ, mà còn vì tin tức về kinh tế Trung Quốc vẫn trì trệ. Trong hai tuần qua, có 23 ngân hàng đã đóng cửa 40 chi nhánh, văn phòng và các máy rút tiền. Công ty tài chánh KPMG đã cho 1,800 nhân viên nghỉ ở nhà không cần đến sở.
Một yếu tố quan trọng khiến Bắc Kinh phải dè dặt không dùng biện pháp Thiên An Môn là báo chí ở Hồng Kông đã có sẵn truyền thống độc lập từ hơn nửa thế kỷ nay, ngay trong thời người Anh còn cai trị. Với các nhà báo tự do, và số phóng viên ngoại quốc ở Hồng Kông đông đúc, việc cho xe thiết giáp chạy ra đường giết thường dân khó xảy ra. Cuộc đấu trí giữa các sinh viên trên dưới 20 tuổi và các ông già ở Trung Nam Hải sẽ còn kéo dài.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét