Pages

Thứ Bảy, 4 tháng 10, 2014

Những người biểu tình lịch sự nhất thế giới



Srdja Popovic và Tori Porell * Trần Quốc Việt (Danlambao) dịch - Phong trào phản kháng đã bất ngờ khởi động ở Hồng Kông là thách thức nghiêm trọng nhất hiện nay đối với quyền lực của Bắc Kinh kể từ những cuộc biểu tình tại Thiên An Môn vào năm 1989. Bắc Kinh rõ ràng đang lo lắng. Đầu tuần này họ đã cấm Instagram, mạng xã hội chia sẻ hình ảnh, và tăng cường kiểm duyệt với mức độ chưa từng có mạng xã hội Trung Quốc Sina Weibo.

Mặc dù mối đe dọa đối với quyền lực của Bắc Kinh là thực, nhưng nguy cơ ấy không hiện ra rõ ràng trên đường phố Hồng Kông. Thay vì ghi lại cảnh tượng những cửa tiệm bị đập phá hay cảnh đối đầu bạo lực với cảnh sát - những hình ảnh mà chúng ta vốn quen nhìn thấy ở Cairo, Ukraine, và những địa điểm biểu tình chống các chế độ độc tài khác nổi tiếng - những bức hình từ trung tâm Hồng Kông cho ta thấy học sinh tươi cười ngồi quây quần bên nhau cùng làm bài vở, phân phát cho nhau đồ ăn thức uống người dân tặng, và nhặt sạch rác - thậm chí còn phân ra loại rác có thể tái chế. Như vậy, những người biểu tình Hồng Kông này có gì khác biệt? Và làm thế nào phong cách lịch sự hầu như không tưởng ấy của họ biết đâu giúp họ chống lại Đảng Cộng sản Trung Quốc khét tiếng tàn bạo?

Ta có thể tìm thấy lời đáp cho những câu hỏi này trong tài liệu "Cẩm nang Bất tuân Dân sự" được đặt tựa chính xác. Được đăng lên trên mạng chỉ vài ngày trước khi chiến dịch Occupy Central bắt đầu khởi động, tài liệu này (viết bằng tiếng Hoa và tiếng Anh) vừa là cẩm nang hướng dẫn cách thức biểu tình vừa là lời tâm niệm về sứ mạng của phong trào. Cẩm nang liệt kê chi tiết những chiến thuật của phong trào, những nguyên tắc biểu tình bất bạo động, những điều luật pháp lý người biểu tình có thể vi phạm, và cách ứng xử đúng đắn họ nên theo trong trường hợp bị bắt. Cẩm nang cũng tha thiết kêu gọi những người biểu tình "tránh đối đầu bạo lực, nhưng cũng tránh nảy sinh căm thù trong lòng mình," và chỉ ra rằng những người biểu tình phải là mẫu mực thể hiện những giá trị mà họ đang nỗ lực tranh đấu để nhìn thấy trong xã hội mình, cụ thể "bình đẳng, bao dung, thương yêu, và đùm bọc." Những người biểu tình hiểu rằng những giá trị này không chỉ sẽ giúp họ giành được thiện cảm của những người ủng hộ, mà còn phơi bày sự bất hợp pháp của chế độ nếu chế độ chuyển sang dùng bạo lực thái quá để chống lại họ. Những người biểu tình này không phải là những người trẻ tuổi mơ mộng lý tưởng; họ là những nhà hoạt động chính trị sáng suốt thấu hiểu những bí quyết thành công của cuộc phản kháng bất bạo động.

Bằng chứng về điều này đang diễn ra trên đường phố Hồng Kông ngay bây giờ. Sau khi nỗ lực đầu tiên của những người biểu tình nhằm phong tỏa trung tâm tài chính bị cảnh sát chống bạo động đáp lại bằng trận mưa hơi cay, những người xuống đường không chống trả, càng khiến cho xã hội sửng sốt và trở nên can đảm hơn trước cảnh nhà cầm quyền xử dụng vũ lực thái quá. Ngày hôm sau, thêm hàng ngàn người nữa kéo đến với các biểu ngữ ủng hộ học sinh sinh viên, lên án chiến thuật của cảnh sát, và kêu gọi nhà lãnh đạo Hồng Kông C.Y Leung từ chức. Mặc dù dường như hiển nhiên rằng một phong trào phản kháng phải có sự ủng hộ toàn dân để chống lại áp bức, nhưng kỳ tích ấy không dễ dàng đạt được, và đấy là điều chúng tôi thấy các phong trào ở hàng chục nước đã không đạt được. Tuân thủ trung thành bất bạo động mà phong trào Occupy Central đã thể hiện đòi hỏi phải chuẩn bị, huấn luyện, và kỷ luật- đối với nhiều phong trào sự kết hợp tất cả những yếu tố này là rất hiếm hoi.

Những người tổ chức hầu như luôn luôn không chuẩn bị sẵn sàng để xử lý tình huống những đám đông bất ngờ tăng vọtlên trên đường phố, và không cách nào duy trì được sự ôn hòa và gắn bó chung với nhau, quá nhiều phong trào đã bất ngờ bị thất bại bởi một vài kẻ ném đá hay đập phá các cửa tiệm trên phố. Chính quyền chụp lấy ngay những hành động bạo lực hay gây mất trật tự nhỏ nhặt nhất để lấy cớ trấn áp. Tuy nhiên, những người tổ chức phong trào Occupy Centralđã chuẩn bị từ trước. Qua việc phát hành cẩm nang và nỗ lực huấn luyện các nhà hoạt động của mình, họ đã và đang duy trì được một mặt trận thống nhất và tránh được những cạm bẫy mà suốt trong thời gian dài gây ra bao khó khăn cho rất nhiều phong trào xã hội.

Không ai tiên đoán được Bắc Kinh sẽ làm gì kế tiếp. Ngay bây giờ chính quyền dường như quyết tâm bắt đầu chờ đợi những người biểu tình tự giải tán, hy vọng rằng sự hiện diện của họ và sự gián đoạn cuộc sống hàng ngày cuối cùng sẽ khiến cho xã hội nói chung mất thiện cảm với phong trào. Tuy nhiên, phong trào Occupy Central đã chuẩn bị sẵn sàng tốt cho hầu như bất kỳ kết cục nào.

Nếu, như nhiều người sợ, chính quyền đại lục trấn áp theo kiểu Thiên An Môn, thì sự huấn luyện và kỷ luật mà những người biểu tình đã biểu lộ sẽ giúp họ nhận được sự ủng hộ tức thì và đồng thời cô lập chính quyền Trung Quốc. Mặt khác, nếu Bắc Kinh nhận thức hiện nay nó đang đối diện với tình trạng khó xử, chế độ sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoại trừ thương lượng với những nhà lãnh đạo biểu tình Hồng Kông, dù qua đó bộc lộ sự yếu đuối mà cuối cùng có thể khích lệ càng nhiều khao khát cho dân chủ hơn và thậm chí càng nhiều cuộc biểu tình hơn nữa. Còn bây giờ mặc dù ta thấy thích thú khi nhìn thấy những người biểu tình lịch sự nhất thế giới vừa làm tròn bài vở vừa làm sạch đường phố, nhưng phong cách lịch sự ấy của họ thật sự chứng tỏ tại sao họ đã trở thành một lực lượng đối đầu rất mạnh mẽ.

Srdja Popovic là người đồng sáng lập và giám đốc điều hành tổ chức CANVAS.

Tori Porell là viên chức chương trình ở CANVAS

Nguồn:

Tạp chí Slate 1/10/2014



Trần Quốc Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét