Pages

Thứ Tư, 8 tháng 10, 2014

Vì sao Thống đốc Bình ‘quyết liệt’ giấu nợ xấu?

Lại một lần nữa Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bị giới chủ ngân hàng “qua mặt”. Cuộc thao diễn của Thống đốc Nguyễn Văn Bình – người bị tạp chí quốc tế Global Financial liệt vào “một trong 20 Thống đốc có thành tích điều hành tệ nhất thế giới” – tại phiên chất vấn của Ủy ban thường vụ Quốc hội vào ngày cuối quý 3/2014, đã một lần nữa tôn tạo hình ảnh “nghị gật” cho những quan chức dân cử chưa từng biết thực chất nợ xấu là gì.


Những hình nhân nhảy múa

Tất cả vẫn là “thành tích” trong điều hành công tác tín dụng, tăng trưởng tín dụng “vượt bậc”, ổn định thị trường vàng và ngoại hối, tái cơ cấu thành công ngân hàng, và đặc biệt là “không có gì đáng lo về nợ xấu”.

Tuy nhiên, chi tiết có tính “thành tích” đáng bình luận nhất là lần đầu tiên từ khi nhậm chức thống đốc vào tháng 8/2011, ông Nguyễn Văn Bình đã công bố con số 500.000 tỷ đồng nợ xấu cho Quốc hội biết, với “240.000 tỷ đồng nợ xấu đã được xử lý cho đến nay”.

Công tâm mà xét, 3 năm qua chưa hề có một công bố nào ấn tượng như trên từ phía Ngân hàng Nhà nước. Tất cả những gì mà 500 đại biểu Quốc hội hay Ban thường vụ thu nhỏ được nghe chỉ là những tỷ lệ nhảy múa về nợ xấu qua từng thời kỳ.

Sơ kết đến nay, công luận và dư luận Việt Nam đã chứng kiến ít nhất 8 lần thay đổi ngẫu hứng về tỉ lệ nợ xấu chỉ trong 3 năm qua.

Cần nhắc lại, chỉ một tháng sau thời điểm ngồi vào chiếc ghế thống đốc, ông Nguyễn Văn Bình đã công bố tỉ lệ nợ xấu của Việt Nam chỉ có 3%. Nhưng trước đó hai tháng, cơ quan xếp hạng tín nhiệm có uy tín trên thế giới là Fitch Ratings đã kịp nêu ra tỉ lệ nợ xấu của Việt Nam là 13%, gấp 4 lần số báo cáo của “người Việt xấu xí”.

Đến đầu năm 2014, một tổ chức xếp hạng tín dụng quốc tế là Moody’s đột ngột công bố tỉ lệ nợ xấu của Việt Nam lên đến 15%. Công bố này được phổ biến trên truyền thông thế giới và càng làm cho Chính phủ Việt Nam khổ tâm trong công tác ‘hội nhập quốc tế”. Lúc này, hầu hết các nhà đầu tư đều am hiểu câu chuyện “nền kinh tế Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn trước mắt dù đã đạt được không ít tiến bộ”.

Chịu áp lực nặng nề của dư luận, từ hệ thống chính trị quá khó thuận hòa và không còn cách nào khác, thống đốc Ngân hàng Nhà nước một lần nữa phải xuất hiện để “cải chính”. Cho rằng con số của Moody’s chỉ mang tính tham khảo, ông Nguyễn Văn Bình xác nhận rằng tỉ lệ nợ xấu của Việt Nam “9% là hợp lý”.

Báo cáo “biến mất”

Lần này, không công bố thời điểm xử lý 240.000 tỷ đồng nợ xấu, vô hình trung Thống đốc Bình một lần nữa đánh đố Quốc hội. Có lẽ chẳng mấy dân biểu biết 500.000 tỷ đồng nợ xấu đã “ra đời và phát triển” từ khi nào và như thế nào.

Chỉ biết rằng vào tháng 4/2012, Ngân hàng Nhà nước đã phải làm động tác “giải hạn” cho các ngân hàng thương mại bằng một văn bản cho phép “tái cơ cấu nợ” với số nợ khoảng 250.000 tỉ đồng. Nếu không được sắp xếp lại nợ cho vay, mà về thực chất là “hoãn nợ” và “đảo nợ”, một số ngân hàng đương nhiên rơi vào tình thế khốn quẫn ngay vào thời điểm ấy vì không thể thu hồi được dù một phần nhỏ nợ đọng từ khối doanh nghiệp - vốn khi đó đã được công bố có ít nhất 55.000 doanh nghiệp phá sản và giải thể, cùng thị trường bất động sản bắt đầu “chết lâm sàng”.

Sau khi chủ trương “tái cơ cấu nợ” được triển khai, tình hình có vẻ dần đi vào diện “bình ổn”, các ngân hàng không còn phải quá lo lắng về chuyện siết nợ đối với các doanh nghiệp bất động sản con nợ. Vì thế, cuối năm 2012, tỉ lệ nợ xấu lại được Thống đốc Nguyễn Văn Bình công bố trước Quốc hội là 8% mà không kèm theo bất kỳ cơ sở thuyết minh nào.

Do đó, có rất nhiều khả năng là con số nợ xấu 500.000 tỷ đồng đã được Ngân hàng Nhà nước “phát hiện” và báo cáo Chính phủ vào cuối năm 2011 hoặc đầu năm 2012, tức cách đây đến hai năm rưỡi, trong khi Quốc hội khi đó vẫn cúi mặt nhấn nút cho các báo cáo tô hồng kinh tế của Chính phủ.

Thời điểm cuối năm 2011 cũng xuất hiện một báo cáo chi tiết mang tính cảnh báo sâu sắc về tình hình tài chính doanh nghiệp và ngân hàng của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia. Tuy nhiên báo cáo này sau đó đã “biến mất” trên bàn Chính phủ. Không một chi tiết có tính chứng minh rõ rệt nào của báo cáo này được trình ra Quốc hội.

Từng bị phát hiện

Thực ra, con số 500.000 tỷ đồng nợ xấu đã bị công luận phát hiện khá lâu trước khi ông Nguyễn Văn Bình buộc phải công bố.

Vào năm 2013, một cuộc hội thảo về nợ xấu đã được tổ chức tại thành phố biển Nha Trang lãng mạn. Song mối thi vị đáng lưu tâm nhất của hội thảo này là lần đầu tiên, một vài chuyên gia nhà nước như ông Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Việt Nam - cùng một số chuyên gia người Việt ở nước ngoài, đã hết sức bức xúc về con số nợ xấu mà theo tính toán của họ, có thể lên đến 500.000 - 540.000 tỉ đồng, tức gấp đến ba lần con số nợ xấu mà Ngân hàng nhà nước công bố vào cùng thời điểm.

Cũng vào giữa năm 2013, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia - một cơ quan tư vấn trực thuộc chính phủ - bất ngờ công bố tỉ lệ nợ xấu thực là từ 35-37%, tức gấp ít nhất 6 lần con số công bố của Ngân hàng Nhà nước. Tình trạng “nội chiến” ghê gớm như thế làm người ta không thể bỏ mặc bài học khủng hoảng tài chính ở Thái Lan năm 1997: trước khủng hoảng, báo cáo về tỉ lệ nợ xấu chỉ có 5%; nhưng khi khủng hoảng nổ ra, tỉ lệ nợ xấu thực đã bị phát hiện lên đến 50%!

Cho tới lúc này, Công ty Quản lý Tài sản (VAMC) mà Ngân hàng Nhà nước tự hào là “cứu cánh” đã chưa phát huy được bất cứ tác dụng gì, ngoài việc “ôm” lại nợ của các ngân hàng thương mại với giá rẻ mạt nhưng không biết bán lại cho ai, kể cả các đối tác nước ngoài mà được hệ thống Tuyên giáo mô tả là “xếp hàng chờ mua nợ của VAMC”.

Ngay cả những lãnh đạo ngân hàng thương mại cũng quá nghi ngờ vào kết quả xử lý nợ xấu của VAMC. Con số 240.000 tỷ đồng nợ xấu mà Thống đốc Nguyễn Văn Bình báo cáo đã xử lý đang bị nghi vấn chỉ là động tác “đảo nợ” và do VAMC phát hành trái phiếu để mua lại, chứ thực chất nợ xấu chưa hề được xử lý và thậm chí vẫn tăng lên đều đặn theo thời gian. Kết quả kiểm toán của Cơ quan Kiểm toán Nhà nước vào giữa năm 2014 cho thấy có đến hàng chục ngân hàng thuộc loại lớn nhất bị tăng vọt tỷ lệ nợ xấu là một minh họa đầy tiềm năng cho triển vọng khủng hoảng ngân hàng trong không bao lâu nữa.

Thói dối trá chính trị

Tất nhiên trong bối cảnh nợ xấu chưa hề được xử lý và vẫn đang tăng lên từng ngày, câu chuyện “nhảy múa nợ xấu” của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa dừng ở đây. Trong lúc giới báo chí nhà nước còn quá e ngại bởi sợ đụng chạm đến nhóm thân hữu, giới phản biện độc lập trong nước lại ít mê đắm hơn khi chỉ mặt điểm tên “thói dối trá bệnh hoạn của giới quan chức ngân hàng”.

Nguyễn Văn Bình - người được một số dư luận đánh giá là “cánh tay phải của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng” - cũng bị xem là người đã đóng góp cả hai tay vào công cuộc nhiệt thành làm giàu cho các nhóm lợi ích ngân hàng nhưng lại khiến lụn bại thị trường tín dụng, điên đảo thị trường vàng cùng một nền kinh tế quặt quẹo chỉ trong ba năm kể từ khi nhậm chức thống đốc.

Cuối cùng nhưng chưa phải kết thúc, tại sao chỉ đến giờ này Thống đốc Bình mới chịu tiết lộ con số nợ xấu? Tại sao “cánh tay phải của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng” lại “quyết liệt” giấu nợ xấu lâu đến thế? Để “bơm thuốc” cho các nhóm lợi ích ngân hàng nhằm kéo dài cơn ung thư giai đoạn cuối? Vì cái ghế thống đốc hay cho “uy tín chính phủ” vào buổi hoàng hôn trước Đại hội đảng 12?

Phạm Chí Dũng
06.10.2014

Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

(VOA)

Không có nhận xét nào: