Pages

Thứ Tư, 5 tháng 11, 2014

“Đảng ta” đã “giải phóng con người” như thế nào?

Lê Anh Hùng | VOA

Kể từ khi ra đời cho đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn luôn giương cao “ngọn cờ chiến đấu” là “giải phóng giai cấp”, “giải phóng dân tộc” và trên hết là “giải phóng con người”. 84 năm qua, dưới sự lãnh đạo “tài tình và sáng suốt” của Đảng, nhân dân ta đã đạt được những thành tựu thực sự vĩ đại.Ấy vậy mà các “thế lực thù địch” trong và ngoài nước vẫn ngày đêm tuyên truyền những “quan điểm sai trái”, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng. Chúng cho rằng chính phủ Trần Trọng Kim là một chính phủ hợp pháp, độc lập và đã làm được rất nhiều việc cho đất nước trong hoàn cảnh hết sức ngặt nghèo. Theo chúng, thời điểm năm 1945, khi Cách mạng Tháng Tám diễn ra, Pháp đã trao trả độc lập, dù chưa hoàn toàn, cho Việt Nam.

Chúng lập luận, rước Trung Quốc vào để đánh đuổi Pháp – những người đã góp phần quyết định trong công cuộc khai hoá văn minh cho người Việt – thì chẳng khác gì “rước voi về giày mả tổ”, bởi Trung Quốc chưa lúc nào từ bỏ dã tâm thôn tính Việt Nam. Chưa hết, chúng còn cho rằng cuộc chiến tranh Bắc–Nam 1954–1975 ở Việt Nam thực chất là cuộc nội chiến “huynh đệ tương tàn”, với vũ khí từ hai phe đối địch trong chiến tranh lạnh; người Mỹ, nếu thực sự “xâm lược” Việt Nam, cũng đã rút khỏi Việt Nam từ sau Hiệp định Paris năm 1973.Những “quan điểm sai trái” nói trên thực ra chẳng có gì là mới mẻ; các “thế lực thù địch” kia đơn giản là chỉ muốn phủ nhận sự nghiệp “giải phóng dân tộc” của “Đảng ta”. Và cũng chẳng có gì là lạ khi chúng không hiểu sự nghiệp “giải phóng con người” của Đảng còn vĩ đại hơn thế nhiều lần. Trong khuôn khổ hạn hẹp của bài viết này, chúng ta sẽ cùng điểm qua vài thành tựu “giải phóng con người” của “Đảng ta” để đập tan những “luận điệu phản động” đó.

Giải phóng lòng tham
Dưới chế độ phong kiến và thực dân, lòng tham của con người bị tiết chế bởi những chuẩn mực đạo đức và quy tắc ứng xử “thấp kém” của xã hội thời bấy giờ. Chính vì thế mà thời ấy con người ta ít khi bộc lộ “phẩm chất tham lam” của mình.
Cụ Lê Hiền Đức (Hà Nội) từng kể lại câu chuyện: Sáng ngày 10.10.1954, trở về Hà Nội sau 9 năm kháng chiến, cụ bắt đầu đi tìm gia đình và người thân của mình. Vì chiếc ba lô quá nặng không thể mang theo người được nên cụ đành gửi đại ở bưu điện Bờ Hồ. Buổi chiều, cụ quay lại để lấy ba lô thì thấy nó vẫn nằm y nguyên chỗ cũ giữa tấp nập người qua kẻ lại mà không hề bị xâm phạm.
Thế rồi cũng tại chính Bờ Hồ đó, chỉ một thời gian dưới sự “lãnh đạo anh minh” của Đảng, người dân đã phải ví von: “Có vợ mà cho đi Tây / Như là xe máy để ngay Bờ Hồ.” Và nay thì “văn hoá trộm cắp” ở đây đã nở rộ đến mức người ta lập hẳn một trang Facebook riêng là “Đạo chích tại Hồ Gươm – Những điều bạn nên biết”, còn Hà Nội thì trở thành một trong mười thành phố nhiều đạo chích nhất thế giới.
Tham nhũng và trộm cắp dần dần trở thành những hiện tượng rất đỗi quen thuộc và hết sức gần gũi với nhân dân ta.
Việt Nam có lẽ là nơi duy nhất trên trái đất có một thứ “văn hoá” đầy tính “nhân văn”: “văn hoá phong bì”. Các vị “đầy tớ của nhân dân”, danh xưng khiêm nhường mà giới quan chức Việt Nam vẫn tự nhận, sẵn sàng vẽ ra đủ thứ dự án hoành tráng lên tới hàng ngàn tỷ mà không cần phải “băn khoăn” gì về “hiệu quả” của chúng, miễn là họ có thể “gặt hái” được cái gì đó để tiếp tục sự nghiệp “phụng sự nhân dân” cao cả của mình.
Trộm cắp thì diễn ra mọi lúc mọi nơi; ngay cả nhà của tướng lĩnh công an cũng được trộm “chiếu cố”. Thậm chí, hễ một ai đó bị tai nạn là người ta lại chẳng nề hà gì chuyện xông vào hôi của mà mục đích chỉ là để giúp nạn nhân vì xót của mà quên đi cơn đau đang hành hạ. “Nhân đạo” và “nhân văn” đến thế thì lịch sử Việt Nam chỉ có ở “thời đại Hồ Chí Minh”!
Giải phóng lòng căm thù đồng loại
Cạnh tranh sinh tồn vốn là một bản năng hàng đầu của động vật. Các loài vật đôi khi vẫn sát hại đồng loại để tồn tại. Những cá thể đầu tiên của loài người vẫn tranh giành nhau, thậm chí sát hại nhau vì sự sinh tồn của mình. Nhưng rồi dần dà, họ nhận ra rằng, vì sự tồn vong của mỗi cá thể cũng như của giống nòi, họ cần thương yêu, đùm bọc nhau, hợp tác cùng nhau để mưu sinh và đặc biệt là để chống lại kẻ thù bên ngoài. Bản năng căm thù đồng loại trong xã hội loài người vì thế mà mai một dần theo thời gian.
Trong các hình thái xã hội trước kia, con người ta được răn dạy là phải thương yêu lẫn nhau; lòng căm thù đồng loại là một khái niệm xa lạ trong các hình thái xã hội này. Điều này thể hiện qua những câu ca dao, thành ngữ như: “Bầu ơi thương lấy bí cùng / Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”, “Thương người như thể thương thân” hay “Lá lành đùm lá rách”, v.v.
Thế rồi ánh bình minh mà Đảng Cộng sản đem tới đã xua tan bóng đêm dằng dặc của nhân loại. Và để nhân dân ta vĩnh viễn thoát khỏi đêm dài tăm tối, một trong những nhiệm vụ hệ trọng nhất mà “Đảng ta” không một phút giây sao nhãng là khơi dậy và giáo dục lòng căm thù đồng loại cho dân chúng.
“Con người mới XHCN” ở Việt Nam được Đảng giáo dục không chỉ căm thù đồng loại một cách chung chung mà còn phải hướng lòng căm thù đó vào chính những người đã sinh thành và dưỡng dục mình, như những gì mà thế giới đã được chứng kiến trong cuộc cách mạng “long trời lở đất” mang tên “Cải cách Ruộng đất”. Thay thế những câu ca dao, thành ngữ “suy đồi” kể trên là những câu thơ ca, thành ngữ mang đậm bản chất “nhân văn” và “nhân đạo” của “thời đại Hồ Chí Minh”: “Giết, giết nữa, bàn tay không phút nghỉ / Cho ruộng đồng lúa tốt, thuế mau xong / Cho Đảng bền lâu, cùng rập bước chung lòng / Thờ Mao Chủ tịch, thờ Stalin bất diệt” (Tố Hữu), hay “Mình rình mọi người, mọi người rình mình”, v.v.
Các phương tiện truyền thông trong tay Đảng vẫn hàng ngày hàng giờ tuyên truyền, kêu gọi nhân dân ta nêu cao tinh thần “cảnh giác cách mạng” trước các “thế lực thù địch”, bất kể “thế lực thù địch” đó có thể là bố mẹ, vợ chồng hay con cái của mình.
Nhờ nỗ lực không biết mệt mỏi của Đảng trong sự nghiệp giải phóng lòng căm thù đồng loại cho nhân dân nên chưa bao giờbạo lực lại trở thành một thứ “văn hoá” gần gũi và phổ biến như ở Việt Nam hiện nay. Người ta chém giết, tra tấn, hành hung nhau gần như mọi lúc mọi nơi, từ gia đình, tới nhà trường, ra xã hội, cho đến… đồn công an. Người ta dùng bạo lực để đối xử với nhau bất kể vì lý do gì, nhiều khi chỉ vì thấy “ngứa mắt”. Từ cụ già “gần đất xa trời”, phụ nữ mang thai cho đến em bé nhi đồng… tất cả đều trở thành đối tượng tiềm tàng để người ta “trút căm thù”.
Giải phóng bản năng vô pháp luật
Con người ta hầu như chẳng ai muốn bị gò bó bởi bất cứ thứ luật lệ hay quy tắc mang tính chất ràng buộc nào. Bản chất của con người là yêu thích tự do. Những cá thể đầu tiên của loài người đề cao tự do, phóng túng. Dần dà, người ta nhận ra rằng không một cá thể nào đủ sức tồn tại biệt lập bên ngoài cộng đồng. Mà muốn chung sống với cộng đồng thì mỗi cá thể phải chấp nhận những quy tắc chung (lề thói, phong tục, tập quán… và trên hết là pháp luật) của cộng đồng, bởi nếu thiếu những quy tắc đó thì tổ chức cộng đồng sẽ trở nên hỗn loạn.
Việc tuân theo các quy tắc chung đó dần dần trở thành thứ phản xạ gần như bản năng của mỗi thành viên trong các hình thái xã hội trước kia. Một hình ảnh tiêu biểu rất “đáng phê phán” mà người ta thường thấy ở các nước tư bản “đang giẫy chết” là một người điều khiển xe tự động dừng phương tiện và kiên nhẫn chờ đèn đỏ giữa đêm khuya, dù xung quanh hoàn toàn vắng bóng người.
Thế rồi, như một sự “lựa chọn tất yếu” của lịch sử, “Đảng ta” xuất hiện và gần như ngay lập tức giải phóng bản năng vô pháp luật vốn bị giam hãm trong nhân dân một cách bất công suốt hàng thế kỷ. Đảng là “tinh hoa” của giống nòi, đại diện cho sự “anh minh”, “sáng suốt” của dân tộc nên hiếm khi Đảng phải viện đến pháp luật, dù đó là thứ “pháp luật” do chính Đảng làm ra, từ những sự kiện hệ trọng trước kia như Cải cách Ruộng đất hay Vụ án Xét lại Chống Đảng trước kia cho đến những vụ việc đặc nghiêm trọng hiện nay như vụ vợ chồng Lê Anh Hùng – Lê Thị Phương Anh tố cáo PTT gốc Tàu Hoàng Trung Hải, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và TBT Nông Đức Mạnh hiện nay, mặc dù truyền thông quốc tế cũng đã không ít lần đưa tin.
Như một lẽ tự nhiên, “phẩm chất” vô pháp luật của Đảng cũng dần lan toả trong nhân dân. Nhờ vậy mà giờ đây hiếm có người Việt Nam nào còn đặt niềm tin vào cái gọi là “pháp quyền XHCN”. Thay vì thế, họ lại sùng bái một động từ tuy đơn giản, mộc mạc nhưng lại đầy “màu nhiệm” – đó là “chạy”: chạy chức, chạy quyền, chạy dự án, chạy trường, chạy án, chạy tiến sỹ, chạy giáo sư, chạy huân chương, chạy bảo hiểm, chạy quân hàm, chạy việc làm, v.v. và v.v. Cả xã hội đua nhau chạy, mạnh ai nấy chạy.
Bộ máy công quyền ngày một phình to để giám sát việc “thực thi pháp luật”, chỉ vì ý thức pháp luật là khái niệm ngày càng trở nên xa lạ với nhân dân. Chẳng hạn, tại các chốt giao thông thì chỉ các cột đèn tín hiệu không thôi là chưa đủ, mà người ta còn cần phải bố trí thêm dăm ba chú công an mặc quân phục cả vàng lẫn xanh lăm lăm cây gậy trong tay để có thể điều tiết giao thông.Những “thành tựu vĩ đại” của Đảng trong sự nghiệp “giải phóng con người” thì kể mãi cũng không hết. Rốt cuộc, mục tiêu cao cả nhất của Đảng không phải là “giải phóng dân tộc” hay “giải phóng giai cấp”, mà chính là “giải phóng con người”. Và, với những gì đã trình bày ở trên, ai còn dám cho rằng sự nghiệp “giải phóng con người” của “Đảng ta” không thực sự “vĩ đại” nào?
“Không biết đến hết thế kỷ này đã có chủ nghĩa xã hội hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa?” – đó là câu hỏi mà ngài Tổng Bí thư đáng kính của chúng ta vẫn ngày đêm “trăn trở”.
Câu hỏi của một bậc “GS.TS” từng đảm trách cương vị “Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương” thì quả là quá khó không chỉ với người Việt Nam chúng ta mà với cả nhân loại văn minh. Tuy nhiên, điều mà chúng ta có thể trả lời dứt khoát ngay bây giờ là không cần phải đợi đến cuối thế kỷ này “Đảng ta” mới giải phóng hết tất cả những bản năng hoang dã vốn bị giam hãm trong nhân dân ta suốt hàng ngàn năm qua. Và rồi, sau một chu trình phát triển theo vòng xoáy trôn ốc mà Karl Marx “thiên tài” đã “khám phá” ra, đất nước chúng ta sẽ “tiến lên” một nền văn minh hoang dã khác./.

1 nhận xét:

  1. Dạy dân và lớp trẻ vật chât quyết đính ý thức ,mì ăn liền, đạo đức là lòng heo tanh tưởi bản chất cán bộ là lũ côn đồ du đảng rừng rú thì quê cha đất tổ có là gì đối với cs.

    Trả lờiXóa