Chủ tịch nước Việt Nam, ông Trương Tấn Sang, tới Trung Quốc tham dự Hội nghị các nhà lãnh đạo thuộc Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 12, theo truyền thông trong nước.
Ông Sang, theo lịch trình, có bài phát biểu tại một phiên họp của hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp APEC 2014 với chủ đề Tăng cường kết nối khu vực và những ưu tiên về đầu tư, hạ tầng cơ sở và chính sách, cũng như tham gia chủ trì một nhóm đối thoại với các đại diện doanh nghiệp lớn trong khu vực, theo báo Việt Nam.
Bình luận về chuyến đi của ông Sang trong ba ngày từ 9 tới 11/11/2014, một nhà quan sát kinh tế trong nước cho rằng Việt Nam cần lưu ý tác động từ một số thỏa thuận, hợp tác kinh tế trong khu vực, mà cụ thể trong khuôn khổ APEC liên quan vai trò kinh tế đang lên của Trung Quốc, đối với vị thế cạnh tranh kinh tế, đầu tư, thương mại của Việt Nam.
Trao đổi với BBC hôm 9/11, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) nói:
"Việc Việt Nam tham gia Hiệp định Hợp tác xuyên Thái Bình Dương là một hiệp định mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam. Bởi vì trong 12 nước ký kết và đang đàm phán để tiến tới ký kết hiệp định... TPP, thì không có Trung Quốc, không có Ấn Độ.
"Vì vậy cho nên nền kinh tế Việt Nam được bổ sung nhiều đối với nền kinh tế của các nước có trình độ phát triển khác như là Nhật Bản, Mỹ, Canada và đem lại những lợi thế rõ rệt đối với các mặt hàng như dệt may, da giày, như là sản phẩm điện tử dân dụng, hay các sản phẩm khác như nông, thủy sản của Việt Nam..."
Theo Tiến sỹ Doanh, nếu như Hiệp định Thương mại Tự do châu Á - Thái Bình Dương (APEC) là FTAAP hay là Hiệp định hợp tác kinh tế khu vực RCEP gồm 10 nước Asean và 6 nước là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand được ký kết, Trung Quốc sẽ 'có được tất cả những ưu đãi' như giảm thuế xuất, nhập khẩu, như tiếp cận thị trường...
Ông nói: "Những lợi thế mà Việt Nam có được trong Hiệp định TPP sẽ bị trung hòa, thậm chí bị đảo ngược, lúc bấy giờ hàng hóa của Trung Quốc sẽ cạnh tranh rất mạnh mẽ đối với hàng hóa của Việt Nam ở các thị trường của các nước thứ ba như là Hoa Kỳ, Canada, Chile, hay là các nước khác."
Theo nhà phân tích này, điều này sẽ trở thành một thách thức rất to lớn với nền kinh tế của Việt Nam. Tiến sỹ Doanh nói thêm:
"Cho nên tôi rất quan tâm, thậm chí lấy làm lo ngại về tiến trình của của đàm phán RCEP và FTAAP và rất quan tâm đến việc Việt Nam sẽ có thể giữ được vị thế của mình như thế nào, trong việc đàm phán và ký kết này.
"Và quan trọng hơn là Việt Nam phải cải cách để nâng cao năng lực cạnh tranh để chuẩn bị cho một quá trình toàn cầu hóa còn rộng lớn hơn nữa, hơn là TPP, đấy là điều mà tôi có thể bình luận."
'Tính toán lợi, hại'
Vẫn theo Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, tại Hội nghị APEC 22 này, Trung Quốc 'cũng muốn quảng bá, cổ vũ' cho việc nước này và 21 nước cùng nhau thành lập một Ngân hàng Đầu tư Kết cấu Hạ tầng châu Á với số vốn đầu tư dự kiến lên tới trên dưới 30 tỷ USD, được cho là cạnh tranh với Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), một định chế mà lâu nay, Việt Nam từng được thụ hưởng một số lợi ích.
Nhà phân tích nói: "Trong ngân hàng này, Nhật Bản và Hàn Quốc không tham gia, tôi nghĩ rằng đây cũng là một vấn đề mà các bên hết sức quan tâm và đấy cũng là một vấn đề mà Việt Nam quan tâm vì Việt Nam cần vốn để đầu tư cải thiện hạ tầng kết cấu kỹ thuật của Việt Nam."
Cũng hôm Chủ Nhật, một chuyên gia kinh tế khác từ Hà Nội nói với BBC, chính phủ và các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý tới các điều kiện cho vay có thể 'lỏng lẻo' hoặc 'kém minh bạch' của ngân hàng mới do Trung Quốc chủ xướng này, để tránh các vấn đề kém hiệu quả đầu tư và 'nặng gánh nợ công' trong tương lai, nếu Việt Nam tham gia hoặc thụ hưởng.
Trước hết, nhà quan sát không muốn tiết lộ danh tính nói với BBC về dự án định chế ngân hàng này:
"Thực ra đây mới chỉ là một ý tưởng của Trung Quốc và từ ý tưởng cho tới lúc trở thành hiện thực, tôi nghĩ còn một quá trình rất là dài.
"Bởi vì ngoài Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng ra thì Trung Quốc cũng còn nhiều sáng kiến khác, ví dụ như là đầu tư cho con đường tơ lụa trên biển hoặc là con đường tơ lụa mới, kinh phí cũng khoảng 16 tỷ USD, rất là lớn," chuyên gia nói.
Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu kinh tế Trung Quốc này, Hoa Kỳ và các nước khác, chẳng hạn như Nhật Bản, Hàn Quốc, cũng 'không để điều này xảy ra dễ dàng'.
Bởi vì theo chuyên gia thì: "Bản thân Hoa Kỳ cũng có những vận động, đặc biệt đối với các nước thuộc nhóm tương đối gần gũi với họ để chống lại việc xuất hiện một Ngân hàng như vậy ở châu Á.
"Với lý do họ không tin rằng những thể chế, định chế tài chính kém minh bạch của Trung Quốc lại có thể giúp đỡ, hoặc hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng tốt được cho các nước ở trong khu vực."
Riêng đối với Việt Nam, nhà nghiên cứu lưu ý: "Thực sự mà nếu có một Ngân hàng như vậy của Trung Quốc xuất hiện, cá nhân tôi cho rằng vừa có những cái lợi, mà lại có những cái bất lợi, đặc biệt trong bối cảnh chúng ta đang đặt vấn đề cải cách thể chế và minh bạch trong các khoản đầu tư công...
"Đặt lên rất cao để giảm các áp lực về nợ công, cũng như các khoản đầu tư kém hiệu quả, thì nếu một Ngân hàng như vậy của Trung Quốc thành lập, thì những rủi ro về các khoản đầu tư kém minh bạch, hoặc các khoản vốn vay dễ dãi ấy cũng có thể làm gia tăng áp lực cho Việt Nam trong tương lai," chuyên gia này nói với BBC.
Ý làm đại ca đầu gấu tàu cộng mới chịu .50 năm nữa chưa bằng thằng nhật nhé .ác mộng đi tàu cộng.
Trả lờiXóa