Pages

Thứ Năm, 27 tháng 11, 2014

Còn gì để chờ đợi khi trước mặt là một đảng ù lì hại dân hại nước


14bct-danlambaoNguyễn Trung Chính
“…Lãnh đạo Việt Nam nói nhiều đến cái bẫy ảo tránh khiêu khích là để che giấu cái bẫy thật: biển đảo đang bị gặm nhấm từ từ một cách có hệ thống và bài bản bởi Trung Quốc. Lãnh đạo đảng đã đặt nhầm mục tiêu, họ cố tình nhầm mục tiêu để che chở cho Trung Quốc…”
Từ khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đọc Thông điệp đầu năm 2014 đến nay đã là 11 tháng. Còn tháng nữa là hết năm, nhưng 11 tháng qua vẫn chưa thấy cơ chế có được một chút thay đổi nào. Khi phát biểu về kinh tế Thủ tướng vẫn không quên kèm theo cái đuôi định hướng xã hội chủ nghĩa. Cơ chế chính trị vẫn không chấp nhận những tiếng nói khác Đảng và tiếp tục xem họ là lực lượng thù địch, vẫn đàn áp và cho công an bắt tay với xã hội đen làm những trò côn đồ. Tệ hại hơn nữa là Thủ tướng không bao giờ quên câu “chống diễn biến, chống lực lượng thù địch” trong những phát biểu, đặc biệt là ở các hội nghị công an mà Thủ tướng tham dự.

nguyentandung26Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đọc Thông điệp đầu năm 2014
Về đối ngoại, Thủ tướng, khác với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, đã có những tuyên bố được mọi người hoan hô, đặc biệt là trong vụ xâm lược của giàn khoan HD981. Tuy nhiên, ngay cả kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế, Thủ tướng cũng không kiện và cũng không cho dân biết vì sao không kiện.
Trong bài viết “Xin Thủ tướng cho tôi tin một lần” nhân Thông điệp đầu năm 2014, tôi đã rất khẩn thiết cầu xin Thủ tướng một niềm tin qua việc lời nói đi đôi với việc làm. 11 tháng sau tôi vẫn cầu xin như thế vì “phép lạ” vẫn chưa xuất hiện. Có thể có người cho là tôi nóng vội.
Ông Tô Văn Trường, hồi đầu tháng 10, trong bài “Suy ngẫm về phát biểu của Thủ tướng” đã viết: Tôi vẫn nhớ trong buổi làm việc riêng chiều tối ngày 5/6/2014 tại Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng đã kể phải tự tay tra từ điển để tìm hiểu ý nghĩa của hai từ “viển vông” để nói về tình hữu nghị ! Ông cũng tâm sự dự kiến sẽ phát biểu khi khánh thành công trình nối điện cho đảo Lý Sơn về sự ghi nhớ công lao của đồng bào chiến sĩ hy sinh bảo vệ chủ quyền biển đảo ở Hoàng Sa-Trường Sa dù là người của chế độ Việt Nam Cộng Hòa và Chính phủ sẽ có chính sách đối với họ v.v…
Dù biết rằng thể chế chính trị ở Việt Nam rất phức tạp, nhưng người dân luôn ủng hộ và đánh giá cao lời nói, đi đôi với việc làm của những vị lãnh đạo biết nhìn lại mình và vượt lên chính mình vì quyền lợi của đất nước, của dân tộc”.
Dù ông Tô Văn Trường, được biết đến như một người phản biện không thể nói là đứng về phía luận điệu chính quyền, tiết lộ (được phép ?) đã “làm việc riêng” với Thủ tướng sáu tháng sau bản Thông điệp đầu năm 2014 cũng không đủ để chứng minh rằng Thủ tướng đã thay đổi tư duy đối với “diễn biến, lực lượng thù địch”. Ông Tô Văn Trường đã có lý khi tiếp tục mong muốn “lời nói, đi đôi với việc làm của những vị lãnh đạo”.
Sau “Thư ngỏ của 61 đảng viên …”, Đảng, mà Thủ tướng là một nhân vật rất quan trọng trong Bộ Chính trị, đã có những cuộc “viếng thăm” với mục đích lên án những người tham gia ký tên. Từ ba cuộc “viếng thăm” đối với nguyên Phó trưởng ban biên tập báo SGGP Kha Lương Ngãi, cho đến gần đây với Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh cho thấy Đảng, trước thềm chuẩn bị đại hội XII, vẫn giữ nguyên tư duy đồ đá khi khẳng định trước các vị này:
1- Việt Nam chỉ có thể chọn mô hình xã hội chủ nghĩa để xây dựng đất nước, ngoài ra không có con đường nào khác.
2 - Dân đã hết khổ, nay nhà nào cũng có ít nhất một xe máy. Đảng đã và đang kiên định con đường xã hội chủ nghĩa, mang lại hạnh phúc cho nhân dân, xã hội ta không có người bóc lột người.
3 - Đảng ta cũng có chính sách khôn khéo và cương quyết với Trung Quốc, buộc họ phải rút giàn khoan HD981 khỏi vùng đặc quyền kinh tế của ta trước thời hạn.
4 - Tán phát Thư ngỏ đó trên mạng làm cho các đảng viên hoang mang, dao động, không tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Điều đó làm ảnh hưởng lớn đến uy tín của Đảng.
Những vấn đề trên đã được Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, đại tá Nguyễn Đăng Quang, Đại tá Trịnh Văn Trà (Ghi nhanh cuộc khách thăm nhà cụ Nguyễn Trọng Vĩnh -Nguyễn Đăng Quang) và ông Kha Lương Ngãi vui vẻ trả lời dứt khoát, sắc bén, khóa miệng không thể chối cãi vào đâu được. Xin cám ơn tất cả các vị nói trên.
Nếu những cuộc “viếng thăm” thể hiện một chút thay đổi nào đó về cách đối xử với những người bị gán là “diễn biến, lực lượng thù địch” thì rất đáng khuyến khích cho phép một sự đối thoại trực tiếp còn hơn là những hành động côn đồ đã và đang xảy ra với những người bất đồng chính kiến khác.
Ở đây tôi xin phép góp ý thêm về “chính sách khôn khéo và cương quyết với Trung Quốc“.
Chính sách khôn khéo và cương quyết với Trung Quốc: cuộc chiến nhầm mục tiêu!
Thời gian gần đây trên các diễn đàn quốc tế, Trung Quốc luôn nêu cao thái độ hòa bình của Trung Quốc trên Biển Đông đối với các nước láng giềng, trong khi họ vẫn kiên quyết xây dựng những vị trí chiến lược nhằm kiểm soát và khống chế Biển Đông. Họ đang thay đổi hiện trạng các đảo Hoàng Sa, Trường Sa để củng cố vị trí chiến lược của họ.
Như vậy đã quá rõ ràng: đường lối của Trung quốc là ru ngủ dư luận thế giới, lợi dụng thời điểm hiện tại khi các nước phương Tây, đặc biệt là Hoa Kỳ, đang bận tay với bọn quá khích Hồi giáo, để thực hiện trong “yên ổn, hòa bình” đường lưỡi bò trên toàn bộ Biển Đông.
Đối với Việt Nam, họ mớm cho lãnh đạo Việt Nam luận điệu rằng: Trung Quốc khiêu khích, sẵn sàng nổ súng, và Việt Nam nên xem đó là một cái bẫy để tránh rơi vào. Vì thế chính sách “khôn khéo với Trung Quốc của Đảng là: Việt Nam cương quyết không rơi vào cái bẫy mà Trung Quốc giăng ra để tạo cơ hội cho họ nổ súng.
Như thế là giúp Trung Quốc xây dựng “yên ổn, hòa bình” các đảo đã chiếm từ tay Việt Nam.
Lãnh đạo Việt Nam không thể không biết rằng chính Trung Quốc cũng sợ nổ súng chứ không riêng gì những nước láng giềng: Phi, Nhật sẵn sàng nổ súng, nếu cần phải bảo vệ Tổ quốc của họ, thì Trung Quốc không dám nổ súng, mà chỉ khiêu khích rồi chạy. Lãnh đạo Việt Nam nói nhiều đến cái bẫy ảo tránh khiêu khích là để che giấu cái bẫy thật: biển đảo đang bị gặm nhấm từ từ một cách có hệ thống và bài bản bởi Trung Quốc. Lãnh đạo đảng đã đặt nhầm mục tiêu, họ cố tình nhầm mục tiêu để che chở cho Trung Quốc.
Trước việc cố tình nhầm mục tiêu này, những lời đạo đức cá sấu trong năm qua, mượn bóng “Tiền Nhân”, của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chỉ giúp Trung Quốc được yên ổn, hòa bình mà gặm nhấm, trái hẳn với những điều vua Trần Nhân Tông đặn lại cho các thế hệ con cháu là hãy cảnh giác với Bắc Triều. Những tuyên bố nóng bỏng về xâm lược Trung Quốc của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ cốt để làm hả cơn giận của người dân, giúp cho Trung Quốc được ” yên ổn, hòa bình” thực hiện ý đồ trên biển. Cả hai vị lãnh đạo này, (vô tình thì ít, cố ý thì nhiều ?), đã giúp cho Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng không thoát Trung, tiếp tục con đường bán nước cầu tình đồng chí trong tình trạng Đảng ngày càng chao đảo, khác gì bọn Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống trước kia.
Với một đảng như vậy chúng ta còn chờ đợi gì?
Nếu vào Đảng trước kia là vì yêu nước, thì ngày nay vào đảng chỉ để kiếm địa vị. Các báo chính phủ cũng phải công nhận sự thật này. Chỉ cần nghe lý luận đồ đá của các vị Ủy viên Thường vụ thành ủy kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra thành ủy cùng 5 quan chức của Đảng trong cuộc “viếng thăm” Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh cũng đủ thấy một thế hệ đảng viên sẵn sàng vứt bỏ sự minh mẫn của trí tuệ để bám chắc cái địa vị đang có của họ.
Đảng lại đặt ra 19 điều đảng viên không được làm. Nó vô nghĩa, lạc hậu, chẳng ai chấp hành, đó là chưa nói 19 điều này vi phạm điều lệ đảng như Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh chỉ ra. (Xem trích thí dụ cuối bài).
Đảng ngày nay bệ rạc trên mọi mặt, chỉ cần giả chữ ký Thủ tướng cũng lừa đảo được gần 100 tỉ đồng (ngày 11/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an Quận Hoàng Mai – Công an Thành phố Hà Nội đưa tin).
Người còn sáng suốt thì còn chờ đợi gì vào cái Đảng này nữa?
Có nhiều người cho rằng nên ra khỏi Đảng, và cho đến nay số người ra khỏi Đảng không phải là ít. Ra Đảng là để rõ ràng với cái tâm của mình, nhưng cái nợ với dân vì đã tham gia xây dựng một Đảng như vậy vẫn còn đó.
Tôi nghĩ rằng tốt nhất là chưa nên ra khỏi Đảng lúc này mà là kết hợp với nhau thành một khối công khai trong Đảng , bắt tay với những đảng viên đã ra khỏi Đảng, để cùng với nhân dân trước hết làm cho cái Đảng đang nắm quyền sinh sát này phải nghe tiếng nói của dân, phải trả lại cho dân quyền làm chủ trên mọi mặt.
Tôi mong rằng Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, người có 75 năm tuổi Đảng, đã suốt đời vào sinh ra tử vì đất nước, đã kiên trì góp ý vì dân, vì nước, cụ Vĩnh xứng đáng là lãnh đạo tinh thần để tập hợp con cháu vì sự sống còn của đất nước.
Những kiến nghị, thư ngỏ phải được tiếp tục ở mức cao hơn, đông hơn, để đánh động lương tâm đồng bào, cùng tất cả đảng viên.
Đừng tưởng Đảng không sợ kiến nghị, thư ngỏ. Sự kiện Ủy viên Thường vụ thành ủy kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra thành ủy khi “viếng thăm” Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh đã nói: “Tán phát Thư ngỏ đó trên mạng làm cho các đảng viên hoang mang, dao động, không tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Điều đó làm ảnh hưởng lớn đến uy tín của Đảng“, chứng tỏ kiến nghị, thư ngỏ rất có tác động.
Chỉ còn hai năm nữa thôi là đến đại hội XII, chúng ta phải nhanh lên để tạo một sự thảo luận rộng rãi mà đảng rất sợ vì biết được hiệu quả của nó.
Viết đến đây tôi nghĩ đến ông Nguyễn Trung, cựu Đại sứ, nguyên cố vấn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, đã có rất nhiều bài viết với tâm huyết của một đảng viên yêu nước, đã kiên trì góp ý với đảng từ 10 năm nay mong đảng trở về với dân tộc mà tôi rất cảm kích.
Lấy trách nhiệm của mình với dân với nước, ông Nguyễn Trung không mong một cuộc cách mạng màu hoa này hoa nọ xảy ra trên đất nước của mình vì sợ không tránh khỏi đổ vỡ, vì muốn giữ sổ lương hưu cho tất cả mọi người mà tuyệt đại đa số lương này chỉ cho phép sống trong co ro, dè xẻn. Một sự chuyển tiếp hòa bình “kiểu Trần Thủ Độ”, theo ông, cho phép tránh đổ vỡ và không mất sổ lương hưu.
Chúng tôi đều mong muốn điều ông Nguyễn Trung mong muốn. Nhưng để thực hiện được những mong muốn này, mọi người phải xắn tay áo lên, chấp nhận hy sinh, nhất là hàng ngũ đảng viên, để buộc Đảng Cộng sản có cùng mong muốn như chúng ta.
Nâng thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân” nhưng khi không còn con đường nào khác phài buộc lật thuyền, đố ai biết dân sẽ lật thuyền bằng cách nào.
Một số thí dụ về 19 điều đảng viên bị cấm làm mà đảng viên vẫn cứ làm:
Điều 1: “Làm trái hoặc không thực hiện Cương lĩnh chính trị…” thì khi ông Bộ trưởng Bùi Quang Vinh tuyên bố “Kinh tế thị trường là tinh hoa của nhân loại và thể chế kinh tế của Việt Nam phải là thể chế kinh tế thị trường” mà không thèm đếm xỉa đến cái đuôi “định hướng xã hội chủ nghĩa” thì có ai dám đụng đến ông không?
Điều 2: “Truyền bá những quan điểm trái với đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước”, thì khi ông Nguyễn Văn An tuyên bố chế độ này là “đảng làm vua”, “người ta gọi như vậy là đảng trị”, các báo nhà nước đua nhau đăng tải.
Điều 5: “Cùng người khác tham gia viết, ký tên trong một đơn tố cáo”, khi một số đảng viên tố cáo ông Hồ Xuân mãn khai gian, khi Nguyên Thứ trưởng ngoại giao Nguyễn Đình Bin ký tên trong một kiến nghị gửi Quốc hội về Bô xít thì họ đã xem thường điều này và có sao đâu. Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh cũng đã ký tên trong nhiều kiến nghị có sợ gì ai.
Điều 8: “Thiếu trách nhiệm để cơ quan, đơn vị, địa phương do mình trực tiếp phụ trách xảy ra tình trạng mất đoàn kết, tham nhũng, buôn lậu, lãng phí, thất thoát tài sản và các tiêu cực khác“. Hãy nhìn Bộ trưởng Đinh La Thăng với thuộc cấp Vinashin Dương chí Dũng, ông Thăng vẫn không bị đụng đến chân lông.
Điều 17: “Đảng viên không được kết hôn hoặc  con kết hôn với người nước ngoài trái quy định, thì hãy nhìn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã cho con gái lấy chồng quốc tịch Mỹ, lớn lên bên Mỹ, và là con cựu sĩ quan quân đội “Ngụy”. Miễn phê bình.
24/11/2014
Nguyễn Trung Chính
Theo BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét