Pages

Thứ Tư, 26 tháng 11, 2014

Con ông Truyền kê khai tài sản như thế nào?

Bổ nhiệm vào vị trí đội trưởng từ tháng 11-2012 nhưng đến tháng 3-2014, ông Trần Hoàng Anh (con trai ông Truyền) mới kê khai tài sản.

Liên quan đến thông tin về việc kê khai tài sản của con trai ông Trần Văn Truyền là Trần Hoàng Anh (hiện là cán bộ công an), trao đổi với chúng tôi, Đại tá Đoàn Thế Tân, Chánh Văn phòng Công an tỉnh Bến Tre, cho biết: Đại úy Trần Hoàng Anh (sinh năm 1981), hiện là đội trưởng Đội Văn phòng, thuộc Phòng CSGT đường bộ và đường sắt (Công an tỉnh Bến Tre). Theo quy định hiện hành, ông Hoàng Anh thuộc diện phải kê khai tài sản.

Tuy nhiên, ông Tân không nêu rõ tài sản của ông Anh kê khai gồm những gì, với lý do ông không được phép tiết lộ thông tin về bản kê khai tài sản cá nhân của cán bộ.

Một nguồn tin cho biết ông Hoàng Anh được bổ nhiệm chức đội trưởng từ tháng 11-2012. Tuy nhiên, năm 2013 không thấy ông Anh kê khai. Đến ngày 6-3-2014 (trước thời gian này báo chí đã phản ánh về khối bất động sản của ông Truyền), ông Anh mới bắt đầu kê khai tài sản.

Tìm hiểu thêm vấn đề này, một cán bộ Công an tỉnh Bến Tre cho rằng hành vi trên có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật về kê khai tài sản và nếu xác định sai phạm thì các cơ quan chức năng và đơn vị nơi ông Hoàng Anh đang công tác sẽ tiến hành thẩm tra làm rõ và xử lý.

Căn biệt thự ở xã Sơn Đông (TP Bến Tre) do ông Trần Hoàng Anh xin giấy phép xây dựng và đứng tên. Ảnh: T.PHÚC
Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương thì thửa đất hơn 16.000 m2 (ở xã Sơn Đông, TP Bến Tre), nơi tọa lạc căn biệt thự gây xôn xao dư luận đầu năm nay, là do ông Trần Hoàng Anh mua vào khoảng năm 2009-2010 với số tiền hơn 1,4 tỉ đồng. Đến tháng 12-2012, ông Trần Hoàng Anh được UBND TP Bến Tre cấp phép xây dựng căn nhà mà dư luận gọi là “dinh thự khủng”. Tháng 5-2014, UBND TP Bến Tre đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất cho ông Trần Hoàng Anh.

Liên quan đến số tiền xây dựng căn nhà này, theo kết luận trên, ông Truyền có báo cáo giải trình nguồn gốc chi phí đầu tư xây dựng là 11 tỉ đồng. Trong đó, 7 tỉ đồng tiền của vợ chồng ông dành dụm và 4 tỉ đồng mượn của bà Phạm Thị Kim Anh, trú tại khu phố Phước Hậu, phường Long Phước, quận 9, TP.HCM và hiện ông Truyền đang ở căn nhà này.

Nguyên chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre nói về vụ ông Truyền

. Phóng viên: Về nội dung kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, liên quan đến khối tài sản của ông Truyền bị thu hồi, ông có ý kiến gì?

+Ông Nguyễn Thái Xây (ảnh): Việc này báo chí lên tiếng suốt trước đó rồi; Tổng Bí thư cũng đã tuyên bố trên một diễn đàn rằng Ủy ban Kiểm tra Trung ương làm tới nơi tới chốn. Chuyện này công bố cho bàn dân thiên hạ biết bởi vấn đề này đã nổ ra trên diễn đàn Quốc hội, không công bố thì làm sao được.

. Người dân đánh giá vụ ông Truyền:“Cán bộ về hưu mới bị moi và làm thẳng thắn chứ cán bộ cao cấp đương chức, sai phạm đâu có ai dám lôi ra ánh sáng”, ông nghĩ sao?

+ Đúng rồi, tôi xem trên một số phương tiện thông tin đại chúng, thấy báo chí đặt vấn đề: Còn bao nhiêu trường hợp như ông Truyền? Câu hỏi này hàm ý có thể là cán bộ đương chức, cán bộ đã nghỉ hưu... Dư luận quan tâm vì anh Truyền từng đứng đầu cơ quan thanh tra, đi kiểm tra cá nhân, tổ chức sai phạm, làm trái chính sách nhà nước. Vậy mà bản thân anh tích tụ một khối tài sản cá nhân quá lớn, dư luận bất bình là phải.

Chưa nói anh Truyền từng giữ vai trò Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng của trung ương. Và đặc biệt là mỗi lần khi Quốc hội họp hay trên các diễn đàn, anh hay tuyên bố chống tham nhũng rất mạnh. Những câu nói của anh đến bây giờ người ta vẫn còn nhớ và nhắc lại. Nói thật, tôi cũng rất buồn khi biết những thông tin mới đây nhất về khối tài sản của anh.

Tâm Phúc thực hiện

(Pháp Luật)

1 nhận xét:

  1. ÔThiệu nói kg sai về Cộng sản đúg là 1Thánh nhân .Hành động của bè lũ CS giốg từ lúc xh đến giờ đều giốg hệt con Qủy đỏ hồ xà mâu

    Trả lờiXóa