Pages

Thứ Bảy, 15 tháng 11, 2014

G20: Putin lên án lệnh trừng phạt

Ông Putin nói các lệnh trừng phạt sẽ gây hại cho kinh tế toàn cầu
Tổng thống Nga Vladimir Putin nói lệnh trừng phạt từ Hoa Kỳ và Liên hiệp châu Âu (EU) sẽ không chỉ gây hại tới Nga mà còn nền kinh tế toàn cầu.
Ông nói rằng lệnh trừng phạt này là một sai lầm, đi ngược lại các hiệp định thương mại và chỉ có Liên Hợp Quốc mới có quyền áp đặt.

Các lệnh trừng phạt được đưa ra để đáp trả việc Nga sát nhập bán đảo Crimea của Ukaine và vai trò của nước này đối với xung đột tại miền đông Ukraine.
Phát biểu trên được ông Putin đưa ra trước thềm hội nghị thượng đỉnh nhóm G20 ở Brisbane, Australia, với chủ đề chủ yếu xoay quanh vấn đề thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Lãnh đạo các nước, bao gồm ông Putin, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang có mặt tại đây để tham dự hội nghị kéo dài hai ngày.
Thủ tướng Úc Tony Abbott nói các nhà lãnh đạo sẽ họp bàn về việc tạo việc làm, phát hiện gian lận thuế và củng cố nền kinh tế toàn cầu.
Một số nước cũng muốn đưa vấn đề biến đổi khí hậu vào chương trình nghị sự, dù Úc vẫn kiên quyết né tránh vấn đề này .
Nhiều người Úc đổ lỗi cho ông Putin vì vụ rơi máy bay MH17

“Bất hợp pháp”

Trong một cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn Itar-Tass, ông Putin nói việc đề cập đến các lệnh trừng phạt tại hội nghị lần này là 'vô nghĩa' nhưng ông vẫn sẽ nói đến nếu được hỏi.
Các lệnh trừng phạt là bất hợp pháp và nó làm tổn hại không chỉ nước Nga mà còn đến nền thương mại thế giới, ông nói thêm.
“Điều này mâu thuẫn với luật pháp quốc tế, bởi lẽ lệnh trừng phạt chỉ có thể bị áp đặt trong khuôn khổ pháp lý của Liên Hợp Quốc và Hội Đồng Bảo An”, ông nói.
Ông Putin cũng nói thêm rằng lệnh trừng phạt đi ngược lại những nguyên tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO mà Hoa Kỳ đã giúp thành lập những nay lại đang có hành vi vi phạm một cách nghiêm trọng.
“Việc này có ảnh hưởng xấu và tất nhiên đang mang lại cho chúng ta một số tổn thất, nhưng nó cũng có hại cho họ, vì về cơ bản, nó hủy hoại hoàn toàn hệ thống của các mối quan hệ kinh tế quốc tế, ông tiếp.
“Tôi tin rằng nó là một sai lầm, thậm chí từ khía cạnh địa chính trị”.
Ông nói rằng nước Nga – một nhà sản xuất dầu và khí đốt với nguồn dự trữ vàng và ngoại tệ dồi dào, có thể đối phó với những lệnh trừng phạt và có thể đáp ứng những “trách nhiệm xã hội”.
Ông Putin cũng cảnh báo Đức rằng 300.000 việc làm tại nước này sẽ đối mặt với rủi ro nếu không có các hợp đồng với Nga.
Hãng tin Interfax của Nga trích lời phát ngôn viên nước này, Dmitry Peskov, nói rằng tổng thống Nga sẽ gặp riêng thủ tướng nước Đức Angela Merkel bên lề hội nghị.
Phóng viên BBC Steve Rosenberg ở Moscow nói lệnh trừng phạt có thể làm gia tăng sức ép cho nền kinh tế và tiền tệ của Nga do đồng rúp tiếp tục mất giá.
Nhiều vòng trừng phạt đã được áp đặt kể từ đầu tháng Ba sau khi Nga sát nhập của Crimea, trong đó bao gồm cả lệnh cấm đi lại, đóng băng tài sản của một số cá nhân và doanh nghiệp.
Các lệnh trừng phạt bổ sung được áp đặt trước cáo buộc Nga đang chi viện quân cho phe ly khai ở miền Đông Ukaine, điều mà Điện Kremlin đã nhiều lần phủ nhận.
Hơn 4000 người thiệt mạng trong các cuộc đụng độ giữa quân đội và quân nổi dậy thân Nga ở các vùng Donetsk và Luhansk ở miền đông.
Ông Putin cũng bị chỉ trích do cáo buộc nói quân ly khai thân Nga đã bắn rơi máy bay MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines.
Rất nhiều người Úc đã kêu gọi cấm ông dự hội nghị.
38 công dân Úc nằm trong tổng số 298 người thiệt mạng khi chiếc máy bay bị bắn rơi trong vùng do quân nổi dậy kiểm soát ở đông Ukaine.
Phương Tây cho rằng quả tên lửa sử dụng trong vụ tấn công được cung cấp bởi Nga.
Nga đã bác bỏ cáo buộc này.

Không có nhận xét nào: