Pages

Thứ Năm, 27 tháng 11, 2014

Giải mã quốc hội CSVN (*)



Đại Nghĩa (Danlambao) - Điều 69 hiến pháp sửa đổi năm 2013 của quốc hội CSVN quy định rõ: 

“Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.

Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của nhà nước”.(VNExpress online ngày 28-11-2013)

Có thật như vậy không, chúng ta thử tìm xem cộng sản nói vậy mà có phải như vậy không? Bà Dương Thu Hương, nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cộng sản Việt Nam cho rằng:

Tôi rất xấu hổ khi nói rằng quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất, có quyền gì đâu mà bảo là cơ quan quyền lực cao nhất. Thế rồi đại biểu quốc hội là đảng viên thì lại không dám phát biểu cái gì theo chính kiến của mình mà lại phải giơ tay đúng với chủ trương của đảng và nhà nước. Cho nên nếu là một đại biểu quốc hội, vừa là đảng viên vừa là đại biểu quốc hội thì trong con người đó hoàn toàn mâu thuẫn, tức là không đảm bảo được quyền lợi của cử tri mà phải thực hiện vai trò đảng viên của mình. Và có thể lúc ấy là phải hy sinh cái quyền lợi của cử tri”.(RFA online ngày 24-6-2014)

Cơ quan gọi là quốc hội của CSVN chỉ là một cơ quan của đảng cộng sản trá hình vì những người trong đó trên 90% là đảng viên và số còn lại là những tay sai thân tín; vì thế cho nên quốc hội Việt Nam thực chất không có quyền gì ngoài cái quyền làm theo lệnh của đảng CSVN. 

Tiến sĩ Jonathan London từ Đại học Thành Thị Hong Kong đã kiến nghị:

Bộ Chính trị đảng CSVN nên tăng quyền cho quốc hội bằng việc để cho quốc hội tự chủ hơn với những quyết định đích thực ‘của quốc hội’ nhiều hơn, thay vì là các quyết định như được cho là của đảng”. (BBC online ngày 20-11-2014)

Nhà văn Đại tá QĐND Phạm Đình Trọng, người thường đưa lên những lời phát biểu thẳng thắn, nghịch nhĩ nhưng xây dựng và đầy tâm huyết; nhận định về cái quốc hội CSVN ông nói như sau:

“Từ yêu cầu, đòi hỏi, từ sứ mệnh, trọng trách của Đại biểu quốc hội như vậy chúng ta mới thấy quốc hội của ta không hề có vóc dáng Nhân dân, không hề mang khí phách Nhân dân. Nhìn những gương mặt Đại biểu quốc hội chúng ta thấy rõ quốc hội từ khóa II đến khóa XIII chỉ là cơ quan đảng, cơ quan chính phủ mở rộng. Quốc hội sinh ra chỉ để tạo thêm cho đảng cộng sản, cho nhà nước cộng sản một cơ quan quyền lực cai trị Dân, áp đặt ý chí của đảng cầm quyền cho xã hội, hoàn toàn không phải là cơ quan quyền lực của Dân để ngăn chặn và giám sát sự lạm quyền của quyền lực nhà nước!” (DanLuan online ngày 7-12-2011)

Giáo sư Tương Lai thắc mắc khi một người ngoài đảng CSVN muốn ứng cử phải có sự “hiệp thương” của MTTQ thì mới được đưa vào danh sách ứng cử ?

“Hơn một phần tư thế kỷ là thành viên UBTUMT, tôi nghiệm ra rằng, chính cái ‘cơ chế’ mà báo cáo nêu lên này đã chi phối hoạt động của Mặt trận. Tùy thuộc vào lúc cơ chế ‘cởi ra’ hay là lúc cơ chế ‘buộc vào’ nương theo tư duy của bộ phận lãnh đạo cao nhất mà hoạt động Mặt trận đi vào thực chất hay chỉ đóng vai trò là ‘cây kiểng’. (Boxitvn online ngày 1-3-2011)

Quốc hội CSVN là một cơ chế “đảng cử”, MTTQ “hiệp thương” trước khi “dân bầu” cho chắc ăn, vì thế cho nên ai được đưa tên vào danh sách ứng cử là người đó coi như đắc cử là cái chắc không cần đợi tới dân bầu.

“Nhưng ai được ứng cử là quyền của đảng- GS Trần Hữu Dũng. BVN giải thích thêm: Bởi vì ai trúng ai trượt cũng đều là người do đảng lựa chọn, dân có bầu thế nào thì cũng chỉ nằm trong vòng tay êm ái của đảng mà thôi. Thế mới biết Mặt trận đúng là tổ chức của đảng, do đảng và… vì đảng”. (Boxitvn online ngày 23-2-2011)

Như vậy, Đại biểu Nguyễn Văn Yểu cho biết những ứng cử viên dù gì cũng đắc, không cần phải tranh, lỡ khi tranh cử các ứng viên đưa ra những cái xấu của nhau hay cái xấu của cơ quan nào đó của đảng thì vô tình vạch áo cho người xem lưng, vì thế cho nên ông Yểu nói:

“Ở các nước khác có chế độ tranh cử, ở Việt Nam không có tranh cử mà là vận động bầu cử và theo quy định.

Bầu cử khác tranh cử, ứng cử viên không ai tranh ai, khi thực hiện vận động thì không làm phương hại đến lợi ích chung của các cơ quan, đơn vị khác. Có thể nói tốt về các đại biểu khác hoặc các cơ quan khác…” (BBC online ngày 2-5-2007)

Khi quốc hội là cơ quan “đảng cử dân bầu” thì nhiệm vụ của cử tri lúc đi bầu phải làm như thế nào, hảy nghe ông Nguyễn Đình Lộc, nguyên Bộ trưởng Tư pháp nhận xét:

“Tôi đã 75 tuổi rồi, đi bầu rất nhiều lần, đã thấy chúng ta bầu quốc hội như thế nào. Đến ngày bầu cử, chúng ta vào phòng bỏ phiếu; chúng ta được xem danh sách ứng cử viên; chúng ta cũng đọc lý lịch ông này, bà kia; rồi chúng ta chọn… như thế là dân chủ quá rồi còn gì nữa. Nhưng thực ra đó cũng chưa phải là dân chủ, ở chỗ cái danh sách đó: Ai đưa ra? Đó là MTTQ, là Ban bầu cử. Nhưng danh sách đó ở đâu ra?... Nhiều khi hỏi anh em, anh em cũng giật mình, bản thân mình cũng giật mình, là khi sáng bầu xong, tối vui miệng hỏi nhau bầu cho ai thì không mấy ai còn nhớ”. (VNNet online ngày 28-1-2011)

Linh Mục Phan Văn Lợi từ Huế đã từng tẩy chay: không đi bầu!

“Cộng sản Việt Nam gọi ngày 22 tháng 5 là ngày hội của toàn dân, thực chất đó là ngày ‘ô nhục’ của đất nước, vì đây là cuộc bầu cử giả hiệu, chỉ tạo ra cuộc hội gồm những ‘tôi trung của đảng’, đa số các ứng cử viên đều là đảng viên, có một số ngoài đảng nhưng được đảng chọn lọc rất kỹ, có cảm tình, dễ vâng lời đảng. Trong tiến trình chọn lọc các ứng cử viên, có nhiều trò ngăn chặn những ai có thành tâm, thiện chí, cũng bị gạt ra không cho ứng cử”. (RFA online ngày 22-5-2011)

Chúng ta hãy xem tư cách của những ứng cử viên mà “đảng cử”, trong đó có cả “hòa thượng quốc doanh” phát biểu vô tích sự hay một ông “tâm thần nhẹ” chuyên môn công kích, nói xấu bạn đồng viện. Trong kỳ quốc hội họp vừa rồi:

“Dư luận chưa hết bàng hoàng vì lời đề nghị của một vị hòa thượng đại biểu quốc hội rằng quân đội Việt Nam phải mạnh mẽ như Bắc Triều Tiên, thì lại đến chuyện đại biểu Hoàng Hữu Phước bị cho là có triệu chứng tâm thần nhẹ. Thế cho nên có lời bàn rằng nếu muốn ứng cử đại biểu quốc hội thì nên có một cuộc kiểm tra sức khỏe tâm thần”. (RFA online ngày 17-11-2014)

Có lẽ những cử tri Việt Nam từng bỏ công, bỏ của ra để bầu những người đại diện cho mình “bức xúc” khi đọc báo lề phải đưa tin “Đại biểu HĐND TP.HCM vừa chơi game vừa giơ tay biểu quyết”.

“Dù thư ký đang đọc tờ trình xin ý kiến hội nghị nhưng vị đại biểu này vẫn thản nhiên ngồi chơi game đánh bài. Tới lúc nghe đề nghị biểu quyết ông mới giật mình giơ tay trong khi mắt vẫn hướng về màn hình điện thoại”. (TienPhong online ngày 12-7-2014)

Những người trong quốc hội CSVN thường mang trong mình ba vai trò cùng một lúc: đảng viên, nhân viên chính phủ và đại biểu quốc hội. Do vậy mà họ không thể chu tròn trách nhiệm một bại biểu của mình cho nên những cuộc họp quốc hội thường hay lỏng lẻo, thưa vắng như buổi chợ chiều.

“Bảng điện tử tại phiên họp quốc hội sáng 20-11 hiện lên số 405 ‘số đại biểu có mặt’, tức là ít nhất 92 đại biểu quốc hội (chiếm gần 25%) không dự họp

‘Mấy phiên gần đây số đại biểu vắng họp nhiều quá’ ông Lưu than phiền…

Nhưng ngay sau đó chỉ ít phút, khi biểu quyết thông qua Luật hộ tịch thì lại chỉ còn 395 đại biểu có mặt, tức là vắng tới 102 đại biểu. Tại sao con số trên bảng điện tử lại ‘nhảy nhót’ chỉ sau có vài phút như vậy? Chủ tịch quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhận định rằng đó là do ‘có tình trạng đại biểu bấm hộ người khác’…

Giống như trong lớp học, các cô cậu học trò láu cá thường điểm danh hộ cho bạn mỗi khi thầy, cô gọi tên”. (VTC News online ngày 22-11-2014)

Trong khi quân bành trướng Trung cộng đưa giàn khoan HD 981 xâm phạm vùng biển nước nhà mà quốc hội bát nháo vô tâm chỉ lo bàn chuyện tào lao trong khi chẳng có lời nào bàn về chuyện quan trọng của đất nước mà lại:

“Có thể độc giả khó lòng tin được chuyện Thường vụ quốc hội trong buổi họp chiều 15-7 đã bàn về…cách quản lý giá mì tôm bán ở các sân bay nước ta nhưng đó là chuyện có thật…

Ngược lại, Phó chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lại nói: ‘Một bát mì tôm thì chúng ta định giá làm gì?” (KinhTeSaiGon online ngày 16-7-2014)

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa của thành phố Sai Gòn đề nghị quốc hội nên đưa ra nghị quyết về Biển Đông thì:

“Cơ quan quyền lực tối cao sẽ không ra nghị quyết riêng về Biển Đông…

Ngày 23-6, Phó chủ tịch quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, dù có đề xuất từ đại biểu về việc quốc hội cần có nghị quyết riêng với vấn đề Biển Đông, nhưng ngay đầu kỳ họp, quốc hội đã thảo luận, trao đổi rất kỹ, công khai và đã có thông báo nêu rõ lập trường chính nghĩa của ta và nói rõ quan điểm xử lý vấn đề Biển Đông ngay sau đó”. (VNEpress online ngày 23-6-2014)

Trong khi cái “cơ quan quyền lực cao nhất nước” ngậm miệng không dám lên tiếng trước việc Trung cộng đặt giàn khoan trong thềm lục địa nước mình thì Thượng viện Mỹ đã làm việc đó thay cho nên nhà nước CSVN hoan nghênh Thượng viện Mỹ mà “không hoan nghênh” quốc hội Việt Nam.

“Việt Nam và Philippines hoan nghênh việc Thượng viện Mỹ thông qua nghị quyết kêu gọi Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương và các lực lượng bảo vệ ra khỏi vị trí tranh cãi hiện nay ở Biển Đông”. (VOA online ngày 15-7-2014)

Đài BBC đưa tin “Các ông nghị cần ngủ nhiều gật ít” cho thấy CSVN đã bất chấp lời can ngăn của các vị lão thành xâm phạm nghiêm trọng di tích lịch sử Thăng Long để xây nhà quốc hội mới đồ sộ cho các ông bà đại biểu vào đấy ngủ thoải mái bất cần thế sự.

“Câu chuyện về một số đại biểu quốc hội Việt Nam ngủ say sưa trong một vài kỳ họp được truyền hình trực tiếp trên VTV3 hiện đang được cộng đồng mạng quan tâm bình luận…

Chỉ trong vòng vài giờ từ khi đăng lên trang Facebook của BBC Tiếng Việt, hai bức hình ‘Nghị ngủ gật’ đã thu hút 1 triệu lượt xem”. (BBC online ngày 20-11-2014)

Trong khi nhân dân phải làm việc đầu tắc mặt tối để có đồng tiền đóng thuế cho nhà nước tổ chức “đảng cử dân bầu” bằng một số tiền khủng khiếp, ấy thế mà các ông, các bà đại biểu lại nhẫn tâm vô tích sự với công việc mà người dân giao phó. 

“Kinh phí cho bầu cử: 700 tỉ đồng”…

Sáng ngày 27-4, tại cuộc họp báo do bộ Nội vụ tổ chức tại Hà Nội, bộ Tài chính cho biết kinh phí cho đợt bầu cử đại biểu quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp sắp tới khoảng 700 tỉ đồng”(SaiGonTiepThi online ngày 27-4-2011)

Trên thực tế ai cũng biết quốc hội CSVN không đại diện cho quyền lợi của người dân mà nó chỉ là tay sai của đảng CSVN chỉ nhằm phục vụ cho quyền lợi của mấy tên lãnh đạo chóp bu trong “nhóm lợi ích” mà thôi, vì thế cho nên có ý kiến:

“Cần xóa cơ chế ‘đảng cử dân bầu’ đó là kiến nghị của trưởng đoàn đại biểu quốc hội TP Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa tại phiên thảo luận Luật tổ chức quốc hội (sửa đổi) ngày 16-6-2014. Vậy trên thực tế cơ chế này là gì và tại sao cần phải xóa bỏ?...

Song trên thực tế từ nhiều chục năm qua quốc hội Việt Nam được dư luận đánh giá là một bức bình phong trang trí, nhằm hợp thức hóa các nghị quyết của đảng CSVN. Có tới 90% đại biểu quốc hội là đảng viên đảng cộng sản”. (RFA online ngày 24-6-2014)

Những quan chức của CSVN ngày nay không ai còn đầy đủ khả năng và tư cách để làm tròn nhiệm vụ được giao phó, cho nên quốc hội CSVN bày ra trò bỏ phiếu tín nhiệm như là một xảo thuật vớt vát cái uy tín bèo bọt. Việc lấy phiếu này được Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng quốc hội cho biết như sau:

“Nếu chúng ta không tìm được trách nhiệm của những người đứng đầu, mà để cho đất nước suy đồi như thế này, làm cho người dân bất bình, bất mãn như thế này thì rõ ràng cuộc bỏ phiếu tín nhiệm đó chỉ làm cảnh cho đẹp. Mà lại còn bỏ phiếu bí mật nữa thì thôi đừng bỏ, vì nó lại càng là phũ phàng cái lòng tin tưởng lần cuối cùng của người dân vào cái cơ quan quyền lực cao nhất”. (RFA online ngày 14-11-2014)

Trong việc tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm, CSVN làm một trò đùa ma giáo lố bịch, cộng trừ sai số lòi cái ngu dốt nên giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, nguyên đại biểu quốc hội khóa khóa XI-XII đã vạch mặt trò chơi dân chủ giả hiệu này như sau:

“Phát biểu tại cuộc tọa đàm, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết nêu thắc mắc về một số điểm mà ông cho là ‘lạ’ và ‘khó giải thích’ có thể hiểu là ‘sai sót’ trong kết quả kiểm phiếu tín nhiệm mà quốc hội Việt Nam công bố hôm 15-11.

…theo ông Huỳnh Văn Tý là Trưởng Ban kiểm phiếu, thì nói là trong kỳ họp này có 485 đại biểu có mặt. Và trong 485 phiếu ấy thì có một số phiếu, tôi xin nhấn mạnh: một số phiếu trắng. Và có một số phiếu chỉ đánh vào hai cột thôi, chứ không phải ba cột: tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp. Thế thì những phiếu ấy, theo đại biểu Huỳnh Văn Tý, Trưởng Ban kiểm phiếu là không hợp lệ.

Thế nhưng mà tôi tra ra là có những vị như là ông Nguyễn Sinh Hùng hay là bàNguyễn Thị Kim Ngân, như là bà Nguyễn Thị Doan, thì vẫn đủ- cộng cả ba loại ấy lại thì vẫn đủ”. (BBC online ngày 20-11-2014)

Vì quốc hội là “đảng hội” cho nên ở đấy chỉ sản sinh ra cái “đảng pháp” chớ không phải là hiến pháp như các nước văn minh.

Tổng bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng đã thẳng thừng tuyên bố:

Tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam tuyên bố hiến pháp đứng sau cương lĩnh của đảng. Đảng CSVN một lần nữa thể hiện nhận thức rằng mình đứng trên pháp luật… tổng bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng rằng hiến pháp của quốc gia là văn kiện đứng hàng thứ hai sau cương lĩnh của đảng”. (RFA online ngày 2-10-2013)

Đảng CSVN dùng quốc hội như là một công cụ để bảo vệ độc quyền cai trị của đảng qua Điều 4 hiến pháp năm 1992 và cả hiến pháp sửa đổi năm 2013.

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang yêu cầu:

“Phải từ bỏ tư duy áp đặt: ‘Hiến pháp là thể chế hóa đường lối, chủ trương của đảng’.

Vì sao phải xóa bỏ Điều 4 hiến pháp?

Đối với đảng tôi cho rằng ‘nên’ xóa bỏ, vì Điều 4 làm mất thanh danh của đảng. Một đảng tự xưng là ‘đội tiền phong cho đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân’, là ‘ngôi sao sáng nhất trong muôn sao’ mà phải dựa vào cưỡng bức của một điều luật và nghĩ rằng buông nó ra tức là tự sát thì còn gì đáng xấu hổ cho bằng! (RFI online ngày 13-9-2010)

Biện minh cho Điều 4 hiến pháp thì cặp bài trùng “lãnh đạo đảng” đã hùng hổ lên gân chụp mũ:

“Trong buổi làm việc với tỉnh ủy Vĩnh Phúc ngày 25-2-2013 TBT đảng CSVNNguyễn Phú Trọng đã phát biểu rằng những ý kiến đòi bỏ Điều 4 hiến pháp, đòi đa nguyên đa đảng, đòi tam quyền phân lập, phi chính trị hóa quân đội, có thể được quy là ‘suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống’. Sau đó, phát biểu với các lãnh đạo thành phố Hà Nội ngày 27-2-2013, Chủ tịch quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã cảnh báo về việc ‘lợi dụng lấy ý kiến về hiến pháp để tuyên truyền vận động nhân dân chống lại đảng, nhà nước’. Theo ông Hùng hành động đó là ‘ngược chiều phải kiên quyết đấu tranh và ngăn chận”. (RFI online ngày 1-3-2013)

Dưới áp lực của đảng CSVN cái quốc hội bù nhìn không đáp ứng nguyện vọng của toàn dân mà chỉ thi hành chỉ thị của đảng CSVN nên đã đưa ra bản hiến pháp năm 2013 theo nhà văn Đại tá Phạm Đình Trọng thì:

“Hiến pháp năm 2013 chỉ dành cho CSVN quyền hạn và lợi lộc mênh mông, vô hạn, đẩy cho người Dân mọi rủi ro, thua thiệt và bất hạnh. Hiến pháp năm 2013 dành cho đảng CSVN được quyền đương nhiên thâu tóm xã tắc, thống trị xã hội. Quân đội, công an là của đảng. Của nổi của chìm trên dải núi sông gấm vóc Việt Nam là của đảng”. (DanLamBao online ngày 27-11-2013)

Trả lời phỏng vấn của RFI về việc sửa đổi hiến pháp như hiện nay luật sư Trần Quốc Thuận cho đây là một bước thụt lùi, ông Thuận nói rõ:

“…theo quan điểm của đảng cộng sản, thì hiến pháp là thể chế hóa cương lĩnh của Đại hội lần thứ 11 (2011). Như vậy, có thể nói là, họ viết lại cương lĩnh đó trong hiến pháp, với văn chương pháp luật, với hệ thống pháp luật. Đúng là như vậy, chứ không có gì khác…

- Cho nên, bây giờ, thực sự là cái (dự thảo) hiến pháp mà đưa ra cho quốc hội thông qua thì đó là cái gần như là bê nguyên văn của cương lĩnh của Đại hội đảng 11 vừa qua. Thì đó là một thực tế của pháp luật Việt Nam”. (RFI online ngày 27-10-2013)

Để kết luận bài viết này, tôi xin mượn lời kết của Blogger Kami trong bài “Việt Nam: còn cần có quốc hội nữa hay không?” đăng trên RFA.

Quốc hội hiện nay ở Việt Nam không hề có một thực quyền gì, chứ không phải là cơ quan quyền lực cao nhất như hiến pháp quy định. Sự có mặt của quốc hội ở Việt Nam thực ra có cũng thế mà không có thì cũng vẫn như vậy. Nó chỉ là bình phong, và phương tiện nhằm hợp pháp hóa các chủ trương chính sách của đảng CSVN và là tô điểm cho bức tranh độc đảng toàn trị ở Việt Nam. Mà ở đó tất cả mọi quyền hành điều khiển đất nước chỉ do một nhóm người nắm quyền lực chi phối. 

Vậy thì ở Việt Nam, sao không để đảng làm hết mọi việc, cần gì phải có quốc hội cho tốn tiền thuế của dân?” (RFA online ngày 13-11-2014)


Đại Nghĩa

_______________________________________

(*) Xin lỗi quý đọc giả, chữ quốc hội và hiến pháp trong bài này tôi không viết hoa ngoại trừ ở đầu dòng vì thực chất nó chỉ là đảng hội và đảng pháp mà thôi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét