Pages

Thứ Tư, 26 tháng 11, 2014

Mỹ điều quân trấn áp bạo động ở Ferguson

Ferguson đã chuẩn bị trước nhưng vẫn không đối phó nổi tình hình
Tiểu bang Missouri ở Hoa Kỳ đã triển khai thêm binh sỹ đến thị trấn Ferguson ngoại ô thành phố St Louis để trấn áp bạo loạn bùng phát từ sự phẫn nộ xung quanh việc một cảnh sát da trắng bắn chết một thanh niên da đen không bị truy tố.

Thống đốc bang Jay Nixon cho biết 2.200 vệ binh quốc gia sẽ được triển khai ở trong và xung quanh St Louis trong ngày thứ Ba 25/11.
Trong lúc này, cảnh sát Darren Wilson đã có phát biểu công khai đầu tiên từ khi nổ ra vụ việc. Ông nói rằng ‘lương tâm của ông trong sạch’.

Bạo động ‘tồi tệ nhất’

Các cuộc biểu tình vẫn tiếp diễn ở Ferguson trong ngày 25/11. Một số tiểu bang của nước Mỹ cũng nổ ra biểu tình phản đối phán quyết của bồi thẩm đoàn.
Michael Brown, 18 tuổi, đã bị Wilson bắn nhiều phát hôm 9/8 ở Ferguson làm bùng phát nhiều tuần bạo động. Bồi thẩm đoàn đã phán quyết rằng viên cảnh sát này sẽ không bị truy tố hình sự.
Các luật sư của nạn nhân đã lên án phán quyết này là ‘bất công’.
Phóng viên BBC Michelle Fleury ở Ferguson cho biết căng thẳng gia tăng trở lại ở đây với người biểu tình đủ mọi lứa tuổi tập trung bên ngoài đồn cảnh sát trung tâm.
Trước đó, những người biểu tình đã phong tỏa một con đường chính ở trung tâm St Louis trong một lúc và các cuộc tập hợp diễn ra bên ngoài tòa nhà tòa án liên bang.
Còn ở thành phố Minneapolis thuộc tiểu bang Minnesota, một chiếc xe đã lao vào người biểu tình đang chặn con đường khiến một người bị thương.
Ở Cleveland, Ohio, hàng trăm người đã phong tỏa giao thông trong một vụ biểu tình riêng rẽ phản đối vụ cảnh sát bắn chết một thiếu niên 12 tuổi.
Ngoài ra biểu tình cũng diễn ra ở New York, Atlanta, Boston và Los Angeles.
Con số 2.200 binh sỹ được triển khai đến Ferguson là tăng lên từ số 700 người được triển khai và đêm trước vốn không ngăn chặn được điều mà viên cảnh sát trưởng gọi là ‘bạo lực tồi tệ nhất mà thị trấn này từng chứng kiến’.
Phát biểu ở Chicago hôm thứ Ba ngày 25/11, Tổng thống Barack Obama nói ‘không có gì có thể bào chữa’ cho những hành động phá hoại và tội phạm và rằng những kẻ chịu trách nhiệm sẽ bị khởi tố.
Sự bất bình với quyết định của bồi thẩm đoàn, theo ông Obama, là có ‘căn nguyên sâu xa trong các cộng đồng da màu vốn có suy nghĩ rằng luật pháp của nước Mỹ không được thực thi một cách đồng nhất và công bằng’.

‘Tôi đã làm đúng’

Ông Wilson đã có phát biểu công khai đầu tiên
Phần lớn các tranh cãi xung quanh vụ việc tập trung vào chi tiết Michael Brown đã giơ tay đầu hàng Darren Wilson nhưng vẫn bị bắn, nhưng công tố viên tiểu bang Robert McCulloch nói các bằng chứng thực tế trái ngược những gì các nhân chứng khai.
Phát biểu trên kênh ABC, cảnh sát Wilson nói ông không thể làm khác đi những gì ông đã làm. Ông nói ông đang lo sợ cho tính mạng của mình.
“Lý do mà lương tâm tôi trong sạch là vì tôi biết tôi đã làm đúng,” ông nói.
Ông Wilson đã lấy phép để nghỉ kể từ khi xảy ra vụ việc. Ông bác bỏ lời khai của nhân chứng rằng nạn nhân Michael Brown đã giơ tay hàng.
Ông khẳng định rằng sắc tộc không có vai trò gì ở đây cả và nếu nghi phạm là người da trắng thì ông cũng hành động như vậy.
Hơn 80 người đã bị bắt ở một số nơi ở St Louis trong đêm thứ Hai ngày 24/11, trong số đó 61 người là ở Ferguson với các tội danh liên quan đến ăn trộm và xâm nhập trái phép.
Thị trưởng Ferguson, James Knowles, phê phán điều mà ông gọi là ‘sự chậm trễ trong việc triển khai vệ binh quốc gia’. Ông nói việc này không diễn ra sớm để ‘bảo vệ các cơ sở kinh doanh’.
“Sinh mạng và tài sản cần phải được bảo vệ. Người dân ở đây xứng đáng được sống trong yên bình,” Thống đốc Nixon phát biểu hôm 25/11 khi giải thích quyết định triển khai thêm quân lính.
Trước đó, ông Benjamin Gump, luật sư của gia đình Michael Brown, đã gọi phán quyết của bồi thẩm đoàn là ‘đổ vỡ’ nhưng cũng cho biết gia đình Brown lên án các hành động bạo lực.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét