Pages

Chủ Nhật, 23 tháng 11, 2014

MỸ KHẲNG ĐỊNH CHÍNH SÁCH “XOAY TRỤC” Ở CHÂU Á - THÁI BÌNH DƯƠNG VÀ TĂNG CƯỜNG CAN DỰ VÀO BIỂN ĐÔNG

BienDong.Net: Trước những đồn đoán hoài nghi về chính sách của Mỹ đối với Châu Á - Thái Bình Dương và đối với Biển Đông, gần đây các nhà lãnh đạo Mỹ liên tiếp khẳng định lại chính sách “tái cân bằng chiến lược” ở Châu Á - Thái Bình Dương nói chung và quan điểm của Mỹ đối với vấn đề Biển Đông nói riêng.
Ngày 5/11/2014, phát biểu tại Trường Quan hệ quốc tế Cao cấp Johns Hopkins, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tái khẳng định tầm quan trọng của Châu Á - Thái Bình Dương trong chính sách toàn cầu của Mỹ. Một mặt, ông Kerry coi việc củng cố quan hệ Mỹ - Trung là “một bộ phận chủ chốt” của chính sách “tái cân bằng chiến lược” ở Châu Á - Thái Bình Dương.

Về vấn đề Biển Đông, Ngoại trưởng John Kerry nhấn mạnh: “Mỹ có lập trường mạnh về cách thức mà các yêu sách được theo đuổi và cách thức các tranh chấp được giải quyết”. Tuyên bố này của Ngoại trưởng Mỹ đã xác định một cách rõ ràng hơn quan điểm của Mỹ trên vấn đề Biển Đông từ chỗ “quan tâm” lên thành “có lập trường” đối với cách thức mà các bên theo đuổi các yêu sách ở Biển Đông và cách thức giải quyết tranh chấp ở Biển Đông. Trước đó, trong một phát biểu công khai của mình, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Michael Fuchs ngày 11/7/2014 nói rằng: “Mỹ rất quan tâm đến cách thức mà các nước giải quyết tranh chấp cũng như việc các yêu sách của các nước có phù hợp với luật biển hay không?”. Quan điểm mới của Mỹ được ông John Kerry đưa ra tạo cho Mỹ một khả năng rộng lớn hơn trong can dự vào hành động của các nước liên quan đến đòi hỏi chủ quyền và xử lý tranh chấp ở Biển Đông.
Ngày 15/11/2014, trong bài diễn văn phát biểu tại Đại học Queensland, Australia, bên lề Hội nghị Thượng đỉnh lần 8 Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20), Tổng thống Mỹ Barack Obama khẳng định chính sách “tái cân bằng chiến lược” của Mỹ ở Châu Á - Thái Bình Dương; nhấn mạnh Mỹ là một phần quan trọng đối với thế cân bằng sức mạnh tại Châu Á và Washington mong muốn gia tăng vai trò của mình trong khu vực. “Chúng tôi sẽ tiếp tục tham gia sâu sắc hơn, sử dụng mọi yếu tố thuộc về sức mạnh Mỹ”, ông nói.
Tổng thống Obama khẳng định Mỹ sẽ hợp tác chặt chẽ với các nước nhằm tăng cường vị thế của họ, từ đó, những nước lớn không thể “bắt nạt các quốc gia nhỏ bé” - cụm từ thường dùng trong một số tài liệu tham khảo liên quan đến vấn đề tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á. Ông Obama nhấn mạnh Washington đang lên kế hoạch chia sẻ sức mạnh trên biển cùng các nước ở Châu Á, đồng thời, tìm ra điểm chung về lợi ích quân sự với Việt Nam cũng như tăng cường khả năng hàng hải của nước này.
Ông Obama bày tỏ mong muốn tìm ra điểm chung về lợi ích quân sự cũng như tăng cường khả năng hàng hải của Việt Nam và tăng cường quan hệ với các nước Châu Á khác. “Mỹ sẽ tiếp tục mở rộng hợp tác với các các cường quốc đang lên và các nền kinh tế đang lên. Chúng tôi dự định hỗ trợ Việt Nam theo đuổi những cải cách kinh tế và khả năng hàng hải mới. Chúng tôi sẽ tiếp tục thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện với Indonesia, nước là ví dụ điển hình cho sự đa dạng... Chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng quan hệ với Malaysia, trung tâm đang phát triển của các doanh nghiệp và của sự sáng tạo. Chúng tôi hỗ trợ cho vai trò lớn hơn ở Châu Á - Thái Bình Dương của Ấn Độ”, ông Obama nói.
Mặt khác, Tổng thống Obama yêu cầu Trung Quốc phải tuân thủ những quy tắc về ứng xử trên Biển Đông với các nước láng giềng. Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ hỗ trợ nỗ lực của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) nhằm đạt đến một bộ quy tắc ứng xử chung với Trung Quốc để tăng cường luật pháp quốc tế trên Biển Đông”. Đồng thời ông Obama tỏ ý muốn các nước lớn như Ấn Độ tăng cường hỗ trợ và đảm nhận những trọng trách lớn hơn tại Châu Á - Thái Bình Dương. Ông Obama nói: “Cùng nhau, chúng ta có thể cải thiện an ninh, duy trì tự do hàng hải và khuyến khích các nước giải quyết tranh chấp lãnh thổ một cách hòa bình”.
Trước đó, ngày 13/11/2014, phát biểu tại Diễn dàn cấp cao Đông Á tổ chức ở Myanmar, Tổng thống Barack Obama yêu cầu các bên thực hiện nghiêm túc đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), yêu cầu chấm dứt các hoạt động lấp biển mở rộng các bãi ở Biển Đông để duy trì nguyên trạng ở Biển Đông.
Đáng chú ý là bên lề Hội nghị G20 tại Úc, ngày 16/11/2014 với sự tham gia của Tổng thống Brack Obama, Hội nghị Thượng đỉnh của 3 nước Mỹ, Nhật, Úc đã ra Tuyên bố lần đầu tiên kêu gọi giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, đồng thời khẳng định việc thúc đẩy tự do, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở khu vực./.
BDN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét