Pages

Thứ Bảy, 8 tháng 11, 2014

Mỹ sẽ thể hiện cam kết với Châu Á thế nào tại thượng đỉnh APEC và Đông Á?

Việt Hà, phóng viên RFA

000_Hkg10116144.jpg

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) và Ngoại trưởng Trung Quốc Wang Yi gặp gỡ bên lề Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại Bắc Kinh ngày 07 tháng 11 năm 2014.
 AFP PHOTO / Nicholas Kamm

Nghe Bài Này

Chỉ còn vài ngày tới, Tổng thống Hoa Kỳ Barrack Obama sẽ lên đường dự thượng đỉnh APEC tại Bắc Kinh và Đông Á ở Myanmar từ ngày 10 đến 14 tháng 11. Đây là chuyến thăm đã được các nước châu Á trông đợi từ lâu sau hai năm Tổng thống Hoa Kỳ không thể đến dự thượng đỉnh APEC vì các vấn đề nội bộ của nước Mỹ và Đảng dân chủ. Liệu chuyến đi lần này của Tống thống Hoa Kỳ có cho các nước châu Á Thấy một cam kết mạnh mẽ hơn trong chiến lược chuyển trục về châu Á của Mỹ?

Thách thức về kinh tế và an ninh

Sau hai năm lỡ hẹn với châu Á, năm nay, Tổng thống Hoa Kỳ Barrack Obama sẽ lên đường tới châu Á dự thượng đỉnh APEC ở Bắc Kinh và Đông Á tại Myanmar từ ngày 10 đến 14 tháng 11. Theo các chuyên gia quốc tế, chuyến đi lần này của Tổng thống Mỹ vừa phải thể hiện sự cam kết về chiến lược lâu dài với châu Á nhưng cũng vừa không gây căng thẳng Trung Quốc, cường quốc làm nhiều nước láng giềng châu Á lo lắng vì những tranh chấp chủ quyền trên biển trong các năm qua.
Không ai nghĩ là chúng ta đang hướng đến một đối đầu trực tiếp với Trung Quốc. Nhưng liệu chúng ta có thể khiến Trung Quốc ngừng gặm nhấm tại các vùng biên giới, nhất là trên biển ở châu Á?
-TS Patrick Cronin
Một trong những thách thức được nói đến nhiều nhất trong các bình luận trước chuyến đi của Tổng thống Obama là đàm phán hiệp định xuyên Thái Bình Dương TPP giữa 12 nước. Đây là một cam kết về mặt kinh tế của Mỹ với các nước châu Á Thái Bình Dương nhưng đàm phán này đã kéo dài quá lâu mà trở ngại lớn nhất hiện tại chính là những bất đồng giữa Mỹ và đồng minh lâu năm Nhật Bản liên quan đến vấn đề cắt giảm thuế của Nhật đối với một số mặt hàng nông sản chính. Tại APEC và thượng đỉnh Đông Á, Tổng thống Obama sẽ gặp Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và đây là cơ hội cho hai bên thảo luận về tương lai tốt đẹp hơn một khi TPP được hoàn tất.
Tuy nhiên Trung Quốc cũng đang muốn đưa đàm phán về Hiệp định tự do thương mại khu vực châu Á Thái Bình Dương (FTAP) vào trong nghị trình của APEC. Đây là hiệp định do Trung Quốc đề xướng và được coi là đối trọng với hiệp định TPP của Mỹ vốn không bao gồm Trung Quốc.
Thách thức thứ hai chính là cam kết về an ninh của Mỹ với khu vực châu Á Thái Bình  Dương trước một Trung Quốc đang lên. Nói về thách thức này, Tiến sĩ Patrick Cronin, Giám đốc Trung tâm châu Á Thái Bình Dương thuộc Trung tâm An ninh Mỹ mới cho biết trong họp báo vào ngày 27 tháng 10 như sau:
“Không ai nghĩ là chúng ta đang hướng đến một đối đầu trực tiếp với Trung Quốc. Nhưng liệu chúng ta có thể khiến Trung Quốc ngừng gặm nhấm tại các vùng biên giới, nhất là trên biển ở châu Á? Và tại đó chúng ta đã bị thử thách, không phải chỉ có Mỹ, mà cả với Nhật Bản, Đông Nam Á tại biển Đông. Làm thế nào chúng ta có thể đưa ra được một tái định nghĩa về biên giới trê biển ở châu Á. Đó là đường đứt khúc 9 đoạn hay 10 đoạn ở biển Đông. Đó là một sự xâm nhập quanh các đảo và vùng nước đang tranh chấp ở biển Hoa Đông và các nơi khác. Cho nên đó sẽ là một phép thử được tiếp tục. Tôi không nghĩ điều này sẽ được đề cập tại APEC.”
001_GR368325.jpg
Bản đồ Biển Đông với đường lưỡi bò do TQ đơn phương công bố nhằm chiếm trọn Biển Đông, vị trí dàn khoan HD 981 và dàn khoan thứ hai do TQ thiết lập hồi tháng 6 năm 2014.
Mặc dù vấn đề tranh chấp biển Đông có thể không được đề cập tại APEC, nhưng theo học giả Murray Hiebert thuộc Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế, vấn đề này sẽ là một thách thức phải nói tới tại thượng đỉnh Đông Á. Ông cho rằng Tổng thống Obama nên tận dụng cơ hội này lên tiếng ủng hộ những sáng kiến đưa ra trước đó của Mỹ về việc kêu gọi các nước phải làm rõ những đòi hỏi về chủ quyền trên biển Đông và đóng băng mọi hoạt động nhằm làm phức tạp thêm tình hình.
Trong khi đó, nhà nghiên cứu về biển Đông của Việt Nam, học giả Đinh Kim Phúc thì tỏ ra nghi ngờ về cam kết hợp tác an ninh của Hoa Kỳ tại châu Á từ trước tới nay.
“Từ khi Mỹ tuyên bố chuyển trọng tâm chiến lược về khu vực châu Á Thái Bình  Dương thì ta thấy rằng Mỹ cũng chưa có một chiến lược gì cụ thể, đối sách gì cụ thể để thể hiện quyết tâm của Mỹ ngoài chuyện tuyên bố. Ngoài những chuyện tuyên bố của Mỹ về những điểm nóng ở biển Đông thì cũng chung chung tức là bảo đảm tự do hàng hải, tuân thủ hiến chương Liên Hiệp Quốc về luật biển mà Mỹ là một bên không ký luật biển của Liên Hiệp Quốc do đó Trung Quốc dựa vào đó để tấn công Mỹ nói là Mỹ không có quyền can thiệp công việc nội bộ của các nước Đông Nam Á có va chạm về chủ quyền với Trung Quốc ở biển Đông. Chúng ta thấy rằng về mặt lý mà nói thì Mỹ cũng thất thế trong vấn đề này mặc dù việc Mỹ ký hay không ký luật biển của Liên Hiệp Quốc nằm ở khía cạnh khác chứ không phải nó đe dọa tự do hàng hải của Mỹ trên toàn thế giới.”

Cuộc gặp Mỹ Trung

Trong chuyến đi lần này tới Bắc Kinh, Tổng thống Obama cũng sẽ gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Chuyên gia về Trung quốc thuộc Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế, bà Bonnie Glaser nhận định về cuộc gặp giữa hai bên với nhiều điểm tích cực.
Tôi thấy chuyến đi này của Tổng thống Obama sẽ mang nhiều thông điệp tốt cho quan hệ Mỹ Trung nhưng nó sẽ có tác động khó để lường trước trong mối quan  hệ chiến lược ở Đông Nam Á.
-Đinh Kim Phúc
“Cả hai nước đều mong muốn có quan hệ ổn định và tích cực. Họ có thể nói chuyện về một dạng thức mới về quan hệ giữa các cường quốc và họ nhìn nhận về những tiến triển trong khía cạnh này ra sao. Họ có thể xác định những vùng mà hai nước có thể hợp tác tốt hơn. Tôi nghĩ hai bên sẽ nói chuyện về những vấn đề giữa hai nước một cách thẳng thắn và cố gắng điều hòa căng thẳng. Có nhiều vấn đề mà hai nước không đồng ý với nhau nhưng lãnh đạo hai nước đều nhìn thấy tầm quan trọng trong việc kiểm soát các vấn đề này và ngăn chặn không để nó trở thành vấn đề có thể ảnh hưởng xấu đến quan hệ hai nước. Quan hệ quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc là một điểm sáng trong quan hệ hai nước. Cả hai nước đều đang xây dựng những thói quen  để củng cố quan hệ, tham gia tập trận, họ có thể làm việc cùng nhau nếu có những vấn đề như bão, hay động đất xảy ra trong khu vực. Đã có sự viếng thăm giữa tàu bệnh viện của Mỹ và Trung Quốc vừa qua. Đây là một câu chuyện tích cực và hy vọng có những câu chuyện tích cực khác nữa.”
Học giả Đinh Kim Phúc của Việt Nam cho rằng những dấu hiệu về một thông điệp tốt trong quan hệ Mỹ Trung sau cuộc gặp giữa lãnh đạo hai nước lần này có thể tạo một lo ngại đối với cam kết về an ninh của Mỹ tại khu vực.
“Tôi thấy chuyến đi này của Tổng thống Obama sẽ mang nhiều thông điệp tốt cho quan hệ Mỹ Trung nhưng nó sẽ có tác động khó để lường trước trong mối quan  hệ chiến lược ở Đông Nam Á.”
Mặc dù vậy, học giả Bonnie Glaser thì cho rằng thực sự không một nước nào muốn có một đối đầu trực tiếp giữa hai cường quốc ở châu Á.
“Không một nước nào muốn quan hệ Mỹ Trung căng thẳng đến mức đối đầu hay thậm chí là xung đột quân sự. Nhưng không một nước nào muốn Mỹ và Trung Quốc là đồng minh, đối tác hay đạt được thỏa thuận trên mất mát của nước khác. Khi Tổng thông Obama và Chủ tịch Tập Cận Bình gặp nhau ở Sunnylands vào năm ngoái, đã có lo lắng nhất định trong khu vực về một dạng thức quan hệ giữa hai cường quốc theo kiểu G2 và quyền lợi của các nước vì thế sẽ bị phá hoại. Nhưng bây giờ, tức là một năm sau đó, phần lớn các nước theo tôi lo lắng nhiều hơn về căng thẳng giữa hai nước. Cho nên tôi nghĩ thông điệp cần gửi ra bây giờ là Mỹ và Trung Quốc cần điều hòa căng thẳng giữa hai nước và họ có thể chung sống hòa thuận và có thể tìm được những chỗ để có thể hợp tác.”
Học giả Đinh Kim Phúc của  Việt Nam cũng đồng tình với ý kiến cho rằng một đối đầu trực tiếp giữa Mỹ và Trung Quốc tại châu Á là không có lợi cho các nước đang có tranh chấp với Trung Quốc. Tuy nhiên, theo ông, Hoa Kỳ vẫn cần thể hiện một cam kết rõ ràng hơn với các nước trong khu vực, trong khi tìm cách duy trì quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc
.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét