Pages

Thứ Tư, 5 tháng 11, 2014

Nga-NATO "giương oai diễu võ" đe dọa nhau

(VnMedia) Nga sẽ tăng cường sức mạnh phòng thủ của mình để đối phó với kế hoạch thúc đẩy sự hiện diện quân sự của NATO ở Châu Âu. Đó là tuyên bố vừa được đặc phái viên Nga tại NATO đưa ra trong cuộc trả lời phỏng vấn một tờ báo của nước này. 

“NATO không thể phớt lờ một sự thật là việc tăng cường cấu trúc quân sự của khối này luôn bị các nhà hoạch định chiến lược quân sự của chúng tôi theo sát, và Nga sẽ thực hiện những biện pháp cần thiết để tăng cường sức mạnh phòng thủ nhằm đối phó với tất cả các mối đe dọa có thể xảy ra”, ông Alexander Grushko nói với nhật báo Kommersant.


Ảnh minh họa 
NATO đang tăng cường sức mạnh quân sự mạnh mẽ nhất kể từ khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine bùng phát. Sau khi Crimea sáp nhập vào Nga hồi tháng 3 vừa qua, khối liên minh quân sự gồm 28 thành viên này đã đẩy mạnh sự hiện diện quân sự của mình ở các khu vực sát biên giới phía tây của Nga, đồng thời gia tăng các chuyến bay quân sự sát vùng không phận của nước này. 


Ông Alexander Grushko cho rằng, NATO đang lợi dụng cuộc khủng hoảng ở Ukraine như một cái cớ để thực hiện âm mưu bành trướng, tiến tới một cuộc chiến tranh lãnh thổ.

Ông Grushko còn cho rằng, thay vì tham mưu cho “các đối tác đặc biệt của họ” tại Kiev về việc nghiêm túc tuân thủ hiệp định Minsk và mở các cuộc đối thoại chính trị toàn diện với đại diện lực lượng ly khai tại miền đông, thì NATO lại “nhắm mắt làm ngơ” khi các nhà chức trách Ukraine vi phạm các quy định.

Đặc phái viên Nga tại NATO cũng tố các quan chức của liên minh quân sự phương Tây đã liên tục đưa ra các con số vô căn cứ, cáo buộc Nga làm mất ổn định tình hình tại Ukraine, trong khi Moscow đang cố gắng hết sức để tháo ngòi căng thẳng.

Mối quan hệ giữa Nga và NATO đã rơi vào bế tắc kể từ khi khối liên minh quân sự cáo buộc Nga “nhúng tay” vào tình hình ở Ukraine, một cáo buộc mà Nga ra sức bác bỏ. Sau sự sáp nhập của Crimea vào Nga, NATO đã gia tăng sự hiện diện quân sự của mình tại các quốc gia nằm sát biên giới với Nga như một cách “dằn mặt” như Ba Lan, một số quốc gia vùng Baltic thuộc Liên xô cũ như Latvia, Lithuania và Estonia.

Trước đó, hồi tháng 4, NATO đã tuyên bố phong tỏa mối quan hệ hợp tác với Nga, chỉ duy trì các cuộc tiếp xúc ở cấp đại sứ.

NATO muốn Mỹ tăng quân tới Ba Lan và Baltic 
Trong một diễn biến liên quan, để đối phó với cái gọi là "các mối đe dọa tiềm tàng" từ Nga, NATO vừa yêu cầu Lầu Năm Góc đưa thêm quân tới Đông Âu.

NATO viện dẫn tình hình hiện tại ở Ukraine, cũng như việc các chiến đấu cơ Nga “xâm nhập” không phận các quốc gia thành viên của tổ chức.

“Do những áp lực gia tăng tại Đông Âu hiện nay cũng như các biện pháp trấn an đồng minh mà chúng tôi đang thực hiện tại các nước Baltic, Ba Lan và Romania, chúng tôi yêu cầu có thêm sự hiện diện luân phiên của binh sĩ tại đây”, Tướng Philip Breedlove, Chỉ huy liên quân NATO tại châu Âu, tuyên bố tại cuộc họp báo ở Lầu Năm Góc sáng 3/11.

“Chúng tôi đang hợp tác với quân đội và các lực lượng khác để có thể đưa binh sĩ của mình đến các khu vực nói trên nhằm tăng cường khả năng phối hợp của quân đội Mỹ với các đồng minh và các đối tác của NATO”, ông Breedlove nói.

Hãng tin RT của Nga cho biết, xe tăng Mỹ đã đến Latvia vào giữa tháng 10 nhằm giúp NATO thể hiện sức mạnh của mình đối với Nga. Hiện đang có 750 binh lính Mỹ đồn trú tại Ba Lan và các quốc gia Baltic, tuy nhiên khối liên minh quân sự vẫn cho là chưa đủ.

Ngoài ra, các binh sĩ của Sư đoàn Kỵ binh 1 đóng quân tại Fort Hood ở Texas của Mỹ đã được điều động đến Estonia, Litva và Ba Lan trong một chiến dịch kéo dài tới 3 tháng để hỗ trợ huấn luyện. Sư đoàn này được trang bị nhiều xe tăng M-1 Abrams và xe bọc thép Bradley.

Tư lệnh Lữ đoàn 1 của Sư đoàn Kỵ binh 1 - ông John Di Giambattista cho biết: “Đây không chỉ là việc đưa quân qua Đại Tây Dương và tham gia vào một đợt huấn luyện đa quốc gia. Đây là cách chúng tôi thể hiện cam kết của mình trong việc trấn an các đồng minh NATO”.

NATO nhiều lần bày tỏ sự quan ngại về sự gia tăng đáng kể những hành động xâm phạm không phận châu Âu của các máy bay chiến đấu và máy bay ném bom của Nga.

“Điều quan trọng ở đây là, trong quá khứ, hầu hết các vụ xâm phạm chỉ đơn thuần là một nhóm nhỏ các máy bay của Nga, nhiều khi chỉ là 1 hoặc 2 chiếc. Nhưng, những gì mà các bạn chứng kiến trong tuần qua là việc một phi đội máy bay có quy mô lớn hơn và đội hình phức tạp hơn đã tiến sâu hơn và có những hành động khiêu khích hơn”, ông Breedlove nhấn mạnh.

Ông Breedlove tin rằng động thái này của Nga cho thấy nước này muốn chứng tỏ mình là một “siêu cường”. “Theo quan điểm của tôi, Nga muốn gửi một thông điệp đến NATO rằng họ là một “siêu cường. Moscow muốn thể hiện rằng họ có thể gây tác động đến những tính toán của NATO”, ông Breedlove nói.

Tuy nhiên, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết, bà không mấy lo ngại về việc máy bay Nga xâm phạm không phận châu Âu. Trong cuộc họp báo với Thủ tướng Slovenia cuối tuần qua, bà Merkel thừa nhận rằng Nga đã gia tăng các hoạt động quân sự, nhưng vẫn khẳng định: “Tôi không hề lo ngại rằng họ có thể vi phạm không phận châu Âu với mức độ lớn hơn”./Đan Khanh (tổng hợp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét