Pages

Thứ Tư, 26 tháng 11, 2014

Ngân sách Nhà nước VN: Xài cho kỳ hết?

Nếu phá vỡ thói quen “xài cho kỳ hết” ngân sách nhà nước, Việt Nam có thể tiết kiệm được rất nhiều, theo ý kiến của một đại biểu quốc hội trong phiên họp hôm 25/11.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa được VNExpress dẫn lời nói, tâm lý xin ngân sách năm sau cao hơn năm trước có ở hầu hết các ngành, địa phương.

“Sự thật có nơi năm nay chỉ cần chi 80 đồng là đủ, nhưng đã xin được 100 đồng rồi nên phải cố tiêu hết. Vì lo rằng tiêu không hết thì năm sau sẽ bị cắt,” luật sư Trương Trọng Nghĩa nói.
Ông cũng đề nghị đưa ra quy định nếu địa phương có nhu cầu cấp thiết thì dù không tiêu hết ngân sách năm nay năm sau vẫn có thể được cấp nhiều hơn.
Một số đại biểu khác cũng nêu ra các vấn đề về kỷ luật chi tiêu ngân sách nhà nước, nợ công và các khoản vay của nhà nước.

Tiêu xài 'tùy tiện'

Việt Nam sẽ tiết kiệm được nhiều nếu có kỷ luật và chính sách chi tiêu hợp lý?
Trong phiên họp hôm 29/10, đại biểu Trần Du Lịch gọi cách sử dụng ngân sách ở Việt Nam là "tùy tiện" và “ăn nhậu vô tội vạ rồi vẫn quyết toán được”, trang VTC trích lời.
Một chuyên gia của Ngân hàng Thế giới, World Bank, gần đây viết cho Vietnamnet về năm khuyến nghị nhằm giúp Việt Nam kiểm soát chi tiêu và vay nợ quốc gia được tốt hơn.
Trong đó, khuyến nghị đầu tiên mà ông Habib Rab đưa ra là nâng cao minh bạch ngân sách nhà nước, nâng cao trách nhiệm giải trình để người dân có thể tham gia đóng góp ý kiến.
Khuyến nghị thứ hai của ông Rab liên quan tới vấn đề kỷ luật trong việc thực hiện kế hoạch chi tiêu; thứ ba là lập ngân sách trung hạn, được cập nhật hàng năm, "phù hợp với các Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và gắn kết với Kế hoạch đầu tư trung hạn", do hiện nay các kế hoạch chi tiêu ngân sách nhà nước được đặt ra cho 5 năm.
Ông Rab cho rằng toàn bộ báo cáo các hoạt động của khu vực công cần được tổng hợp để cả chính phủ và người dân có được cái nhìn toàn cảnh về chính sách tài khóa.
Ngoài ra, khuyến nghị thứ năm là hình thành cơ chế tổng thể về vay nợ của chính quyền đại phương do theo chính sách hiện nay, “ngân sách địa phương không được phép bội chi, và “toàn bộ nợ của địa phương được xử lý ngoài ngân sách nhà nước”, chuyên gia của World Bank viết.
Báo Thanh Niên hôm 25/11 đưa tin về một khảo sát gần đây của Oxfam và một số cơ quan của Quốc hội về kỳ sửa đổi luật ngân sách nhà nước cho thấy không có nhiều người dân biết và hiểu về vấn đề này.
Cuộc khảo sát kết luận rằng, đa phần người dân, dù ở nông thôn hay thành thị đều muốn biết ngân sách nhà nước được chi, thu như thế nào, và việc công khai ngân sách nhà nước cần được thực hiện sao cho dễ hiểu nhất, dễ tiếp cận được nhất.
Các vấn đề về ngân sách nhà nước đang được Quốc hội Việt Nam thảo luận trong tuần từ 24/11/2014.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét