Pages

Thứ Sáu, 28 tháng 11, 2014

'Nghệ thuật chôm đồ' của dân móc túi

Những tay móc túi chuyên nghiệp thường sử dụng nhiều mánh khóe hơn là chỉ có đôi tay khéo léo, Caroline Williams nói, và bọn họ còn biết cách tìm ra điểm yếu của não bộ của chúng ta.
Mẹ tôi như có mắt sau lưng vậy. Bà cũng thường dạy tôi từ hồi tôi còn nhỏ rằng không nên tin người lạ, nhất là những ai cho quà. Thế mà một người đàn ông mang theo bó hoa vẫn cuỗm được tờ 20 euro của bà, mặc dù tay bà khư khư giữ lấy và không để nó thoát khỏi tầm mắt.

“Ông ta nói ông ta quyên tiền từ thiện cho nhà thờ nên mẹ lấy ra đồng 1 euro,” bà kể. “Ông ta nói 'Không, không, nhiều quá' và nói mẹ tìm đồng xu nhỏ hơn trong ví. Chắc lúc đó ông ta cũng lấy luôn tờ 20 euro. Mãi một tiếng sau mẹ mới biết, giờ cảm thấy mình thật ngu ngốc.”
Nhưng bà không nên cảm thấy như vậy. Theo các nhà khoa học thần kinh, não bộ dường như sinh ra là để bị lừa, do có hệ thống nhận diện và tập trung vào những thay đổi bất thường.
Thế nên, điều quan trọng nhất để thành công đối với một kẻ móc túi không phải là có ngón tay linh hoạt, khéo léo, mà là hiểu biết về những sơ hở trong bộ não của chúng ta. Một số tay móc túi thông minh đến nỗi các nhà nghiên cứu phải mời làm việc cùng để hiểu thêm não bộ loài người hoạt động như thế nào.
Điều quan trọng nhất của những sơ hở này là não chúng ta không sinh ra để làm nhiều nhiệm vụ cùng một lúc. Trong phần lớn trường hợp, đây là điều tốt – nó giúp ta lọc bỏ những điểm ít quan trọng hơn trong thế giới xung quanh.
Nhưng nhà thần kinh học Susanna Martinez-Conde, tác giả cuốn Sleights of Mind cho rằng một tên lừa đảo giỏi có thể dùng điểm yếu này để tấn công chúng ta.
Chiêu giả bộ cãi lộn được dân móc túi dùng triệt để trong kỳ Olympics ở London
Cô nghiên cứu Apollo Robbins, một người chuyên biểu diễn nghề móc túi ở Las Vegas.
“Khi Apollo mời người nào đó lên sân khấu,” cô nói, “anh ta khiến họ nhìn vào nhiều đồ vật trong lúc nói chuyện với họ, anh ta cũng chạm vào cơ thể họ, đứng rất gần và tạo ra phản ứng thân thiện khi xâm nhập vào không gian riêng của người ta... Có quá nhiều thứ để họ có thể tập trung.”
Thế nên, dù bàn tay khéo léo cũng giúp được phần nào, điều quan trọng là làm sao để nạn nhân bận rộn chú ý tới những hoạt động khác.
Những người móc túi trên đường phố cũng dùng cách này để tạo điều kiện thuận lợi hơn bằng cách tạo ra tình huống khiến não bộ bị quá tải.
Cách lừa đảo cổ điển được dân móc túi trên khắp thế giới dùng là giả bộ cãi lộn.
Trước tiên, một tên đi ra trước mặt nạn nhân và bỗng nhiên dừng lại sao cho nạn nhân va vào người tên này. Một thành viên khác của băng đảng đứng gần sát đó sẽ va vào cả hai người và bắt đầu vờ cãi nhau với tên đầu tiên.
Trong lúc cãi cọ, một trong hai tên, hoặc cả hai, lấy trộm đồ và chuyền lại cho một thành viên thứ ba, nhanh chóng ôm của chạy đi.
“Mọi người nghĩ rằng móc túi là làm sao đánh lạc hướng nạn nhân để họ nhìn ra chỗ khác nhưng thực ra là đánh lạc hướng tâm trí họ về một điều gì đó khác,” James Brown nói. Ông là người chuyên biểu diễn móc túi và thôi miên ở Anh.
“Nếu tôi muốn bạn không nhìn vào một vật gì đó trên bàn nữa thì cách tốt nhất là tôi phải có lý do gì đó để bạn nhìn vào thứ khác.
“Nếu tôi đưa cho bạn hai hay ba thứ khác nhau để bạn phải chú tâm vào đó, còn thứ mà tôi muốn bạn không nhìn vào thì lại không ở trước mắt bạn thì càng tốt, vì lúc này bạn đang có cảm tưởng là bạn có quyền chọn lựa.”
Dân móc túi thường tụ tập quanh những nơi có biển cảnh báo nạn móc túi
Các chiến thuật khác đánh vào tâm lý nhiều hơn. Dân móc túi thường tụ tập gần nơi có biển báo “Cẩn thận móc túi”, bởi phản ứng đầu tiên mà chúng ta thường làm là kiểm tra xem mình còn đồ có giá trị hay không, để lộ cho kẻ móc túi thấy nơi ta cất đồ.
Trong trường hợp của mẹ tôi, độc chiêu của tên trộm là xuất hiện dưới dạng một người đáng tin cậy. “Ông ta rất dễ chịu và rất đáng yêu. Không phải kiểu người khiến ta phải nghi ngờ,” bà nói.
Brown cho rằng, tự tin cũng đóng vai trò quan trọng. “Thủ đoạn lớn nhất mà dân biểu diễn móc túi và những kẻ móc túi trên đường phố thường làm là tạo sự tin cậy từ bạn, chỉ đơn giản là khiến bạn xiêu lòng nhờ vẻ tự tin,” ông nói.
Trên lý thuyết, ông nói thêm, riêng khả năng đề xướng thôi cũng đủ để thuyết phục người thông minh nhất tự nguyện trao đồ đạc của nả rồi.
Năm 2009, một nhân viên ngân hàng đưa 80.000 đô la Mỹ tiền mặt cho một phụ nữ rõ ràng đã thôi miên cô.
“Nếu bạn có một chút liên hệ với ai đó và họ tin bạn, thật dễ!” Brown nói.

Chuyển động thông minh

Apollo Robbins biểu diễn móc túi
Trên sân khấu, một số cử chỉ nhất định cũng có thể đánh lừa chúng ta.
Khi Apollo Robbins bắt đầu làm việc với Martinez-Conde, anh nói anh có linh cảm rằng nếu anh cử động bàn tay theo một cách nhất định thì có thể điều khiển sự chú ý của người khác.
Robbins nói rằng cách di chuyển tay theo đường thẳng vào không khí giữa hai điểm thì không hiệu quả trong việc thu hút chú ý của người xem bằng việc di chuyển theo vòng cung.
Cử động vòng cung sẽ khiến ánh nhìn của người ta dõi theo bàn tay khum khum và ở lại đó, trong khi đường thẳng sẽ khiến mắt họ quay trở lại điểm ban đầu và ở giữa hai điểm.
Rất thú vị là một thử nghiệm theo dõi ánh mắt cho thấy linh cảm của Robbins là đúng.
Nhưng vì sao?
Martinez-Conde nói điều này hoàn toàn phụ thuộc vào các cử động khác nhau thu hút hệ thống thị giác.
Theo dõi đường vòng cung dùng đến một chuyển động mắt gọi là “smooth pursuit”, khi mắt liên tục hướng theo một vật thể.
Một đường thẳng khiến mắt chuyển động theo kiểu “saccade” – những chuyển động nhỏ, cực nhanh, khi mắt di chuyển từ điểm A đến điểm B chỉ trong tích tắc.
“Khi thực hiện chuyển động saccade, thị giác của chúng ta bị mù trong quá trình chuyển động, thế nên ta có thể nhìn thấy điểm đầu và điểm cuối, nhưng những điểm trong lúc mắt di chuyển thì ta không nhìn thấy,” cô nói.
Tuy nhiên, trong chuyển động trơn "smooth pursuit" thì không có giai đoạn bị mù, mắt dõi theo một vật di chuyển liên tục từ đầu cho tới khi kết thúc.
Người ta thường bị mất đồ khi mải tập trung vào việc khác hay có quá nhiều thứ xảy ra cùng lúc
Cách lý giải này cho thấy vì sao chúng ta có nhiều khả năng dõi theo bàn tay nhiều hơn, là vì với một đường thẳng, đôi mắt sẽ phải quay lại đoạn đầu tiên của chuyển động để nhìn những gì mà não bộ không nhìn được trong lúc mắt dịch chuyển.
Dù lý do có là gì đi nữa, đây có thể là công cụ rất hữu ích cho dân móc túi. “Tùy thuộc vào kẻ móc túi muốn lấy cái gì, nhưng anh ta có thể kết hợp một hay nhiều cử động khác nhau với sự chú ý hay không có sự chú ý của người khác,” cô nói.

Trò mèo

Tất nhiên, nếu bạn muốn thực sự được thử khả năng đánh lừa của ai đó, cách tốt nhất là đi ra quầy bar vào buổi tối sau khi dân tình đã ngà ngà say.
Brown kể anh từng dành cả một đêm thú vị quan sát dân móc túi hoạt động bên ngoài các câu lạc bộ ở Trafalgar Square, trung tâm London.
“Họ có những chiến thuật rất thông minh. Một trong những chiến thuật kinh điển là một cô gái bắt chuyện với bạn từ bên ngoài câu lạc bộ trong lúc người cô ta đưa qua đưa lại rất nhẹ."
"Nạn nhân đó sẽ nghĩ rằng chính họ đang đung đưa người nên để cân bằng lại họ bắt đầu đung đưa người và bị ngã. Nhưng 'chim mồi' rất tốt bụng, cô ta sẽ giúp bạn đứng dậy và có thể bạn cô ta cũng xông tới giúp. Đến sáng hôm sau khi tỉnh cơn say rồi thì cả đồng hồ lẫn ví của bạn đã đi tong.”
Brown cũng cho rằng đa số các tay trộm là những kẻ thấy 'ngon ăn' thì trộm, trộm khi có cơ hội thuận tiện.
Ông cảnh báo rằng tuy không phải ai cũng có kỹ năng cao thủ nhưng họ liên tục cập nhật kỹ năng, công nghệ mới.
Dù sao thì biết thêm về những mánh khóe này có thể giúp bạn cảm thấy ít bị mất đồ quý hơn.
Cách đơn giản nhất, Brown nói, là cảnh giác và ý thức được môi trường xung quanh vì bọn trộm thường không chọn tiếp cận người biết quan sát xung quanh.
Theo như cách của mẹ tôi thì chắc chắn là tránh xa người lạ, nhất là những người cầm theo bó hoa.
Bản gốc tiếng Anh bài này đã được đăng trên BBC Future.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét