Pages

Thứ Tư, 19 tháng 11, 2014

Quản lý thị trường... nếm phân giả?

Việc dùng miệng thử phân chỉ phản ánh rằng cách làm việc của các anh bất chấp pháp luật, hoàn toàn cảm tính và không chuyên nghiệp....

Thông tin trên được Bộ trưởng Bộ Công thương đưa ra ngày 17/11/2014, trước chất vấn của các đại biểu Quốc hội: Tại sao hàng giả, hàng nhái, hàng lậu, hàng kém chất lượng…, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp và hệ thống phân phối hàng bán lẻ, vẫn không thuyên giảm? đã khiến dư luận giật mình. 

Vẫn “công thức trả lời” cũ kỹ, lặp đi lặp lại từ hết phiên họp này đến phiên họp khác, mỗi khi bị chất vấn, rằng chúng tôi đã “có nhiều cố gắng” nhưng vì thế này, vì thế kia… nên tình trạng đó “vẫn không thuyên giảm” như lời chất vấn của đại biểu, nghĩa là lỗi hoàn toàn của... thị trường, chứ không phải ở cơ quan quản lý. Và tôi xin hứa trước Quốc hội rằng… 

Quản lý thị trường... nếm phân giả?
ĐBQH Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) chất vấn Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng
Cử tri không chờ đợi những câu trả lời như vậy. Vì cái lý của họ là: Nếu đã “có nhiều cố gắng” rồi, mà công việc vẫn không hiệu quả, thậm chí “tỷ lệ số vụ việc gian lận, hàng giả năm sau đều cao hơn năm trước”, thì còn để cái cơ quan đó làm gì, để nó ngốn tiền thuế của dân? Hoặc nếu vì một lý do nào đó mà không thể giải tán được nó thì cũng phải ra tay, cải tổ nó một cách quyết liệt. Để sau kỳ họp này, người dân cầm tiền thật ra thị trường không phải mang những hàng rởm về nhà nữa. 

Cái mới duy nhất được ông Bộ trưởng nêu ra khi trả lời chất vấn lần này là ngành Quản lý Thị trường (QLTT) khổ quá, thiếu thốn công cụ, phương tiện quá, đến nỗi để phân biệt một lô phân bón là thật hay giả, cán bộ QLTT phải… dùng miệng nếm. Thật kinh khủng. 

Thật là đã khổ đến tận cùng của nỗi khổ rồi. Nhưng vì sao ông không nêu đích danh người nếm phân đó là ai? Nếm trong trường hợp nào? Và khi biết chuyện đó, ông lại không chỉ đạo xử lý kỷ luật cái anh chàng nếm phân kia? 

Vì sao phải kỷ luật anh ta? Vì cán bộ QLTT là công chức Nhà nước. Đã là công chức, thì anh phải thực thi công vụ theo luật. Các văn bản quy phạm pháp luật về xử lý hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng lậu… đã rất đầy đủ rồi (đó chính là công cụ đấy, thưa Bộ trưởng).

 Trong trường hợp phát hiện một lô phân bón nghi là giả chẳng hạn, việc đầu tiên của cơ quan QLTT là phải lập biên bản, tiến hành niêm phong lô hàng đó lại, buộc chủ nhân của lô hàng phải dừng lưu thông. Sau đó lấy mẫu gửi đi xét nghiệm. 

Trên đất nước này có rất nhiều cơ quan có đủ trình độ và phương tiện, đủ tư cách pháp nhân để làm việc đó. Việc xét nghiệm để đưa ra kết luận về một mẫu phân bón thật hay giả, đủ hay kém chất lượng không quá khó khăn, phức tạp. Kết luận do các cơ quan đó đưa ra đủ làm căn cứ pháp lý để áp dụng chế tài với chủ lô hàng kia, nếu kết luận chỉ ra rằng lô phân bón đó giả hay kém chất lượng.

 Không có một văn bản quy phạm pháp luật nào cho phép cán bộ QLTT dùng miệng mình để thử phân cả. Vì cái miệng anh không phải máy móc thiết bị, bản thân anh không có tư cách pháp nhân để tiến hành xét nghiệm. Nên những kết luận của anh sau khi nếm phân là vô nghĩa, là vi phạm pháp luật. 

Việc dùng miệng thử phân chỉ phản ánh rằng cách làm việc của các anh bất chấp pháp luật, hoàn toàn cảm tính và không chuyên nghiệp. Làm ăn thế, trách nào hàng giả, hàng nhái, hàng lậu, thực phẩm bẩn… chả tràn ngập thị trường, và cứ “đến hẹn lại lên”, năm sau lại cao hơn năm trước?  

VŨ HỮU SỰ

(Nông Nghiệp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét