Quốc hội Việt Nam đang đi một bước lùi khi cơ quan lập pháp cao nhất này quyết định sẽ sử dụng hình thức 'lấy phiếu tín nhiệm kín' trong kỳ họp thứ tám, quốc hội khóa 13 đang diễn ra, theo một nhà nghiên cứu về chính sách pháp luật ở trong nước.
Trao đổi với BBC tuần này, PGS. TS. Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Chính sách Pháp luật & Phát triển từ Hà Nội cho rằng Quốc hội phải 'công khai, minh bạch' từ khâu lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm cho tới khâu xử lý kết quả thu được.
Nhà nghiên cứu nói: "Theo tôi đây là bước lùi. Thứ nhất, Quốc hội là cơ quan dân cử, phản ánh ý chí, nguyện vọng của nhân dân, Quốc hội là cơ quan quyền lực của nhân dân và việc lấy phiếu tín nhiệm để quyết định việc miễn nhiệm hay không miễn nhiệm những chức danh do Quốc hội bổ nhiệm, tức cơ quan hành pháp là chủ yếu.
"Việc đó rõ ràng là quyền lực của nhân dân thì phải thực hiện một cách công khai, một cách rõ ràng, nó có tiêu chí. Ngay tiêu chí ba cấp ấy trong dư luận nhiều người cũng rất băn khoăn, 'tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp', ngay chuyện đó cũng thấy rồi."
Về khâu xử lý kết quả sau khi đo tín nhiệm, ông Giao cho rằng Quốc hội không thể có những hoạt động kiểu 'bí mật' như vậy.
Ông nói: "Thứ hai là kết quả sau khi lấy phiếu tín nhiệm sẽ được sử dụng như thế nào? Đến bây giờ... dường như không việc sử dụng kết quả lấy phiếu tín nhiệm.
"Thế bây giờ lại thêm một bước nữa là lấy tín nhiệm chỉ để bí mật, Quốc hội mà hoạt động bí mật thì nó sai hoàn toàn với nguyên lý là cơ quan dân cử. Cái đó không ở đâu giống cả, ở nhiều nước Quốc hội còn mở cửa cho dân vào và còn dự các kỳ họp của Quốc hội."
'Quốc hội phải mở'
Theo nhà nghiên cứu luật pháp này, cần phân biệt một điểm khác biệt giữa hoạt động của Chính phủ và Quốc hội.
Ông Giao nói: "Chính phủ điều hành đất nước có thể có những vấn đề cần phải bí mật, thế nhưng mà Quốc hội là cơ quan dân cử phải mở.
"Trong chuyện lấy phiếu tín nhiệm, phải để cho dân biết và cũng biết được lập trường của các Nghị sỹ, các Đại biểu đối với người A, người B như thế nào.
Theo nhà nghiên cứu này, Quốc hội có vai trò đại diện cho người dân mà lại giữ kín kết quả đo tín nhiệm hoặc bất tín nhiệm như vậy là 'không ổn'.
Ông nói tiếp: "Vì anh thay mặt dân mà anh lại giữ kín kết quả đó, thì tôi nghĩ không ổn. Nó sẽ không có tác dụng làm cho tính giải trình của cơ quan Hành pháp cao hơn, tính chịu trách nhiệm của những người được lấy tín nhiệm cao hơn.
"Và dường như nó lại rơi vào câu chuyện rằng việc được bổ nhiệm, được tín nhiệm hay là bị bãi nhiệm lại rơi vào việc tùy theo ý chí của một nhóm người có quyền lực - thì không ổn."
Quốc hội Việt Nam trong phiên họp đang diễn ra, theo thông báo, sẽ tiến hành 'lấy phiếu tín nhiệm kín' với một số vị trí quan chức do Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp bầu ra hoặc phê chuẩn.
'Đi ngược xu thế'
Cũng về chủ đề này, hôm thứ Năm, 6/11/2014, từ Sài Gòn, luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Quốc hội của Việt Nam, nêu quan điểm tại một cuộc tọa đàm trực tuyến của BBC.
Ông nói: "Bây giờ bỏ phiếu kín, tôi cho rằng đó là hoạt động không bình thường, vì các vị do Quốc hội bầu và phê chuẩn thì toàn dân đều biết.
"Bây giờ sự tín nhiệm của Quốc hội cũng là sự tín nhiệm của cử tri, thì được bao nhiêu báo cho cử tri biết, tại sao lại kín?
Luật sư Thuận cũng cho rằng đây là một việc đi ngược lại xu thế công khai minh bạch.
Ông nói: "Việc đã làm đại biểu, đã là người công khai chịu trách nhiệm trước cử tri, mà không biết là mình tín nhiệm thế nào, mà bỏ phiếu kín, thì đó là công việc tôi cho là không bình thường, đi lại xu thế chung là xu thế hoạt động ngày càng công khai minh bạch."
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Đại biểu Quốc hội Việt Nam, hôm thứ Năm cũng nêu quan điểm tại cuộc tọa đàm của BBC về vấn đề này.
Ông nói: "Tôi thấy rằng Việt Nam mình luôn đi ngược với thế giới, làm khác với thế giới, và đó là một trong những nguyên nhân làm cho nước Việt Nam lạc hậu, làm cho dân Việt Nam khổ.
"Thế thì chuyện lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm cũng là một chuyện làm ngược đời."
'Để tránh phiền phức'
Theo Giáo sư Thuyết, trên thế giới, không có nước nào làm việc này như Quốc hội Việt Nam và ông giải thích:
"Chia thành hai bước lấy phiếu, song lại bỏ phiếu, lấy phiếu thì 3 mức, chứ không phải 2 mức mà cả ba mức đều là tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp."
Mặt khác, theo ông, việc lấy phiếu tín nhiệm chỉ nên được áp dụng dựa trên sự đề nghị của các Đại biểu Quốc hội để tránh gây phiền phức và mất thời gian cho các quan chức nào đang làm việc tốt mà không có vấn đề gì phải yêu cầu lấy phiếu tín nhiệm hay bỏ phiếu bất tín nhiệm.
Vị cựu Phó Chủ nhiệm một Ủy ban của Quốc hội VN nói:
"Ở các nước, người ta chỉ theo kiến nghị của Đại biểu Quốc hội, thì người ta lấy ý kiến Quốc hội về bỏ phiếu tín nhiệm với một người nào đó cụ thể mà người đó theo Đại biểu là làm việc không tốt.
"Theo tôi tốt nhất là như vậy: đầu kỳ họp mình phát cho các đại biểu một tờ giấy thăm dò, đại biểu nào đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm nào đối với ai thì ghi vào đấy. Và cuối cùng, Ban Tổ chức thống kê xem từ 20% đại biểu trở lên đề nghị bỏ phiếu đối với ông X, ông Y chẳng hạn, thì lúc ấy chúng ta bỏ phiếu.
"Còn những người khác thì để cho người ta làm việc. Mình lúc nào cũng đem ra làm phiền người ta làm gì, tôi cho rằng cách làm của mình chẳng giống ai cả," cựu Đại biểu Quốc hội nêu quan điểm.
ĐCS là chủ xị Qhội là một lũ khùng điên gật đầu cho 16 con chó ăn cướp vơ của về nhà thôi ( thằg hùng hói chả xác nhận đó sao))
Trả lờiXóa