Tình hình Biển Đông sắp tới vẫn căng thẳng và Việt Nam phải nâng cao khả năng dự báo và chuẩn bị cho những bước đi sắp tới của Trung Quốc trên vùng biển này, một chuyên gia đang tham gia một hội nghị quốc tế về Biển Đông nói với BBC.
Hội nghị quốc tế về Biển Đông đã diễn ra ở Đà Nẵng trong hai ngày 17 và 18/11 với sự tham gia của hơn 200 học giả nghiên cứu về vấn đề này, trong đó có học giả đến từ các nước Trung Quốc, Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Ấn Độ, Đài Loan và Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam đưa tin.
Đây là hội nghị thường niên do Học viện Ngoại giao Việt Nam tổ chức. Hội nghị năm nay có có chủ đề: ‘Biển Đông: Hợp tác vì An ninh và Phát triển ở Khu vực’.
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh tình hình Biển Đông trong năm vừa qua rất căng thẳng với việc Trung Quốc đưa giàn khoan và vùng biển có tranh chấp với Việt Nam và đang tiến hành xây cất biến đổi hiện trạng các đảo chìm mà họ đang kiểm soát trên Biển Đông.
Ý đồ của Trung Quốc?
Trao đổi với BBC từ Đà Nẵng, Thạc sỹ Hoàng Việt, một đại biểu dự hội nghị, cho biết các học giả tại hội nghị đều đánh giá tình hình Biển Đông trong năm qua là "rất căng thẳng".
Việc Trung Quốc đang xây cất trên Biển Đông được ông Việt cho là dấu hiệu cho thấy "khả năng sắp tới Biển Đông vẫn còn căng thẳng".
Theo ông Việt, việc xây đắp này của Trung Quốc là "muốn thay đổi hiện trạng", "củng cố vị trí vững chắc của Trung Quốc" ở quần đảo Trường Sa.
Tuy nhiên, ông cho rằng việc làm của Trung Quốc "chỉ có ý nghĩa trên thực tế chứ luật pháp không công nhận".
“Chắc chắn là luật pháp quốc tế không công nhận vì luật pháp dựa trên cấu trúc tự nhiên chứ không phải cấu trúc bồi đắp nhân tạo sau này,” ông giải thích.
Ông Việt cho rằng với việc xây đắp này, Trung Quốc đang tìm cách tăng cường các căn cự quân sự trên vùng biển này để làm bàn đạp tiến tới "thiết lập vùng nhận diện phòng không trên Biển Đông".
Ông cho biết khả năng này đã được các học giả bàn luận đến hội thảo và nhận định nếu xảy ra nó sẽ "gây căng thẳng rất nhiều".
Thạc sỹ Luật này còn nhận định rằng ngoài khả năng về vùng nhận dạng phòng không, có thể Trung Quốc sẽ cho khai thác ở bãi Tư Chính.
“Với hành động và tham vọng của Trung Quốc thì khả năng những hành động như hạ đặt giàn khoan sẽ tiếp tục lặp lại,” ông Việt nói.
Ông cũng nói thêm là quan điểm của các đại biểu phía Trung Quốc tại hội thảo "cho thấy Trung Quốc không dễ dàng từ bỏ tham vọng của họ".
“Các học giả Trung Quốc diễn giải việc xây cất của họ là việc hoàn toàn hợp pháp của họ và tuân thủ luật pháp quốc tế,” ông nói. “Họ diễn giải luật quốc tế theo cách của họ.”
Tuy nhiên, ông cho rằng quan điểm của các học giả Trung Quốc "không được sự đồng tình" của học giả các nước khác tại hội nghị.
Triển vọng sắp tới?
Ông Việt dự đoán rằng nếu Trung Quốc tiếp tục có những hành động như thời gian vừa qua thì "có khả năng dẫn đến đối đầu quân sự".
Nhưng ông cho biết các học giả tại hội nghị "đều mong muốn các quốc gia nghĩ đến hòa bình và ổn định trên Biển Đông".
“Đối đầu quân sự dẫn đến thảm họa rất lớn,” ông nói. “Thế giới đang hướng tới sự hợp tác.”
“Mặc dù Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình luôn tuyên bố là không sử dụng vũ lực nhưng họ luôn luôn cam kết, cam kết rất nhiều với cộng đồng quốc tế nhưng hành động của họ lại khác,” ông nói thêm.
Cho nên với giải pháp cho tình hình hiện nay là "xây dựng lòng tin" thì theo ông Việt "nhiều nước đã mất lòng tin vào Trung Quốc".
“Biện pháp là xây dựng lòng tin mà cụ thể trước mắt là xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) nhưng đến nay triển vọng COC quá xa vời,” ông nói.
“Trung Quốc họ chưa đếm xỉa đến COC trong việc đàm phán.”
“Đề xuất giải pháp thì có nhưng thực hiện thế nào thì bế tắc,” ông nói thêm.
Về bài học rút ra cho Việt Nam, ông Việt cho rằng Việt Nam nên "nắm bắt tình hình quốc tế cũng như xu hướng vận động của trật tự quốc tế" vì môi trường quốc tế có "quan hệ rất lớn" đến các diễn biến trên Biển Đông.
“Công tác dự báo, công tác chuẩn bị cho bước kế tiếp rất quan trọng vì tranh chấp còn kéo dài lâu,” ông nói.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét